Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

THỜI ĐÀM (XXIX): CÓ LÀM MỚI BIẾT...



Từ ngày 1-11 vừa qua, 7 trang web nhạc số lớn nhất của Việt Nam đã bắt đầu thu phí tải nhạc trực tuyến với mức giá 1000 đồng/bài. 100 album nhạc số đầu tiên đã được chuẩn hóa chất lượng cao để đưa ra thử nghiệm cho việc thu phí tải nhạc. 
Việc thu phí tải nhạc được đa số người nghe hưởng ứng vì số tiền thu không nhiều và bản thân họ cũng có ý thức không thể nghe “chùa” mãi được. Sung sướng nhất có lẽ là các nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc khi công sức làm ra một sản phẩm âm nhạc đã có thêm một nguồn thu. 
Cần nhắc lại rằng, theo thống kê của Hiệp hội công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV), tỷ lệ vi phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam là trên 80%. Tình trạng vi phạm bản quyền đã xuất hiện tràn lan từ những năm 1990 tương ứng với làn sóng nhạc trẻ trong nước trỗi dậy đánh bại nhạc hải ngoại. Ngay cả những tên tuổi ca sĩ đình đám nhất như: Lam Trường, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm... không thể có chuyện thu bù chi từ bán đĩa nhạc như các ca sĩ nước ngoài. Đến khi internet phát triển ở Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc lên tới cực điểm. Ngay cả đĩa lậu âm nhạc cũng khó bán vì nhà nhà đều tải nhạc từ trang web âm nhạc để nghe. 
Nếu ca sĩ còn có con đường kiếm bộn tiền là chạy sô thì nhạc sĩ và những người sản xuất âm nhạc khá lao đao với nạn vi phạm bản quyền. Chỉ trừ những nhạc sĩ có “số má”, sáng tác ca khúc nào là bán quyền sở hữu cho ca sĩ là có thể sống ung dung; thì các nhạc sĩ trẻ không mấy người hưởng quả ngọt từ những sáng tạo của mình. Sức ép kinh tế thị trường khiến họ phải sáng tác nhiều bài hát xứng đáng với cụm từ “thảm họa âm nhạc”. 
Dù đầu đã xuôi nhưng hiện tại, việc thu phí tải nhạc bài hát vẫn sẽ còn nhiều chuyện cần giải quyết. Một bộ phận người không nhỏ nghe vốn đã quen tải nhạc miễn phí khó quay ngoắt để bỏ tiền sở hữu file bài hát. Có cung thì ắt có cầu! Các trang web chuyên hay không chuyên âm nhạc vẫn sẽ tiếp tục vi phạm bản quyền khi cho phép người truy cập tải nhạc miễn phí; khi đó các cơ quan chức năng liệu có mạnh tay xử lý? Nhìn sang bên ngành xuất bản sách, nạn in lậu tràn lan mà thanh tra ngành xuất bản phát hiện quá ít trường hợp nhà sách, cơ sở in... vi phạm. Nếu không xử lý triệt để những trang web vi phạm bản quyền âm nhạc thì đừng mong việc thu tiền tải nhạc sẽ phát triển. 
Trong khi việc tìm các giải pháp thu phí tải nhạc đang diễn ra thì giới làm nghề nhạc đã và đang thực hiện chiến dịch “Nghe có ý thức” vận động khán giả nói “không” với tải nhạc lậu. Biện pháp này đương nhiên là cần thiết nhưng không nên quá kỳ vọng. Chỉ có các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn tải nhạc miễn phí từ các trang web cố tình vi phạm và sử dụng chế tài xử phạt; như ở Nhật Bản, vi phạm bản quyền âm nhạc có thể bị phạt tù từ 2 đến 10 năm và phạt tiền hàng ngàn USD.  
Sau động thái của hai gã khổng lồ là Coca-Cola và Samsung rút quảng cáo trên trang web Zing.vn (thuộc Tập đoàn VinaGame-VNG) sau khi Liên minh Bản quyền Trí tuệ Quốc tế (IIPA) cáo buộc trang web được truy cập nhiều thứ 6 tại Việt Nam cho phép tải miễn phí nhiều bài hát nước ngoài; trang web này mới tá hỏa đi thỏa thuận bản quyền âm nhạc quốc tế với Universal Music và Sony Music. Không rõ, sau khi đạt được thỏa thuận bản quyền, việc tải và nghe trực tuyến các bài hát nước ngoài có vượt qua số tiền 1000 đồng/bài như trang web này đã cam kết? 
Một câu chuyện khác cũng được người nghe nhạc băn khoăn là hình thức thu phí như thế nào để tiện lợi với cả người tải lẫn người cung cấp nhạc? Cốt yếu, có lẽ vẫn cần các bên liên quan ngồi lại với nhau để tìm ra một quy chuẩn trong cách thức thanh toán cho mọi trang web có thu phí tải nhạc. 
Dù còn rất nhiều khó khăn trong thu phí tải nhạc, nhưng có làm mới biết, việc thu phí tải nhạc lúc này vẫn chỉ mang tính chất thử nghiệm. Sự đồng lòng của xã hội, ý thức của người nghe hy vọng sẽ giúp công việc này thuận lợi và đi vào nề nếp trong tương lai.  
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét