Việc quyên góp sách báo tặng cho trẻ em nghèo ở vùng
sâu khó khăn là chuyện không có gì mới lạ. Nhưng mỗi khi kết thúc một sự kiện
tặng sách từ thiện vẫn chưa có câu trả lời cho một loạt câu hỏi như: Số sách
đem đến tận tay các trẻ em nghèo có hiệu quả như thế nào? Được bảo quản ra sao?
Sau khi có sách các em có hứng thú đọc không? Vừa qua, tổ chức tình nguyện
“Vòng tay bè bạn” đã chính thức thực hiện dự án “Ngày hội đọc sách 2012” với
nhiều điểm mới lạ, qua đó hy vọng sẽ đem lại những hiệu quả trông thấy rõ.
Nội dung của dự án thoạt nghe khá đơn giản. Tổ chức
“Vòng tay bè bạn” phối hợp cùng Quỹ “Tháng ba Thăng Long” và đối tác truyền
thông Youth Box Channel thực hiện chương trình thí điểm tại Trường Tiểu học
Tiên Phong (xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, Hà Nội) vì đây là ngôi trường có hơn
50% số học sinh thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế không thể mua thêm các
loại sách ngoài sách giáo khoa và phục vụ học tập. Dự án sẽ được triển khai đợt
I từ tháng 8-2012 đến hết năm 2013 trên 16 điểm trường Tiểu học và Trung học cơ
sở thuộc 8 xã nghèo nhất huyện Ba Vì bao gồm: Tiên Phong, Thái Hòa, Ba Trại, Ba
Vì, Phú Sơn, Minh Châu, Khánh Thượng và Phú Đông. Với khẩu hiệu “Để sách chắp
cánh ước mơ cho em”, dự án này sẽ có tác động tích cực tới hơn 8000 học sinh.
Theo Nguyễn Hải Linh-điều phối viên của dự án cho
biết: Dự án không đơn thuần là đem sách đến cho các học sinh nghèo; mà còn
hướng dẫn tận tình cho các em cách đọc sách thông qua các trò chơi để cho các
em học sinh hứng thú với việc đọc sách. Ví dụ, với các em học sinh tiểu học,
các tình nguyện viên đọc một câu chuyện và qua đó chơi trò chơi hỏi-đáp với các
em học sinh. Hoặc là, các tình nguyện viên sẽ đưa ra một nhân vật giả tưởng là
bé Bi và các học sinh qua đó sẽ phát triển các câu chuyện về nhân vật bé Bi để
trở thành một cuốn sách. Tất nhiên, các hình thức để hướng dẫn đọc sách và các
trò chơi sẽ điều chỉnh sau lần thí điểm tại Trường Tiểu học Tiên Phong. Đọc
sách là thói quen tốt và chắc chắn phải được hình thành từ nhỏ. Thực tế hiện
nay, ngay cả ở vùng nông thôn cũng không ít hình thức giải trí nên việc coi
thường đọc sách là… “chuyện thường ngày ở huyện”. Khơi gợi đam mê đọc sách
thông qua trò chơi là điểm nhấn nội dung dự án.
Nguyễn Hải Linh
cho biết thêm: Sự đặc biệt của dự án “Ngày hội đọc sách 2012” đó là gây dựng tủ
sách cho mỗi lớp giao cho lớp trưởng và giáo viên chủ nhiệm quản lý. Người quản
lý phải có trách nhiệm bảo quản gìn giữ mà còn ghi lại lượt người mượn sách và
cả những phản hồi của người đọc về những loại sách muốn đọc để ban tổ chức kịp
thời bổ sung sách mới. Chính quá trình “kiểm tra” này cũng sẽ đồng thời đánh
giá tác động của dự án đến mức nào.
Cũng giống như
bao dự án khác, muốn thực hiện và mở rộng dự án “Ngày hội đọc sách 2012” yêu
cầu kinh phí được đặt ra đầu tiên. Ngoài việc quyên góp sách từ các tình nguyên
viên và những cá nhân hảo tâm, ban tổ chức còn đã xin tài trợ bằng hiện vật từ
các đơn vị làm sách tư nhân. Ngoài ra, ban tổ chức còn tiếp tục vận động tài
trợ từ nhiều nguồn khác để các chuyến đi tặng sách và hướng dẫn đọc sách trở
nên thường xuyên và có thể mở rộng hơn ở các địa phương khác trong tương lai.
HÀM ĐAN