Vài năm gần đây, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam luôn
gây được sự chú ý của dư luận; chỉ có điều, người ta chờ đợi xem có điểm nào...
bất thường hay không? Vì lẽ, qua mấy mùa trao giải gần nhất, Giải thưởng Hội
Nhà văn Việt Nam luôn xảy ra sự cố: Nào là có nhà thơ từ chối nhận tặng thưởng,
sếp trong Hội từ chối nhận giải khi bị dư luận phản đối “vừa đá bóng vừa thổi
còi”, vô số tác phẩm bị chê là không xứng đáng được vinh danh... Năm nay, ồn ào
lại đến chỉ vì mỗi chuyện cỏn con là lùi ngày trao giải vì Hội phải thu xếp đủ tiền
thưởng (220 triệu đồng cho 11 giải của hai năm 2010 và 2011) và việc đi lại khó
khăn của các tác giả cận kề Tết, ấy thế mà cũng bị nghi ngờ chắc có gì... không
ổn nên tính kế hoãn binh. Kể cũng khổ cho Hội, điều quan trọng nhất để đánh giá
cái được và chưa được của giải thưởng là chất lượng tác phẩm, thì người ta lại
bỏ quên để chú ý chuyện đâu đâu. Nhìn chung, 11 tác phẩm được trao giải và hai
tác phẩm được tặng bằng khen thì đa phần đều đáng đọc. Nổi trội hơn cả là ở hai
thể loại thơ và tiểu thuyết.
Sau nhiều năm mất mùa, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt
Nam tôn vinh 4 thơ đó là: “Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn, “Sóng và
khoảng lặng” của Từ Quốc Hoài, “Ngày linh hương nở sáng” của Đinh Thị Như Thúy
và “Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương.
Trong số 4 tập thơ được trao giải, “Bầu trời không mái
che” (NXB Hội Nhà văn, 2010) của Mai Văn Phấn là tập thơ có nhiều đổi mới hơn cả.
Tập thơ này viết theo khuynh hướng của chủ nghĩa siêu thực (surréalisme). Thơ
siêu thực xuất phát từ châu Âu từ những năm 1920 với chủ soái là nhà thơ Pháp
André Breton (1896-1966). Thơ siêu thực đã xuất hiện trong thơ Việt Nam trong
các thi phẩm của Hàn Mặc Tử trước 1945 và mãi đến những năm 1980 trở đi mới trở
nên phổ biến. Mai Văn Phấn là người đi sau, ông vẫn đề cao sự liên tưởng phi
logic, tư duy thơ đứt đoạn đặc trưng của chủ nghĩa siêu thực, nhưng bớt cực
đoan trong thi pháp nên không hề gây khó hiểu. Ngoài ra, tác giả còn dụng công kết
cấu tác phẩm thành các khúc tạo ra một cấu trúc âm vang như một tác phẩm khí
nhạc.
Việc trao giải thưởng cho một tập thơ siêu thực có thể
xem một bước tiến của Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam, như là cổ vũ sự cách
tân trong thơ ca. Lâu nay, thơ Việt tràn ngập của lối thơ tiền hiện đại với tư
duy thơ liền mạch, sử dụng nhiều vần điệu nên đại đa số người làm thơ và công
chúng không thích thơ siêu thực, thậm chí nhiều người còn xem thơ siêu thực không
phải là thơ! Thơ siêu thực được xem là là trường phái tiêu biểu của chủ nghĩa
hiện đại; một khi trường phái thơ này đã được chấp nhận thì có thể tin rằng,
các tập thơ đi xa về phía chủ nghĩa hậu hiện đại cũng sẽ được tôn vinh.
