Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

SỰ THẬT KHÔNG... MẤT LÒNG!

Mới đây, dư luận đã xôn xao khi bãi biển Nha Trang và Mũi Né bị xếp vào thứ hạng thấp trong số 99 bãi biển trên thế giới qua một kết quả công bố trên tạp chí National Geographic Traveler số ra tháng 11 và 12-2010.

Sở dĩ, nhiều người dù không phải “dân phượt” cũng phải lưu tâm đến thông tin trên bởi tổ chức đứng ra xét tuyển là một tổ chức chuyên nghiệp và cực kì uy tín trong lĩnh vực khảo sát địa lý. Tạp chí National Geographic Traveler là một phụ san xuất bản bằng 15 thứ tiếng do Hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ-một tổ chức phi chính phủ nổi tiếng trong lĩnh vực khảo sát địa lý trên thế giới với 8,5 triệu thành viên; với các sản phẩm truyền thông của Hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ (báo hình, báo viết, báo mạng…) có tới 50 triệu khách hàng thường xuyên theo dõi.

Cuộc bình chọn các bãi biển được tiến hành công khai. 340 chuyên gia thuộc các lĩnh vực bảo tồn, môi sinh, văn hóa… đã cho điểm bầu chọn 99 bãi biển dựa theo 6 tiêu chí được xếp theo thứ tự tầm quan trọng bao gồm: Chất lượng sinh thái và môi trường, tính nguyên vẹn của văn hóa và xã hội, tình trạng của các kiến trúc cổ, tính thẩm mỹ, chất lượng điều hành du lịch; cuối cùng là triển vọng trong tương lai. Kết quả sẽ được xếp vào 5 cấp độ là: “đứng đầu bảng”, “kinh doanh tốt”, “ổn định”, “đối diện với khó khăn” và “đứng cuối bảng”. Bãi biển được cao điểm nhất (84 điểm) nằm ở cấp độ 1 là Bán đảo Avalon thuộc Newfoundland và Labrador (Canada). Nha Trang và Mũi Né được 43 điểm đứng vào cấp độ cuối cùng. Tuy nhiên, điều thú vị nằm ở bảng xếp hạng của National Geographi là 3 bãi biển “đội sổ” đều thuộc về Hoa Kỳ là: bờ biển Bắc New Jersey (36 điểm), vịnh Mississippi (33 điểm) và vịnh Louisiana (24 điểm). Như vậy, chúng ta có thể an tâm về sự công bằng, ở đây không có sự thiên vị nào cả mà tất cả đều dựa vào các tiêu chí khách quan, khoa học.

Sở dĩ, bãi biển Nha Trang bị xếp vào cấp độ cuối bởi sự phát triển quá “nóng” của các công trình xây dựng nhất là khách sạn và quán bar đe dọa cảnh quan hoang sơ của bãi biển. Vệ sinh môi trường của bãi biển Nha Trang cũng “có vấn đề” nổi cộm nhất là chất lượng nước sinh hoạt kém, vẫn xuất hiện rác thải trên bờ biển… Tiêu chí về môi trường và sinh vật cảnh được đề cao xuất phát từ “gu” du lịch của người phương Tây. Những tay “phượt” Tây rất thích đến những nơi càng hoang sơ càng tốt để tận hưởng sự thoải mái trở về với thiên nhiên, tạm thoát khỏi môi trường tù túng của một không gian với công trình chi chít ở đô thị hiện đại. Một “điểm trừ” của Nha Trang là các công trình kiến trúc Chăm cổ chưa có kế hoạch bảo vệ tốt trong đường hướng phát triển du lịch. Lời khen duy nhất của các chuyên gia dành cho Nha Trang là ở các khu resort là có triển vọng nếu có quản lí tốt.

Mũi Né cũng bị phàn nàn tương tự như Nha Trang về vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng của du lịch làm tổ hại đến vẻ đẹp tự nhiên của bãi biển. Cả hai đều cho là phát triển du lịch không bền vững.

Một số người sau khi biết kết quả trên đã phản ứng không tích cực. Nhưng cuối cùng, sự thật này đã không gây mất lòng bởi ngành du lịch Khánh Hòa đã biết lắng nghe, lên tiếng ghi nhận những cảnh bảo của National Geographic và hứa sẽ cố gắng khắc phục những nhược điểm đang tồn tại.Việc phát triển du lịch làm tổn hại đến cảnh quan tự nhiên là nguy cơ đã được báo chí trong nước cảnh báo nhiều lần từ những ví dụ cụ thể. Có nơi làm tốt như cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) nhưng có nơi hiện trạng cảnh quan đã bị biến dạng trầm trọng như chùa Thầy (Hà Nội). Hy vọng từ sự kiện trên, ngành du lịch Việt Nam sẽ rút ra được những kinh nghiệm để đổi mới cách làm du lịch nhằm phát triển bền vững ngành “công nghiệp không khói”.

HÀM ĐAN