Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

NOBEL VĂN HỌC 2012: MẠC NGÔN, "NHÀ VĂN CHÂN ĐẤT"


Bỏ bê blogspot hơi lâu. Post bài này cho nó máu :))

Khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn giành giải Nobel Văn học 2012 thì không một ai ngạc nhiên, vì kết quả đã được dự báo trước. Thời điểm mùa giải Nobel 2012 rục rịch khởi động, dân cá cược đều tiên đoán giải sẽ không dành cho một nhà thơ hay một người châu Âu vì năm ngoái nhà thơ nước chủ nhà Tomas Tranströmer đã được vinh danh. Mọi dự đoán dồn hết vào các cây bút văn xuôi đến từ châu Á và châu Mỹ như: Alice Munro, Haruki Murakami (Nhật Bản), Mạc Ngôn (Trung Quốc)…
Trao giải Nobel Văn học cho Mạc Ngôn - một trong những nhà văn tiêu biểu của châu Á, thể hiện Viện Hàn lâm Thụy Điển đã hòa vào niềm tin của sự chuyển dịch tâm điểm địa chính trị thế giới sang châu Á, và cũng đánh giá cao vai trò của văn hóa châu Á. Nhưng, đó là lý do phi văn chương, nếu chỉ xét tác phẩm, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu tác phẩm của Mạc Ngôn có đạt đến tầm giải thưởng văn chương uy tín nhất thế giới?
Những người không thích Mạc Ngôn có cái lý khi cho rằng: Tác phẩm của Mạc Ngôn không đem lại điều gì độc sáng như những tác phẩm của James Joyce (1882-1941), Franz Kafka (1883-1934), Jorge Luis Borges (1899-1986)… Tuy nhiên, một sự nghiệp văn học lớn không chỉ thể hiện ở vai trò mở đường mà có thể là tài năng pha trộn. Mạc Ngôn thuộc kiểu nhà văn như là “phù thủy” khi ông kết hợp được nhiều yếu tố trái ngược nhau một cách nhuần nhuyễn. Đặc biệt, ông là “nhà văn pha trộn được chủ nghĩa hiện thực ảo giác với truyện dân gian, lịch sử và đương đại”- như lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Xuyên suốt các tác phẩm của Mạc Ngôn là văn hóa dân gian và câu chuyện lịch sử Trung Quốc khá xa lạ với đông đảo người đọc năm châu nhưng nhờ những kỹ thuật viết văn và chiều sâu tư tưởng mang tầm nhân loại nên đọc Mạc Ngôn sẽ quên đi tác phẩm đang đề cập đến lịch sử và con người Trung Quốc mà đang là câu chuyện về kiếp người nói chung.
Chừng đó thôi, cũng có thể hiểu, Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải cho Mạc Ngôn là chính xác vì tự thân tác phẩm Mạc Ngôn xứng đáng được vinh danh. Trao giải Nobel cho Mạc Ngôn là thêm một lần nữa Viện Hàn lâm Thụy Điển củng cố uy tín của Giải Nobel Văn học bất chấp nhiều sức ép chỉ trích.
***
Dù Mạc Ngôn đã viết hơn 200 tác phẩm nhưng mạch văn chương không thay đổi bao nhiêu. Hơn 30 năm cầm bút, Mạc Ngôn vẫn được xem là “nhà văn chân đất” khi viết về số phận những con người Trung Quốc bình thường chịu bao va đập của thời thế; qua đó, ông đã thể hiện cái sức sống mãnh liệt của nhân dân và tin rằng lịch sử dân tộc được viết bằng cuộc sống, suy nghĩ của quần chúng vô danh.
Thái độ sáng tác của Mạc Ngôn có thể cắt nghĩa dễ dàng nếu nhìn vào tiểu sử của ông, nhất là khi ông đã trải qua “tuổi thơ dữ dội”. Mạc Ngôn tên thật là Quản Mô Nghiệp sinh ngày 17-2-1955 tại làng Bình An Trang, huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc; trong một gia đình nông dân. Vì nhiều biến động xã hội, lúc 10 tuổi, ông phải nghỉ học để đi chăn dê, luôn đói khát và cô đơn. Ngay trong thời điểm gian khó nhất, Mạc Ngôn vẫn luôn tự học và đọc sách rất nhiều, say mê tiểu thuyết Trung Quốc và châu Âu… Năm 1976, ông nhập ngũ, nhờ tự bồi dưỡng trở thành giáo viên trong quân đội. Từ đây, Mạc Ngôn có điều kiện học hành căn bản: Năm 1984, ông trúng tuyển vào khoa Văn thuộc Học viện Nghệ thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986, rồi chuyển sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn. Từ năm 1988-1991, ông làm nghiên cứu sinh sáng tác văn học thuộc Học viện Văn học Lỗ Tấn, Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Hiện tại, Mạc Ngôn là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc.
Song hành với quá trình sống và tích lũy kiến thức, sự nghiệp sáng tác của Mạc Ngôn cũng mang tính tiệm tiến. Năm 1981, ông bắt đầu công bố các tác phẩm đầu tay nhưng mãi đến truyện dài “Củ cải đỏ trong suốt” (1985) mới gây được chú ý của văn giới. Từ đây, xuất hiện bút danh Mạc Ngôn do ông tách chữ “Mô” trong tên ông có nghĩa là “cơ mưu” thành hai chữ “Mạc” (không có) và “Ngôn” (lời nói), ngụ ý tự răn mình không nên nói nhiều. Hài hước ở điểm, rút cuộc, ông lại nói liên tục qua các hoạt động thuyết trình, phỏng vấn, giảng bài…
Một năm sau, sự nghiệp của Mạc Ngôn bắt đầu bước lên đỉnh cao khi tiểu thuyết “Cao lương đỏ” (Lê Huy Tiêu dịch, NXB Phụ nữ, 2000) ra đời. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhờ đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể sang bộ phim cùng tên và đoạt giải Gấu vàng của Liên hoan phim Berlin 1988. “Cao lương đỏ” tuy thuộc dòng văn học “phản tư” (suy nghĩ lại) phổ biến ở Trung Quốc nhưng lại được xem là cột mốc cho phong cách văn chương của Mạc Ngôn khi sử dụng lịch sử kết nối với hiện đại thông qua giọng kể và góc nhìn nhân vật quá khứ. “Cao lương đỏ” là hồi ức của người xưng “tôi” kể về chuyện đời và chuyện tình của ông bà nội mình là Từ Chiếm Ngao và Đái Phượng Liên - trong bối cảnh của miền quê Cao Mật những năm 1920-1930. Khi quân Nhật Bản kéo đến xâm lược, Từ Chiếm Ngao trở thành một tư lệnh quân du kích. Cũng từ đây, địa danh làng Đông Bắc Cao Mật trở nên nổi tiếng được Mạc Ngôn sử dụng trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông như biểu tượng của một Trung Quốc thu nhỏ; số phận thăng trầm của dân Đông Bắc Cao Mật cũng là số phận của nhân dân Trung Quốc. Đây là điều Mạc Ngôn ảnh hưởng từ nhà văn Mỹ William Faulkner (Nobel Văn học 1949).
Sau thành công của “Cao lương đỏ” là quãng sáng tác sung sức của Mạc Ngôn trong gần 10 năm với hàng loạt tác phẩm như: “Hoan lạc”, “Châu chấu đỏ”, “Hình chó trắng trời thu”, “Bạch miên hoa”, “Tửu quốc”…
Nhưng tác phẩm đưa tên tuổi Mạc Ngôn vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc và bản thân ông cũng nói rằng để hiểu Mạc Ngôn thì phải đọc tác phẩm này, đó là tiểu thuyết “Phong nhũ phì đồn” (tựa Việt: “Báu vật của đời”, Trần Đình Hiến dịch, NXB Văn nghệ, 2001). Tháng 9-1995, tiểu thuyết “Phong nhũ phì đồn” phát hành trở thành một hiện tượng văn học ở Trung Quốc. Tiểu thuyết kể về cô gái Lỗ Toàn Nhi lấy chồng là Thượng Quan Thọ Hỷ bất lực nên phải lấy giống đàn ông đủ loại sinh ra tám gái, một trai. Tác phẩm khái quát cả một giai đoạn lịch sử bi tráng của đất nước Trung Quốc suốt thế kỷ XX thông qua số phận các thế hệ một gia đình.
Hơn 800 trang tiểu thuyết “Phong nhũ phì đồn” hấp dẫn từ đầu đến cuối nhưng xét về mặt nghệ thuật viết văn lại không được đánh giá cao bằng tiểu thuyết “Đàn hương hình” (Trần Đình Hiến dịch, NXB Phụ nữ, 2002) xuất bản năm 2001. Nhiều nhà phê bình uy tín xem “Đàn hương hình” mới là kiệt tác của Mạc Ngôn. Ngoài nội dung hấp dẫn kể về những sự kiện xảy ra trên mảnh đất Cao Mật dưới thời nhà Thanh và nghệ thuật các hình phạt tử tù; tác phẩm dùng kỹ thuật tự sự tinh vi khi mỗi nhân vật tự thuật theo phong cách hý kịch Miêu Xoang của vùng Đông Bắc Cao Mật. Sau khi “Đàn hương hình” gây tiếng vang lớn, rất nhiều người tin rằng Mạc Ngôn sớm muộn cũng sẽ đoạt giải Nobel Văn học.

                                                          ***
Mạc Ngôn trở thành nhà văn lớn xuất phát từ việc ông sớm trả lời thông qua các tác phẩm những câu hỏi căn bản: Văn học là gì? Viết văn để làm gì? Thái độ văn chương như thế nào?
Mạc Ngôn quan niệm viết văn tương tự bao công việc khác, nhà văn không phải là “kỹ sư tâm hồn” bởi nhà văn thực ra chẳng những không cao minh hơn độc giả mà anh ta còn không hơn nhân vật trong tác phẩm của mình. Trong suy nghĩ của Mạc Ngôn, viết văn không phải là “sáng tác cho người dân” vì như vậy nhà văn đang giống như ông thầy dạy bảo độc giả; ông luôn xem mình là loại “sáng tác với tư cách người dân” không hề trịch thượng. Quan niệm này ở phương Tây không có gì lạ lẫm nhưng đặt trong dòng chảy văn học Trung Quốc thì quả là táo bạo vì ai cũng biết dưới ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, văn học Trung Quốc luôn muốn cố gắng phơi bày, đả kích, giáo hóa…; luôn dùng văn chương như là một thứ công cụ để "tải đạo” hoặc “minh đạo”. Quan niệm văn chương như vậy nên thái độ văn chương của Mạc Ngôn đứng về phía nhân dân như bênh vực người nông dân điêu đứng vì nạn quan liêu trong “Cây tỏi nổi giận” (Trần Đình Hiến dịch, NXB Văn học, 2003). Không chỉ là nhà văn tài năng, Mạc Ngôn còn được xem là một nhà nhân văn lớn của Trung Quốc đương đại.
Dù không tự nhận là “người phát ngôn của nhân dân”, nhưng người dân Trung Quốc tự hào về Mạc Ngôn - công dân Trung Quốc đầu tiên giành giải Nobel Văn học - nhà văn đã đưa những con người bình dị đi vào trang văn bất hủ và quan trọng hơn là cùng nhìn cuộc sống qua góc nhìn của người dân.
Chưa đến tuổi 60, Mạc Ngôn chắc chắn sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm nữa. Một phần do Mạc Ngôn thường viết rất nhanh như cuốn tiểu thuyết “Sống đọa thác đày” (Trần Trung Hỷ dịch, NXB Phụ nữ, 2007) gồm hơn 43 vạn từ mà ông chỉ viết trong 43 ngày! Sâu xa, ông vốn quan niệm viết văn tương tự bao công việc khác, khi nào không còn sức thì mới nghỉ ngơi.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét