Thông tin cá nhân được xem là một tài sản, nếu công khai hóa mà chưa
được sự cho phép của chủ sở hữu đương nhiên là hành vi phạm pháp. Thời gian gần
đây, loại hình tội phạm buôn bán thông tin cá nhân xuất hiện trên môi trường
internet như “nấm mọc sau mưa” và hết sức lộ liễu. Cục An ninh Thông tin -
Truyền thông (Bộ Công an) đã xử lý 3 người mua, bán thông tin của các cá
nhân, tổ chức nhưng chỉ đề nghị các cơ quan thẩm quyền phạt hành chính các đối
tượng trên vì đối tượng khi phạm tội chưa ý thức hành vi phạm pháp.
Hành động của cơ quan công an là đáng hoan nghênh, thể hiện sự trách
nhiệm bảo vệ quyền sở hữu cá nhân và tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên,
những trang web, blog… mua bán thông tin cá nhân vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ
hơn vì nếu chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính thì không đủ sức răn đe. Quy định
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng chỉ từ 2 đến
5 triệu đồng. Trong khi mức thu lợi của những cá nhân, công ty bán dữ liệu
khách hàng là rất cao có thể lên tới tiền tỷ khi nắm trong tay hàng nghìn dữ
liệu thông tin cá nhân.
Dù hiện nay các thông tin cá nhân được mua bán chủ yếu dành cho các
doanh nghiệp muốn tăng doanh số bán hàng khi tiếp cận những khách hàng VIP
thông qua thông tin riêng tư. Hậu quả cũng mới chỉ dừng lại ở việc khổ chủ bị
quấy rầy với đủ loại dịch vụ bảo hiểm, du lịch…; mà không hề có nhu cầu. Nhưng,
về lâu về dài, việc các thông tin cá nhân trôi nổi trên mạng internet sẽ được các
tội phạm công nghệ cao lợi dụng để kết nối liên lạc, đe dọa, tống tiền... các
tổ chức, cá nhân. Với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, thiệt hại sẽ lớn đối
với kinh tế-xã hội nếu đối tượng sử dụng thông tin cá nhân kết hợp với công
nghệ cao tấn công vào các mục tiêu nhạy cảm như: Ngân hàng hoặc an ninh-quốc
phòng...
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần mạnh tay xử lý với những cá nhân, tổ chức
ngầm trong mạng lưới buôn bán thông tin cá nhân bằng truy tố hình sự và áp dụng
hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo Khoản b Điều 226 của Bộ luật Hình sự xử
phạt người nào “mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai
hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng
máy tính, mạng viễn thông, mạng internet mà không được phép của chủ sở hữu
thông tin đó”. Chế tài xử lý đã có, vấn đề cần phải quyết liệt ngăn chặn, triệt
phá tội phạm buôn bán thông tin cá nhân. Đồng thời, cũng cần xử lý cá nhân và
tổ chức cố tình để lộ hoặc “bán đứng” khách hàng, cung cấp thông tin cho tội
phạm trục lợi.
Nhiệm vụ chính chống tội phạm buôn bán thông tin cá nhân thuộc về lực lượng công an, nhưng không gì hiệu quả hơn mỗi người đề cao cảnh giác, tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Trước mắt, mỗi cá nhân cần hết sức cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân trên mạng internet hay với các tổ chức, doanh nghiệp mà mình tham gia. Mỗi cá nhân cũng cần chú ý yêu cầu các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có hình thức bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng. Đối với tổ chức, doanh nghiệp, cần chú ý rà soát thật kỹ, thật chắc công tác bảo mật thông tin của khách hàng trong hệ thống của mình vì đây cũng chính là bảo vệ uy tín, thương hiệu của tổ chức, doanh nghiệp trong mắt khách hàng.
HÀM ĐAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét