Hiển thị các bài đăng có nhãn review. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn review. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

ĐỌC HỒI KÝ 'GIA ĐÌNH, BẠN BÈ VÀ ĐẤT NƯỚC"


Suốt 10 năm sau khi về nghỉ hưu, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vẫn miệt mài với những công việc đoàn thể, xã hội của “một người về hưu bận rộn”-như cách bà tự nói về mình. Cho nên, việc hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” (NXB Tri thức, 2012) ra đời mới đây khiến nhiều người ngạc nhiên ở sức làm việc và trí tuệ minh mẫn của một người ở tuổi 85 tuổi.

Trên thế giới, hầu như những người nổi tiếng đều viết hồi ký với mục đích kể chuyện “thâm cung bí sử”, vào chêm vào những lời nhận xét gây sốc. Càng có nhiều chuyện “độc” hồi ký mới mong bán chạy! Bà Nguyễn Thị Bình là một người nổi tiếng với vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Và là người phụ nữ duy nhất ký vào 32 văn bản của Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam vào ngày 27-1-1973. Nhưng bà Nguyễn Thị Bình đã chọn viết đơn giản, giọng điệu tâm tình như phong cách một quý bà lịch lãm, duyên dáng mà giới truyền thông quốc tế từng gọi bà với có biệt danh “Madame Bình”.

Nội dung của cuốn hồi ký đã được khái quát từ nhan đề bình dị! Trong gần 300 trang sách, bà Nguyễn Thị Bình kể lại cuộc đời mình theo kiểu biên niên sử từ nhỏ cho đến khi về già, nhưng không đi ra ngoài chuyện gia đình, chuyện những người bạn đồng cam cộng khổ và chuyện đi làm việc nước.

Rất nhiều người biết bà Nguyễn Thị Bình là cháu ngoại của nhà yêu nước Phan Châu Trinh (1872-1926). Điều may mắn cho bà Nguyễn Thị Bình là thừa hưởng truyền thống yêu nước, trọng tri thức của cha ông. Song qua hồi ký, người đọc biết thêm nhiều câu chuyện cảm động về gia đình bà như chuyện ông thân sinh bà Bình tuổi cao sức yêu phải chăm hai cháu và khi ông cụ mất bà Bình không có mặt. Hoặc là chuyện, suốt 9 năm chống Pháp, bà Bình chỉ nhận được vẻn vẹn mấy chữ: “Chúc em và cả gia đình ăn toàn, khỏe mạnh” của người yêu là sĩ quan quân đội Đinh Khang nhưng vẫn chờ đợi đến năm 1954 mới nên duyên vợ chồng. Vì nhiệm vụ trên giao bà Bình đã phải xa hai đứa con, không thể chăm sóc thường xuyên khi chiến sự căng thẳng: “Đi công tác xa, nghe bom đạn rơi gần chỗ con ở, tôi lo lắng đến thắt lòng, thương các con vô cùng”. Nhưng chính trong hoàn cảnh gian khó, những người thân yêu luôn ở cạnh bà, trở thành động lực cho mọi công việc. Khi nhìn lại, bà thừa nhận mình là người hạnh phúc khi có một gia đình yên ấm: “Cũng có thể nói tôi có một cuộc đời kỳ lạ: không thể tách ảnh hưởng và tình thương của gia đình trên mỗi bước đường nhiều nỗi gian truân của mình. Đó là sức mạnh và cũng là hạnh phúc của đời tôi”.

Gần 70 năm hoạt động Cách mạng, bà Nguyễn Thị Bình tiếp xúc với nhiều người trong và ngoài nước. Nhiều người trong số đó trở thành bạn bè sát cánh trong công việc hệ trọng. Đặc biệt là ở cuộc đàm phán dài nhất lịch sử tại Paris, những người bạn và cũng là cộng sự của bà như: Lý Văn Sáu, Dương Đình Thảo, Ngọc Dung, Bình Thanh… đã luôn giúp đỡ bà rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ của một trưởng đoàn đàm phán. Và còn rất nhiều những bạn bè quốc tế, cảm phục cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta và có tình cảm yêu mến riêng con người “Madame Bình” nên đã vô tư giúp đỡ Cách mạng Việt Nam.  

Cuối cùng, với đất nước, bà Nguyễn Thị Bình luôn tâm niệm phải hoàn thành mọi việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó để góp phần nhỏ bé cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ năm 1946, bà Nguyễn Thị Bình đã có suy nghĩ: Việc gì có lợi cho Cách mạng thì làm! Và nay, sau ngần ấy năm, ở cuối cuốn hồi ký, quan điểm phải đặt lợi ích chung của đất nước lên trên hết được bà cho là điều bất di bất dịch. Khi đất nước vẫn chưa hết khó khăn và phải đương đầu với những thách thức mới, bà Nguyễn Thị Bình tin tưởng ở sức mạnh của dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ giúp đất nước đi lên: “Tôi thích ví đất nước ta như con thuyền. Qua bao thác ghềnh, con thuyền Tổ quốc đã ra biển cả, phía trước là chân trời mới…!”

          HÀM ĐAN

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

"BA ƠI, MÌNH ĐI ĐÂU?"


Có những tác phẩm văn chương chỉ nên đọc một lần, không phải vì chất lượng tác phẩm không đáng để lần giở lại mà vì sức ám ảnh quá lớn, không mấy người có dũng khí đọc lần thứ hai. Như tiểu thuyết “Ba ơi, mình đi đâu?” (Phùng Hồng Minh dịch, NXB Hội Nhà văn, 2009) của nhà văn Pháp Jean-Louis Fournier chẳng hạn; đọc xong, nhiều người sẽ để nó trên giá sách và chuyển sang đọc một cuốn sách khác để nhanh chóng tạm quên những ám ảnh mà cuốn sách đem lại.

Không ám ảnh sao được khi “Ba ơi, mình đi đâu?” là lời tự thuật của người cha viết cho hai đứa con trai bị bệnh thiểu năng và dị tật bẩm sinh khiến chúng vừa ngu ngơ vừa không thể vận động được. Người cha trong cuốn tiểu thuyết chính là tác giả J. L. Fournier vì ngoài đời thực ông có hai đứa con trai tật nguyền. J. L. Fournier là một nhà văn kiêm đạo diễn điện ảnh nổi tiếng; sau nhiều năm, ông mới viết về hai đứa con tật nguyền vì nghệ thuật làm bất tử hóa bất cứ hình tượng nào: “Một cuốn sách ba viết cho các con. Để không ai quên được các con, để các con không chỉ hiện hữu trên một bức ảnh trong tấm thẻ chứng nhận tật nguyền”.

Đọc tiểu thuyết mỏng hơn 150 trang này, khó ai có thể quên bi kịch giáng xuống nhân vật người cha J. L. Fournier mà ông phải tự nhận: “Tôi có tới hai ngày tận thế”. Đó là hai ngày mà Mathieu và Thomas ra đời, cả hai lần bác sĩ đều thông báo hai đứa trẻ vĩnh viễn không phát triển bình thường. Khi rơi vào bi kịch, theo bản năng người viết dễ sa vào giọng oán hờn; nhưng ngược lại “Ba ơi, mình đi đâu?” viết bằng giọng văn “hài hước đen” né tránh ủy mị. Đó là điều cốt yếu khiến cuốn tiểu thuyết trở nên độc đáo khi tác giả cười trên nỗi đau khổ của chính bản thân.

Gần như trong trang sách nào, J. L. Fournier đều kể lại những điều hài hước trong nhiều năm chăm sóc hai đứa con tật nguyền: “Mathieu luôn phát ra những tiếng “brừm-brừm” từ miệng. Thằng bé nghĩ mình là một chiếc ô tô... Đã nhiều lần tôi phải yêu cầu nó tắt ngay động cơ nhưng vô ích... Tôi không thể ngủ, ngày hôm sau tôi phải dậy sớm... Tôi tự an ủi mình bằng suy nghĩ ngay cả những đứa trẻ bình thường cũng khiến cha mẹ chúng mất ngủ. Thật đáng đời họ”. Thường thì cái cười là khởi điểm nhưng kết thúc của một tình huống lại là sự cay đắng cho người cha và cho chính người đọc: “Mới đây, tôi gặp một chuyện rất xúc động. Mathieu đã say sưa đọc một cuốn sách. Tôi lại gần, vô cùng hồi hộp. Nó cầm quyển sách ngược”.   

Sự lặp đi lặp lại một cách viết dưới cùng một góc nhìn không làm độc giả cảm thấy nhàm chán vì “Ba ơi, mình đi đâu?” là tiểu thuyết viết dưới hình thức thư. Hình thức thư đưa đến cho độc giả một nghệ thuật kể chuyện bông lơn và cách diễn đạt hóm hỉnh tinh tế. Hơn nữa, thư vốn là hình thức linh hoạt nên sẽ giúp người kể chuyện thoải mái trong suy nghĩ, vượt mọi khoảng cách về không gian và thời gian mà không làm tổn hại đến trình tự diễn biến của cốt truyện.


J. L. Fournier đã tiếp nối truyền thống các tiểu thuyết viết bằng thư từ các nhà văn trước như: “Nàng Héloise tân thời” của Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), “Những mối quan hệ nguy hiểm” của Pierre Choderlos de Laclos (1741-1803), “Alexis hay thỏa ước của trận chiến vô nghĩa” của Marguerite Yourcenar (1903-1987)… Việc tìm đến với hình thức viết thư có thể xem là tất yếu trong lựa chọn “cái biểu đạt” cho nội dung “Ba ơi, mình đi đâu?” vì kỹ thuật viết thư cho phép mang lại sự hư cấu tưởng tượng một bề ngoài chân thực nói như nhà phê bình Thụy Sĩ Jean Rousset (1910-2002) trong tiểu luận “Hình thức và ý nghĩa” (1963): “Tiểu thuyết dưới hình thức thư làm cho người đọc gần gũi với tình cảm đã trải nghiệm đúng như người ấy đã sống”. Cho nên, dù là người ngoài và không tận mắt chứng kiến cuộc sống của người cha với hai đứa con tật nguyền nhưng chẳng ai sau khi đọc cuốn sách có thể nghi ngờ về sự tự nhiên trong cảm giác hài hước lẫn cay đắng hòa làm một của người cha trong tiểu thuyết.

Viết thư khiến người ta có thể suy ngẫm, và có thể sửa chữa những thiếu sót khuyết điểm của mình như nhân vật người cha sám hối với hai đứa con: “Thường thì ba không chịu đựng nổi các con, thật khó để có thể thương yêu các con. Với các con, cần phải có lòng kiên nhẫn vô tận của một thiên thần, mà ba thì không phải thiên thần”.   

“Ba ơi, mình đi đâu?” là một cuốn sách của những câu chuyện giản dị nhưng ý nghĩa khái quát sâu nhất của tác phẩm lại đụng đến câu hỏi bản thể muôn đời: Ta từ đâu đến? Làm gì? Đi đâu? Nó giống như câu hỏi thường trực của cậu bé tật nguyền Thomas hỏi người cha: “Ba ơi, mình đi đâu?”. Người cha chỉ còn cách im lặng: “Đến lần hỏi thứ mười “Ba ơi, mình đi đâu?” thì tôi không trả lời nữa... Ba cũng chẳng biết rõ chúng ta đi đâu, Thomas tội nghiệp của ba à”.

          “Một cuốn sách hướng con người đến cái thiện”-Christine Jordis (Trưởng ban giám khảo giải Fémina) đã phát biểu như vậy sau khi “Ba ơi, mình đi đâu?” được trao giải thưởng danh giá Fémina năm 2008. Không chỉ trở thành tâm điểm của mùa sách văn học Pháp 2008, mà kể từ khi ra đời, kiệt tác nhỏ đầy tính nhân bản này đã được đọc và được yêu thích khắp thế giới.

          HÀM ĐAN

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

RYUNOSUKE AKUTAGAWA, NGƯỜI CHA CỦA TRUYỆN NGẮN NHẬT BẢN

 (Tuyển tập truyện R. Akutagawa, Vũ Minh Thiều dịch, NXB Gió Bốn Phương, Sài Gòn, 1967)
Trong thời trị vì của Thiên hoàng Minh Trị (1867-1912), Nhật Bản đã tiến hành công cuộc hiện đại hóa một cách mạnh mẽ để trở thành một đế quốc. Với tư tưởng “thoát Á nhập Âu”, đời sống văn hóa tinh thần nói chung và văn học nói riêng ở xứ sở mặt trời mọc bước sang thời hiện đại một cách mau lẹ. Sau thời gian đầu làm quen, mô phỏng văn học phương Tây, bước sang những năm đầu thế kỷ XX, văn học Nhật Bản bắt đầu có những sáng tạo kết tinh. Một trong những cái tên nổi bật, đặt nền móng cho văn học hiện đại Nhật Bản là nhà văn Ryunosuke Akutagawa (1892-1927). Tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng R.Akutagawa đã để lại những truyện ngắn được liệt vào hàng kiệt tác, đưa ông đến danh xưng "Người cha của truyện ngắn Nhật Bản".       
    Ở đất nước có truyền thống văn chương duy mỹ và duy cảm như Nhật Bản, hoàn cảnh cuộc sống thường xuyên có tác động hữu hình tới con người sáng tạo của nhà văn. Thế giới nghệ thuật u buồn và bi quan của R.Akutagawa có lẽ xuất phát việc sớm nếm trải những bi kịch cuộc đời. Khi ông 1 tuổi, bà mẹ phát bệnh điên và ông về làm con nuôi ông cậu là nhà văn Michiaki Akutagawa. Thời niên thiếu của R.Akutagawa khá êm ấm, ông được học hành đàng hoàng và học rất giỏi. Ông tỏ ra có khiếu văn chương từ nhỏ, 7 tuổi đã biết làm thơ Haiku. Tới những năm tuổi 20, ông học văn chương Anh tại Đại học Đế quốc Tokyo và bắt đầu nghiền ngẫm các tác phẩm của các nhà văn phương Tây như: Anatole France, Henri Bergson, August Strindberg… Đây cũng là giai đoạn ông viết những truyện ngắn đầu tay trong sáng, giàu chất thơ như truyện ngắn “Nước dòng sông Cái”. 
Khoảng thời gian từ năm 1916 đến 1925, bút lực của R.Akutagawa tỏ ra sung mãn và chín muồi với hàng loạt truyện ngắn xuất sắc. Song, sức khỏe của ông suy giảm rõ rệt với đủ thứ bệnh về thần kinh, tim và tiêu hóa. Năm 1927, người anh vợ của R.Akutagawa tự sát sau khi đốt nhà để lại món nợ lớn khiến ông phải gắng sức thanh toán. Bế tắc trong đời sống cộng với cạn cảm hứng sáng tạo, đêm 24-7-1927, ông uống thuốc ngủ tự tử. 
Sau khi qua đời, tên tuổi của R.Akutagawa mới trở nên nổi tiếng thông qua bộ phim “Rashomon” (Cổng Rasho) của “Hoàng đế điện ảnh Nhật Bản” Akira Kurosawa (1910-1998). Năm 1951, bộ phim “Rashomon” chuyển thể từ truyện ngắn “Trong rừng trúc” (tên gọi khác là “Bốn bề bờ bụi”) của R.Akutagawa đã giành được Giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice (I-ta-li-a) và giải Oscar đặc biệt (tương đương giải Oscar “Phim nước ngoài xuất sắc nhất” hiện nay). Giới phê bình phương Tây mới phát hiện ra bậc thầy truyện ngắn Nhật Bản ngang tầm với những cây bút truyện ngắn cự phách xuất thân từ châu Âu.
    Người Việt Nam biết đến R.Akutagawa cũng thông qua phim “Rashomon” chiếu ở Hà Nội ngay sau khi giải phóng Thủ đô (1954). Từ thập niên 1960 đến nay, các truyện ngắn của R.Akutagawa được dịch rải rác. Mới nhất là tuyển tập truyện ngắn của R.Akutagawa có nhan đề “Trinh tiết” (Nhiều người dịch, NXB Văn học&Alphabooks, 2006); tuyển tập này đáng đọc hơn cả vì được dịch từ nguyên bản tiếng Nhật, và nhiều truyện ngắn chưa từng dịch ra tiếng Việt trước đó.
    Di sản văn chương độc đáo của R.Akutagawa thể hiện qua hai chặng đường sáng tạo riêng biệt. Trong giai đoạn đầu, R.Akutagawa mượn nội dung của các truyện cổ trong nước và nước ngoài làm nền tảng cho các truyện ngắn. Như trong truyện ngắn “Sợi tơ nhện”, R.Akutagawa đã mượn cốt truyện từ một truyện cổ Ấn Độ, nhưng ông đã sáng tạo rất nhiều khi miêu tả đối lập cảnh giữa Địa Ngục và cõi Niết Bàn vô cùng sinh động. Mặt khác, ông sắp xếp diễn biến câu chuyện một cách tinh tế khiến truyện ngắn giàu kịch tính, tạo căng thẳng cho người đọc suốt cả truyện ngắn. Sáng tác thời kỳ đầu của R.Akutagawa mang tính chất hiện thực mà sự đa dạng về nội dung của các truyện ngắn lớn hơn bất cứ tác phẩm của nhà văn nào cùng thời với ông, phản ánh sự nhạy cảm nội tâm và chiều sâu tri thức của một người am hiểu sâu sắc văn chương Nhật Bản truyền thống và văn học Trung Hoa cổ điển. Những sáng tác của R.Akutagawa trải rộng đề tài trên rất nhiều bình diện xã hội mang tính dụ ngôn sâu sắc.
    Thời kỳ sáng tác thứ hai của R.Akutagawa có sự đổi mới về hình thức kể chuyện triệt để. Tuy cốt truyện không có gì mới lạ nhưng cách kể chuyện của ông ảnh hưởng từ cách kể chuyện đa dạng của văn học phương Tây khiến sự cách tân đi rất xa so với các truyện ngắn Nhật Bản đương thời. Truyện ngắn tiêu biểu nhất cho thời kỳ sáng tác thứ hai của R.Akutagawa là truyện ngắn “Trong rừng trúc”. Truyện ngắn xoay quanh cái chết của một người đàn ông. Những lời khai của các nhân vật liên quan gồm: Người tiều phu, nhà sư, tên cướp, người vợ và người đàn ông-người chồng đã chết thông qua người hầu đồng...; không hề giống nhau khiến quan tòa đang xét xử vụ án-hay đúng ra là chính người đọc hoang mang không hiểu đâu là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người chồng. Tư tưởng của truyện ngắn là sự hoài nghi tuyệt đối của R.Akutagawa về cái gọi là sự thật. Sự thật có lẽ không tồn tại mà chỉ hiện hữu qua khúc xạ tâm lý mỗi nhân vật. Chính cấu trúc phân mảnh và lắp ghép của truyện “Trong rừng trúc” đã ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật tự sự hiện đại thông qua một loạt các tác phẩm lớn là tiểu thuyết “Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa” của Đới Tư Kiệt hay bộ phim “Anh hùng” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu...
   Ngày nay, những thành tựu nghệ thuật của R.Akutagawa không còn quá xa lạ; nhưng tinh thần tiền phong trong sáng tạo của R.Akutagawa vẫn mãi là niềm tự hào của văn chương Nhật Bản thời hiện đại.

      HÀM ĐAN

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

MARCEL PROUST, NGƯỜI CHIẾN THẮNG THỜI GIAN

("Dưới bóng những cô gái tuổi hoa"-tập II "Đi tìm thời gian đã mất", NXB Văn học in lần đầu 1992)
Đã 90 năm kể từ khi văn hào Pháp Marcel Proust (1871-1922) đi vào cõi vĩnh hằng; và cũng chỉ còn một năm nữa là tròn một thế kỷ, tập đầu tiên mang tên “Về phía nhà Swann” (1913) trong bộ tiểu thuyết bảy tập “Đi tìm thời gian đã mất” được xuất bản, mọi lời tuyên bố về một tiểu thuyết có thể tạo được cuộc cách mạng văn chương tương tự chỉ còn là những lời lẽ huênh hoang.

Thực ra, tiểu thuyết Pháp sau thời M. Proust cũng đã có những cách tân, như phong trào “Tiểu thuyết Mới” nhưng vẫn chưa đạt đến mức khiến các nhà văn đi sau không ngừng khiếp sợ và tự hiểu phải đi tìm một con đường sáng tạo khác. M. Proust đích thị là một “bóng ma” lởn vởn trong văn chương suốt thế kỷ XX!

Nhưng nếu biết về tiểu sử của M. Proust và dành thời gian nghiền ngẫm kiệt tác “Đi tìm thời gian đã mất”, những người viết sẽ không còn cảm giác “ngợp”, M. Proust sẽ như một “người bạn” đồng hành trong quá trình sáng tạo chông gai mà thú vị.

M. Proust đã giúp nhiều người trả lời câu hỏi đầu tiên: “Vì sao lại muốn viết văn?”, bằng bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” đồ sộ 3000 trang co chữ 8. Kiệt tác của M. Proust chỉ là câu chuyện về thiên hướng viết văn của người kể chuyện từ lúc trẻ đến lúc trưởng thành, anh ta đã tìm lại được thiên đường quá khứ thông qua hành động viết. Như vậy, tiểu thuyết và rộng ra là văn chương là hoạt động thuần túy tinh thần phi vụ lợi. Ở ngoài đời thực, “người khổng lồ văn chương” M. Proust có thể chất vô cùng kém, suốt đời ông bị chứng hen suyễn hành hạ. Bệnh tật và ý thức cái chết thường trực đã khiến M. Proust cách ly hẳn với đời sống nhiều năm liền, viết liên tục suốt ngày đêm, M. Proust là một tấm gương “tử vì đạo”. Người ta có thể đặt giả thiết, nếu khỏe mạnh, M. Proust có thể chỉ xem văn chương là nghề tay trái để theo đuổi một nghề thời thượng hơn như bác sĩ, luật sư…; và gần như chắc chắn, M. Proust nhiều khả năng đã không thể cách tân tiểu thuyết đến mức gần làm “cạn kiệt” thể loại này. M. Proust cũng để lại bài học quý giá, đã là người sáng tạo nghĩa là không thỏa hiệp, cho dù tác phẩm có thể không được chào đón do quá mới lạ. Sinh thời, M. Proust đã tiên liệu “Đi tìm thời gian đã mất” phải cần đến nửa thế kỷ mới được đọc rộng rãi, nhưng không cần chờ lâu như vậy, ngay từ năm 1919, ông sống trong vinh quang khi giành được giải Goncourt-giải thưởng văn chương danh giá nhất nước Pháp cho tập hai “Dưới bóng những cô gái tuổi hoa” (Đây cũng là tập duy nhất trong “Đi tìm thời gian đã mất” được dịch sang tiếng Việt do Nguyễn Trọng Định dịch, NXB Văn học in lần đầu 1992, NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam tái bản năm 2008). 

M. Proust cũng đã trực tiếp chứng minh: Một kiệt tác không nhất thiết phải liên quan đến một đề tài lớn. Khác với các tiểu thuyết thế kỷ XIX, trải suốt “Đi tìm thời gian đã mất”, M. Proust không đặt trọng tâm vào những sự kiện lớn của xã hội và cả biến cố hệ trọng của người kể chuyện trở thành cái cớ để làm thay đổi cốt truyện. Ví dụ nổi tiếng nhất là mẩu bánh madeleine: “Một lúc sau, lòng nặng trĩu vì đã qua một ngày buồn tẻ và trước viễn cảnh ngày hôm sau sẽ u ám, như một cái máy, tôi đưa lên một thìa nước chè trong đó tôi đã để mềm một mẩu bánh madeleine. Nhưng ngay đúng giây lát mà hớp nước lẫn với vụn bánh chạm vào miệng tôi, tôi bỗng rùng mình, cảm thấy một cái gì đó kỳ lạ đang diễn ra trong tôi. Một niềm vui thích tuyệt vời lan tỏa trong tôi, tách biệt, mà không gắn gì với khái niệm về một nguyên nhân nào cả. Niềm vui đó đột nhiên khiến mọi thăng trầm trong cuộc sống trở nên hoàn toàn không quan trọng, các tai họa chẳng còn ý nghĩa, và sự ngắn ngủi của cuộc đời trở nên hão huyền, giống như tác động của tình yêu, bằng cách khiến cho con người tôi tràn ngập một tính cách quý giá: hay nói đúng hơn, tính chất đó không phải ở trong tôi, nó chính là tôi. Tôi không còn cảm thấy mình tầm thường, vớ vẩn và dễ tiêu vong” (Trích “Về phía nhà Swann”). M. Proust chỉ nhờ sự việc tầm thường, toàn bộ ký ức đã quay trở lại với người kể chuyện. Sau M. Proust, không còn nhiều nhà văn ham hố đi xây dựng tiểu thuyết “biên niên sử” như trong “Tấn trò đời” của H. de Balzac (1799-1850) hay là một dòng họ trong “Gia đình Rougon-Macquart” của E. Zola (1840-1902).

Chất liệu trong “Đi tìm thời gian đã mất” chỉ quanh quẩn trong giới thượng lưu Paris thời hoa lệ đầu thế kỷ XX, M. Proust đã bị nhiều nhà văn lớn chỉ trích vì thiếu “dấn thân” và sự bé mọn của ý nghĩa; thực ra, M. Proust đã thực hành một điều quan trọng: Chỉ nên viết những gì thông thuộc nhất với cuộc đời mình. M. Proust sinh ra trong một gia đình thượng lưu, tuổi trẻ của ông gắn bó với xã hội thượng lưu như một lẽ tự nhiên ông sử dụng chất liệu xã hội thượng lưu làm chất liệu cho tác phẩm. M. Proust đã đẩy đến cùng cái viết về một chất liệu vi mô nên ông đã gặp cái vĩ mô. Ông đã phân tích chi ly các lề thói xã hội thượng lưu đến mức miêu tả được những bản tính muôn đời của con người, nhất là cái thói đua đòi (snobisme).

Nhưng trên hết vẫn là khám phá đặc biệt của M. Proust trên rất nhiều phương diện nghệ thuật tiểu thuyết, đặc biệt là cấu trúc tiểu thuyết. Cấu trúc “Đi tìm thời gian đã mất” là một thế giới ký hiệu tương ứng, văn bản thời gian hiện tại chồng lên văn bản thời gian quá khứ. M. Proust là người đầu tiên thoái khỏi cái mô hình văn chương phản ánh cuộc sống như những gì cuộc sống vốn có; mà ông phản ánh theo sự chủ quan của ý thức để tạo nên một thế giới độc nhất vô nhị. Thế nên, “Đi tìm thời gian đã mất” được xem là tiểu thuyết vĩ đại nhất trong thế kỷ XX. Nhờ đó, M. Proust đã chiến thắng được sự tàn phá vô hình và vô tình của thời gian!

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

KURT VONNEGUT, BẬC THẦY CHÂM BIẾM


Ngày 11-4-2007 sẽ là ngày bình lặng với nước Mỹ, nếu không có một hung tin: Nhà văn Kurt Vonnegut qua đời ở tuổi 85. Dư luận Mỹ đau buồn trước sự ra đi của một trong những nhà văn xuất sắc nhất, nhưng K. Vonnegut hồi còn sống luôn tự mỉa mai đã sống quá lâu. Trong tác phẩm cuối cùng được xuất bản là “A man without a country-A memoir of life in George W. Bush’s America”, 2005 (“Người không quê hương-Hồi ký về nước Mỹ thời George W. Bush” do Nguyễn Khánh Toàn dịch, NXB Thông tấn & Nhã Nam, 2011), ông đùa rằng: “Tôi sẽ kiện công ty thuốc lá Brown&Williamson, nhà sản xuất thuốc lá hiệu Pall Mall, đòi bồi thường 1 tỷ đô!... Và đã nhiều năm nay, ngay trên báo thuốc, Brown&Williamson hứa sẽ giết tôi. Nhưng giờ thì tôi tám mươi hai tuổi rồi”. Suốt cả văn nghiệp với gần 30 tác phẩm, K. Vonnegut luôn thích đùa như vậy vì ông nổi tiếng là bậc thầy châm biếm, kết hợp hoàn hảo “hài hước đen” (black comedy) với các phong cách khác để tạo ra thế giới nghệ thuật độc sáng, tiêu biểu cho chủ nghĩa hậu hiện đại.

Con người ưa hài hước ấy lại có tiểu sử không vui khi sớm đối diện sóng gió cuộc đời. Ông sinh ngày 11-11-1922 tại TP Indianapolis, bang Indiana (Mỹ) trong một gia đình người Mỹ gốc Đức. Cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 đã làm gia đình ông khánh kiệt, bà mẹ mất vì dùng thuốc ngủ quá liều. Lớn lên, ông gia nhập quân đội Mỹ tham chiến trong Đệ nhị thế chiến, bị bắt làm tù binh và suýt chết trong cuộc ném bom kinh hoàng của quân Đồng minh xuống TP Dresden (Đức). Trải nghiệm đó đã làm nền cho tác phẩm nổi tiếng nhất của K. Vonnegut là tiểu thuyết “Lò sát sinh số 5” (1969). Không giống các tác phẩm ai oán viết về Đệ nhị thế chiến, K. Vonnegut sử dụng tính châm biếm và khoa học giả tưởng, đưa anh lính Billy Pilgrim vào một cuộc du hành xuyên thời gian làm nhân vật hài hước trong chiến tranh.

Các tác phẩm tiếp theo là “Bữa sáng của các nhà vô địch” (1973), “Dick mù” (1982), “Quần đảo Galápagos” (1985)… khẳng định vị trí hàng đầu của K. Vonnegut trên văn đàn; các tác phẩm của ông dần dần được giảng dạy trong nhà trường và được đọc đi đọc lại bởi nhiều thế hệ. Ở Việt Nam, mới chỉ dịch tác phẩm “Người không quê hương”.

Các nhà phê bình xếp “Người không quê hương” là tiểu luận nhưng đúng ra cuốn sách này phi thể loại vì tác phẩm kết hợp hồi ký, tiểu luận trên một kết cấu linh hoạt. Cuốn sách tập hợp 12 đoản văn, 1 bài thơ và các tranh tự họa hài hước (họa sĩ là nghề tay trái của K. Vonnegut) đề cập các vấn đề như: Chính trị, nghệ thuật, tình ái… “Người không quê hương” là những suy nghĩ của K. Vonnegut dưới cái nhìn nhân văn và phong cách châm biếm. Chính hai yếu tố này là “xương sống” của tác phẩm khiến “Người không quê hương” tuy phi thể loại, nội dung ở mỗi đoản văn không thống nhất nhưng khiến người đọc chú ý bởi sau tính hài hước, lập tức phải suy ngẫm đến những vấn đề “nóng” của thời cuộc. Chẳng hạn, mở đầu đoản văn “Tôi sẽ cho bạn biết một tin”, K. Vonnegut tếu táo bàn chuyện con người lạm dụng các chất gây nghiện, nhưng tiếp đó ông lại chuyển sang vấn đề nghiêm túc là việc con người khai thác vô độ nhiên liệu hóa thạch, ông viết: “Chúng ta đều là những con nghiện nhiên liệu hóa thạch nhưng lại không chịu thừa nhận.” Lời phê phán của K. Vonnegut không có gì mới mẻ vì triết học chính trị gần đây không chỉ bàn đến vấn đề cổ điển về nhà nước, cá nhân và xã hội… mà còn quan tâm đến vấn đề môi trường. Triết gia số một nước Đức hiện giờ là Jürgen Habermas nhận định rằng: “Sự tăng trưởng của chủ nghĩa tư bản rút cuộc sẽ bị chặn đứng bởi nguồn tài nguyên hữu hạn của trái đất”. Nhưng K. Vonnegut lật lại vấn đề cũ bằng phong cách hài hước sẽ khiến người đọc ghi nhớ lâu hơn.

