Phóng viên (PV): Thưa PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, ông có thể nêu đặc
điểm chính của văn học viết về chiến tranh trong văn học Việt Nam hiện đại?
PGS,TS Nguyễn Đăng Điệp: Trong thế kỷ XX, hiếm có dân tộc nào trải qua hai cuộc chiến
chống Pháp và Mỹ khốc liệt như dân tộc Việt Nam, và cuối cùng chúng ta là người
chiến thắng. Bởi thế, đề tài chiến tranh là đề tài lớn trong văn học Việt Nam, ngay cả
khi đất nước đã hòa bình thì chiến tranh vẫn là một đề tài ám ảnh.
Vấn đề đặt ra là thời gian qua các nhà
văn đã viết về chiến tranh như thế nào? Theo tôi có hai hướng nổi bật: Thứ
nhất, viết về chiến tranh như thực trạng chiến tranh đã diễn ra. Đây là lối
viết nhìn chiến tranh ở cự ly gần. Lối viết này dễ gây được hiệu quả xã
hội tức thì vì mục đích của nó là biểu dương kịp thời tinh thần dũng cảm, sự
quật cường của dân tộc. Giá trị chủ yếu của nó nằm ở tính nóng hổi của các sự
kiện được ghi lại. Tuy nhiên, khi chiến tranh đã lùi xa, sức nóng của các sự
kiện đã giảm xuống, tâm lý thị hiếu người đọc thay đổi, những tác phẩm được
viết theo yêu cầu kịp thời khó lôi cuốn được độc giả vì phần lớn các tác phẩm
này hoặc là ghi chép hoặc mang màu sắc truyện ký.
Lối viết thứ hai là sự gián cách với
chiến tranh bằng một độ lùi cần thiết. Lối viết này thường chậm hơn so với lối
viết thứ nhất, nhưng ưu thế là cái nhìn và cảm hứng lý giải về chiến tranh sâu
hơn, bình tĩnh hơn. Chiến tranh là một phần của lịch sử, hơn thế, bản thân nó
cũng là một lịch sử, mà diễn giải về lịch sử thì có thể xuất phát từ nhiều điểm
nhìn khác nhau. Trong lối viết thứ hai, những suy tư cá nhân về chiến tranh, về
số phận con người và dân tộc thường nổi bật hơn. Tôi nghĩ rằng lối viết này phù
hợp hơn với tư duy nghệ thuật hiện đại.
Những năm gần đây, giới sáng tác và
độc giả quan tâm đến đề tài lịch sử. Có loại lịch sử xa (cách chúng ta
hàng trăm thậm chí hàng ngàn năm), có loại lịch sử gần (cách thời hiện
tại khoảng dăm chục năm). Cái khó của đề tài lịch sử gần là chưa có độ lùi thời
gian để chúng ta nhìn về chiến tranh ở cả hai mặt được và mất. Và diễn giải
chiến tranh của nhà văn, nếu trái chiều, trái kênh, rất dễ bị phản ứng của
người đọc. Những tôi nghĩ, trong khoảng ba mươi năm qua, văn học về chiến tranh
đã có nhiều tác phẩm hay của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Chu Lai, Bảo
Ninh, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi… Về thơ có thể kể đến thơ Thanh Thảo, Hữu
Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Anh Thái... Họ là những người lính viết về trải nghiệm
của mình, nỗi đau và sự hy sinh của thế hệ mình và trong số phận thế hệ ấy có
số phận dân tộc.Điều đáng chú ý là sau 1975, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới,
tuy với độ lùi thời gian chưa nhiều, nhưng nhiều nhà văn đã biết nhìn chiến
tranh ở cả mặt phải lẫn mặt trái của tấm huy chương. Nghĩa là giờ đây, một giọt
nước mắt, một nỗi đau, một ly biệt… cũng được hiểu như là một nhân tố góp phần
tạo nên chiến thắng của dân tộc. Tư duy nghệ thuật mới tạo nên độ mở trong cách
viết của nhà văn. Trước đây, các nhà văn quan tâm đến lợi ích dân tộc, lợi ích
giai cấp thì sau này họ nhìn chiến tranh bằng cái nhìn nhân bản. Điều đó thể
hiện ở việc các nhà văn quan tâm nhiều hơn đến số phận con người, qua đó nhìn
thấy số phận lịch sử và dân tộc, thay vì số phận cá nhân chỉ là minh họa cho số
phận dân tộc như trước đây. Vì thế, chiều sâu nội tâm và những chấn thương tinh
thần của nhân vật được miêu tả kỹ lưỡng hơn. Tôi muốn đề cập đến một tác phẩm
gây nhiều tranh cãi là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Có ý kiến cho rằng, Bảo Ninh viết Nỗi buồn chiến tranh để
giải thiêng lịch sử, hạ thấp ý nghĩa chiến thắng.... Tôi không nghĩ như vậy.
Toàn bộ cuốn tiểu thuyết gắn với hồi ức đứt nối của nhân vật Kiên. Chính trong
sâu thẳm những dằn vặt của Kiên, chiến tranh hiện lên chân thực hơn bao giờ
hết, người đọc nhận ra để có chiến thắng vĩ đại chúng ta đã trải qua biết bao
đau đớn. Đọc tác phẩm này cần đến một cái nhìn chia sẻ để thấu hiểu những âu
lo, khắc khoải phận người.
Đúng là trong thời đại chúng ta đang
sống, những người đam mê viết về chiến tranh không còn nhiều. Nhà văn chủ yếu
viết về vấn đề đô thị hóa, những thăng trầm đời sống thường nhật, thậm chí
nhiều người hướng tới các đề tài “hot” như: sex, đồng tính… Theo tôi đó là
chuyện bình thường. Nhưng tôi nghĩ, viết về chiến tranh vẫn là một yêu cầu riết
róng đối với nhà văn bởi hiểu chiến tranh, hiểu quá khứ dân tộc là cách chúng
ta bước đến tương lai một cách chắc chắn hơn.
PV: Theo
phân tích của ông, thời đại đã khác phải chăng cần một cách viết khác về chiến
tranh?
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp: Đúng thế. Thời nào có mối quan tâm của thời ấy. Chiến tranh
dù đã đi qua nhưng không có nghĩa là tất cả đã khép lại. Thực ra, nó vẫn can dự
đến đời sống chúng ta, tuy không trực diện và trực tiếp. Tôi nghĩ mỗi nhà văn
sẽ có cách tiếp cận về chiến tranh theo suy nghĩ riêng của họ. Nhưng có hai
điều đáng lưu ý trong cách viết về chiến tranh từ điểm nhìn hôm nay. Thứ nhất,
diễn giải mới về chiến tranh không đồng nghĩa với việc xuyên tạc lịch sử mà đó
phải là những hình thức mới mẻ khiến cho lịch sử hiện lên chân thực hơn. Xin
đừng hiểu chân thực là ghi chép, nệ thực mà đó là nỗ lực miêu tả những mặt
khuất kín, những hàm nghĩa chìm ẩn theo tinh thần của Xê-da (Caesar) phải trả
về cho Xê-da. Tất nhiên, từ cuộc sống bình thường hôm nay viết về chiến tranh
như một bất thường của lịch sử bao giờ cũng khó khăn. Nó đòi hỏi nhà văn phải
nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử.
Thứ hai, kỹ thuật tự sự ngày nay có
nhiều thay đổi lớn. Viết về chiến tranh không đơn giản là kể lại câu chuyện
tuyến tính có đầu có cuối, mà phải biết sử dụng, sáng tạo những phương thức
biểu đạt mới để thu hút người đọc trở lại một đề tài cũ mà thực ra chưa bao giờ
cũ. Tất nhiên, nói nhà văn cần nuôi dưỡng cảm xúc viết về chiến tranh không có
nghĩa là cổ súy cho chiến tranh mà thông qua đó, nhà văn khơi gợi niềm tự hào
dân tộc, giúp người đọc hiểu rằng cuộc sống hôm nay được đánh đổi bằng hạnh
phúc của bao thế hệ hôm qua. Để tái hiện chiến tranh một cách sinh động, tôi
nghĩ một mặt nhà văn cần tiếp tục nuôi dưỡng cảm hứng viết chiến tranh; mặt khác,
phải dày công nghiên cứu và có trí tưởng tượng phong phú, biết giải phóng trí
tưởng tượng khỏi những sự kiện vụn vặt bằng cái nhìn nghệ thuật độc đáo, mới lạ.
PV: Theo
ông, để viết về chiến tranh trong hoàn cảnh mới các nhà văn cần chuẩn bị
những gì?
PGS, TS Nguyễn
Đăng Điệp: Tôi đã lý giải phần nào câu hỏi này ở
trên. Tôi muốn nhắc đến một nhà văn tâm huyết với lịch sử là Nguyễn Xuân Khánh.
Nếu Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng ngàn quan tâm đến “lịch sử xa” thì Đội
gạo lên chùa quan tâm đến “lịch sử gần”. Đội gạo lên chùa có phần
lịch sử hiện đại là giai đoạn chống Pháp và Mỹ. Trong tác phẩm này, Nguyễn Xuân
Khánh nói đến ứng xử của con người trước những biến động của lịch sử theo quan
điểm tùy duyên. Ông viết về những cái được mất trong hoàn cảnh đất nước có
chiến tranh, và ngay cả thời bình, con người vẫn gặp đầy rẫy đau khổ, trong đó
có những đau khổ do sự ấu trĩ và đơn giản của chính chúng ta. Tôi nghĩ viết về
chiến tranh cũng thế, phải thấy cả cái hùng lẫn cái bi, cái cao cả lẫn thấp
hèn, cái nhân tính và phi nhân tính. Những giá trị ấy không hẳn lúc nào cũng
hiện lên theo cách phân tuyến mà nhiều khi cùng hiện hữu trong từng con người
cụ thể. Trong quan niệm hiện đại, lịch sử không tồn tại tĩnh lặng, mà luôn chuyển
động. Là một phần của lịch sử, chiến tranh, khi đi vào nghệ thuật, phải được
diễn dịch lại, cấu trúc lại theo cái nhìn của chủ thể sáng tạo. Bởi thế, có bao
nhiêu tác phẩm về chiến tranh là có bấy nhiêu lần chiến tranh được tái cấu
trúc.
Còn nhớ, để miêu tả trận Borodino diễn
ra gần 60 năm trước khi viết Chiến tranh và hòa bình, văn hào Lép
Tôn-xtôi đã dày nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng; kết quả là ông đã miêu tả cuộc
chiến một cách mĩ mãn. Thông qua việc miêu tả cuộc chiến, nhà văn đã nói lên sự
vĩ đại của dân tộc Nga, tính cách Nga và tri nhận lịch sử bằng cái nhìn giàu tính
nhân đạo. Sự vĩ đại của Tôn-xtôi nằm ở chỗ, sau này người ta biết đến trận Borodino qua tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của
ông nhiều hơn là qua các bộ sử.
Viết về hai cuộc kháng chiến đã qua
của dân tộc, việc lựa chọn điểm nhìn nào, tâm thế nào buộc nhà văn phải tính
đến. Điều đó sẽ giúp họ miêu tả cuộc chiến phiến diện hay không phiến diện. Ở
đây, cái nhìn nghệ thuật của nhà văn cần mang chứa những quan niệm/ tư duy mới
về lịch sử. Mặt khác, cần phải nhớ rằng lịch sử không phải là câu chuyện riêng của
những anh hùng có tên mà còn là câu chuyện của những anh hùng không tên, những
anh hùng vô danh nhưng vĩ đại.
Nói thế để thấy rằng viết về chiến
tranh luôn là một thử thách đầy khó khăn đối với người cầm bút. Muốn viết hay,
dứt khoát họ phải có tài năng thực, đam mê thực và một chiến lược tự sự hiện
đại, hợp lý.
PV: Với
tư cách là Viện trưởng Viện Văn học, ông nghĩ cần có những điều kiện gì để văn
học viết về chiến tranh trở lại như xưa?
PGS, TS Nguyễn
Đăng Điệp: Đây là cả một câu chuyện dài, liên
quan đến nhiều phía: Sự đam mê của nghệ sĩ, sự quan tâm của các nhà quản lý, sự
ủng hộ cái mới của người tiếp nhận vì không thể thẩm định những sáng tạo mới
bằng đôi mắt cũ, bằng những định kiến cũ. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất
chính là niềm say mê của nhà văn, là tinh thần đối thoại lịch sử nên gốc nền
nhân bản nhân văn. Tôi nghĩ, nếu nhà văn miêu tả và lý giải về chiến tranh bằng
cái nhìn nhân văn hiện đại, họ không bao giờ bị lạc vào hư vô. Thậm chí, họ chính
là những người khơi thức những giá trị hiện đại tiềm ẩn trong những giá trị
tưởng đã vĩnh viễn trôi qua...
- Xin cảm ơn PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp!
HÀM ĐAN (thực hiện)