Có những vấn đề trong văn chương không đến nỗi là một
mớ bòng bong nhưng người ta vẫn cứ cãi nhau từ năm này qua năm khác, một trong
số đó là vấn đề: Người viết trẻ (tuổi nghề) có nên đi học các khóa học viết văn
không?
Mô hình trường viết văn khá phổ biến trên thế giới với
các lớp ngắn hạn vài tháng (cấp chứng chỉ) hoặc 4 đến 5 năm (cấp bằng đại học).
Điều đáng chú ý nhất trong các trường viết văn là việc các nhà thơ, nhà văn đã
có tác phẩm để đời đến dạy về viết văn. Từ đây, người ta bắt đầu có những hoài
nghi xuất phát từ thực tế: Nhiều người đã từng học viết văn đều không có tác
phẩm lớn, đa số nhà văn lớn đều không học trường viết văn; và từ đó rút ra kết
luận sáng tác văn chương là thứ không thể dạy được, cho nên, việc tồn tại các
trường dạy viết văn là điều phi lý.
Có lẽ không cần phải lấy ví dụ để chứng minh cho thực
tế không phải ai đều làm đúng nghề đã học (vì nghề chọn người!) và tạo dựng
được sự nghiệp từ cái nghề đã học. Văn chương cũng không phải ngoại lệ! Có người
hiểu chuyện đã nói thẳng: Nếu một lớp viết văn chừng 40 người mà chỉ có duy nhất
1 người trở thành nhà văn lớn, 39 người còn lại biết cảm thụ tích cực văn
chương thì hiệu quả giảng dạy coi như đã đạt yêu cầu!
Văn chương luôn để lại nỗi ám ảnh cho người viết, vì
vậy dẫu có làm nghề gì để sống rốt cuộc nhà văn vẫn sẽ viết như bị “ma làm”.
Cũng vì con đường học vấn của nhiều nhà văn lớn trên thế giới không liên gì đến
văn chương nên nhiều nhà văn ở nước ta lầm tưởng: Muốn có tác phẩm hay thì cần
phải viết một cách tự nhiên theo cảm xúc, không nên để các lý thuyết này nọ
ngăn cản “cơn lũ cảm hứng”. Đó là một quan niệm có lẽ chỉ ở nền văn chương kém
phát triển mới có. Từ lâu, các nhà văn trên thế giới đề đi theo một hình mẫu
là: Nghệ sĩ kếp hợp với nhà khoa học. Cá biệt, có những nhà văn đồng thời là
triết gia (người sản sinh các triết thuyết) như nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre
với chủ nghĩa hiện sinh. Một trong những điều mà văn chương Việt Nam không có
tên trên bản đồ thế giới do thiếu tầm tư tưởng. Cho nên, một nhà văn nước ta
thường chỉ có một tác phẩm nổi lên, chứ ít khi có sự nghiệp kéo dài đến khi…
nhắm mắt xuôi tay.
Những nhà văn thành danh trên thế giới đa phần đều
không học trường viết văn nhưng họ đều có khả tự học một cách bền bỉ và hiệu
quả. Đọc tiểu thuyết Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario Vargas Llosa
(Nobel 2010) với kết cấu đảo lộn trật tự thời rất gần với tiểu thuyết Âm thanh
và cuồng nộ của William Faulkner (Nobel 1949). Bản thân M. V. Llosa thừa nhận Âm
thanh và cuồng nộ là cuốn tiểu thuyết duy nhất khiến ông phải vừa đọc vừa ghi
chép một cách tỉ mẩn. Không chỉ học kĩ thuật viết mà hầu hết các nhà văn lớn
trên thế giới đều xây dựng một phong văn hóa rộng với nguồn chất liệu khổng lồ
phục vụ cho tác phẩm; như nhà văn Trung Quốc Khương Nhung đã mất 20 năm để
nghiên cứu văn hóa du mục Mông Cổ để sau đó mất thêm 6 năm nữa để viết tiểu
thuyết nổi tiếng Tôtem sói.
Cái lợi nhất khi học các khóa viết văn là học viên
được cung cấp những tri thức nền tảng về văn hóa, phân biệt được các kỹ thuật
viết khác nhau và nhất là tạo dựng khả năng sáng tạo một cách độc lập. Những
người tự khám phá thế giới văn chương đương nhiên đi chậm hơn, đôi khi “mất học
phí” với những tìm tòi văn chương tưởng là mới mẻ nhưng hóa ra nhiều người đã thực
hành từ lâu. Những người sau khi học trường viết văn xong vẫn tiếp tục tự học
để không bị tụt hậu so với tình hình văn chương thế giới. Vấn đề còn lại viết
sao cho hay thì việc học viết văn không có liên quan, mỗi người viết khi đó vừa
là thầy vừa là trò của chính mình: Mỗi người viết là một nhà phê bình đủ nhận
ra văn chương mình đến mức nào!
Tóm lại, việc duy trì các lớp viết văn là điều cần
thiết cho nhu cầu những người muốn viết văn một cách nghiêm túc; nhưng nếu
không học các khóa viết văn cũng chẳng nên lấy thế làm buồn mà cứ kiên trì đọc
và nghiền ngẫm rồi thể nào cũng sẽ có tác phẩm. Thế mới biết trong chuyện viết văn,
cái câu cửa miệng của các cụ: “Có học vẫn hơn!”, xem ra chẳng sai chút nào.
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG