1.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu văn hóa học, tín ngưỡng thờ Mẫu bắt
nguồn từ việc thờ các nữ thần của người Việt cổ. Là đất nước nông nghiệp
lúa nước, người Việt lại chuộng sự phồn thực nên các nữ thần là các bà
mẹ thay vì các cô gái trẻ.
Thường
để được gọi là Mẫu gồm các trường hợp sau: Các vị Thánh đứng đầu tín
ngưỡng Mẫu Tứ phủ: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Địa… được tôn
xưng là Thánh Mẫu. Các vị Thái hậu, Hoàng hậu, Công chúa có công lao
được tôn xưng là Quốc Mẫu, Vương Mẫu như Mẹ Âu Cơ, Mụ Giạ… Ngoài ra là
các vị nữ thần sáng tạo nghề truyền thống, các nữ tướng như: Bà Lúa, Bà
Chúa Kho, Hai Bà Trưng… cũng được tôn xưng là Mẫu.
Dưới
ảnh hưởng của nhiều yếu tố, kể cả yếu tố ngoại sinh là Đạo giáo đến từ
Trung Hoa, tín ngưỡng thờ Mẫu vốn tản mạn đã hình thành một hệ thống khá
nhất quán về điện thần với các phủ, các hàng và các kinh văn gần như là
một tôn giáo. Hệ thống các vị thần từ cao đến thấp thông thường gồm:
Ngọc Hoàng, Tam tòa Thánh Mẫu, Ngũ vị Vương Quan (từ đệ nhất đến đệ
ngũ), Tứ vị Chầu Bà, Ngũ vị Hoàng tử (từ đệ nhất đến đệ ngũ), Thập nhị
Vương cô (gọi tên từ một đến mười hai), Thập nhị vương cậu , Quan Ngũ hổ
và Ông Lốt (rắn). Nhưng số lượng các hàng Quan, Bà, Ông Hoàng, Cô, Cậu
thường thay đổi so với thực tế, như trên quan niệm thông thường có năm
Hoàng tử nhưng trên thực tế thờ cũng có thể lên đến mười vị, trong đó
Ông Hoàng Mười rất nổi tiếng có đền thờ ở gần TP. Vinh (Nghệ An). Tín
ngưỡng thờ Mẫu cũng hình thành một hệ thống vũ trụ luận nguyên sơ, một
vũ trụ thống nhất chia làm bốn miền do bốn vị Thánh Mẫu cai quản gồm:
Thiên phủ-miền trời do Mẫu Thượng thiên cai quản, Thoải phủ (Thoải biến
âm của Thủy)-miền nước do Mẫu Thoải cai quản, Địa phủ-miền đất do Mẫu
Địa cai quản và Nhạc phủ-miền rừng do Mẫu Thượng Ngàn cai quản.
Tín
ngưỡng thờ Mẫu chỉ quan tâm đến sự sống, khát vọng sức khỏe, tài lộc
nên những người thờ Mẫu cầu xin sự giúp đỡ đôi khi là lời phán của các
Thánh. Cho nên, mới nghi lễ quan trọng là hầu đồng. Hầu đồng là một nghi
lễ nhập hồn nhiều lần của các vị Thánh vào thân xác ông đồng, bà đồng.
Hầu đồng có thể xem là hình thức Shaman giáo-tức liên kết cộng đồng với
thế giới thần linh thông qua thầy pháp ở trạng thái ngây ngất (ecstasy).
Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ… và các tộc người
thiểu số vùng Trung Á, châu Phi, Mỹ La-tinh… cũng có các hình thức
Shaman giáo tương tự như hầu đồng. Điểm độc đáo khác của hầu đồng là vì
tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật được dân gian đúc kết như hát
chầu văn, các điệu múa…
Hầu
đồng ngày xưa rất đơn giản, chỉ phát quà lộc tượng trưng. Mặt khác, chỉ
những người có sức khỏe tâm thần không tốt, tức có “căn đồng” mới có
khả năng nhập đồng. Nhưng ngày nay, đa số các cuộc hầu đồng đã biến
tướng, bị lợi dụng bởi nhiều “đồng tỉnh” giả “đồng mê” khiến mỗi cuộc
hầu đồng rất tốn kém. Và hầu đồng bị tai tiếng là một hình thức mê tín
dị đoan.
2.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân-Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho rằng, việc
đưa trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui” vào trong hệ thống
trưng bày thường xuyên của bảo tàng là bổ sung vào phần còn khuyết về
một nội dung liên quan đến chủ đề phụ nữ và đời sống tâm linh.
Nhưng
do sự phức tạp tự thân của đạo Mẫu và nghi thức hầu đồng nên trưng bày
tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn chưa thể đáp ứng được số đông người xem. Vì ngay
cả là một người Việt Nam nhưng chưa có hiểu biết về đạo Mẫu mà tham quan
trưng bày sẽ không thể hiểu rõ chí ít ở hai vấn đề: Tín ngưỡng Mẫu xuất
phát từ đâu mà lại được công nhận là tín ngưỡng bản địa Việt Nam? Hầu
đồng có liên quan gì đến tín ngưỡng thờ Mẫu?
Tuy vậy, có thể xem trưng bày là một nỗ lực sưu tầm khá đầy đủ các hiện vật như: điện thờ, trang sức và trang phục của ông đồng, bà đồng… giúp công chúng có một cái nhìn đầy đủ hơn về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền.
Điểm
mới mà trưng bày mang lại là một phong cách trưng bày mới, sinh động.
Được biết phần thiết kế trưng bày lần này do ông James Hicks-chuyên gia
thiết kế bảo tàng từ Mỹ đảm nhiệm. Đây là lần đầu tiên, Bảo tàng Phụ nữ
Việt Nam sử dụng phong cách thiết kế của Mỹ. Thiết kế sử dụng các tấm
rèm làm vách ngăn để tạo tuyến tham quan cho người xem. Ngoài ra, trưng
bày được sắp xếp thành bốn chủ đề: Mẫu-Tâm-Đẹp-Vui, tương ứng với bốn
màu đặc trưng của Tứ phủ: Màu đỏ (Thiên phủ), màu trắng (Thoải phủ), màu
vàng (Địa phủ) và màu xanh (Nhạc phủ). Tất cả các tài liệu hiện vật,
vật liệu cũng đi theo 4 màu ấy, đòi hỏi sự lựa chọn công phu và ăn khớp.
Trưng bày
còn sử dụng các màn hình chiếu các cảnh hầu đồng thêm phần sinh động.
Đáng chú ý là việc in các tấm áp-phích ghi lại lời nói của những người
thờ Mẫu, các ông đồng, bà đồng… để qua đó người xem hiểu biết sâu hơn được tín ngưỡng thờ Mẫu từ nhiều chiều và từ bên trong bởi những người quan tâm đến tín ngưỡng thờ Mẫu.
Với
một di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu, còn có nhiều tranh
cãi về giá trị đích thực cũng như những tác động không mong đợi, trưng
bày đây là một sự táo bạo, đưa tín ngưỡng thờ Mẫu ra ngoài các đền phủ
để hiện diện trong một thiết chế văn hóa. Quan trọng hơn, trưng bày có
thể xem là bước đầu cho một quá trình vận động nhận thức giúp cho công
chúng hiểu đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ nhận thức đúng, trong tương
lai mới có thể tiến hành bảo vệ và phát huy các giá trị tích cực của tín
ngưỡng thờ Mẫu.
HÀM ĐAN