Hai tập thơ “Ngày linh hương nở sáng” của Đinh Thị Như
Thúy và “Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương lại thêm khẳng định chất lượng của Giải
thưởng Hội nhà văn lần này, khi trao giải thưởng cho hai nhà thơ trẻ tiêu biểu
của thơ ca Việt Nam đương đại. Đinh Thị Như Thúy nổi lên từ thơ “Phía bên kia
cây cầu” (NXB Phụ nữ, 2007) và tiếp tục sự đổi mới trong “Ngày linh hương nở
sáng” (NXB Hội Nhà văn, 2011) khi chiêm nghiệm một cách bớt rối rắm hơn trước về
trôi chảy thời gian, sự biến đổi của thiên nhiên và trong lòng người...
Đỗ Doãn Phương được biết đến ngay từ tập thơ đầu tay “Ánh
chớp” (NXB Hội Nhà văn, 2006), rồi “Những ngọn triều nhục cảm” (NXB Hội Nhà
văn, 2008) cho đến “Hoan ca” (NXB Hội Nhà văn, 2011), thơ Đỗ Doãn Phương không
thay đổi nhiều. Anh là nhà thơ có biệt tài trong việc tìm tứ thơ như một ánh
chớp hiện ra từ tiềm thức, ví dụ như mấy câu trong bài thơ Giác ngộ: “…Ta ngồi
dậy trang nghiêm nhìn/ Đứa trẻ đẹp lạ lùng và người phụ nữ cũng vậy/ Ta điểm
lại các việc như trước chuyến đi cuối cùng/ Và chờ khoảnh khắc/ Sang một con
người khác!”. Nhược điểm lớn nhất của “Hoan ca” đã có mầm mống từ “Ánh chớp” đó
là bị tư duy văn xuôi lấn chiếm khiến thơ Đỗ Doãn Phương luôn rườm lời.
Tập thơ “Sóng và khoảng lặng” của Từ Quốc Hoài có thể
xem là một tập thơ không có nhiều đặc sắc. Phần lớn các bài thơ đều viết theo
một thi pháp cũ và diễn đạt những tình ý quá quen thuộc, thậm chí có những câu
thơ “sến”. Thỉnh thoảng, ông miêu tả chất ảo của hiện thực ông mới có những câu
thơ ấn tượng: “…mong sao đó là cơn ác mộng ngày hôm qua/ cái bắt tay đang phân
hủy…” (bài thơ “Cuộc đời, đôi khi…”)
Không ấn tượng như thơ, nhưng
thể loại tiểu thuyết cũng tìm ra những ra được các tác phẩm đáng chú ý trong đó
“Lính trận” của Trung Trung Đỉnh (NXB Hội Nhà văn, 2010) và “Đội gạo lên chùa”
của Nguyễn Xuân Khánh (NXB Phụ nữ, 2011) nổi bật so với mặt bằng tiểu thuyết Việt
Nam trong hai năm gần đây.
“Lính trận” tuy dựa trên một trận đánh có thật trong
kháng chiến chống Mỹ nhưng phần viết về cảnh chiến tranh không nhiều. Trung
Trung Đỉnh quá hiểu, nếu một tác phẩm văn chương mà sa vào việc miêu tả những
cảnh giao tranh thì không thể tạo sức hấp dẫn, chí ít nếu đem so sánh hiệu quả thẩm
mỹ với một bộ phim chiến tranh. Ông chọn cách kể về cuộc sống của những người
lính trẻ bảy phần đã người lớn nhưng vẫn còn ba phần trẻ con. Dù ở hoàn cảnh
bất bình thường với thân phận là người lính trận nhưng nhìn ở tầng sâu hơn cánh
lính trận là những người trẻ, Trung Trung Đỉnh tập trung miêu tả lời nói và
hành động đáng yêu, qua người kể chuyện là nhân vật Bỉnh còi bằng một giọng
điệu khá tếu. Người đọc hẳn ngạc nhiên hóa ra những anh lính trận bước chiến
rất tự nhiên như một việc phải làm. Vì vậy, tiểu tuyết “Lính trận” thoát khỏi
tính sử thi như đa phần các tiểu thuyết chiến tranh cách mạng trước đây.
Tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh
độc đáo hơn vì tác phẩm này không hoàn toàn là một tiểu thuyết đúng nghĩa, mà
nó gần như là một công trình nghiên cứu về Phật giáo ở Việt Nam tương tự như tiểu
thuyết “Những người bóng dài” (Hoàng Đình Trực dịch, NXB Thanh Hóa, 1987) của
nhà văn Thụy Sĩ Hans Ruesch (1913-2007) như là một công trình dân tộc học để
tìm hiểu người Eskimo sống gần Bắc Cực lạnh giá hoặc tiểu thuyết “Thế giới của
Sophie” (Huỳnh Phan Anh dịch, NXB Văn hóa-Thông tin, 1998) của nhà văn Na Uy
Jostein Gaarder là tiểu thuyết viết về lịch sử hơn 2000 năm của triết học
phương Tây. Cũng như đi theo lối “tiểu thuyết nghiên cứu” nói trên, Nguyễn Xuân
Khánh sử dụng cốt truyện trải rộng không-thời gian để dẫn nhập vào Phật giáo
chứ không xây dựng mô hình nghiên cứu dựa trên các khái niệm khoa học như khoa
văn hóa học. Điều này khiến người đọc quên đi mục đích viết về Phật giáo mà ngỡ
rằng đây là một tiểu thuyết phiêu lưu của các nhân vật hư cấu. Qua tiểu thuyết
“Đội gạo lên chùa”, Nguyễn Xuân Khánh đã làm sáng rõ cái tư tưởng Phật giáo nhập
thế thời Lý-Trần hình thành mẫu người vô ngã trong lịch sử Việt Nam trên nền
tảng là con người làng xã.
Đáng đọc là vậy, nhưng về cơ bản hai cuốn tiểu thuyết
nói trên vẫn được viết theo mô hình tiểu thuyết cổ điển. Việc trao giải lần này
có thể xem là thích hợp, nhất là trường hợp “Đội gạo lên chùa” vì nó vinh danh
một lối tiểu thuyết hiếm có ở Việt Nam. Nhưng nếu các năm sau, liệu các dạng
tiểu thuyết viết theo mô hình mới hơn và đề tài nhạy cảm hơn liệu có được chú
ý?
Đáng tranh cãi hơn cả là
giải thưởng cho hạng mục lý luận-phê bình. Chất
lượng của tác phẩm đạt
giải là cuốn “Luận bàn minh triết
và minh triết Việt” của cố GS Hoàng Ngọc Hiến chưa cần nói đến nhưng tác phẩm
nói trên không phải là công trình nghiên cứu về văn học. Ai quan tâm đến văn học
đều biết những đóng góp to lớn của cố của GS Hoàng Ngọc Hiến với khoa học
nghiên cứu văn học ở Việt Nam. GS Hoàng Ngọc Hiến xứng đáng đoạt Giải thưởng Hội
nhà văn Việt Nam từ lâu và nếu cần vinh danh thì Hội Nhà văn có thể trao giải
kiểu “thành tựu trọn đời”, chứ không nhất thiết phải cố trao cho một tác phẩm không có dóng góp
nhiều cho nghiên cứu văn học.
Hơi đáng tiếc là hai năm qua khá nhiều tác phẩm văn
học nước ngoài nổi tiếng được dịch cẩn thân như: “Tử tước chẻ đôi” và “Nếu một đêm
đông có người lữ khách” của Italo Calvino, “Người phàm” của Philip Roth, “Một
tiểu thuyết Pháp” của Frédéric Beigbeder, “Người không quê hương” của Kurt Vonnegut...
nhưng không có một giải thưởng cho tác phẩm dịch thay vào đó là bằng khen cho
bản dịch “Bài hát ngày mai” thơ của Ko Un (Hàn Quốc) do Lê Đăng Hoan dịch.
Dẫu còn nhiều điểm chưa hợp lý, nhưng có thể xem của
Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam lần này đã trao
cho những tác phẩm xứng đáng nhất và qua đó làm hồi sinh một giải thưởng danh
giá của văn học Việt Nam.
HÀM ĐAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét