Hiển thị các bài đăng có nhãn culture. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn culture. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

THẾ GIỚI HOÀI NIỆM CỦA MARGUERITE DURAS

Nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras (Ma-ga-rít Đuy-rát, 1914-1996) là một trong số những nhà văn có tác phẩm được dịch sang tiếng Việt nhiều nhất. Sự ưu ái này chắc chắn không phải do tác phẩm của M. Đuy-rát dễ đọc như các tác phẩm ăn khách của “bà hoàng truyện trinh thám” A-gát Crít-xti hay nhà văn chuyên viết truyện diễm tình Quỳnh Dao. Phải chăng sự gần gũi với Việt Nam từ cuộc đời lẫn trong những trang sách đã khởi sự niềm hứng thú cho nhiều dịch giả chuyển ngữ tác phẩm của M. Đuy-rát sống lại trên quê hương thứ hai của bà? Việt Nam hay cụ thể là vùng đất Nam Bộ được xem là khởi nguồn thế giới văn chương đầy hoài niệm kéo dài hơn nửa thế kỷ với gần 50 tác phẩm của M. Đuy-rát. Thậm chí, giới nghiên cứu còn chứng minh sự lai chủng ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng Pháp trong văn bản của M. Đuy-rát…

     M. Đuy-rát sinh ngày 4-4-1914 tại Gia Định (TP Hồ Chí Minh ngày nay) khi bố mẹ bà đang làm trong ngành giáo dục Pháp ở Nam Kỳ. Cuộc sống thời thơ ấu của M. Đuy-rát ở Việt Nam không mấy hạnh phúc khi cha bà mất sớm, kinh tế gia đình chỉ trông vào đồng lương của người mẹ là hiệu trưởng một trường tiểu học ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Điều không may là số tiền dành dụm của gia đình lại mua phải một đồn điền hằng năm bị nước biển tràn lên phá hết hoa màu khiến cuộc sống gia đình càng thêm khốn khó. Sự bế tắc trong cuộc sống ở Đông Dương đã được M. Đuy-rát viết lại gần như là tự thuật qua tiểu thuyết “Đập ngăn Thái Bình Dương” (Lê Hồng Sâm dịch, NXB Văn học, 1997) in năm 1950. Đây là tác phẩm thứ ba của M. Đuy-rát nhưng là tác phẩm đầu tiên gây tiếng vang trên văn đàn Pháp, báo hiệu một tài năng sẽ còn tiến triển không ngừng. Trong tiểu thuyết “Đập ngăn Thái Bình Dương”, M. Đuy-rát đã tài tình dẫn dắt một cốt truyện đơn điệu trở nên vô cùng hấp dẫn bằng lối viết cổ điển, cùng với sự phân tích tâm lý nhân vật đa chiều.

     Lối viết tiểu thuyết cổ điển với nhân vật có tính cách rõ ràng trở lại ở cuối sự nghiệp của M. Đuy-rát với tiểu thuyết “Người tình” (Đình Kinh Hiệt dịch, NXB Trẻ, 1989) in năm 1984. Cuốn sách trở thành sách bán chạy toàn cầu và nhận giải Goncourt-giải thưởng văn chương cao quý nhất nước Pháp. Qua tiểu thuyết “Người tình”, M. Đuy-ra đã bất tử hóa mối tình ở tuổi 15 mãnh liệt, dị thường của bà với một người Hoa giàu có tên là Huỳnh Thủy Lê. Sự khác biệt về chủng tộc và giai cấp đã ngăn trở mối tình, M. Đuy-rát trở về Pháp sau khi tốt nghiệp tú tài; và từ đây, Đông Dương và tình yêu trở thành nỗi hoài niệm khôn nguôi trong tâm hồn M. Đuy-rát. Bây giờ ở Thị xã Sa Đéc, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vẫn còn đó, trở thành nới ghé thăm của nhiều du khách để hiểu thêm về một mối tình đã thành huyền thoại.

HÀM ĐAN

YÊU BIẾT BAO MÀU XANH ÁO LÍNH!

     Mấy chục năm trước, một bài thơ hay sẽ lan truyền nhanh chóng, nhiều người chép lại với nhiều dị bản khác nhau. Bởi lúc đó sách vở đâu có nhiều, chuyện chép nhầm câu chữ và đôi khi thiếu cả khổ thơ không phải là hiếm. Nhưng quan trọng, bài thơ đã được người đọc nơi nơi thay nhau chép sẽ in sâu trong trí nhớ lớp lớp người đọc tận sau này. Như trường hợp bài thơ “Chiếc áo màu xanh” của Đại tá, nhà thơ Lê Văn Vọng thì mỗi người đọc nhớ một bản khác nhau, không đúng với bản gốc. Bài thơ cũng không nhắc đến một địa danh, mốc sự kiện cụ thể nào để người đọc mường tượng xuất xứ và cảm hứng để nhà thơ sáng tác bài thơ nổi tiếng. Đó là lý do thôi thúc chúng tôi tìm đến nhà riêng của nhà thơ Lê Văn Vọng trong ngõ nhỏ trên phố Dương Quảng Hàm (Hà Nội) để được nghe ông kể về bài thơ của mình.

     Nhà thơ Lê Văn Vọng kể: Bài thơ “Chiếc áo màu xanh” ra đời vào tháng 7-1975, khi đó nhà thơ Lê Văn Vọng đang công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng, hòa vào đoàn quân áo xanh tiếp quản Sài Gòn. Đa phần người dân Sài Gòn đều có thiện cảm với người lính cách mạng, bắt chuyện với nhau trên đường phố hết sức thoải mái. Nhưng cũng có người chưa hiểu rõ về những người lính cách mạng do ảnh hưởng tuyên truyền tâm lý chiến của địch kiểu như: Việt Cộng không có quân phục và hoang dã “răng đen mã tấu dép râu” hoặc quái dị hơn là "bảy thằng Việt Cộng leo cây đu đủ không gãy" (!). Thực tế trước mắt lại khác hẳn! Xuất hiện trên đường phố Sài Gòn là những người lính khỏe mạnh, đẹp trai, hiền lành và nổi bật là bộ quân phục màu xanh giản dị. Bộ quân phục của những người lính cách mạng không hầm hố như quân phục lính ngụy và cũng không góc cạnh như quân phục lính Mỹ. Người dân Sài Gòn thấy lạ lùng, khát khao được tìm hiểu những người lính cách mạng. Không khí chung đó đã nhen nhóm ý tưởng sáng tạo cho nhà thơ Lê Văn Vọng, nhưng cảm hứng trực tiếp để bài thơ “Chiếc áo màu xanh” ra đời lại xuất phát từ một hoàn cảnh cụ thể. Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng đóng trụ sở ở hai ngôi nhà liền kề trong một con hẻm trên đường Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ), đối diện đó là nhà dân. Nhà thơ Lê Văn Vọng nhìn sang và thấy cô gái trẻ ở ngôi nhà đối diện. Ông đoán cô gái vẫn còn đi học vì hằng ngày vẫn thấy cô diện tà áo dài trắng trong đi về trên chiếc xe đạp, cặp sách để ở giỏ xe trông thật dễ thương. Sự xuất hiện của cánh lính trẻ ở nhà đối diện khiến cô gái để ý. Nhìn thấy anh bộ đội là cô gái thoáng e lệ và lộ cả vẻ tò mò. Nhưng rồi không ai dám mở lời, cho tới khi Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng chuyển đi nơi khác. Nhà thơ biết rằng, cả hai bên sẽ hụt hẫng khi không còn nhìn thấy nhau bởi vẫn còn lưu luyến trong lòng, dù không giải thích được đó là thứ tình cảm gì. Chính bởi sự im lặng và hụt hẫng đó mà bài thơ “Chiếc áo màu xanh” đã được nhà thơ Lê Văn Vọng sáng tác rất nhanh, chỉ trong một đêm. Không lâu sau bài thơ được đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội.

     Dù đã viết 13 đầu sách và giành được nhiều giải thưởng văn học của địa phương, Bộ Quốc phòng…, nhưng hễ nhắc đến nhà thơ Lê Văn Vọng là người yêu thơ nghĩ ngay đến bài thơ “Chiếc áo màu xanh”. Bài thơ từ khi ra đời đã được người đọc trong và ngoài quân đội yêu thích và được phổ nhạc; với nhà thơ Lê Văn Vọng, đó là phần thưởng quý giá nhất.

   Có một kỷ niệm đáng nhớ với nhà thơ Lê Văn Vọng hồi Tết Kỷ Sửu 2009, một số quân nhân cùng công tác với vợ nhà thơ ở Phòng Hậu phương quân đội, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị đến chúc Tết gia đình. Cuộc hội ngộ đầu xuân đã trở thành buổi đàm đạo về bài thơ “Chiếc áo màu xanh”. Mỗi đồng chí đã thay nhau đọc từng đoạn thơ trong bài thơ, và họ thú thật đã thích bài thơ từ hồi còn là anh lính trẻ. Chỉ có thơ hay người ta mới nhớ lâu được như thế! Nhưng giải thích sức hấp dẫn đặc biệt của bài thơ “Chiếc áo màu xanh” đối với nhiều thế hệ chiến sĩ thì quả không dễ, ngay cả đối với nhà thơ Lê Văn Vọng.

     Bản thân vẻ đẹp đơn sơ và cuộc đời chiến đấu gian khổ của người chiến sĩ đã hấp dẫn người đọc mà ý tứ bài thơ gợi nên. Nhưng nếu không khéo tìm ra cách diễn đạt thích hợp, có thể bài thơ sẽ thiếu tính thuyết phục. Sự tinh tế của bài thơ “Chiếc áo màu xanh” là nhà thơ đã mượn hình ảnh chiếc áo quân phục bình dị để làm biểu tượng cho cuộc đời chiến đấu và tâm hồn người lính. Cao tay hơn, nhà thơ Lê Văn Vọng không dùng “điểm nhìn” của một người chiến sĩ tự khen về áo xanh của mình và đồng đội; thay vào đó là tâm sự của một cô gái không quen biết. Chính giọng điệu trữ tình tự sự của bài thơ khiến nhiều người nghĩ bài thơ “Chiếc áo màu xanh” là thơ tình yêu. Thực ra bài thơ chỉ đề cập đến một thứ tình cảm quý mến nhau, chưa tới ngưỡng của tình yêu. Đây cũng là điểm khác lạ của bài thơ khi nhà thơ đã làm hữu hình hóa tình cảm thầm kín vô hình theo kiểu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” của cô gái với người chiến sĩ.

     Trước khi tiễn chúng tôi ra về, nhà thơ Lê Văn Vọng còn gửi gắm một tâm sự: Đề tài người chiến sĩ không bao giờ nhàm chán, vấn đề nằm ở cách thể hiện mà thôi! Gần 40 năm trước, bài thơ “Chiếc áo màu xanh” đã ra đời làm lay động bao trái tim người đọc, để họ phải thốt lên: Yêu biết bao màu xanh áo lính! Để có thể chinh phục người đọc hôm nay về một đề tài người lính quen thuộc quả là khó, nhưng tìm cách diễn đạt mới mẻ có lẽ là “con đường sáng” mà nhà thơ Lê Văn Vọng gợi ý từ bài thơ “Chiếc áo màu xanh”.
HÀM ĐAN

Chiếc áo màu xanh


Nghe nhiều rồi bây giờ mới thấy đây
chiếc áo anh mang màu xanh của lá
khi mặc vào trông anh hiền quá
sớm lại chiều em cứ muốn nhìn thôi.

Hôm anh phơi chiếc áo tầng hai
thấy trời sắp mưa mà em sốt ruột
em muốn sang nhưng cầu chưa bắc
muốn cất áo cho anh lại sợ người ngoài.

Dãy nhà bên kia, dãy nhà bên này
chỉ cách nhau một con đường nhỏ
nhà em rộng sao anh không ở
để bây giờ em cất áo cho anh

Đôi chân anh đã đi bao miền
mà đế dép vẹt mòn đá sỏi.
ai thương anh, áo may đẹp vậy,
cây nghĩ gì, mà màu áo nhường cho?

Ở những nơi các anh đi qua
màu áo ấy đã thành kỷ niệm
các cô gái mỗi khi nhắc đến
lại gục vào vai nhau để giấu nụ cười.

Thành phố hôm nay say trong biển người
cái thế giới của âm thanh, màu sắc
màu áo đó giữa muôn ngàn ánh mắt
đứng chỗ nào cũng dễ nhận ra.

Mong áo màu xanh đã bao năm rồi
cái áo màu xanh thân thương giản dị
em cứ để nó hoài trong ý nghĩ
cả nụ cười làm đỏ vành tai.

Và bao điều em chẳng nói cho ai
cả chuyện trời mưa định sang cất áo
mà hôm nay đến trường con bạn em nó bảo
trong mắt mày có chiếc áo màu xanh.
LÊ VĂN VỌNG

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2012: LỰA CHỌN AN TOÀN

Như tin đã đưa, Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố các tác phẩm văn học đoạt giải năm 2012. Ngay sau đó, hai nhà văn là Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam đã từ chối bằng khen ở hạng mục văn xuôi. Gạt bỏ đi những điều tiếng vốn chẳng lạ của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, vậy chất lượng các tác phẩm được vinh danh năm nay có thực sự xứng đáng?

1. Nếu cần một nhận xét chung, có thể thấy rằng các tác phẩm đoạt giải thưởng năm nay là hoàn toàn xứng đáng, đều là những tác phẩm đáng chú ý nhất trong năm qua.

Ở hạng mục văn xuôi, tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng” (NXB Trẻ) đánh dấu sự trở lại của nữ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ; và sự trở lại này thật sự ấn tượng. Đây là tập truyện ngắn mẫu mực cho nghệ thuật xây dựng truyện ngắn. Bên cạnh những truyện ngắn theo hình thức cổ điển là phép cộng của một chuỗi tình tiết na ná tiểu thuyết, thể hiện tham vọng của nhà văn muốn thâu tóm càng nhiều chất liệu hiện thực, càng muốn đưa ra nhiều tầng nghĩa trong một dung lượng hạn chế; Nguyễn Thị Thu Huệ còn viết những ngắn hiện đại không hề có biến cố nhưng sức gợi và độ mở là đáng kể. Kiểu truyện ngắn này không nhiều nhà văn ở Việt nam có thể viết thuần thục vì đòi sự tập trung, dồn nén, soi chiếu của các tình tiết trong truyện ngắn.

Cũng ấn tượng với sự mới mẻ là tiểu thuyết “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” (NXB Trẻ) của nhà văn Y Ban. Ai cũng biết, tiểu thuyết muốn “sống” được cần phải dựa trên một hình thức tương thích với chất liệu mà tiểu thuyết sử dụng. Về cơ bản, hình thức thư từ được Y Ban chọn là phù hợp nhưng giọng điệu và các tình tiết vẫn chưa thực sự mới hơn so với các tập truyện ngắn “I am đàn bà” (NXB Công an nhân dân, 2006). Nhưng suy cho cùng, “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” là bước tiến mới của riêng Y Ban trong quá trình thể nghiệm tiểu thuyết.

Giải thương năm nay, thơ “bội thu” khi có tới ba tác phẩm được trao giải và hai tập thơ được bằng khen. Về cơ bản, các tập thơ này đều viết theo thi pháp cổ điển, không có những các tân về hình thức như các tập thơ đình đám vài năm trước như: “Lô lô” (NXB Hội Nhà văn, 2005) của Ly Hoàng Ly hay “Chữ cái” (NXB Phụ nữ, 2007 ) của Từ Huy... Song, các tập thơ đều ẩn chứa chất suy tư, triết luận như: “Ở giữa sấm chớp và mưa giăng/ tôi nghe thì thầm/ tiếng giữa chuyển dạ và sinh nở” (Bài thơ “Tiếng thì thầm” trong tập “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng), “Sự nhạt thường hay có thú vui hàng xén/ bán lẻ một cái nhìn/ mặc cả một ngày mai ảo ảnh” (Bài thơ “Tốc ký về sự nhạt” trong tập “Màu tự do của đất” của Trần Quang Quý)...

Đáng chú ý là trường ca “Trường ca chân đất” (NXB Hội Nhà văn) của nhà thơ Thanh Thảo. Ông vẫn chứng tỏ tài năng của mình ở thể loại sở trường bắt đầu từ trường ca “Những người đi tới biển” (NXB Quân đội nhân dân, 1977). “Trường ca chân đất” không chỉ có cấu trúc chặt chẽ mà điểm ấn tượng của trường ca này là tính tư tưởng sâu sắc khi viết nhân dân nói chung-đó là những con người vô danh làm nên lịch sử và giữ gìn hình hài Tổ quốc vẹn nguyên. Bên cạnh những câu thơ cả giọng, vẫn xuất hiện những câu thơ trữ tình đáng nhớ: “Bùn ruộng là tôi/ thuở mẹ cho con bú/ bầu vú thoảng mùi gốc rạ”.

Nếu giải thưởng hàng năm có nhiệm vụ vinh danh các tác phẩm đáng chú ý trong một năm thì Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012 đã hoàn thành sứ mệnh của mình, chí ít ở hạng mục văn xuôi và thơ.

2. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012 còn đôi chút bất thường và gây băn khoan cho dư luận ở việc không trao bất cứ giải thưởng hay bằng khen nào cho hạng mục dịch thuật.

Chưa bao giờ như bây giờ, dịch thuật văn học lại bùng nổ khi các đầu sách dịch áp đảo trên thị trường, với sự góp mặt của các tác giả kinh điển cho đến các nhà văn ít tên tuổi. Lẽ ra, cái khó của giải thưởng là băn khoăn lựa chọn một vài giữa vô vàn dịch phẩm để trao giải chứ không phải bỏ trống! Có thể đơn cử hai ứng cử viên nặng ký cho hạng mục dịch thuật để trao giải là tiểu thuyết “Hiệp sĩ không hiện hữu” (NXB Văn học và Nhã Nam) của nhà văn I-ta-li-a I-ta-lô Ca-vi-nô do Vũ Ngọc Thăng dịch và bộ tiểu thuyết “Nông dân” (NXB Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây) của nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel 1924 Va-đi-xlát Rây-môn do Nguyễn Văn Thái dịch. Hai tác phẩm được dịch đều là những kiệt tác của văn chương thế giới và đều được viết bằng những “ngoại ngữ hiếm” mà ở Việt Nam rất ít người có thể dịch được. Thêm vào đó, cả hai dịch giả đều nhiều năm sống ở bản xứ vì thế họ không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn am tường văn hóa nước sở tại nên dịch sẽ có lợi thế hơn các dịch giả khác.

Còn nhớ vào ngày 10-8-2012, Hội đồng văn học dịch thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch hiện nay” để bàn về những vấn đề “bếp núc” dịch thuật đang “nóng” ở thời điểm đó và định hướng những việc phải làm để dịch văn học phát triển. Thôi thì những việc vĩ mô cần kinh phí và thời gian để thực hiện, nhưng những việc nhỏ ở trong tầm tay của Hội như việc trao giải cho dịch thuật là cần thiết, tránh tình trạng “nói không đi đôi với làm”. Ai cũng biết không dịch giả nào sống bằng nghề mà dịch là một thú vui. Việc trao giải thưởng cho các tác phẩm dịch đích đáng không chỉ nâng cao vị thế của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, mà còn động viên công việc thầm lặng của các dịch giả.

Riêng về hạng mục lý luận-phê bình văn học việc trao giải cho tập tiểu luận phê bình “Đa cực và điểm đến” (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Văn Chinh, chứng tỏ việc hướng đến vinh danh một tác phẩm khá hiền lành. Đành rằng, cuốn sách không hề tồi nếu xét theo tiêu chí là cuốn sách phê bình văn học theo phương pháp phê bình ấn tượng của nghệ sĩ. Trong vai trò người trong nghề và quen biết nhiều nhà văn, Văn Chinh không chỉ giỏi ở việc nắm bắt các chi tiết trong đời sống và viết lách của các nhà văn mà ông còn có khả năng nhận xét tác phẩm sắc sảo, kể cả những tác phẩm viết theo khuynh hướng hậu hiện đại. Tuy nhiên, lối phê bình của Văn Chinh không phải quá hiếm người đã làm được như Trần Đăng Khoa trong “Chân dung và đối thoại” (NXB Thanh niên, 1998) và trong tương lai chắc chắn sẽ có nhà văn khác thực hiện cuốn sách tương tự như “Đa cực và điểm đến”. Lẽ ra trong bối cảnh phê bình văn học Việt Nam cần tránh lối phê bình cảm tính làm nhiễu loạn các giá trị văn học, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cần hướng đến việc vinh danh những tác phẩm lý luận phê bình vận dụng các phương pháp nghiên cứu để lý giải tác phẩm theo chiều sâu, một cách thuyết phục.

Trong nhiều tiêu chí của một giải thưởng văn học thường có việc trao giải cho những tác phẩm có dấu hiệu đổi mới. Nhiều năm qua, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về cơ bản đều đi theo hướng lựa chọn an toàn khi trao giải cho những tác phẩm có lối viết cũ khiến tầm ảnh hưởng của giải thưởng không lan rộng. Trao giải cho những tác phẩm cách tân là điều người đọc chờ đợi ở sự mới mẻ của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam những lần sau.


BOX:

Kết quả Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012: Ở thể loại văn xuôi, giải thưởng duy nhất trao cho tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng” của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ; trao bằng khen cho tiểu thuyết “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” của nhà văn Y Ban và tiểu thuyết "Thế kỷ bị mất” của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam. Ba tác phẩm thơ đoạt giải thưởng là “Trường ca chân đất” của nhà thơ Thanh Thảo, “Màu tự do của đất” của nhà thơ Trần Quang Quý và “Giờ thứ 25” của nhà thơ Phạm Đương; 2 tập thơ được bằng khen là “Hoa hoàng đàn nở muộn” của nhà thơ Khuất Bình Nguyên và “Chất vấn thói quen” của nhà thơ Phan Hoàng. Ở lĩnh vực lý luận-phê bình văn học, giải thưởng thuộc về tác phẩm “Đa cực và điểm đến” của nhà văn Văn Chinh. Năm nay không trao giải thưởng cho tác phẩm dịch nào. Lễ trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012 và kết nạp hội viên năm 2012 sẽ tổ chức vào ngày 29-1 tại Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam (275 Âu Cơ, Hà Nội).

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

TẬN DỤNG MẶT TÍCH CỰC CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Mới đây, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí”. Hội thảo không chỉ nhìn nhận hiện trạng và tầm quan trọng của truyền thông xã hội, mà còn phân tích sâu tác động hai chiều giữa truyền thông xã hội với tác nghiệp báo chí.

“Đặc khu thông tin”

Truyền thông xã hội (Social media) là cách thức truyền thông, trong đó thể hiện sự tương tác thông tin đa chiều trực tuyến giữa những đối tượng tham gia trên môi trường internet. Tới nay, truyền thông xã hội đang được thể hiện dưới hình thức của mạng xã hội giao lưu chia sẻ thông tin cá nhân (Facebook, Blogspot...) hay các trang web chia sẻ (Youtube, Flickr...).

     Chỉ tính riêng mạng xã hội Facebook, số người sử dụng đã trên 1 tỷ người, suy ra nếu Facebook là một quốc gia sẽ có số dân đứng thứ 2 thế giới. Ở Việt Nam, tính đến tháng 7-2012, có 263 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động, tăng 112 mạng so với cuối năm 2011. Điều này cho thấy rằng, xu hướng phát triển nhanh về số lượng của các mạng xã hội trong nước.

     Chính điều này đã khiến truyền thông xã hội cạnh tranh với các phương tiện truyền thông đại chúng về số lượng người xem và quảng cáo. Ông Lưu Đình Phúc (Trưởng phòng quản lý báo chí Trung ương, Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông) còn chỉ ra thêm những tác động của truyền thông xã hội tới riêng báo chí Việt Nam hiện nay đó là: Làm tăng tính tương tác giữa báo chí và công chúng, tạo kênh phân phối mới trên mạng internet, tạo sự đa dạng về nguồn thông tin tham khảo cho báo chí, giúp nắm bắt thị hiếu bạn đọc để điều chỉnh nội dung bài viết, giám sát nội dung thông qua các bình luận, sức lan tỏa nhanh có tác dụng truyền thông lớn...

     Với vai trò ngày một nâng cao, nhiều người không ngần ngại gọi truyền thông xã hội như một “đặc khu thông tin”. Tất nhiên, truyền thông xã hội không chỉ có mỗi mặt tích cực mà còn có những mặt tiêu cực đó là: Truyền thông xã hội có nhiều thông tin sai lệch thiếu thực chứng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, đi đầu và kéo báo chí chính thống lao vào những vấn đề nhạy cảm hoặc xâm phạm cá nhân…

Vấn đề đặt ra cho cơ quan quản lý thông tin truyền thông là không thể xóa bỏ hoàn toàn mà chỉ là hạn chế tối đa mặt xấu của truyền thông xã hội; đồng thời cần tận dụng truyền thông xã hội cho các mục đích tốt đẹp.

Hợp tác để cùng tồn tại

Mặc dù truyền thông xã hội đang lớn mạnh và cạnh tranh với báo chí nhưng các chuyên gia báo chí truyền thông tin rằng nếu biết hợp tác để cùng tồn tại thì cả truyền thông xã hội và báo chí sẽ cùng được hưởng lợi.

PGS, TS Đoàn Thế Hanh (Tạp chí Cộng sản) cho rằng: Lợi ích lớn nhất là càng ngày truyền thông xã hội sẽ là nguồn cung cấp thông tin, đề tài rộng rãi cho các nhà báo. Một địa điểm đẹp, một món ăn lạ, một biến cố đang xảy ra... ngay lập tức sẽ có những người sử dụng truyền thông xã hội chia sẻ cho bạn bè. Nhà báo nào biết được thông tin và nhanh nhạy lần theo thông tin sẽ đi trước các nhà báo khác, chiếm ưu thế trong cuộc đua tìm tin tức, đặc biệt là “tin độc”. Vô hình trung, những người sử dụng truyền thông xã hội sẽ là “cộng tác viên không lương” của các nhà báo. Truyền thông xã hội cũng có vai trò quan trọng khi quảng bá thông tin báo chí rộng rãi theo cấp số nhân, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu của của một cơ quan báo chí cụ thể. Và nhân đây báo chí cũng có thể thăm dò dư luận về một vấn đề nào đó thông qua truyền thông xã hội.

Bên cạnh những thông tin lạ và “nóng”, trên truyền thông xã hội cũng tràn ngập các tin tức hoàn toàn không rõ nguồn gốc. Chính vì vậy, báo chí phải tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng và “chính thống hóa” thông tin của truyền thông xã hội. Qua đó, báo chí góp phần định hướng thông tin trên mạng xã hội.

     Để mối quan hệ hai chiều giữa truyền thông xã hội với báo chí phát triển một cách tích cực, các nhà quản lý thông tin truyền thông đề xuất cần sửa đổi Nghị định 97/CP và đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; chính sách thuế đối với cơ quan báo chí. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng truyền thông xã hội và phóng viên các cơ quan báo chí về nâng cao trách nhiệm, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp. Tránh tình trạng người sử dụng truyền thông xã hội phát biểu và đưa thông tin thiếu tính xây dựng, bịa đặt với mục đích xấu; riêng với nhà báo là tình trạng lười biếng ỷ lại vào truyền thông xã hội, đưa tin sai sự thật do dựa theo nguồn tin từ truyền thông xã hội chưa được kiểm chứng.

Một trong những kế hoạch được chú trọng trong thời gian tới là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của một số hành vi vi phạm pháp luật trên truyền thông xã hội. Và đặc biệt là cần xây dựng kế hoạch đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền sai trái một cách cụ thể, có trọng tâm trọng điểm.

Trong một cuộc hội thảo đương nhiên không thể cùng một lúc đưa ra mọi giải pháp đúng đắn cho một vấn đề phức tạp và đang phát triển như vấn đề thông tin trên truyền thông xã hội tác động lên báo chí. Nhưng chí ít, hội thảo này đã gợi mở cho các cơ quan chức năng nhận ra tầm quan trọng của truyền thông xã hội và qua đó cần bám sát thực tiễn để đưa ra những chính sách vĩ mô nhằm tận dụng mặt tích cực của truyền thông xã hội.

LINH THIÊN

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

ĐỀ ÁN XÂY DỰNG BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM: CẦN SỚM HOÀN THIỆN HƠN



Như tin đã đưa, ngày 3-1 vừa qua, Tổng cục Chính trị đã tổ chức Hội thảo Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại địa điểm mới. Đề án đã nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng vẫn còn đó nhiều điểm cần cân nhắc, bổ sung để Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xứng tầm lịch sử giữ nước vĩ đại của dân tộc; đồng thời hướng đến mục tiêu là bảo tàng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của của du khách trong và ngoài nước.

Yêu cầu hiện đại hóa cấp bách

Trong xu thế hiện đại hóa bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bộc lộ một số bất cập, chưa phản ánh đầy đủ và ngang tầm với lịch sử quân sự của dân tộc; phương tiện trang thiết bị trưng bày cũ kỹ, hệ thống trưng bày trong và ngoài trời lạc hậu theo phương pháp cách đây nửa thế kỷ. Thêm vào đó, kiến trúc tòa nhà cũng như khuôn viên bảo tàng chưa tương xứng với một bảo tàng quốc gia. Cho nên, yêu cầu xây mới và hiện đại hóa Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực sự cấp bách.

Sau một thời gian dài chuẩn bị, Đề cương chính trị Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt vào ngày 11-4-2012. Trên cơ sở quyết định này, Tổng cục Chính trị xây dựng Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xây dựng mới sẽ giới thiệu xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển của lịch sử quân sự Việt Nam. Đó sẽ một công trình tổng hợp, đa năng, đặc biệt quan trọng, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và quốc gia như chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Hiện nay, một số bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng địa phương như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Đắc Lắc, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam... đã và đang tiến hành xây dựng, cải tạo theo hướng hiện đại với sự hợp tác quốc tế, bước đầu tiếp cận và có những đổi mới trong phương pháp trưng bày, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong bảo quản, lưu trữ, thông tin nhằm phát huy chức năng giáo dục của bảo tàng. Đây là cơ sở quan trọng để Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam học hỏi kinh nghiệm phục vụ cho Dự án.

Nhiều điểm mới trong nội dung trưng bày và thiết kế

Phần III của Đề án là “Cấu trúc nội dung trưng bày” được xem là quan trọng nhất vì chỉ khi đưa ra một mô hình cấu trúc nội dung trưng bày mới có thể quyết định hình thức bảo tàng với những phương án thiết kế, quy hoạch, kiến trúc.

