(Cảnh trong phim "Amour" đoạt giải Càng cọ vàng 2012)
Nỗi
thất vọng đến từ nước Mỹ
Rạng sáng 28- 5 (theo giờ Việt Nam) liên hoan
phim danh giá của nước Pháp- Cannes 2012 đã khép lại. Trong số 22 bộ phim tranh
giải Cành cọ vàng năm nay, có 6 bộ phim đến từ nước Mỹ-một con số khá cao so
với các lần Liên hoan phim (LHP) Cannes gần đây. Sau giải Cành cọ vàng 2011 cho
kiệt tác “The tree of life” (Cây đời); LHP Cannes năm nay, điện ảnh Mỹ gây thất
vọng lớn khi cả 6 bộ phim không để lại nhiều ấn tượng cho người xem.
Gây thất vọng nhất là bộ phim “On the
road” (Trên đường) vốn chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jack
Kerouac (1922-1969). Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng ca ngợi tinh thần tự do của
tuổi trẻ và độc đáo ở kỹ thuật viết pha tạp những câu văn ngắn kiểu điện tín
xen các đoạn văn dài mô phỏng nhạc jazz. Sự thất bại của bộ phim “Trên đường”
chứng minh sự bất lực của đạo diễn Walter Salles khi không làm sao chuyển hóa
được tinh hoa nghệ thuật ngôn từ trong tiểu thuyết để biến thành điểm nhấn của
nghệ thuật hình ảnh động trong điện ảnh. W. Salles đã quá bám sát vào cốt
truyện tiểu thuyết khiến bộ phim “Trên đường” trở nên dài lê thê, tẻ nhạt như
một bộ phim quảng bá du lịch! Vớt vát cho “Trên đường” có lẽ là nhờ dàn diễn
viên trẻ đẹp và diễn xuất có nghề. Nổi bật là vai nhân vật nữ Marylou của diễn
viên Kristen Stewart-nổi tiếng khi đóng Bella Swan trong loạt phim “Chạng
vạng”, được xem là phát hiện đáng nhớ của Cannes 2012.
Bạn diễn của K. Stewart trong loạt phim
“Chạng vạng” là “ma cà rồng” Robert Pattinson cũng xuất hiện tại Cannes 2012
khi là diễn viên chính trong bộ phim “Cosmopolis” (Thành phố quốc tế) của đạo
diễn David Cronenberg. Bộ phim này cũng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của
nhà văn đương đại hàng đầu nước Mỹ Don Dellilo. Bộ phim kể về một ngày bất
thường trong đời tỷ phú chứng khoán chưa đến 30 tuổi tên là Eric Parker. Vào
lúc “bong bóng” chứng khoán New York
sắp thành thảm họa, sự nghiệp lừng lẫy của E. Parker có nguy cơ quay về con số
không thì anh lạnh lùng đi... cắt tóc. Để đến được tiệm cắt tóc, Parker phải đi
xuyên qua thành phố đang hỗn loạn. Đó cũng là lúc E. Parker quay trở lại kỷ
niệm với vợ cũ và cả những người đàn bà đã đi qua đời anh, và trông thấy những
bộ mặt thảm hại của cư dân thành phố. Một hành trình ngắn ngủi về địa lý nhưng
lại làm biến động phức tạp của tâm lý nhân vật. Robert Pattinson thực sự đã thể
hiện được phần nào những cung bậc tâm lý thất thường của E. Parker nhưng nhìn
tổng thể thì “Thành phố quốc tế” chỉ được xếp vào hạng “xem được”!
Báo chí Pháp tin rằng, mục đích phim Mỹ
đổ bộ xuống Cannes
không phải là ham hố tranh giải Cành cọ vàng mà chỉ đơn giản là quảng bá trước
khi trình chiếu rộng rãi. Ai cũng biết, LHP Cannes chỉ xếp sau giải Oscar, được
nhắc tên liên tục trong gần một tuần tại LHP Cannes thì hiệu quả quảng bá không
hề nhỏ, lại còn tiết kiệm hơn so với chiến dịch quảng cáo tốn kém-có khi bằng
1/3 chi phí sản xuất phim.
Cũng không được đánh giá cao như các bộ
phim Mỹ là các bộ phim đến từ châu Á. Trong quá khứ, Cannes đã từng là “bệ phóng”
tên tuổi cho các bộ phim như: “Farewell my concubine” (Bá vương biệt cơ, 1993)
của Trần Khải Ca (Trung Quốc), “Happy together” (Hạnh phúc bên nhau, 1997) và
“In the mood for love” (Tâm trạng khi yêu, 2000) của Vương Gia Vệ (Hồng Kông,
Trung Quốc)... Tại Cannes 2012, ba bộ phim đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản hoàn
toàn không gây được bất cứ một tiếng vang nào.
Dù
được đánh giá là kỳ LHP đa dạng và phong phú từ nội dung, phong cách và thể
loại nhưng Cannes 2012 được xem là một kỳ LHP không có nhiều phim hay, chất
lượng các bộ phim không đồng đều.
Đi theo tiêu chí truyền thống
Sự kém cỏi của những bộ phim tưởng chừng
sẽ gây bất ngờ đến từ Mỹ và châu Á khiến giới phê bình đoán chắc lại có thêm
một bộ phim châu Âu đoạt giải Cành cọ vàng. Càng đến ngày công bố giải, phim
“Amour” (Tình yêu) của đạo diễn Áo Michael Haneke và phim “Au-delà des
collines” (Bên kia những ngọn đồi) của đạo diễn Ru-ma-ni Cristian Mungiu nổi
lên, biến Cannes 2012 trở thành cuộc đua “song mã”. Cuối cùng, Cành cọ vàng đã
thuộc về phim “Tình yêu”. Phim “Bên kia những ngọn đồi” cũng đoạt hai giải quan
trọng là giải kịch bản cho C. Mungiu và giải nữ diễn viên chia cho hai diễn
viên là Cristina Flutur và Cosmina Stratan.
Sự vinh danh trên chứng tỏ Ban giám khảo
Cannes 2012 với chủ tịch là nhà làm phim I-ta-li-a Nanni Moretti đã không có sự
lựa chọn theo hướng đổi mới; thay vào đó, tiếp tục đi theo tiêu chí truyền
thống của LHP Cannes đó là thể hiện chiều sâu tâm lý con người thông qua các
nghệ thuật tự sự phức tạp.
Tuy nhiên, có một điều khá mới đáng chú ý
ở Cannes năm nay đó là hầu hết các bộ phim đều đặt nhân vật là những con người
bình dị vào những tình huống éo le hoặc gian khổ bất ngờ và từ đó để các nhân
vật tự tìm ra cách quay trở lại trạng thái hạnh phúc, bình an trước đó. Có thể
lờ mờ tiên đoán rằng, nội dung các bộ phim đang gián tiếp phản ánh sự loay hoay
của các nước châu Âu thoát khỏi khủng hoảng nợ công hiện nay! Điều này có nghĩa
Cannes năm nay
cũng có vẻ gần với Oscar khi bắt đầu quan tâm đến vấn đề đời sống hơn là các
chủ đề cao siêu, không sát với thực tế.
Tiêu biểu cho xu hướng về nội dung của
Cannes 2012 chính là bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng là “Tình yêu” của đạo diễn
M. Haneke. Bộ phim kể về cặp vợ chồng đã ngoài tuổi 80 tên là Georges và Anne.
Những năm tháng cuộc đời họ trôi qua hạnh phúc bên nhau với nghề nghiệp là giáo
viên dạy nhạc. Sóng gió cuộc đời bất ngờ ập đến khi người vợ Anne bị đột quỵ,
nằm liệt giường chờ chết. Chính thời điểm gian nan này, tình yêu đích thực và
niềm thủy chung được cam kết bằng cả cuộc đời đã giúp họ có thêm nghị lực chống
lại bệnh tật để tìm lại hạnh phúc dẫu rằng ngắn ngủi. Phim “tình yêu” là bản
tình ca bằng hình ảnh ấn tượng nhất tại Cannes,
được báo chí Pháp tôn vinh bằng những từ ngữ đẹp nhất có thể: “đẹp đẽ một cách
ngoạn mục”, “tinh thần lãng mạn siêu việt”...
Kết quả cuối cùng của Cannes 2012 không
hề gây bất ngờ. Cannes 2012 cũng không có nhiều điều mới mẻ. Vậy, phải chăng
Cannes 2012 là một LHP không đáng nhớ? Câu trả lời thực ra tùy vào đánh giá của
từng người; nhưng với một kỳ LHP tôn vinh được bộ phim hay nhất, và còn có sự
góp mặt của một số bộ phim khá hay thì dẫu sao Cannes 2012 vẫn là một kỳ LHP
đáng nhớ.
HÀM ĐAN