Trọng tâm của “Người không quê hương” là phê phán xã hội Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush. K. Vonnegut từng hy vọng nước Mỹ nhân văn và hiểu lý lẽ nhưng ông sớm thất vọng khi chính quyền Tổng thống Bush tiếp tục phạm sai lầm trong quá khứ, đặc biệt là đưa nước Mỹ vào cuộc chiến tranh với các nước Hồi giáo mà không có mục đích cụ thể nào, y như cuộc chiến Việt Nam trước đây. Ông phê bình một cách hài hước: “Nói tới chuyện lao vào chiến tranh, bạn có biết tại sao tôi nghĩ George W. Bush bị người Ả Rập làm cho tức điên lên không? Họ mang đến cho chúng ta môn đại số. Cả những con số chúng ta sử dụng, gồm cả ký tự số không, cái mà người châu Âu trước đó chưa bao giờ có. Bạn nghĩ người Ả Rập ngốc nghếch à? Cứ thử làm phép chia với chữ số La Mã đi xem”.

K. Vonnegut đã tiếp nối truyền thống “đề kháng thụ động” của Henry David Thoreau (1817-1862), Allen Ginsberg (1926-1997), Noam Chomsky…, tiếp tục nghi ngờ một cách sáng suốt đối với những siêu tập đoàn và những cơ quan nhà nước đại diện cho bộ mặt đất nước và cho chính sách đối ngoại. Sự nghi ngờ đó chẳng bao giờ thừa và đang diễn ra như tiên đoán, sau khi K. Vonnegut qua đời vài tháng, nước Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính mà thủ phạm là các ông chủ và các chính trị gia bất tài, tham lam.

Vậy là, có thể xem K. Vonnegut là một nhà nhân văn lớn cho dù ông luôn tự chế giễu điều này: “Tôi, một cách tình cờ, là Chủ tịch Danh dự Hội những nhà Nhân văn Hoa Kỳ, kế nhiệm nhà văn khoa học viễn tưởng vĩ đại quá cố Issac Asimov trong cái vai trò hữu danh vô thực ấy. Chúng tôi tổ chức lễ tưởng niệm Isaac vài năm trước, lúc đó tôi phát biểu và có đoạn tôi nói, “Isaac bây giờ đang trên thiên đàng”. Đó là điều hài hước nhất tôi có thể nói với khán giả là những nhà nhân văn. Tôi đã làm họ cười lăn cười bò… Và nếu tôi có chết, phỉ phui, tôi hy vọng bạn sẽ nói, “Kurt bây giờ đang trên thiên đàng.” Chuyện đùa tôi thích nhất đấy”.    

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

TÁC PHẨM LÀM THAY ĐỔI VĂN HỌC CHÂU PHI



Chinua Achebe sinh ngày 16-11-1930 tại thị trấn Ogidi, miền Nam Ni-giê-ri-a trong một gia đình tộc người Ibo theo Thiên Chúa giáo. Từ nhỏ, C. Achebe đã được thừa hưởng nền giáo dục tiên tiến của Anh quốc giúp ông trở thành một người uyên bác sau này. Trong cuộc đời sôi động của mình, ông tham gia nhiều hoạt động như: Báo chí, chính trị, giáo dục; nhưng trên hết vẫn là sáng tác văn chương đều đặn. Sự nghiệp văn chương của C. Achebe khá đồ sộ với hơn 30 tác phẩm đủ mọi thể loại, nên các nhà phê bình thường gọi ông là “Người cha của văn học châu Phi hiện đại”.
        
Sự tôn vinh C. Achebe đến khá sớm, ngay từ tác phẩm đầu tay của ông là tiểu thuyết “Things fall apart”-“Mọi thứ đều tan vỡ”, 1958 (Bản dịch tiếng Việt có nhan đề “Quê hương tan rã” do Nguyễn Hiến Lê và Hoài Khanh dịch, NXB Ca dao in lần đầu năm 1970,  NXB Văn hóa Sài Gòn tái bản năm 2008).

Ở lứa tuổi 20, khi bắt tay vào viết “Quê hương tan rã”, tầm suy tư của C. Achebe đã già dặn một cách đáng ngạc nhiên. Lý do ông viết “Quê hương tan rã” là muốn xác định vị trí bản thân và đất nước Ni-giê-ri-a giữa dòng chảy của lịch sử. Suy nghĩ đó nghe có vẻ cao siêu nhưng thực ra lại rất thiết thực. Vì hồi đó, châu Phi vẫn chứa nhiều bí ẩn, chỉ được những người da trắng giới thiệu ra thế giới không thực sự chính xác và khách quan. C. Achebe muốn thay đổi thực trạng đáng buồn trên thông qua một tác phẩm hư cấu. Và ông đã thành công, “Quê hương tan rã” được xem là tác phẩm làm thay đổi văn học châu Phi.

Nội dung của tiểu thuyết “Quê hương tan rã” xoay quanh câu chuyện của một người hùng của tộc người Ibo tên là Okonkwo. Okonkwo tạo được danh vọng và tài sản nhờ ý chí tự lập sắt đá dù chàng lớn lên trong cảnh nghèo khó do người cha bất tài và lười nhác. Một lần do phạm tội ngộ sát, Okonkwo phải tự lưu đày bên nhà vợ bảy năm. Khi mãn hạn lưu đày, Okonkwo trở về cũng là lúc người da trắng tới và làm thay đổi quê hương của Okonkwo.

Đi đầu trong công cuộc thâm nhập miền đất mới của người da trắng là các nhà truyền giáo. Người dân Ibo dù không thích tôn giáo mới, nhưng vì hiếu khách đã cho phép các nhà truyền giáo lập giáo đường và thuyết giáo. Số người dân bản địa theo đạo mới ngày càng đông, kể cả những vị có chức sắc. Bước tiếp theo, người Anh lập chính quyền, tòa án, quân lính... để ép người bản địa theo luật pháp của chính quốc. Ngoài ra, họ còn mở các cửa hàng để vơ vét lâm thổ sản địa phương. Những hành động của người da trắng đã làm chia rẽ nghiêm trọng bộ lạc Ibo. Okonkwo đại diện cho những người thiểu số trọng cổ tục, trước nguy cơ biến mất của các giá trị truyền thống đã kêu gọi đồng bào nổi dậy chống lại người Anh. Nhưng không ai muốn làm theo Okonkwo, ngay cả đứa con trai của Okonkwo là Nwoye cũng theo tôn giáo mới và từ bỏ cha mình.

Cao trào của cốt truyện xảy ra khi Okonkwo bị lừa nhốt vào nhà giam, phải nộp tiền chuộc mạng. Quá uất ức, Okonkwo đã chém đầu một tên tay sai. Hành động của Okonkwo không khiến cộng đồng của anh vùng dậy mà thay vào đó là nỗi sợ hãi. Kết thúc tiểu thuyết là tâm trạng tuyệt vọng vì không thể thuyết phục đám đông theo mình, Okonkwo đã treo cổ tự vẫn-một cái chết mà người Ibo xem là tủi nhục nhất.

Xuyên suốt tiểu thuyết “Quê hương tan rã”, người đọc bị cuốn hút vì C. Achebe đã dựng lại quá khứ của một xã hội bộ lạc nguyên thủy với tất cả sự giàu có về văn hóa, giàu tính nhân bản trong quan hệ gia đình và làng xóm... Nhưng đây không phải là tác phẩm mượn hình hài tiểu thuyết cốt để nói chuyện phong tục dành cho những người đọc chuộng lạ mà C. Achebe muốn miêu tả lại thời khắc va chạm giữa nền văn hóa bản địa cổ truyền và văn hóa ngoại lai. C. Achebe tuy là người Ibo nhưng ông rất khách quan trong giọng điệu và từ ngữ, không lên án người da trắng vì ông hiểu sự phai nhạt các giá trị truyền thống của một xã hội có trình độ văn minh thấp kém hơn là điều không thể tránh khỏi của quy luật lịch sử, nhất là khi chủ nghĩa thực dân phát triển mạnh mẽ. Chỉ có điều, giá mà giữa các nền văn hóa có sự đối thoại để hiểu nhau thì kết quả của sự tiếp biến văn hóa không phải trả giá quá đắt.

Tác phẩm “Quê hương tan rã” được viết bằng tiếng Anh theo hình thức tiểu thuyết cổ điển của thế kỷ XIX nên không có nhiều cách tân về mặt thể loại. Nhưng nếu so với mặt bằng văn học châu Phi thời đó thì quả là bước nhảy vọt về chất lượng. Chưa bao giờ, người ta thấy một nhà văn châu Phi viết về chính lịch sử đau thương của châu Phi một cách sâu sắc bằng nghệ thuật tự sự lão luyện. Vượt ra khỏi phạm vi đất nước Ni-giê-ri-a và châu Phi, “Quê hương tan rã” đã thể hiện chính xác kinh nghiệm xương máu của các dân tộc thuộc địa đối diện với chủ nghĩa thực dân trước đây. Đó cũng là lý do vì sao “Quê hương tan rã” ngay từ khi ra đời đã được xem là một tác phẩm văn chương kinh điển, được dịch ra hàng chục thứ tiếng và tiêu thụ tới 11 triệu bản.    

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

KỲ NHÂN JORGE LUIS BORGES

          Thế kỷ XX không chỉ có riêng khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc mà văn chương cũng xuất hiện nhiều tài năng xuất chúng. Nhưng nếu phải lựa chọn nhà văn khiến nhiều người đọc ngạc nhiên và mê hoặc thì có lẽ cái tên Jorge Luis Borges (1899-1986) sẽ được nghĩ tới nhiều nhất.
       J. L. Borges thuộc trong số không nhiều các nhà văn có duyên với văn chương từ khi còn nhỏ tuổi. Gia đình nhà Borges giàu có thủ đô Buenos Aires (Ác-hen-ti-na) đã đón chào sự ra đời của cậu bé Jorge Luis Borges vào ngày 24-8-1899 trong niềm vuicả hy vọng về một tài năng văn chương tương lai. Thời thơ ấu của J. L. Borges sống trong sự giáo dục nghiêm cẩn kiểu quý tộc châu Âu. Bà nội ông vốn là người Anh đã dạy cháu tiếng Anh song song với tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha. Lên 9 tuổi, thậm chí ông còn dịch truyện “Hoàng tử hạnh phúc” của nhà văn Ai-len Oscar Wilde (1854-1900) sang tiếng Tây Ban Nha xuất sắc đến mức, người biên tập cứ tưởng ông bố Jorge Guillermo Borges mới đích thị là người dịch.
    Không chỉ là thần đồng-thân phận của một người trưởng thành sớm một cách lạ kỳ, cuộc đời J. L. Borges cũng kỳ lạ không kém những sáng tác của ông J.L. Borges đã phải sáng tác trong cảnh mù lòa suốt 31 năm. Trong quãng thời gian sống với bóng tối dưới sự giúp đỡ của thư ký, sức viết của ông không hề giảm, chất lượng các tác phẩm được nâng lên tầm hoàn hảo. Kỳ lạ hơn, nếu gần như tất cả các nhà văn lớn của thế kỷ XX đều là các tiểu thuyết gia thì J. L. Borges lại làm nên tên tuổi chỉ với các tập truyện ngắn.
     Truyện ngắn của J. L. Borges có thể mê hoặc bất cứ ai, kể cả trẻ em vì hình thức truyện thường rất cổ điển, cốt truyện luôn hấp dẫn. Trên một hình thức cũ, Borges đã làm cuộc cách mạng văn chương và được xem là người cha của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Trong lời kết trong truyện cực ngắn “Ngụ ngôn của Cervantes và cuốn Don Quixote”, ông đã suy ngẫm về tính huyền thoại trong văn học: “Bởi khởi thủy của văn chương là huyền thoại, và kết thúc cũng vậy”. Biệt tài của J. L. Borges là xóa nhòa ranh giới thời gian và không gian thực với thời gian và không gian huyền thoại để cái thực và ảo đan cài vào nhau không thể tách rời. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là sản phẩm và sau đó cũng phản ánh gián tiếp sự đa dạng văn hóa của Mỹ La-tinh - vùng đất Tân Thế giới của người da trắng, da đen nhập cư và cả người da đỏ bản địa. Nhờ J. L. Borges mà chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trở thành một trào lưu sáng tác có những kỹ thuật viết riêng tiếp thêm sức sống cho văn chương thế giới. Ảnh hưởng của J. L. Borges không chỉ với các cây bút Mỹ La-tinh như: Gabriel Garcia Marquez (Nobel Văn học 1982), Octavio Paz (Nobel Văn học 1990), Mario Vargas Llosa (Nobel Văn học 2010)…, mà còn thấy dấu vết ở những nơi cách biệt về địa lý và văn hóa như trong tác phẩm của nhà văn số một Trung Quốc hiện nay là Mạc Ngôn.
    Đến tận ngày nay, giới nghiên cứu văn học trên thế giới vẫn đang say mê tìm hiểu về các tác phẩm của J. L. Borges. Càng nghiên cứu, người ta càng phát hiện ra nhiều điểm ông đi trước thời đại từ lâu. Nhiều sáng tác như những lời tiên tri cho văn chương hậu hiện đại, đặc biệt là tính liên văn bản. Hiểu một cách sơ lược nhất về liên văn bản là không có văn bản nào được viết ra mà hoàn toàn độc lập với các văn bản được viết trước đó, các văn bản sẽ sử dụng chung các chủ đề và hình thức mà đôi khi chính người viết không ý thức được. Với J. L. Borges, ông ngang nhiên sử dụng các trích dẫn, các nhân vật quá khứ, các huyền thoại trong các loại kinh sách… để làm chất liệu cho các truyện ngắn kỳ ảo. Mục đích của ông là tạo ra một bộ bách khoa thư hư cấu dựa trên các bộ bách khoa toàn thư có thật mà ông say mê đọc suốt cuộc đời.
      Với tư duy sáng tạo độc đáo, ông đã tạo ra vô số cấu trúc truyện ngắn vô song, đặc biệt là cấu trúc mê cung khiến người đọc ngạc nhiên và bối rối khi bị lạc vào vô số các điển tích, điển phạm mà Borges “tái sử dụng”. Vì thế, những truyện ngắn kiểu này phải vất vả trong khi đọc nếu không có sẵn những kiến thức nền tảng, đặc biệt là triết học. Xin lấy ví dụ từ truyện ngắn Argumentum Ornithologicum (Biện luận điểu cầm học): 
    “Tôi khép mắt lại và thấy một bầy chim. Hình ảnh đó thoáng qua trong một giây, hoặc có lẽ ít hơn; tôi không chắc tôi đã thấy bao nhiêu con chim. Số lượng chim cố định hay bất định? Vấn đề này liên quan đến sự hiện hữu của Thượng Đế. Nếu Thượng Đế hiện hữu, con số phải cố định, bởi Thượng Đế biết tôi thấy đã bao nhiêu con chim. Nếu Thượng Đế không hiện hữu, con số không thể xác định, bởi đã không có ai đếm. Trong trường hợp này, tôi đã thấy ít hơn mười con chim (tạm nói như vậy) và nhiều hơn một con, nhưng tôi đã không thấy chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba hoặc hai con chim. Tôi đã thấy một số lượng giữa mười và một, mà không phải là chín, tám, bảy, sáu, năm... Con số đó không thể nhận thức được. Vậy nên, Thượng Đế hiện hữu”. (Trích tập “Những con hổ trong giấc mơ” của J. L. Borges, bản dịch tiếng Anh của Mildred Boyer).
    Trong truyện ngắn này, J. L. Borges giả vờ sử dụng giọng điệu nghiêm túc, ông đã lấy một ví dụ đời sống sinh động, như đang tự biện luận mà thực chất để đối thoại về vấn đề liên quan đến thần học, đó là chứng cứ về sự tồn tại của Thượng Đế với các nhà thần học kinh viện thời Trung cổ ở châu Âu là Thánh Anselm (1033-1109) và Thánh Thomas Aquinas (1225-1274). Nhưng sâu xa, ông đang đặt vấn đề về niềm tin nói chung cho mỗi cá nhân con người.
 Những truyện ngắn hay nhất cùng thơ và tiểu luận của J. L. Borges đã được dịch sang tiếng Việt trong Tạp chí Văn học nước ngoài số 1-1999 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, sau đó tập “Tuyển tập J. L. Borges” (Nguyễn Trung Đức dịch) cũng được NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2001. Được đọc J. L. Borges, dù ít dù nhiều, chắc chắn người đọc đều hiểu vì sao văn chương lại có thể quyến rũ con người nhiều đến vậy. 

LINH THIÊN

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2010 VÀ 2011: HỒI SINH MỘT GIẢI THƯỞNG DANH GIÁ


Vài năm gần đây, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam luôn gây được sự chú ý của dư luận; chỉ có điều, người ta chờ đợi xem có điểm nào... bất thường hay không? Vì lẽ, qua mấy mùa trao giải gần nhất, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam luôn xảy ra sự cố: Nào là có nhà thơ từ chối nhận tặng thưởng, sếp trong Hội từ chối nhận giải khi bị dư luận phản đối “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vô số tác phẩm bị chê là không xứng đáng được vinh danh... Năm nay, ồn ào lại đến chỉ vì mỗi chuyện cỏn con là lùi ngày trao giải vì Hội phải thu xếp đủ tiền thưởng (220 triệu đồng cho 11 giải của hai năm 2010 và 2011) và việc đi lại khó khăn của các tác giả cận kề Tết, ấy thế mà cũng bị nghi ngờ chắc có gì... không ổn nên tính kế hoãn binh. Kể cũng khổ cho Hội, điều quan trọng nhất để đánh giá cái được và chưa được của giải thưởng là chất lượng tác phẩm, thì người ta lại bỏ quên để chú ý chuyện đâu đâu. Nhìn chung, 11 tác phẩm được trao giải và hai tác phẩm được tặng bằng khen thì đa phần đều đáng đọc. Nổi trội hơn cả là ở hai thể loại thơ và tiểu thuyết.

Sau nhiều năm mất mùa, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh 4 thơ đó là: “Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn, “Sóng và khoảng lặng” của Từ Quốc Hoài, “Ngày linh hương nở sáng” của Đinh Thị Như Thúy và “Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương.

Trong số 4 tập thơ được trao giải, “Bầu trời không mái che” (NXB Hội Nhà văn, 2010) của Mai Văn Phấn là tập thơ có nhiều đổi mới hơn cả. Tập thơ này viết theo khuynh hướng của chủ nghĩa siêu thực (surréalisme). Thơ siêu thực xuất phát từ châu Âu từ những năm 1920 với chủ soái là nhà thơ Pháp André Breton (1896-1966). Thơ siêu thực đã xuất hiện trong thơ Việt Nam trong các thi phẩm của Hàn Mặc Tử trước 1945 và mãi đến những năm 1980 trở đi mới trở nên phổ biến. Mai Văn Phấn là người đi sau, ông vẫn đề cao sự liên tưởng phi logic, tư duy thơ đứt đoạn đặc trưng của chủ nghĩa siêu thực, nhưng bớt cực đoan trong thi pháp nên không hề gây khó hiểu. Ngoài ra, tác giả còn dụng công kết cấu tác phẩm thành các khúc tạo ra một cấu trúc âm vang như một tác phẩm khí nhạc.

Việc trao giải thưởng cho một tập thơ siêu thực có thể xem một bước tiến của Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam, như là cổ vũ sự cách tân trong thơ ca. Lâu nay, thơ Việt tràn ngập của lối thơ tiền hiện đại với tư duy thơ liền mạch, sử dụng nhiều vần điệu nên đại đa số người làm thơ và công chúng không thích thơ siêu thực, thậm chí nhiều người còn xem thơ siêu thực không phải là thơ! Thơ siêu thực được xem là là trường phái tiêu biểu của chủ nghĩa hiện đại; một khi trường phái thơ này đã được chấp nhận thì có thể tin rằng, các tập thơ đi xa về phía chủ nghĩa hậu hiện đại cũng sẽ được tôn vinh.

Hai tập thơ “Ngày linh hương nở sáng” của Đinh Thị Như Thúy và “Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương lại thêm khẳng định chất lượng của Giải thưởng Hội nhà văn lần này, khi trao giải thưởng cho hai nhà thơ trẻ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam đương đại. Đinh Thị Như Thúy nổi lên từ thơ “Phía bên kia cây cầu” (NXB Phụ nữ, 2007) và tiếp tục sự đổi mới trong “Ngày linh hương nở sáng” (NXB Hội Nhà văn, 2011) khi chiêm nghiệm một cách bớt rối rắm hơn trước về trôi chảy thời gian, sự biến đổi của thiên nhiên và trong lòng người...

Đỗ Doãn Phương được biết đến ngay từ tập thơ đầu tay “Ánh chớp” (NXB Hội Nhà văn, 2006), rồi “Những ngọn triều nhục cảm” (NXB Hội Nhà văn, 2008) cho đến “Hoan ca” (NXB Hội Nhà văn, 2011), thơ Đỗ Doãn Phương không thay đổi nhiều. Anh là nhà thơ có biệt tài trong việc tìm tứ thơ như một ánh chớp hiện ra từ tiềm thức, ví dụ như mấy câu trong bài thơ Giác ngộ: “…Ta ngồi dậy trang nghiêm nhìn/ Đứa trẻ đẹp lạ lùng và người phụ nữ cũng vậy/ Ta điểm lại các việc như trước chuyến đi cuối cùng/ Và chờ khoảnh khắc/ Sang một con người khác!”. Nhược điểm lớn nhất của “Hoan ca” đã có mầm mống từ “Ánh chớp” đó là bị tư duy văn xuôi lấn chiếm khiến thơ Đỗ Doãn Phương luôn rườm lời.

Tập thơ “Sóng và khoảng lặng” của Từ Quốc Hoài có thể xem là một tập thơ không có nhiều đặc sắc. Phần lớn các bài thơ đều viết theo một thi pháp cũ và diễn đạt những tình ý quá quen thuộc, thậm chí có những câu thơ “sến”. Thỉnh thoảng, ông miêu tả chất ảo của hiện thực ông mới có những câu thơ ấn tượng: “…mong sao đó là cơn ác mộng ngày hôm qua/ cái bắt tay đang phân hủy…” (bài thơ “Cuộc đời, đôi khi…”)
  
          Không ấn tượng như thơ, nhưng thể loại tiểu thuyết cũng tìm ra những ra được các tác phẩm đáng chú ý trong đó “Lính trận” của Trung Trung Đỉnh (NXB Hội Nhà văn, 2010) và “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh (NXB Phụ nữ, 2011) nổi bật so với mặt bằng tiểu thuyết Việt Nam trong hai năm gần đây.

“Lính trận” tuy dựa trên một trận đánh có thật trong kháng chiến chống Mỹ nhưng phần viết về cảnh chiến tranh không nhiều. Trung Trung Đỉnh quá hiểu, nếu một tác phẩm văn chương mà sa vào việc miêu tả những cảnh giao tranh thì không thể tạo sức hấp dẫn, chí ít nếu đem so sánh hiệu quả thẩm mỹ với một bộ phim chiến tranh. Ông chọn cách kể về cuộc sống của những người lính trẻ bảy phần đã người lớn nhưng vẫn còn ba phần trẻ con. Dù ở hoàn cảnh bất bình thường với thân phận là người lính trận nhưng nhìn ở tầng sâu hơn cánh lính trận là những người trẻ, Trung Trung Đỉnh tập trung miêu tả lời nói và hành động đáng yêu, qua người kể chuyện là nhân vật Bỉnh còi bằng một giọng điệu khá tếu. Người đọc hẳn ngạc nhiên hóa ra những anh lính trận bước chiến rất tự nhiên như một việc phải làm. Vì vậy, tiểu tuyết “Lính trận” thoát khỏi tính sử thi như đa phần các tiểu thuyết chiến tranh cách mạng trước đây.

Tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh độc đáo hơn vì tác phẩm này không hoàn toàn là một tiểu thuyết đúng nghĩa, mà nó gần như là một công trình nghiên cứu về Phật giáo ở Việt Nam tương tự như tiểu thuyết “Những người bóng dài” (Hoàng Đình Trực dịch, NXB Thanh Hóa, 1987) của nhà văn Thụy Sĩ Hans Ruesch (1913-2007) như là một công trình dân tộc học để tìm hiểu người Eskimo sống gần Bắc Cực lạnh giá hoặc tiểu thuyết “Thế giới của Sophie” (Huỳnh Phan Anh dịch, NXB Văn hóa-Thông tin, 1998) của nhà văn Na Uy Jostein Gaarder là tiểu thuyết viết về lịch sử hơn 2000 năm của triết học phương Tây. Cũng như đi theo lối “tiểu thuyết nghiên cứu” nói trên, Nguyễn Xuân Khánh sử dụng cốt truyện trải rộng không-thời gian để dẫn nhập vào Phật giáo chứ không xây dựng mô hình nghiên cứu dựa trên các khái niệm khoa học như khoa văn hóa học. Điều này khiến người đọc quên đi mục đích viết về Phật giáo mà ngỡ rằng đây là một tiểu thuyết phiêu lưu của các nhân vật hư cấu. Qua tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa”, Nguyễn Xuân Khánh đã làm sáng rõ cái tư tưởng Phật giáo nhập thế thời Lý-Trần hình thành mẫu người vô ngã trong lịch sử Việt Nam trên nền tảng là con người làng xã.

Đáng đọc là vậy, nhưng về cơ bản hai cuốn tiểu thuyết nói trên vẫn được viết theo mô hình tiểu thuyết cổ điển. Việc trao giải lần này có thể xem là thích hợp, nhất là trường hợp “Đội gạo lên chùa” vì nó vinh danh một lối tiểu thuyết hiếm có ở Việt Nam. Nhưng nếu các năm sau, liệu các dạng tiểu thuyết viết theo mô hình mới hơn và đề tài nhạy cảm hơn liệu có được chú ý?

Đáng tranh cãi hơn cả là giải thưởng cho hạng mục lý luận-phê bình. Chất lượng của tác phẩm đạt giải là cuốn “Luận bàn minh triết và minh triết Việt” của cố GS Hoàng Ngọc Hiến chưa cần nói đến nhưng tác phẩm nói trên không phải là công trình nghiên cứu về văn học. Ai quan tâm đến văn học đều biết những đóng góp to lớn của cố của GS Hoàng Ngọc Hiến với khoa học nghiên cứu văn học ở Việt Nam. GS Hoàng Ngọc Hiến xứng đáng đoạt Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam từ lâu và nếu cần vinh danh thì Hội Nhà văn có thể trao giải kiểu “thành tựu trọn đời”, chứ không nhất thiết phải cố trao cho một tác phẩm không có dóng góp nhiều cho nghiên cứu văn học.

Hơi đáng tiếc là hai năm qua khá nhiều tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng được dịch cẩn thân như: “Tử tước chẻ đôi” và “Nếu một đêm đông có người lữ khách” của Italo Calvino, “Người phàm” của Philip Roth, “Một tiểu thuyết Pháp” của Frédéric Beigbeder, “Người không quê hương” của Kurt Vonnegut... nhưng không có một giải thưởng cho tác phẩm dịch thay vào đó là bằng khen cho bản dịch “Bài hát ngày mai” thơ của Ko Un (Hàn Quốc) do Lê Đăng Hoan dịch.

Dẫu còn nhiều điểm chưa hợp lý, nhưng có thể xem của Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam lần này đã trao cho những tác phẩm xứng đáng nhất và qua đó làm hồi sinh một giải thưởng danh giá của văn học Việt Nam.

          HÀM ĐAN

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

ĐỌC "TRẦN HUY LIỆU VỚI SỬ HỌC"



Ở chiều kích là một nhà Cách mạng, nhiều người đã nắm tường tận công lao to lớn của Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu đối với đất nước. Nhưng ở chiều kích còn lại là một nhà văn hóa, đặc biệt là một nhà sử học không phải ai cũng rõ. Chính vì vậy, nhân kỉ niệm 110 ngày sinh GS, VS Trần Huy Liệu (1901-2011), Viện Sử học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và NXB Khoa học xã hội đã xuất bản cuốn sách “Trần Huy Liệu với Sử học”, nhằm làm sáng tỏ hơn phương pháp luận sử học của Trần Huy Liệu, cùng với những trăn trở suy tư của ông với sử học nói riêng và các vấn đề đời sống xã hội nói chung.

“Trần Huy Liệu với Sử học” dày hơn 700 trang gồm 66 bài viết được chia thành 8 mảng nội dung khác nhau. Giá trị cuốn sách nằm ở điểm: Hầu hết các bài viết, thư từ và một số trang nhật ký trong cuốn sách chưa từng được công bố trong các công trình trước đây. Cuốn sách này là bước đầu tiên để hình thành Tuyển tập Trần Huy Liệu trong tương lai.

Đọc cuốn sách, dễ dàng hình dung con đường dẫn GS, VS Trần Huy Liệu đến với sử học là một điều tất yếu. Ông từng gặp các nhà yêu nước như Phan Văn Trường, Phan Bội Châu…, từng nằm xà lim thực dân cùng với những người yêu nước tham gia khởi nghĩa Yên Bái, Thiên Địa hội… nên ông chép sử từ tư liệu sống. Có thể xem Trần Huy Liệu là người làm nên lịch sử đồng thời là nhân chứng lịch sử đấu tranh chống Pháp vẻ vang của dân tộc, để ông trở thành “chuyên gia hàng đầu về lịch sử Cận đại, Hiện đại và lịch sử Cách mạng Việt Nam” (GS, VS Phan Huy Lê).

Nhưng điều làm nên nhà sử học Trần Huy Liệu chính là tính trung thực, khách quan của người nghiên cứu lịch sử. Ông từng nói với với các đồng nghiệp “đừng vì tình cảm thiên lệch nhất thời mà bôi nhọ người xưa” (trang 26), khi đánh giá về những nhân vật lịch sử còn nhiều tranh cãi thời bấy giờ như: Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ…

Trong cuốn sách còn có Bản đề nghị thành lập Ban nghiên cứu Sử-Địa-Văn (tiền thân của Viện Khoa học xã hội Việt Nam), Đề án lập Viện Sử học Việt Nam minh chứng cho công lao đặt nền móng cho nghiên cứu sử học Việt Nam mang tính chiến lược. Ngoài ra, ông vẫn đề xuất những phương hướng, nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản cho ngành sử học nhằm phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và khoa học đương thời như: Vấn đề ruộng đất và nông dân trong lịch sử, vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, vấn đề giai cấp công nhân và sự lãnh đạo của Đảng… Nhiều góp ý tuy ngắn nhưng thể hiện sự suy tư liên tục và sâu sắc mang tính khoa học cao, chẳng hạn khi góp ý về phân kỳ lịch sử: “Hết sức tránh những lối phân kỳ lịch sử của các sử gia trước kia…, mà phải căn cứ vào sức trưởng thành nội tại của dân tộc, sản xuất và chiến đấu để xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước” (trang 149).

Một phần khác quan trọng là thư từ của GS, VS Trần Huy Liệu. Qua đó, có thể thấy ông là không phải là mẫu nhà nghiên cứu ngồi trong tháp ngà, bàng quan với đời sống; ngược lại là nhà nghiên cứu đồng hành cùng nỗi sướng khổ với nhân dân, tận tâm và tỉ mỉ đến những việc thế sự. Đơn cử ông bức xúc với chuyện hội họp quá nhiều, ảnh hưởng đến công việc của cán bộ nhà nước. Trong thư ngày 24-12-1960 gửi đồng chí Tô (tức cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), ông lấy chính Viện Sử học để làm dẫn chứng cho nạn hội họp triền miên: “Tháng 10 (1960), tổ làm việc nhiều nhất chỉ có 18 ngày” và từ đó ông đề xuất: “Theo ý tôi, Thủ tướng phủ sau khi điều tra nghiên cứu cần có quy định rõ ràng, dứt khoát để bảo vệ cho thì giờ làm việc sản xuất, nghiên cứu không bị xâm phạm bất kỳ từ ngả nào đến” (trang 724).

Hẳn là, với cuốn “Trần Huy Liệu với Sử học”, người đọc chắc chắn sẽ biết thêm nhiều điều nhiều điều ngoài sử học, đặc biệt là một nhân cách trong sáng của GS, VS Trần Huy Liệu.      

HÀM ĐAN


Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

"NHẬT KÝ TRONG TÙ" CÓ THÊM MỘT BẢN DỊCH TIẾNG SÉC



Từ những năm 1960 trở đi, tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra các ngôn ngữ lớn như tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha... Tiếng vang của “Nhật ký trong tù” còn lan tới các cộng đồng ngôn ngữ nhỏ hơn, trong đó có Tiệp Khắc (cũ) với hai bản dịch in thành sách: Bản đầu tiên lấy tên là “Đo nước” (NXB Miền Trung Tiệp Khắc, 1973) và "Nhật ký trong tù" (NXB ODEON, 1985). Tuy nhiên, trong một lần gặp gỡ dịch giả Dương Tất Từ, ông cho chúng tôi hay, “Nhật ký trong tù” được dịch sang tiếng Séc lần đầu tiên do chính ông dịch với sự cộng tác của cố nhà thơ Jan Noha.

Năm 1960, khi dịch giả Dương Tất Từ đang theo học đại học ngữ văn tại thủ đô Praha ông đã nhận được tập thơ “Nhật ký trong tù” do Viện Văn học công bố, qua bản dịch của nhà thơ Nam Trân thực hiện ở trong nước. Thơ của Bác đã tạo niềm cảm hứng mãnh liệt cho dịch giả Dương Tất Từ để ngay lập tức ông dịch sát nghĩa tập thơ sang tiếng Séc trong vòng nửa năm. Nhà thơ Jan Noha đọc qua và đã nhận lời chuyển thành thơ toàn bộ tác phẩm. Sau đó, các bài thơ được dịch đã đăng trên các tạp chí và báo ở Tiệp Khắc như: Tạp chí Sáng tạo, tạp chí Những bông hoa, báo Văn học, báo Quyền lợi đỏ... gây được ấn tượng với bạn đọc Tiệp Khắc.

Một năm sau đó, hoàn thành chương trình đại học, dịch giả Dương Tất Từ trở về nước công tác và đã thỏa thuận với nhà thơ Jan Noha sẽ cho in thành sách “Nhật ký trong tù” để đánh dấu hai bước ngoặt, bởi với dịch giả Dương Tất Từ đó là bản dịch tiếng Séc tương đối quy mô đầu tiên, còn với nhà thơ Jan Noha thì đó lại là kỷ niệm lần đầu tiên tiếp cận thơ Việt Nam; để sau đó ông chuyển tải thành công một tập ca dao Việt Nam với nhan đề “Lộc sắn thì đắng” (1964). Nhưng đáng tiếc, vì nhiều lí do mà tập thơ “Nhật ký trong tù” chưa thể in sách ngay. Thời gian trôi qua, ở bên Séc, nhà thơ Jan Noha qua đời; còn ở Việt Nam, nhà thơ Dương Tất Từ do hoàn cảnh chiến tranh, cộng với cách trở địa lý không có điều kiện để thúc đẩy việc xuất bản. Ông đành giữ tập bản thảo dịch từ thời còn sinh vien, mong chờ cơ hội giới thiệu với bạn đọc gần xa.

Đúng nửa thế kỷ sau, Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã tài trợ kinh phí in ấn, nhà thơ Karel Sýs-Chủ tịch Liên minh các nhà văn Cộng hòa Séc đã đứng ra lo các thủ tục để tập thơ “Deník z vězení” (Nhật ký trong tù) được NXB Periskop (kính tiềm vọng) xuất bản vào tháng 11-2011. Tập thơ có khổ 15×15cm, bìa cứng, giấy trắng ngà. Ngoài bản dịch của Dương Tất Từ và Jan Noha còn được bổ sung một số bản dịch thơ do nhà thơ Karel Sýs. Tập thơ còn có 7 phụ bản minh hoạ của họa sĩ Barbora Vykysalová.

Trong lời đề tựa, nhà thơ Karel Sýs đã viết: “Tinh thần khinh thường xiềng xích và kẻ cầm tù. Tinh thần có mục tiêu của nó và có điều gì đáng nói. Thơ ra đời trong khổ đau, cuộc sống êm đềm chỉ còn là sự trống rỗng. Nó giống như cái kim nam châm, dù bão táp cũng không mệt mỏi và nó cứ chỉ về phương bắc, không thể đem sự oan trái để lừa gạt tinh thần, nó luôn trung thành về cực mà số phận đã định sẵn”. Qua lời nhận xét trên của nhà thơ Karel Sýs, có thể thấy một chân lý trong nghệ thuật, một tác phẩm mà chứa đựng giá trị nhân văn, giàu giá trị nghệ thuật như “Nhật ký trong tù” thì dù có chuyển sang một ngôn ngữ xa lạ và cách biệt về không-thời gian vẫn có giá trị không hề thay đổi.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

NOBEL VĂN HỌC 2011: NHÀ THƠ CỦA NHỮNG THAO THỨC SIÊU HÌNH



1. Vào mỗi mùa trao giải Nobel, Nobel Văn học luôn là giải thưởng tạo ra nhiều sự tranh cãi. Ngoài lí do văn chương luôn có những đánh giá khác nhau dựa trên nhiều cách đọc; giải thưởng Nobel còn tạo hay trao cho những gương mặt quá mới mẻ như Cao Hành Kiện (Nobel 2000), Herta Muller (Nobel 2009) hoặc những người dính líu đến chính trị như Orhan Pamuk (Nobel 2006).  

Chính vì sự khó lường nên không chỉ được những người trong nghề theo sát từng giờ mà còn là dịp để… dân cá cược trổ tài! Hai ngày trước giờ công bố giải thưởng, nhiều người đã tin tưởng đổ tiền để đưa nhà thơ Adonis (Xi-ri) lên đầu bảng với tỷ lệ cá cược là 4/1. Adonis được đặt nhiều kỳ vọng vì từ lâu ông được đánh giá là nhà thơ viết bằng ngôn ngữ Ả-rập quan trọng nhất; mặt khác, Adonis được “tiếng thơm” khi lên tiếng phê phán chính phủ Xi-ri không nên đàn áp người biểu tình.

Một nhà văn khác luôn đứng đầu danh sách dự đoán là Haruki Murakami (Nhật Bản) với tỷ lệ 8/1. Tuy nhiên, tác giả tiểu thuyết Rừng Na Uy thuộc kiểu nhà văn ăn khách thường không được Viện Hàn lâm Thụy Điển để ý. Một dạng nhà văn khác cũng không được dân cá cược tin tưởng đó là những nhà văn cách tân mà đại diện là Thomas Pynchon-tác giả tiểu thuyết Cầu vồng của trọng lực.

Trường hợp nhà thơ Tomas Tranströmer của nước chủ nhà Thụy Điển được xem là có nhiều biến động kỳ lạ tại nhiều hãng cá cược. Lúc đầu, ông ở vị trí cao với tỷ lệ cá cược ở tầm 7/1. 10 tiếng trước khi công bố giải thưởng, ông bị văng ra khỏi tốp 5-điều mà chẳng mấy người ngạc nhiên vì quy luật trên đã diễn ra nhiều năm. Nhưng bất ngờ 7 giờ đồng hồ sau, dân cá cược khắp nơi dồn tiền vào cái tên Tomas Tranströmer khiến ông vọt lên đầu bảng. Và vào lúc 13 giờ (tức 18 giờ theo Việt Nam) ngày 6-10, Peter Englund-Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố: Tomas Tranströmer là người đoạt giải Nobel văn học 2011.

2. Dân cá cược dồn tiền vào cái tên Tomas Tranströmer sát giờ công bố giải xuất phát từ những suy luận logic: Giải năm nay đã được dự đoán sẽ trao cho một nhà thơ vì kể từ Wisława Szymborska (Nobel 1996) chưa nhà thơ nào được vinh danh. Nếu là nhà văn Thụy Điển thì kể từ năm 1974 khi bộ đôi nước chủ nhà là Eyvind Johnson và Harry Martinson ẵm giải, Viện Hàn lâm Thụy Điển chưa trao cho những người đồng hương thêm một lần nào. Mặt khác, nếu trao giải cho Adonis, Viện Hàn lâm Thụy Điển gần như công khai ủng hộ làn sóng cách mạng “Mùa xuân Ả-rập” vẫn còn nóng bỏng, qua đó tạo ra những tranh cãi không cần thiết. Mấy yếu tố trên chỉ là phụ, cái chính là sự nghiệp thơ của Tomas Tranströmer đã được khẳng định với toàn thế giới khi thơ ông được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ khác nhau và vô số các giải thưởng văn học quan trọng như: Giải Aftonbladets, Giải Bonnier cho thơ, giải Neustadt, giải Petrarca-Preis… Vì vậy, Nobel năm nay là một Nobel xứng đáng và sẽ không gây ra sự tranh cãi.

Tiểu sử cuộc đời của Tomas Tranströmer sẽ không làm nhiều người ưa chuyện giật gân thích thú. Ông không phải là mẫu nhà văn thích xê dịch như Jean-Marie Gustave Le Clézio (Nobel 2008) hay tham gia hoạt động chính trị như Mario Vargas Llosa (Nobel 2010)…, cả đời ông làm việc trong ngành tâm lý học (chuyên nghiên cứu tội phạm vị thành niên) và lặng lẽ sáng tác thơ. Đến ngay như quan niệm làm thơ của ông cũng rất giản dị: “Viết một bài thơ chẳng bao giờ dễ dàng, nhưng khi có thể viết được, thì đó là một thứ tâm trạng vui chơi nhưng đồng thời lại nghiêm túc”. 

Tomas Tranströmer sinh ngày 15-4-1931 tại thủ đô Stockholm, trong một gia đình trí thức (bố là nhà báo và mẹ là giáo viên). Ông bén duyên với thơ ca từ khi còn học phổ thông với nhiều bài thơ xuất hiện trên các báo. Thi tài của ông được khẳng định ở quê nhà ngay từ tập thơ đầu tiên mang tên 17 bài thơ (1954). Các tập thơ tiếp theo khẳng định Tomas Tranströmer là nhà thơ Bắc Âu vĩ đại nhất còn sống. Tên tuổi của ông cũng sớm vượt ra ngoài biên giới Thụy Điển nhờ bản dịch tiếng Anh của nhà thơ Mỹ Robert Bly và nhanh chóng được xem như như một bậc thầy thơ ca. Nhà thơ Joseph Brodsky (Nobel 1987) ca ngợi Tomas Tranströmer: “Nhà thơ có tầm quan trọng bậc nhất, có sự thông minh không thể tưởng tượng nổi… Tôi đã đánh cắp hơn một ẩn dụ của ông”.

Sức hút của Tomas Tranströmer sớm lan đến các nhà thơ-dịch giả Việt Nam biết đến từ những năm 1980. Đặc biệt, cuốn sách: Toàn tập thơ: Mười một tập (1954-1996) dày hơn 300 trang của Tomas Tranströmer đã được nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (N.X.S) chuyển ngữ từ tiếng Pháp do NXB Văn học ấn hành năm 2000 với sự đồng ý của tác giả và sự tài trợ của Viện Thụy Điển ở Stockholm. Một số bài thơ trong cuốn sách này cũng được trichs trong cuốn Thơ Thụy Điển (NXB Hội nhà văn, 2009).

3. Thành thực mà nói, để nắm bắt đầy đủ nghệ thuật thơ Tomas Tranströmer phải là một người biết tiếng Thụy Điển. Do quá trình dịch thơ nên tính nhạc trong thơ Tomas Tranströmer bị mất đi rất nhiều. Tuy nhiên, những gì còn lại, nhất là cách ông nhìn con người và thế giới vẫn đủ giúp người đọc hình dung về một tài năng thơ ca hiếm có. Lời nhận xét của Viện Hàn lâm Thụy Điển có thể xem là một dẫn nhập hữu ích để tiến vào thế giới thơ Tomas Tranströmer: “Qua những hình ảnh súc tích và trong mờ, ông đưa chúng ta tiệm cận sự mới mẻ của hiện thực. Ông viết về những vấn đề lớn: Về cái chết, lịch sử, ký ức, thiên nhiên. Bạn không bao giờ cảm thấy nhỏ bé sau khi đọc thơ của Tomas Tranströmer”. Tuy hình thức thơ Tomas Tranströmer thay đổi theo thời gian nhưng tựu chung ông luôn là người đổi mới ngôn ngữ thơ ở hình tượng thông qua phép ẩn dụ. Nhờ vậy, mỗi hình ảnh được đổi mới sẽ gián tiếp giúp người đọc có cái nhìn mới mẻ, trong sáng, hồn nhiên và sống động trước một sự vật hay sự việc tưởng chừng đã được thấu hiểu.

Ở giai đoạn đầu sự nghiệp, nhất là tập thơ đầu tay, Tomas Tranströmer ưa thích hình thức thơ cổ điển có vần luật với sự miêu tả đầy lãng mạn, qua giọng thơ thể hiện sự chính xác của cảm quan, chẳng hạn như bài thơ Ostinato (Thuật ngữ âm nhạc chỉ sự lặp lại nhạc điệu giọng trầm):

Dưới cái điểm bất động của xác thuyền đắm giạt vào bờ, đại dương vung vẩy và gầm lên trong ánh sáng, mù quáng gặm hết dãy hàng rào cỏ biển, và thổi phả bọt sóng vào bờ.

Mặt đất tự bao phủ mình bằng lớp dày bóng tối đàn dơi bay đo chiều dài bằng tầm cánh bay. Xác thuyền đắm đứng im và tự biến thành ngôi sao. Đại dương tiến về phía trước vừa gầm rú vừa thổi bọt sóng vào bờ. (N.X.S dịch).

Song, ở những tập thơ tiếp theo, Tomas Tranströmer có sự chuyển đổi thi pháp theo hơi hướng của chủ nghĩa siêu thực (surréalisme) với những hình ảnh tân kỳ xuất lộ từ tiềm thức. Chủ nghĩa siêu thực được chủ soái của phong trào là nhà thơ Pháp André Breton (1896-1966) định nghĩa trong Tuyên ngôn chủ nghĩa siêu thực lần thứ nhất là: “Cơ chế tự động của tâm lý thuần khiết dùng để diễn đạt hoạt động đích thực của tư tưởng hoặc bằng ngôn từ, hoặc bằng chữ viết, hoặc bằng các cách thức khác. Được tư tưởng xui khiến, vắng mặt mọi sự kiểm soát của lý trí, ngoài mọi thành kiến mỹ học và đạo đức”. Vốn là nhà tâm lý chuyên nghiệp, Tomas Tranströmer thừa nhận ảnh hưởng từ tiềm thức đến công việc sáng tạo của mình: “Mọi thứ đều đến từ bên trong, từ tiềm thức. Đó là cái nguồn của mọi thứ. Tôi có nhiều phương tiện để đáp ứng với những gì tôi nhận được từ nội tâm, nhưng tôi không bao giờ bảo chính mình phải viết về một điều gì đó”. Đọc những câu thơ như: Tảng nước đá treo ở bờ mái nhà/ Băng giá: kiến trúc gôtic bị đảo ngược/Những con vật trìu tượng, những vú bằng kính. (bài thơ Sáu mùa đông, N.X.S dịch), dễ nhận ra một lối viết gần với lối viết tự động (écriture automatique) với sự liên kết tự do các ý tưởng, sử dụng các hình ảnh như là biểu tượng theo lối tư duy tiền logic. Song, dù có tân kỳ bao nhiêu, ông vẫn giữ được sự trong sáng, độ sâu sắc ba chiều hiếm có của hình ảnh rút ra từ cách nhìn sâu vào đối tượng. Và để diễn đạt hình ảnh từ trong tiềm thức khá khó khăn như lời ông tự nghiệm: “Có khi hình ảnh hiện rõ một điểm cố định với những con chữ chính xác để diễn tả. Nhưng đôi khi, nó đến như một hình ảnh mà ngôn từ bất lực và tôi phải vất vả để làm chữ”.

Cũng chính ở giai đoạn này, thơ của Tomas Tranströmer bắt đầu hình thành tư tưởng rõ rệt. Có thể xem, Tomas Tranströmer là nhà thơ của những thao thức siêu hình, tương tự như suy nghĩ của nhà triết học người Đức Immanuel Kant (1724-1804): “Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: Bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi” (Phê phán lý tính thực hành, NXB Tri thức, 2007). Đối với ông, con người là bí ẩn, tự nhiên là một dạng câu đố cần giải mã, cái thực và hiện tồn là những điều huyền bí. Như vậy, thơ của ông để chiêm nghiệm những vấn đề bản thể của con người và thiên nhiên.
          
Theo thông lệ trao giải Nobel, tháng 12 tới Tomas Tranströmer sẽ đọc một diễn từ, nhưng với di chứng của đột qụy từ năm 1990 ông liệt nửa người nên không thể tự mình nói lên suy nghĩ về văn chương và cuộc đời. Có thể, nhà thơ thuở thiếu thời ước mơ làm một nhạc sĩ sẽ chơi dương cầm bằng tay trái, thay vì đọc một diễn từ. Và lúc đó, ông sẽ lại đắm mình vào ký ức tuổi hai mươi-cái tuổi khởi đầu của 17 bài thơ êm dịu như những bản đàn!

HÀM ĐAN

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

BÔNG HỒNG CÀI ÁO (FOR MOTHER'S DAY)

Hôm mồng 5-5, nhận được cuốn sách của bác Chuối gửi, đó là bản in lần đầu cuốn "Bông hồng cài áo" của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thiền sư viết đoản văn này sau khi biết phong tục cài hoa trong Ngày của mẹ (Mother's day). Nhiều nhần chứng sống ở miền Nam trước năm 1975 cho biết: Trước khi xuất bản thì đoản văn đã được nhiều sinh viên miền Nam chép tay trước khi được NXB Lá Bối in và trở thành cuốn sách cho Vu Lan mùa báo hiếu. Sau đó, một vài ý văn trong cuốn Bông hồng cài áo đã được nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc thành ca khúc bất hủ cùng tên.

Vốn có niềm đam mê sưu tầm sách bản in đầu, hay tin bác Chuối rao bán liền mua ngay để kỷ niệm, chứ không phải sắp đến Ngày của mẹ nên tìm mua vì đơn giản không hề biết ngày của mẹ là ngày nào. Lướt mạng mới biết Ngày của mẹ là ngày Chủ nhật của tuần thứ hai trong tháng năm, nghĩa là hôm nay ngày 8-5-2011. Trước tiên hãy xem cuốn sách tìm được như một hạnh ngộ khi gần đến Ngày của mẹ.

Ở bìa lót cuốn sách có dòng chữ: "Dâng hiến đời ta cho hiếu hạnh" ký C.T. Chắc đây là câu của chủ cũ cuốn sách, phải chăng là chữ của thầy Chơn Thiện?



Bìa lót cuối sách ghi thông tin xuất bản cuốn sách:



Đề từ cuốn sách:



Bức ảnh cuối muồn trình là đoạn văn được nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ sử dụng trong bài hát:



Nhân Ngày của mẹ, đăng lại toàn văn đoản văn này để cùng nghĩ về tình mẹ:

BÔNG HỒNG CÀI ÁO

Nhất Hạnh

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến:

Năm xưa tôi còn nhỏ 
Mẹ tôi đã qua đời! Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi. 
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi... 
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi 
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức: 

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mt, như đường mía lau.

Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp mt, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận. 

Công cha như núi Thái sơn, 
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chy ra

Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương. 
Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước. 

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) ngày chúa nhật thứ nhì của tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. 

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan. 
Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi ngừơi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng. 
Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. 

Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa! 

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ. 

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. 

Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau. 

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi. 
Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ. 

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.