Trong dự thảo Đề án, có thể dễ dàng nhận ra nhiều điểm mới trong nội dung trưng bày. Ngoài việc trưng bày theo tiến trình lịch sử gồm 7 chủ đề còn có thêm trưng bày các chuyên ngành quân sự với 17 chuyên ngành và trưng bày 9 chuyên đề và sưu tập. Trong số 9 chuyên đề và sưu tập có những nội dung hứa hẹn hấp dẫn người xem như: “Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương”, “Nghĩa tình đồng đội”, “Thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”, “Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến”.... Mới mẻ nhất là việc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ có không gian khám phá sáng tạo và tương tác. Nội dung hoạt động của không gian khám phá, sáng tạo tương tác sẽ hướng đến giới trẻ bao gồm: Trình diễn, thực hành, trải nghiệm, sáng tạo... các nội dung gắn liền với các hoạt động quân sự trong lịch sử dân tộc; thông qua các trang thiết bị hiện đại.

Các chuyên gia còn đánh giá cao tầm nhìn của Ban nghiên cứu xây dựng Đề án đã có nhận thức mới là muốn Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ làm nhiệm vụ bảo tàng thuần túy mà còn là công trình mang tính thẩm mỹ kiến trúc và thân thiện với môi trường. Việc thiết kế quy hoạch, kiến trúc và kỹ thuật cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hẳn sẽ là bài toán khó cho các công ty thiết kế trong và ngoài nước vì yêu cầu đặt ra rất cao như: Thiết kế đảm bảo an toàn cho hiện vật và cho hoạt động của bảo tàng, sử dụng công nghệ xanh, giảm tối đa năng lượng trong vận hành, kiến trúc công trình phải phù hợp với bố cục không gian khu vực đóng quân của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có diện tích 74,3 héc-ta và phù hợp với cảnh quan khu vực khi phía trước là Đại lộ Thăng Long...
   
Nhiều đóng góp quý báu

Tại cuộc Hội thảo, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đóng góp ý kiến cho Đề án bằng việc nhấn mạnh về việc thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phải mang bản sắc dân tộc và hình ảnh truyền thống quân sự Việt Nam; tránh tình trạng lai căng bắt chước thiết kế các bảo tàng khác nhìn thì hiện đại nhưng thực sự không có gì mới mẻ. Đại tướng Phạm Văn Trà cũng cho rằng, cần đầu tư kinh phí mua hiện vật gốc như máy bay B-52 mới tăng giá trị trưng bày.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đưa ra ý kiến mang tính vĩ mô cho Đề án đó là: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phải làm cho du khách tự giải đáp được câu hỏi vì sao một dân tộc đất không rộng người không, vũ khí thô sơ như dân tộc Việt Nam lại đánh bại được hai quân đội hùng mạnh nhất nhì thế giới là Pháp và Mỹ trong thế kỷ XX. Đồng thời, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần tăng cường công tác nghiên cứu, thu nhập các hiện vật và khai thác tư liệu từ các nhân chứng lịch sử.

GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia lại băn khoăn với cấu trúc nội dung trưng bày đó là: Không nên trưng bày các chuyên ngành quân sự theo đơn vị hành chính hoặc theo các quân, binh chủng vì cách làm này khá cũ, đi ngược lại xu thế trưng bày của các bảo tàng hiện đại. Ông cũng lo ngại việc trưng bày 9 chuyên nghề và sưu tập sẽ dễ bị trùng lặp với 17 chuyên đề theo tiến trình lịch sử. GS-TSKH Lưu Trần Tiêu gợi ý, việc thiết kế bảo tàng cần mời các đơn vị tư vấn và thiết kế nước ngoài vì kinh nghiệm và trình độ hơn hẳn các đơn vị trong nước. Ông cũng cho rằng, việc thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần hiện đại, mang tính mở chứ không nên để các không gian trưng bày quá khép kín. Các ý kiến của GS-TSKH Lưu Trần Tiêu nhận được sự đồng tình của các chuyên gia, có ý kiến còn cho rằng: Nếu không biết chọn lọc, sắp xếp nội dung hợp lý và độc đáo thì một số nội dung trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ trùng với nội dung với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam...              

Một lo ngại mà các chuyên gia nhắc đến là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ mất đi lượng khách lớn (nhất là người nước ngoài) vốn tập trung thăm thú ở khu vực Phố cổ Hà Nội sau khi chuyển khỏi “địa chỉ vàng” 28A Điện Biên Phủ đến địa điểm mới tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Lúc này, ngoài việc nội dung trưng bày thú vị và thiết kế công trình thân thiện, công tác quảng bá cần cần chuyên nghiệp hơn nữa và cần học hỏi kinh nghiệm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi bảo tàng này vẫn đông khách dù nằm ở tận quận Cầu Giấy.

Kết luận tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã cảm ơn những đóng góp quý báu của các tướng lĩnh, các chuyên gia và nhà khoa học để Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hoàn thiện hơn. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tiếp tục tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa nội hoàn chỉnh trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.

BOX:

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xây mới trên diện tích 39 héc-ta và sẽ sáp nhập các bảo tàng quân đội ở Hà Nội và Bảo tàng Hải quân. Tổng mức đầu tư của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là khoảng 6.004 tỷ đồng (tương đương 55 triệu đồng/1 mét vuông). Nhiệm vụ kế hoạch chính năm 2013 của Dự án là: Xây dựng Đề cương chi tiết nội dung và hình thức trưng bày, triển khai các thủ tục và tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc, lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Giai đoạn xây dựng công trình sẽ diễn ra từ năm 2014 đến năm 2017 và từ năm 2018 đến 2020 sẽ là giai đoạn tổ chức trưng bày và khánh thành bảo tàng.   

HÀM ĐAN



Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

MÃI LÀ MIỀN THƯƠNG NHỚ

Mấy năm trước, chương trình “Con đường âm nhạc” dành riêng cho nhạc sĩ Phú Quang được mở đầu bằng thước phim đen trắng ghi hình những bậc cầu thang trong một ngôi nhà cũ. Người xem chắc chỉ nghĩ đó cách dẫn nhập thông minh của những người làm truyền hình, để gợi nhớ lại ký ức tuổi thơ của người nhạc sĩ đã viết nhiều bài hát tài hoa về Hà Nội. Nhưng, đằng sau những hình ảnh hoài cổ, lãng mạn đó, là một ký ức đau buồn của 40 năm về trước mà suốt đời nhạc sĩ Phú Quang chẳng thể nào quên...

Vào cái đêm định mệnh 26-12-1972, phố Khâm Thiên bị bom B-52 san phẳng, cướp đi sinh mệnh của 287 người. Sau này khi phố Khâm Thiên tái thiết, đã dành mảnh đất là nền cũ của ba nhà số lẻ 47-49-51 để xây dựng Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Ngôi nhà số 51 để lại một hình tượng bất tử. Người mẹ khi đó đang chui vào gầm cầu thang để cứu con và hai mẹ con đã chết trong tư thế ôm nhau che chở. Đó là nguyên mẫu để nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự sáng tạo bức tượng nổi tiếng người mẹ hai tay bế đứa con đã chết hiện đặt trong khuôn viên Đài tưởng niệm.

Ngôi nhà số 49 là của gia đình nhạc sĩ Phú Quang, rất may mắn không có thiệt hại về người. Nhưng qua cái đêm nghiệt ngã đó, người nhạc sĩ tương lai mới 23 tuổi vĩnh viễn mất đi sự hồn nhiên trong tâm hồn mình. 40 năm sau, ông vẫn nhớ như in hình ảnh bà cụ duy nhất sống sót ở ngôi nhà số 47, trên tay vẫn cầm nửa viên gạch vỡ và nhìn vô hồn khi người ta lần lượt đưa 26 xác con cháu của bà ra khỏi đống đổ nát. Và còn đó, câu chuyện về người bạn thân của nhạc sĩ Phú Quang, trong đêm tối đi tìm ông và chẳng may trúng bom... Gần 2 tuần sau, ông mới tìm thấy xác người bạn trong tình trạng y hệt đã được người bạn báo mộng.

Những câu chuyện từ đêm 26 đầy đau thương, liêu trai ở Khâm Thiên chẳng bao giờ được Phú Quang đề cập trực tiếp trong các bài hát của mình. Nhưng, kỷ niệm đã là vết thương sẽ lặn vào trong tiềm thức chỉ chờ có giây phút thăng hoa.... 13 năm sau mùa đông tang thương 1972, nhạc sĩ Phú Quang sau khi nghe bài bài thơ “Hà Nội phố” của nhà thơ Phan Vũ, đã lựa chọn những câu thơ hay nhất làm lời ca cho bài hát bất hủ “Em ơi, Hà Nội phố!”

“Em ơi, Hà Nội phố!” đã được rất nhiều ca sĩ đã thể hiện thành công. Song, có lẽ giống như nghe Trịnh Công Sơn hát nhạc Trịnh, phải nghe chính Phú Quang hát “Em ơi, Hà Nội phố!” mới ngấm được tất cả chất trữ tình, u buồn và hoài nhớ. Và, cũng chẳng có khoảnh khắc nào đặc biệt hơn khi nghe Phú Quang hát trên nền nhà cũ như đêm 16-12 trong chương trình cầu truyền hình “Bản hùng ca Hà Nội”. Không có một ca sĩ nào có thể bắt chước phong thái tự nhiên của Phú Quang khi trở về mái nhà xưa và cất tiếng hát: Khuôn mặt ông đầy xa vắng, như thoát ly thực tại sân khấu sáng đèn để sống lại cùng những những kỷ niệm xót xa...

“Em ơi, Hà Nội phố!” mở đầu cho nhịp điệu “rất Phú Quang” ở các bài hát sau này. Tất cả đều là “Andantino” (hơi chậm)! Nhưng “Em ơi, Hà Nội phố!” đáng nhớ bởi lời ca đẹp và buồn. Đại từ “em” trong thơ Phan Vũ được giới nghệ sĩ đồn đại là một nàng thơ-một nữ nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng. Với Phú Quang, “em” không phải là một con người cụ thể mà là vô hình của “mùi hoàng lan”, là “mái ngói xô nghiêng” đẹp cổ kính và hơn cả linh hồn văn hóa Hà Nội hào hoa, giúp người Hà Nội đứng vững và đứng dậy trước sự hủy diệt của bom đạn.

Bức tượng ở Đài tượng niệm Khâm Thiên sẽ mãi đứng đó để nhắc nhở thế hệ hậu chiến về một thời Thủ đô anh hùng ở tuyến đấu chống giặc ngoại xâm. Với Phú Quang, ông cũng đã để lại một tượng đài âm nhạc “Em ơi, hà Nội phố!” có sức lay động triệu con tim nhắc nhở một thời máu và hoa. Thời gian dẫu có trôi qua, vết thương tinh thần có thể bớt nhức nhối, nhưng với Phú Quang sẽ chẳng bao giờ quên một đêm đông đã mãi là miền thương nhớ trong trái tim nghệ sĩ đa cảm như trong lời bài hát “Hà Nội ngày trở về” đầy khắc khoải: “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về. Lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen, dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ”...

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (XVIII): CẨN TRỌNG LỰA CHỌN QUỐC PHỤC

Việc xây dựng lễ phục là nhằm khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, vị thế độc lập của nền văn hiến nước ta. Đây là điều cần thiết nếu đặt trong bối cảnh văn hóa đại chúng đang hòa tan các giá trị truyền thống của mỗi dân tộc, trong đó có các trang phục. Sau nhiều lần đặt ra không giải quyết triệt để, có vẻ như lần này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết tâm tìm ra lễ phục Việt Nam thông qua Hội thảo “dọn đường” mới đây mang tên “Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn”.

Hơn một năm trước, khi đi tìm Quốc hoa Việt Nam đã có rất nhiều đề xuất trái chiều, song cuối cùng hoa sen hồng đã được đa số người dân lựa chọn. Hoa sen hồng trở thành Quốc hoa vì không chỉ là loài hoa phổ biến, mà sâu xa còn có tính biểu tượng cao cho cốt cách và tâm hồn người Việt. Nếu bây giờ chúng ta đi tìm lễ phục với mục đích trước tiên là dành cho lãnh đạo quốc gia sử dụng trong những ngày lễ lớn có tính Nhà nước, trong ngoại giao..., cũng khá quan trọng và hợp lý. Nhưng, thiết nghĩ lễ phục nên đồng nhất với Quốc phục vì mục đích cuối cùng là chọn ra trang phục duy nhất có tính biểu tượng cho hình ảnh quốc gia, để người nước ngoài chỉ cần nhìn người mặc là biết ngay đó là người Việt Nam.

Như vậy, Quốc phục trước tiên phải đạt được tiêu chí tính biểu tượng cao. Quốc phục dành cho nữ nhiều khả năng sẽ áo dài. Áo dài không chỉ có khắp ba miền mà bản thân áo dài là sản phẩm sáng tạo tuyệt vời mang tính hiện đại của người Việt từ gốc áo ngũ thân. Điều quan trọng trên hết là áo dài đã quá nổi tiếng trên toàn cầu với danh từ riêng “ao dai” trong tiếng Anh như “kimono” của Nhật Bản vậy.

Quốc phục cho nam giới mới là điều đáng bàn. Phương án nặng ký nhất vẫn là áo dài đi kèm với khăn đóng. Quả thật, khi trang phục âu hóa bén rễ từ đầu thế kỷ XX, áo dài khăn đóng chỉ được các đấng mày râu (chủ yếu là các bậc cao niên) vận vào các dịp trọng đại. Tuy vậy, áo dài khăn đóng vẫn có sức sống bền bỉ ở khắp nước. Đáng mừng hơn, khi việc tìm Quốc phục bỗng dưng “nóng”, một cuộc thăm dò nhỏ do một tờ báo tiến hành thì có tới gần 60% người được hỏi lựa chọn áo dài khăn đóng là Quốc phục cho nam giới!

Tuy nhiên, để kết quả chọn Quốc phục trở nên thuyết phục nhất, tránh tình trạng “năm người mười ý”, nhất thiết không thể nóng vội mà cần sự cẩn trọng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tham khảo kỹ các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để đưa ra nhiều phương án lựa chọn cho người dân khi tiến hành trưng cầu dân ý như việc tìm ra Quốc hoa.

Sau khi người dân đã chọn ra Quốc phục cho cả nam lẫn nữ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành một văn bản pháp quy quy định rõ một số chi tiết cơ bản trong Quốc phục. Giả dụ áo dài được chọn sẽ phải quy định một số chi tiết trên áo dài như thế nào để đúng tiêu chuẩn Quốc phục vì áo dài đã có quá nhiều biến thể khiến trang phục mất đi vẻ đẹp tinh tế như: Áo dài “cổ thuyền” khoét quá sâu, tà áo xẻ quá cao, quần không thụng mà thay bằng “quần tây”... Những biến thể Quốc phục được phép xuất hiện trên sàn thời trang như là một sự thử nghiệm nghệ thuật nhưng chúng không được phép xuất hiện và kiên quyết không thừa nhận tính chính thống của các biến thể ở những sự kiện trọng đại. Còn các họa tiết trên trang phục và chất liệu thì thiết nghĩ không nên quy định vì đó là quyền của mỗi người để in dấu “gu” thẩm mỹ cá nhân.

Điều quan trọng cuối cùng là khi đã có Quốc phục cần làm cho hình ảnh Quốc phục không chỉ quảng bá rộng rãi trong mắt bạn bè quốc tế, mà cần phải để người dân trong nước yêu thích và mặc Quốc phục thường xuyên hơn. Như vậy, Quốc phục mới đúng là Quốc phục!

HÀM ĐAN

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

BẢO TÀNG PHỤ NỮ VIỆN NAM: LUÔN LÀM MỚI CHÍNH MÌNH

Trong bối cảnh hệ thống bảo tàng còn nhiều bất cập, việc TripAdvisor (tripadvisor.com) - trang web du lịch lớn nhất thế giới vừa trao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chứng nhận “Điểm du lịch hấp dẫn nhất năm 2012” tại Hà Nội là một bất ngờ. Làm thế nào một bảo tàng dành cho giới nữ, lại sinh sau đẻ muộn và mới trở lại hoạt động sau 2 năm nâng cấp đã tạo ra thành tích đáng tự hào như vậy?

Những lời khen “có cánh”


“Ấn tượng”, “thú vị”, “hấp dẫn”… là những lời khen của du khách năm châu ghi lại ở phần nhận xét trên trang web TripAdvisor sau khi ghé thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Được biết, TripAdvisor là website du lịch lớn nhất thế giới, mang đến cho du khách những lời khuyên đáng tin cậy để có một chuyến đi hoàn hảo. Để nhận được giải thưởng “Điểm du lịch hấp dẫn nhất năm 2012” tại Hà Nội, vượt qua 80 điểm du lịch hấp dẫn khác của Thủ đô, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã đạt được chỉ số đánh giá 4,5 sao trên tổng mức đánh giá 5 sao tiêu chuẩn do các du khách trên trang web TripAdvisor bình chọn trong vòng 12 tháng qua.

Có người nói, những lời khen “có cánh” chủ yếu là của du khách nước ngoài, người Việt Nam liệu chăng có bị Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cuốn hút? Trước hết, cần nói ngay rằng, người Việt Nam không có thói quen đi xem triển lãm trong bảo tàng như là một hoạt động giải trí và giáo dục. Vì vậy, lời khen từ trong nước có ít cũng là dễ hiểu, nhưng quan trọng hơn là lời chê tương tự như các bảo tàng vắng khách khác thì tuyệt nhiên không có ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Với một không gian không lớn và tổng diện tích trưng bày chỉ gần 2000 m2 và với 3 chủ đề lớn: “Phụ nữ trong gia đình”, “Phụ nữ trong lịch sử”, “Thời trang nữ”, tổng cộng hơn 1.000 hiện vật ở hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng thực sự dẫn dắt du khách vào hành trình khám phá về những vẻ đẹp đa chiều của người phụ nữ Việt Nam.

Để có hệ thống trưng bày hiện đại, chuẩn mực không thua kém bất cứ bảo tàng nào trên thế giới, ban lãnh đạo và chuyên viên của bảo tàng đã phải làm việc cật lực trong vòng gần 10 năm, trong đó có tới 7 năm làm công tác nghiên cứu khoa học nghiêm túc, từ quan niệm trưng bày, lựa chọn chủ đề, cách kể chuyện, thông tin trên bài viết cho đến thiết kế nội thất, đồ họa, ánh sáng, âm thanh... Bảo tàng có những quy chuẩn riêng, rất nghiêm ngặt trong việc trưng bày. Chỉ riêng bài viết và chú thích hiện vật cũng đòi hỏi phải có sự nghiên cứu nhọc nhằn. Để đảm bảo nội dung thông tin cô đọng, có sức thuyết phục, mỗi bài viết không được quá 1200 ký tự, mỗi chú thích hiện vật không quá 200 ký tự. Viết xong rồi, có nhóm chuyên gia dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp; rồi được một tổ chuyên gia cao cấp hiệu đính, thẩm định... Sau đó, in lên loại gỗ nào, cỡ chữ và kiểu chữ ra làm sao, màu chữ và màu nền gỗ như thế nào... mọi chi tiết đều phải có sự nghiên cứu nghiêm túc chứ không thể làm theo cảm tính. Hệ thống thuyết minh chuyên nghiệp như vậy mất đến 2 năm xây dựng.

Đó là chưa kể những điều “nhỏ nhặt” như bảo tàng xây dựng sự thân thiện với khách tham quan khi không xây dựng hàng rào mà thay bằng đài phun nước thay thế...

Nghiên cứu kỹ mới làm triển lãm

Khi hỏi về nguyên nhân thành công của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Hải Vân (Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam) chia sẻ có những yếu tố khách quan thuận lợi như: Bảo tàng nằm ở trung tâm Hà Nội, được sự đầu tư chu đáo của Nhà nước thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sự hỗ trợ của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài... Song, bà Nguyễn Hải Vân nhấn mạnh hai yếu tố chính là cách thức làm bảo tàng mới mẻ và thái độ phục vụ.

Với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, sự hài lòng của khách tham quan là điều tối thượng. Khi triển lãm diễn ra, khách tham quan phàn nàn bất cứ một điều gì như: Cách trưng bày hiện vật, ánh sáng, âm thanh...; cán bộ bảo tàng sẽ xem xét, nếu thực sự chưa tốt lập tức có điều chỉnh thích hợp.

Thái độ phục vụ khách tham quan hết lòng đương nhiên là điều đáng trọng nhưng nếu nội dung các triển lãm nhàn nhạt, “thiếu muối” thì còn lâu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mới tạo ra thương hiệu là bảo tàng tổ chức nhiều triển lãm có tiếng vang như hiện nay. Bà Nguyễn Hải Vân lấy ví dụ về cuộc trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui” đầu năm 2012 để thấy rõ sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho một triển lãm của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Để có được triển lãm thờ Mẫu công phu, được khách tham quan đánh giá cao, các cán bộ bảo tàng mất gần 3 năm thực hiện. Công việc không chỉ có sưu tầm hiện vật, mà còn phải nghiên cứu đạo Mẫu một cách nghiêm túc thông qua sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Chỉ có hiểu được đạo Mẫu mới có thể lựa chọn những hiện vật tiêu biểu để trưng bày và có hệ thống thuyết mình bằng chữ, bằng âm thanh, hình ảnh động sinh động, chính xác. Điểm mới mà trưng bày mang lại là một phong cách trưng bày mới, sinh động do ông James Hicks - chuyên gia thiết kế bảo tàng từ Mỹ đảm nhiệm. Thiết kế sử dụng các tấm rèm làm vách ngăn để tạo tuyến tham quan cho người xem. Ngoài ra, trưng bày được sắp xếp thành bốn chủ đề: Mẫu-Tâm-Đẹp-Vui, tương ứng với 4 màu đặc trưng của Tứ phủ: Màu đỏ (Thiên phủ), màu trắng (Thoải phủ), màu vàng (Địa phủ) và màu xanh (Nhạc phủ). Tất cả các tài liệu hiện vật, vật liệu cũng đi theo 4 màu ấy, đòi hỏi sự lựa chọn công phu và ăn khớp.

Không chỉ có trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui”, mà bất cứ triển lãm chuyên đề nào đều được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nghiên cứu kỹ, xây dựng nội dung trong cả năm trời. Ai đó từng nói, nếu kiên trì và thực tâm trong làm việc chắc chắn sẽ thu được thành quả nào đó. Có lẽ điều này đúng cho trường hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nơi có những con người đam mê với công việc và luôn làm mới chính mình.

HÀM ĐAN

CẦN TIẾP TỤC NUỐI DƯỠNG CẢM HỨNG VIẾT VỀ CHIẾN TRANH




Phóng viên (PV): Thưa PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, ông có thể nêu đặc điểm chính của văn học viết về chiến tranh trong văn học Việt Nam hiện đại?
PGS,TS Nguyễn Đăng Điệp: Trong thế kỷ XX, hiếm có dân tộc nào trải qua hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ khốc liệt như dân tộc Việt Nam, và cuối cùng chúng ta là người chiến thắng. Bởi thế, đề tài chiến tranh là đề tài lớn trong văn học Việt Nam, ngay cả khi đất nước đã hòa bình thì chiến tranh vẫn là một đề tài ám ảnh.

Vấn đề đặt ra là thời gian qua các nhà văn đã viết về chiến tranh như thế nào? Theo tôi có hai hướng nổi bật: Thứ nhất, viết về chiến tranh như thực trạng chiến tranh đã diễn ra. Đây là lối viết nhìn chiến tranh ở cự ly gần. Lối viết này dễ gây được hiệu quả xã hội tức thì vì mục đích của nó là biểu dương kịp thời tinh thần dũng cảm, sự quật cường của dân tộc. Giá trị chủ yếu của nó nằm ở tính nóng hổi của các sự kiện được ghi lại. Tuy nhiên, khi chiến tranh đã lùi xa, sức nóng của các sự kiện đã giảm xuống, tâm lý thị hiếu người đọc thay đổi, những tác phẩm được viết theo yêu cầu kịp thời khó lôi cuốn được độc giả vì phần lớn các tác phẩm này hoặc là ghi chép hoặc mang màu sắc truyện ký.

Lối viết thứ hai là sự gián cách với chiến tranh bằng một độ lùi cần thiết. Lối viết này thường chậm hơn so với lối viết thứ nhất, nhưng ưu thế là cái nhìn và cảm hứng lý giải về chiến tranh sâu hơn, bình tĩnh hơn. Chiến tranh là một phần của lịch sử, hơn thế, bản thân nó cũng là một lịch sử, mà diễn giải về lịch sử thì có thể xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Trong lối viết thứ hai, những suy tư cá nhân về chiến tranh, về số phận con người và dân tộc thường nổi bật hơn. Tôi nghĩ rằng lối viết này phù hợp hơn với tư duy nghệ thuật hiện đại.

Những năm gần đây, giới sáng tác và độc giả quan tâm đến đề tài lịch sử. Có loại lịch sử xa (cách chúng ta hàng trăm thậm chí hàng ngàn năm), có loại lịch sử gần (cách thời hiện tại khoảng dăm chục năm). Cái khó của đề tài lịch sử gần là chưa có độ lùi thời gian để chúng ta nhìn về chiến tranh ở cả hai mặt được và mất. Và diễn giải chiến tranh của nhà văn, nếu trái chiều, trái kênh, rất dễ bị phản ứng của người đọc. Những tôi nghĩ, trong khoảng ba mươi năm qua, văn học về chiến tranh đã có nhiều tác phẩm hay của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Chu Lai, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi… Về thơ có thể kể đến thơ Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Anh Thái... Họ là những người lính viết về trải nghiệm của mình, nỗi đau và sự hy sinh của thế hệ mình và trong số phận thế hệ ấy có số phận dân tộc.Điều đáng chú ý là sau 1975, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, tuy với độ lùi thời gian chưa nhiều, nhưng nhiều nhà văn đã biết nhìn chiến tranh ở cả mặt phải lẫn mặt trái của tấm huy chương. Nghĩa là giờ đây, một giọt nước mắt, một nỗi đau, một ly biệt… cũng được hiểu như là một nhân tố góp phần tạo nên chiến thắng của dân tộc. Tư duy nghệ thuật mới tạo nên độ mở trong cách viết của nhà văn. Trước đây, các nhà văn quan tâm đến lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp thì sau này họ nhìn chiến tranh bằng cái nhìn nhân bản. Điều đó thể hiện ở việc các nhà văn quan tâm nhiều hơn đến số phận con người, qua đó nhìn thấy số phận lịch sử và dân tộc, thay vì số phận cá nhân chỉ là minh họa cho số phận dân tộc như trước đây. Vì thế, chiều sâu nội tâm và những chấn thương tinh thần của nhân vật được miêu tả kỹ lưỡng hơn. Tôi muốn đề cập đến một tác phẩm gây nhiều tranh cãi là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Có ý kiến cho rằng, Bảo Ninh viết Nỗi buồn chiến tranh để giải thiêng lịch sử, hạ thấp ý nghĩa chiến thắng.... Tôi không nghĩ như vậy. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết gắn với hồi ức đứt nối của nhân vật Kiên. Chính trong sâu thẳm những dằn vặt của Kiên, chiến tranh hiện lên chân thực hơn bao giờ hết, người đọc nhận ra để có chiến thắng vĩ đại chúng ta đã trải qua biết bao đau đớn. Đọc tác phẩm này cần đến một cái nhìn chia sẻ để thấu hiểu những âu lo, khắc khoải phận người.

Đúng là trong thời đại chúng ta đang sống, những người đam mê viết về chiến tranh không còn nhiều. Nhà văn chủ yếu viết về vấn đề đô thị hóa, những thăng trầm đời sống thường nhật, thậm chí nhiều người hướng tới các đề tài “hot” như: sex, đồng tính… Theo tôi đó là chuyện bình thường. Nhưng tôi nghĩ, viết về chiến tranh vẫn là một yêu cầu riết róng đối với nhà văn bởi hiểu chiến tranh, hiểu quá khứ dân tộc là cách chúng ta bước đến tương lai một cách chắc chắn hơn.

PV: Theo phân tích của ông, thời đại đã khác phải chăng cần một cách viết khác về chiến tranh?

PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Đúng thế. Thời nào có mối quan tâm của thời ấy. Chiến tranh dù đã đi qua nhưng không có nghĩa là tất cả đã khép lại. Thực ra, nó vẫn can dự đến đời sống chúng ta, tuy không trực diện và trực tiếp. Tôi nghĩ mỗi nhà văn sẽ có cách tiếp cận về chiến tranh theo suy nghĩ riêng của họ. Nhưng có hai điều đáng lưu ý trong cách viết về chiến tranh từ điểm nhìn hôm nay. Thứ nhất, diễn giải mới về chiến tranh không đồng nghĩa với việc xuyên tạc lịch sử mà đó phải là những hình thức mới mẻ khiến cho lịch sử hiện lên chân thực hơn. Xin đừng hiểu chân thực là ghi chép, nệ thực mà đó là nỗ lực miêu tả những mặt khuất kín, những hàm nghĩa chìm ẩn theo tinh thần của Xê-da (Caesar) phải trả về cho Xê-da. Tất nhiên, từ cuộc sống bình thường hôm nay viết về chiến tranh như một bất thường của lịch sử bao giờ cũng khó khăn. Nó đòi hỏi nhà văn phải nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử.

Thứ hai, kỹ thuật tự sự ngày nay có nhiều thay đổi lớn. Viết về chiến tranh không đơn giản là kể lại câu chuyện tuyến tính có đầu có cuối, mà phải biết sử dụng, sáng tạo những phương thức biểu đạt mới để thu hút người đọc trở lại một đề tài cũ mà thực ra chưa bao giờ cũ. Tất nhiên, nói nhà văn cần nuôi dưỡng cảm xúc viết về chiến tranh không có nghĩa là cổ súy cho chiến tranh mà thông qua đó, nhà văn khơi gợi niềm tự hào dân tộc, giúp người đọc hiểu rằng cuộc sống hôm nay được đánh đổi bằng hạnh phúc của bao thế hệ hôm qua. Để tái hiện chiến tranh một cách sinh động, tôi nghĩ một mặt nhà văn cần tiếp tục nuôi dưỡng cảm hứng viết chiến tranh; mặt khác, phải dày công nghiên cứu và có trí tưởng tượng phong phú, biết giải phóng trí tưởng tượng khỏi những sự kiện vụn vặt bằng cái nhìn nghệ thuật độc đáo, mới lạ.

PV: Theo ông, để viết về chiến tranh trong hoàn cảnh mới các nhà văn cần chuẩn bị những gì?

PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Tôi đã lý giải phần nào câu hỏi này ở trên. Tôi muốn nhắc đến một nhà văn tâm huyết với lịch sử là Nguyễn Xuân Khánh. Nếu Hồ Quý LyMẫu Thượng ngàn quan tâm đến “lịch sử xa” thì Đội gạo lên chùa quan tâm đến “lịch sử gần”. Đội gạo lên chùa có phần lịch sử hiện đại là giai đoạn chống Pháp và Mỹ. Trong tác phẩm này, Nguyễn Xuân Khánh nói đến ứng xử của con người trước những biến động của lịch sử theo quan điểm tùy duyên. Ông viết về những cái được mất trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, và ngay cả thời bình, con người vẫn gặp đầy rẫy đau khổ, trong đó có những đau khổ do sự ấu trĩ và đơn giản của chính chúng ta. Tôi nghĩ viết về chiến tranh cũng thế, phải thấy cả cái hùng lẫn cái bi, cái cao cả lẫn thấp hèn, cái nhân tính và phi nhân tính. Những giá trị ấy không hẳn lúc nào cũng hiện lên theo cách phân tuyến mà nhiều khi cùng hiện hữu trong từng con người cụ thể. Trong quan niệm hiện đại, lịch sử không tồn tại tĩnh lặng, mà luôn chuyển động. Là một phần của lịch sử, chiến tranh, khi đi vào nghệ thuật, phải được diễn dịch lại, cấu trúc lại theo cái nhìn của chủ thể sáng tạo. Bởi thế, có bao nhiêu tác phẩm về chiến tranh là có bấy nhiêu lần chiến tranh được tái cấu trúc.
Còn nhớ, để miêu tả trận Borodino diễn ra gần 60 năm trước khi viết Chiến tranh và hòa bình, văn hào Lép Tôn-xtôi đã dày nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng; kết quả là ông đã miêu tả cuộc chiến một cách mĩ mãn. Thông qua việc miêu tả cuộc chiến, nhà văn đã nói lên sự vĩ đại của dân tộc Nga, tính cách Nga và tri nhận lịch sử bằng cái nhìn giàu tính nhân đạo. Sự vĩ đại của Tôn-xtôi nằm ở chỗ, sau này người ta biết đến trận Borodino qua tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của ông nhiều hơn là qua các bộ sử.

Viết về hai cuộc kháng chiến đã qua của dân tộc, việc lựa chọn điểm nhìn nào, tâm thế nào buộc nhà văn phải tính đến. Điều đó sẽ giúp họ miêu tả cuộc chiến phiến diện hay không phiến diện. Ở đây, cái nhìn nghệ thuật của nhà văn cần mang chứa những quan niệm/ tư duy mới về lịch sử. Mặt khác, cần phải nhớ rằng lịch sử không phải là câu chuyện riêng của những anh hùng có tên mà còn là câu chuyện của những anh hùng không tên, những anh hùng vô danh nhưng vĩ đại.

Nói thế để thấy rằng viết về chiến tranh luôn là một thử thách đầy khó khăn đối với người cầm bút. Muốn viết hay, dứt khoát họ phải có tài năng thực, đam mê thực và một chiến lược tự sự hiện đại, hợp lý.

PV: Với tư cách là Viện trưởng Viện Văn học, ông nghĩ cần có những điều kiện gì để văn học viết về chiến tranh trở lại như xưa?

PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Đây là cả một câu chuyện dài, liên quan đến nhiều phía: Sự đam mê của nghệ sĩ, sự quan tâm của các nhà quản lý, sự ủng hộ cái mới của người tiếp nhận vì không thể thẩm định những sáng tạo mới bằng đôi mắt cũ, bằng những định kiến cũ. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất chính là niềm say mê của nhà văn, là tinh thần đối thoại lịch sử nên gốc nền nhân bản nhân văn. Tôi nghĩ, nếu nhà văn miêu tả và lý giải về chiến tranh bằng cái nhìn nhân văn hiện đại, họ không bao giờ bị lạc vào hư vô. Thậm chí, họ chính là những người khơi thức những giá trị hiện đại tiềm ẩn trong những giá trị tưởng đã vĩnh viễn trôi qua...

- Xin cảm ơn PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp!

HÀM ĐAN (thực hiện)

THỜI ĐÀM (XXX): NGHĨ VỀ ĐẠO THẦY TRÒ HÔM NAY



Truyền thống “tôn sư trọng đạo” có thể tìm thấy ở bất cứ xã hội nào và thời đại nào. Điều này không chỉ đơn thuần là quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức.

    Nước ta, do hoàn cảnh lịch sử, văn hóa-xã hội nên việc yêu quý người thầy, xem nghề giáo là nghề cao quý, luôn được thể hiện đậm đà. Từ thời Hoàng đế Lê Thánh Tông (cuối thế kỷ XV), khi Nho giáo độc tôn khiến cho con đường tiến thân của muôn dân chỉ còn cách duy nhất là học ngày học đêm thi đỗ để ra làm quan. Nếu không may mắn đỗ đạt thì về quê làm thầy để “hành đạo” theo lý tưởng Nho giáo. Mặt khác, Nho giáo là học thuyết cai trị thời bình, quy giản toàn bộ các quan hệ phức tạp của con người vào “tam cương, ngũ thường”. Và nếu giản lược hơn nữa là quan hệ cha-con kiểu thứ bậc cao thấp. Thầy được xem như đấng sinh thành thứ hai như lời một bài hát thiếu nhi vô tình rất đậm chất… Nho giáo: “Khi đến trường, cô giáo như mẹ hiền”.

Tình thầy trò tốt đẹp được duy trì ổn định suốt mấy trăm năm in dấu trong truyền thuyết về người con thủy thần học trò của thầy Chu Văn An cho đến những chuyện đời thường như thầy cưu mang trò nghèo… Ngày hôm nay, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ít nhiều bị mặt trái cơ chế thị trường làm méo mó, trong đó đáng lo ngại là tình cảm thầy trò không còn thân thiết như cha-con trong một nhà mà ngày càng thực dụng hóa. Muốn có bảng thành tích đẹp trong học tập không thể không “đi thăm” thầy với đủ quà cáp, phong bì này nọ. Tư cách người thầy ở một số giáo viên hiện đang khá thảm hại. Có chuyện một giảng viên đại học hẳn hoi lên lớp nói thẳng: "Đi dạy mà nhà trường chỉ trả vài trăm ngàn đồng thì con cái ở nhà chỉ có nước chết đói"! Những sinh viên đương nhiên không còn là những đứa trẻ ngây thơ mà thừa hiểu giảng viên đã “bật đèn xanh” thì phải làm gì tiếp theo…

Văn hóa Nho giáo là nền văn hóa biết xấu hổ. Văn hóa xấu hổ xuất phát từ tư tưởng đức trị, biến đạo đức thành một thứ luật vô hình, lạt mềm nhưng buộc chặt. Đối tượng do sợ xấu hổ vì thế mà không dám làm liều. Nhưng một khi hiện tượng đáng xấu hổ (mà không xấu hổ) trở thành phổ biến thì ai cũng có thể làm mà không bị lên án. Sự nguy hiểm của tính thực dụng trong quan hệ thầy trò ở chỗ, những học trò mai này trở thành người có tiền, có quyền, nhiều khả năng kế tục việc… “làm liều” do nhiễm tính thực dụng từ người thầy hồi còn đi học.

Chẳng khó khăn để tìm ra nguyên nhân cho những hành động vô đạo đức của những người thầy lẽ ra phải là tấm gương đạo đức cho học trò noi theo. Ai cũng biết đồng lương cho giáo viên thấp như thế nào. Những người thầy nào đa năng, giỏi quan hệ may ra mới có thu nhập kha khá; còn lại đều phải đi làm thêm những nghề lao động chân tay khác. Nỗi buồn giáo viên “tranh thủ đi dạy”, nghề chính thành nghề phụ cách đây mấy chục năm đâu đã hết. Đơn xin ra khỏi ngành cũng không phải là ít; nhiều giáo viên bỏ nghề còn ngậm ngùi: Nếu phải lựa chọn lại, họ sẽ không chọn nghề giáo nữa.

Nhiều giáo viên sống chết với nghề thì tìm cách dạy thêm ngoài giờ. Chiểu theo Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 16-5-2012 không hề cấm dạy thêm nếu đáp ứng những quy định thủ tục, nhưng nhiều nơi cấm hẳn và rình bắt dạy thêm như… bắt trộm. Còn gì tủi hổ hơn khi giáo viên bị bắt quả tang, lập biên bản tại chỗ, đề nghị ký xác nhận vi phạm dạy thêm trước mặt học trò. Thiết nghĩ, làm luật cần phải bám sát cuộc sống và khi thi hành luật cần có hướng tạo điều kiện cho những giáo viên sống bằng nghề một cách chân chính, đừng để họ tha hóa.

Cứ mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 đến, tôi lại chợt nhớ hình ảnh anh xe ôm hiền lành, nhễ nhại mồ hôi chở tôi đi công tác ở một huyện miền núi xa xôi; rụt rè thổ lộ là Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tranh thủ nghỉ hè đi làm thêm. Tôi tin những người thầy kiên trì vượt qua gian khó dạy chữ, dạy làm người cho học trò như anh vẫn là số đông. Nhưng, không thể để những người thầy cứ phải tự mình gánh nhiều khó khăn trong nghề nghiệp và cuộc sống như thế; sự chung tay quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội sẽ làm những người thầy vững tin hơn ở nghề nghiệp cao quý mà họ đã chọn.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

THỜI ĐÀM (XXIX): CÓ LÀM MỚI BIẾT...



Từ ngày 1-11 vừa qua, 7 trang web nhạc số lớn nhất của Việt Nam đã bắt đầu thu phí tải nhạc trực tuyến với mức giá 1000 đồng/bài. 100 album nhạc số đầu tiên đã được chuẩn hóa chất lượng cao để đưa ra thử nghiệm cho việc thu phí tải nhạc. 
Việc thu phí tải nhạc được đa số người nghe hưởng ứng vì số tiền thu không nhiều và bản thân họ cũng có ý thức không thể nghe “chùa” mãi được. Sung sướng nhất có lẽ là các nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc khi công sức làm ra một sản phẩm âm nhạc đã có thêm một nguồn thu. 
Cần nhắc lại rằng, theo thống kê của Hiệp hội công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV), tỷ lệ vi phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam là trên 80%. Tình trạng vi phạm bản quyền đã xuất hiện tràn lan từ những năm 1990 tương ứng với làn sóng nhạc trẻ trong nước trỗi dậy đánh bại nhạc hải ngoại. Ngay cả những tên tuổi ca sĩ đình đám nhất như: Lam Trường, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm... không thể có chuyện thu bù chi từ bán đĩa nhạc như các ca sĩ nước ngoài. Đến khi internet phát triển ở Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc lên tới cực điểm. Ngay cả đĩa lậu âm nhạc cũng khó bán vì nhà nhà đều tải nhạc từ trang web âm nhạc để nghe. 
Nếu ca sĩ còn có con đường kiếm bộn tiền là chạy sô thì nhạc sĩ và những người sản xuất âm nhạc khá lao đao với nạn vi phạm bản quyền. Chỉ trừ những nhạc sĩ có “số má”, sáng tác ca khúc nào là bán quyền sở hữu cho ca sĩ là có thể sống ung dung; thì các nhạc sĩ trẻ không mấy người hưởng quả ngọt từ những sáng tạo của mình. Sức ép kinh tế thị trường khiến họ phải sáng tác nhiều bài hát xứng đáng với cụm từ “thảm họa âm nhạc”. 
Dù đầu đã xuôi nhưng hiện tại, việc thu phí tải nhạc bài hát vẫn sẽ còn nhiều chuyện cần giải quyết. Một bộ phận người không nhỏ nghe vốn đã quen tải nhạc miễn phí khó quay ngoắt để bỏ tiền sở hữu file bài hát. Có cung thì ắt có cầu! Các trang web chuyên hay không chuyên âm nhạc vẫn sẽ tiếp tục vi phạm bản quyền khi cho phép người truy cập tải nhạc miễn phí; khi đó các cơ quan chức năng liệu có mạnh tay xử lý? Nhìn sang bên ngành xuất bản sách, nạn in lậu tràn lan mà thanh tra ngành xuất bản phát hiện quá ít trường hợp nhà sách, cơ sở in... vi phạm. Nếu không xử lý triệt để những trang web vi phạm bản quyền âm nhạc thì đừng mong việc thu tiền tải nhạc sẽ phát triển. 
Trong khi việc tìm các giải pháp thu phí tải nhạc đang diễn ra thì giới làm nghề nhạc đã và đang thực hiện chiến dịch “Nghe có ý thức” vận động khán giả nói “không” với tải nhạc lậu. Biện pháp này đương nhiên là cần thiết nhưng không nên quá kỳ vọng. Chỉ có các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn tải nhạc miễn phí từ các trang web cố tình vi phạm và sử dụng chế tài xử phạt; như ở Nhật Bản, vi phạm bản quyền âm nhạc có thể bị phạt tù từ 2 đến 10 năm và phạt tiền hàng ngàn USD.  
Sau động thái của hai gã khổng lồ là Coca-Cola và Samsung rút quảng cáo trên trang web Zing.vn (thuộc Tập đoàn VinaGame-VNG) sau khi Liên minh Bản quyền Trí tuệ Quốc tế (IIPA) cáo buộc trang web được truy cập nhiều thứ 6 tại Việt Nam cho phép tải miễn phí nhiều bài hát nước ngoài; trang web này mới tá hỏa đi thỏa thuận bản quyền âm nhạc quốc tế với Universal Music và Sony Music. Không rõ, sau khi đạt được thỏa thuận bản quyền, việc tải và nghe trực tuyến các bài hát nước ngoài có vượt qua số tiền 1000 đồng/bài như trang web này đã cam kết? 
Một câu chuyện khác cũng được người nghe nhạc băn khoăn là hình thức thu phí như thế nào để tiện lợi với cả người tải lẫn người cung cấp nhạc? Cốt yếu, có lẽ vẫn cần các bên liên quan ngồi lại với nhau để tìm ra một quy chuẩn trong cách thức thanh toán cho mọi trang web có thu phí tải nhạc. 
Dù còn rất nhiều khó khăn trong thu phí tải nhạc, nhưng có làm mới biết, việc thu phí tải nhạc lúc này vẫn chỉ mang tính chất thử nghiệm. Sự đồng lòng của xã hội, ý thức của người nghe hy vọng sẽ giúp công việc này thuận lợi và đi vào nề nếp trong tương lai.  
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

THỜI ĐÀM (XXVIII):NÓI THÊM TỪ VỤ "CANH GÀ THỌ XƯƠNG"....



Bài đăng đã lâu giờ mới post bản đầy đủ :)

Vừa qua, ở lĩnh vực giáo dục xảy ra chuyện hài, về việc hiểu sai cụm từ “canh gà Thọ Xương” là đặc sản Hà Nội của một số em học sinh lớp 7 Trường Lomonosov (Hà Nội) mà cô giáo H.T.T.T vẫn cho 8 điểm. Bắt lỗi ai đúng ai sai thôi thì cũng không quan trọng nữa, mọi việc có vẻ đi quá xa khi phe ủng hộ lẫn phản đối cô giáo “canh gà Thọ Xương” không tiếc lời mắng nhau.

Tuy nhiên, có một chuyện đằng sau vụ việc “canh gà Thọ Xương” cần nói rõ đó chính là về văn bản 4 câu: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”, được giảng rộng rãi là ca dao.

Văn bản trên thực chất đây chưa thể gọi là ca dao được, vì các tài liệu còn sót lại chứng minh tác giả là nhà thơ Dương Khuê (1839-1902). Dương Khuê (1839-1902) người làng Vân Đình, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Năm Mậu Thìn (1868) thời vua Tự Đức, ông thi đỗ tiến sĩ. Là người văn hay, chữ tốt, ông sáng tác nhiều bài thơ hay trong đó có bài “Hà Nội tức cảnh”, nguyên văn như sau: “Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày An Thái, mảnh gương Tây Hồ”, (dẫn theo Trần Trung Viên trong “Văn đàn bảo giám”, NXB Nam Ký, Hà Nội, 1926).

Rõ ràng, đây là bài thơ có giá trị vì những câu tả cảnh tuyệt vời, cho nên dễ hiểu vì sao nó đi vào trí nhớ dân chúng đến mức bị biến thành ca dao. Tất nhiên, bài thơ này cũng như thơ ca trung đại nói chung khá khó hiểu với người ngày nay do nhắc đến các địa danh cũ và tính ước lệ như: Thọ Xương là tên huyện, quanh vùng Hồ Gươm của Hà Nội ngày trước. An Thái là làng làm giấy, có tiếng giã giấy thuộc vùng Bưởi (Hà Nội). “Ngàn” tương đương với “bờ”, chứ không phải “rừng” hay “một ngàn”.
Một cô giáo trẻ như cô giáo T. và các em học sinh chắc rằng không thể biết rõ nguồn gốc của bài “ca dao” nói trên được. Có trách là tại sao những người biên soạn sách và giảng dạy cho chính cô T. đã không cẩn trọng nghiên cứu, tìm hiểu lai lịch văn bản thơ trên là bài “Hà Nội tức cảnh” của cụ Dương Khuê, vì tài liệu dẫn trên hiện lưu trữ trong Thư viện Quốc gia, tra cứu rất dễ dàng.

Có người sẽ đặt câu hỏi: Có nhất thiết phải giảng dạy kỹ nguồn gốc, ‎‎nghĩa của văn bản thơ trên cho học sinh lớp 7 không? Câu trả lời là chẳng có cái gì là thừa cả. Đừng nghĩ rằng, học sinh tầm tuổi đó chỉ là đứa trẻ tuổi ăn tuổi chơi vô tư lự;  ở phương Tây, học sinh tầm tuổi này đã bắt đầu làm quen với triết học nhập môn. Đành rằng, lứa tuổi học sinh trung học phổ thông, học văn là học cảm thụ cái đẹp của nội dung tác phẩm, sự tinh tế của ngôn từ và cả kỹ xảo tổ chức văn bản. Nhưng tác phẩm văn chương vốn không thể thoát ly bối cảnh văn hóa, nền tảng chính trị-xã hội thời điểm tác phẩm ra đời; cho nên, nếu học văn mà bỏ sót tìm hiểu cả những điều liên quan đến tác phẩm là điều đáng tiếc.

Quan trọng hơn, học văn còn có thể giúp tư duy học sinh phát triển ở chỗ là tìm ra nhiều cách đọc, cách hiểu cho tác phẩm. Chẳng hạn, bài thơ nổi tiếng “Bạn đến chơi nhà” của nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909) lâu nay vẫn hiểu là bài thơ cảm động về tình bạn. Nhưng, có người đã có bằng chứng cho hay là vị khách đến chơi nhà Nguyễn Khuyến vốn không được nhà thơ yêu mến cho lắm nên làm bài thơ này để… đuổi khéo. Thực hư bối cảnh ra đời bài thơ thế nào, hãy chờ các nhà nghiên cứu văn học trung đại tiếp tục tranh luận. Chỉ biết rằng, thời xưa, các cụ đến chơi nhà nhau không như con cháu bây giờ là chỉ đến chơi một vài ngày mà là cả tháng. Với những thứ “cây nhà lá vườn” sẵn có và với thời gian một tháng, chẳng lẽ Nguyễn Khuyến không đãi khách một bữa cơm thịnh soạn mà lại phải dùng những câu tỏ vẻ nuối tiếc rằng bạn đến chơi không đúng thời điểm? Với lại, Nguyễn Khuyến là nhà nho quân tử, một khi đã ghét ai hay cái gì là dùng thơ đả kích (hoặc bóng gió) như làm thơ chửi bọn Tây lẫn bọn gái đĩ...

Còn rất nhiều vấn đề trong di sản văn chương dân tộc cần nghiên cứu kỹ hơn để hiểu những câu chuyện quá khứ, cách nghĩ của cha ông. Làm như vậy, là để học sinh có tư duy độc lập, yêu thêm lịch sử dân tộc và tránh những câu chuyện cười ra nước mắt như vụ việc “canh gà Thọ Xương”!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG