Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

LỜI ĐÁP CỦA NỮ GIỚI

Năm 1975, một kênh truyền hình Pháp đề nghị các nhà làm phim nữ làm một bộ phim 7 phút để trả lời cho câu hỏi: “Qu’est ce qu’ être femmes?” (Làm thế nào nhận biết sự hiện hữu của phụ nữ?). Ngay lập tức, nữ đạo diễn Agnès Varda (sinh năm 1928) liền thực hiện bộ phim ngắn Réponse de femmes: Notre corps, notre sexe (Lời đáp của nữ giới: Thân thể chúng tôi, giới tính chúng tôi) như để chinh phục một cách nghệ thuật “đề bài” hóc búa đã cho sẵn. Đó cũng là mục tiêu của chuỗi phim “Điện ảnh nữ” của chương trình VIDEO ART VIDEO của trung tâm DOCLAB tại Viện Goethe Hà Nội (58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) muốn truyền tải cho những người đang và sẽ thực hiện phim nghệ thuật tại Việt Nam.

Về mục đích, với dung lượng chưa đến 10 phút, bộ phim Lời đáp của nữ giới: Thân thể chúng tôi, giới tính chúng tôi khá giống như một đoạn phim quảng cáo đồ điện tử hoặc một đoạn phim tuyên truyền kiểu như kêu gọi người đời không nên hút thuốc lá. Đi tìm một hình thức biểu đạt thích hợp để “nhấn” những dấu hiệu chứng tỏ sự hiện hữu của giới nữ không phải là dễ. Cần lưu ý rằng: Quãng thời gian thập niên 1970, dư âm của cuộc cách mạng tình dục tháng 5-1968 vẫn còn tồn tại, phong trào nữ quyền đòi sự bình đẳng giữa nam và nữ lan khắp phương Tây nên rất dễ khiến đạo diễn rơi “cạm bẫy” là “ngoa dụ” về quyền năng phái nữ bằng một khẩu khí độc thoại, lên lớp và rao giảng. Đó là điều tối kị trong kiểu “phim tuyên truyền”. Đạo diễn Agnès Varda đã tỏ ra “cao tay” khi trả lời câu hỏi triết lí bằng những thủ pháp hiện đại và mới mẻ so với nghệ thuật điện ảnh những năm 1970.

Đầu tiên các nhân vật trong phim không phải là diễn viên chuyên nghiệp mà chỉ là người phụ nữ bình thường. Máy quay thường đặt cố định để những người phụ nữ trả lời trực tiếp trước ống kính khiến bộ phim đạt đến sự tự nhiên và tối giản. Tuy vẫn là phim có đóng diễn nhưng thoáng xem có cảm tưởng đây là phim tài liệu không đóng diễn khi những phụ nữ bình thường tự nói về 2 điểm khu biệt phụ nữ với đàn ông: thân thể và giới tính. Chính hai tiêu điểm này là mạch chính của bộ phim nối kết với các hình ảnh phi tuyến tính của một bộ phim không có cốt truyện và nhân vật chính từ sự phát triển thể chất và tâm sinh lí của phụ nữ theo thời gian.

Triết lí bộ phim được đẩy cao bởi những lời thoại đề thẳng trực tiếp đến sự bất công trong nhận thức xã hội dành cho phụ nữ bằng ví dụ từ đời sống vừa quen vừa lạ nhưng có sức lay động lớn. Chẳng hạn, một phụ nữ cho rằng việc lấy cơ thể phụ nữ so sánh với sự vững chải của bàn ghế trong một áp phích quảng cáo là một hành vi khiếm nhã, không văn minh. Tính trực tiếp cũng được triệt để khai thác với phương châm “chỉ vào trực tiếp sự vật” bằng những khung hình cận cảnh trực tiếp vào cơ thể phụ nữ nude để làm nổi bật vấn đề cơ thể và giới tính. Phong cách làm phim này khiến các nhà phê bình xếp Agnès Varda vào bậc tiền phong của trường phái Làn sóng mới Pháp cũng với các nhà làm phim và nhà văn đổi mới như Alain Resnais, Chris Marker, Marguerite Duras, Alain Robbe-Grillet…

Đổi mới về hình thức triệt để nhưng đạo diễn không quên nhiệm vụ đòi sự bình đẳng của phụ nữ khi để chính những người đàn ông-những người từ xưa đến nay bằng mọi cách định-nghĩa-phụ-nữ như cách lập thuyết của nhà nữ quyền Pháp Simone de Beauvoir (1908-1986) đã thay đổi nhận thức: “Cần phải thay đổi lại từ đầu”. Vậy là, một thể loại phim tưởng chừng như công thức và khuôn sáo lại được phát huy hiệu quả biểu đạt bằng một nghệ thuật điện ảnh bậc thầy. Bài học cho những người làm phim trẻ và khán giả Việt Nam là không có đề tài nào là không thể làm thực hiện và mọi chất liệu đều có hể trở thành nội dung có tính nghệ thuật nếu như có tài năng sáng tạo của những người sản xuất.

HÀM ĐAN