Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2010

BẢN CHẤT HỘI CHỨNG "BẤT CẦN ĐỜI"

Gần đây, dư luận lại xôn xao trước một clip bạo lực học đường xảy ra hôm 8-9, nạn nhân là em Nguyễn Thị Hà Như-học sinh trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh, Nghệ An). Tuy nguyên do không khác các vụ hành hung trước đó nhưng mức độ bạo lực thì nghiêm trọng hơn hẳn càng làm cho vấn đề bạo lực học đường trở nên nhức nhối trong bối cảnh bắt đầu một năm học mới.

Vấn đề bạo lực học đường đã được báo chí mổ xẻ nhiều nhưng đã đến lúc không chỉ đổ lỗi cho gia đình, nhà trường hay xã hội chung chung mà cần nhìn thẳng ra bản chất của vấn đề.

Việc những trẻ em vị thành niên xích mích thời nào cũng có, nhưng dẫn đến “động chân động tay” thì mới có gần 20 năm trở lại đây. Từ lâu, những vụ việc nữ sinh đánh nhau, xé quần áo xảy ra ngay trong những trường chuyên lớp chọn chứ không chỉ ngoài đường; nhưng trước đây, học sinh chưa có điện thoại để quay phim phát tán các clip nên người lớn không biết để can thiệp. Và nếu ai chăm theo dõi thời sự thì dễ nhận ra: Tương ứng với các vụ bạo lực học đường thì các vụ bạo lực của người lớn cũng xảy ra nhiều hơn hẳn mà nguyên nhân đôi khi rất… lãng nhách như: “nhìn đểu”, vỗ vai, va chạm khi đi đường… Đặc biệt là đa số các vụ bạo lực lại xảy ra ở đô thị!

Khi kinh tế phát triển “phi mã” làm biến đổi xã hội dẫn đến các giá trị văn hóa ứng xử chuẩn mực trước đây trở nên mất giá trị; trong khi đó, văn hóa tinh thần như “con rùa” lẽo đẽo theo sau không kịp để thiết lập các giá trị mới hoặc chí ít cũng điều chỉnh hành vi ứng xử lệch lạc. Sự kém hiệu quả trong việc định hướng và kiểm soát hành vi của giáo dục và luật pháp càng khiến cá nhân ứng xử với các cá nhân khác theo cách thức nguyên thủy-tức hành động theo bản năng. Ai cũng biết trong mỗi con người đều có phần bản năng-phần vô thức nhưng nhờ văn hóa và các thiết chế xã hội-tức cái ý thức nên hành vi con người được điều chỉnh để hành động không theo bản năng thú tính thuần túy. Một khi cơ chế kiểm soát suy yếu, con người chẳng hề e ngại thực hiện hành động tội ác.

Với các trẻ vị thành niên-độ tuổi đang trong quá trình tiếp nhận các cơ chế kiểm soát nhằm kìm hãm bản năng nhưng lại tồn tại trong một môi trường “mở” cho bản năng trỗi dậy như hiện nay sẽ khiến cho trẻ vị thành niên dẫn đến nhận định sai các giá trị. Chẳng hạn, giá trị của một học sinh là sức khỏe và học giỏi thì nhiều học sinh lại cho rằng có nhiều tiền, được ăn ngon mặc đẹp, đến các chốn ăn chơi phồn hoa mới là giá trị đích thực. Lâu ngày, một loạt các nhận thức sai lầm sẽ dẫn trẻ vị thành niên đến sự vô cảm mà nói theo ngôn ngữ vỉa hè là hội chứng “bất cần đời” với câu cửa miệng: “Muốn đến đâu thì đến!”.

Giải quyết vấn nạn bạo lực học đường cần có thời gian và cần sự chung sức của các bên liên quan. Nhưng trước khi có các hành động cụ thể, nhất thiết phải nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa trong việc tái cấu trúc các giá trị ứng xử, góp phần điều chỉnh nhân cách và hành vi con người đi theo chiều hướng văn minh.

HÀM ĐAN

BẢN CHẤT HỘI CHỨNG "BẤT CẦN ĐỜI"

Gần đây, dư luận lại xôn xao trước một clip bạo lực học đường xảy ra hôm 8-9, nạn nhân là em Nguyễn Thị Hà Như-học sinh trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh, Nghệ An). Tuy nguyên do không khác các vụ hành hung trước đó nhưng mức độ bạo lực thì nghiêm trọng hơn hẳn càng làm cho vấn đề bạo lực học đường trở nên nhức nhối trong bối cảnh bắt đầu một năm học mới.

Vấn đề bạo lực học đường đã được báo chí mổ xẻ nhiều nhưng đã đến lúc không chỉ đổ lỗi cho gia đình, nhà trường hay xã hội chung chung mà cần nhìn thẳng ra bản chất của vấn đề.

Việc những trẻ em vị thành niên xích mích thời nào cũng có, nhưng dẫn đến “động chân động tay” thì mới có gần 20 năm trở lại đây. Từ lâu, những vụ việc nữ sinh đánh nhau, xé quần áo xảy ra ngay trong những trường chuyên lớp chọn chứ không chỉ ngoài đường; nhưng trước đây, học sinh chưa có điện thoại để quay phim phát tán các clip nên người lớn không biết để can thiệp. Và nếu ai chăm theo dõi thời sự thì dễ nhận ra: Tương ứng với các vụ bạo lực học đường thì các vụ bạo lực của người lớn cũng xảy ra nhiều hơn hẳn mà nguyên nhân đôi khi rất… lãng nhách như: “nhìn đểu”, vỗ vai, va chạm khi đi đường… Đặc biệt là đa số các vụ bạo lực lại xảy ra ở đô thị!

Khi kinh tế phát triển “phi mã” làm biến đổi xã hội dẫn đến các giá trị văn hóa ứng xử chuẩn mực trước đây trở nên mất giá trị; trong khi đó, văn hóa tinh thần như “con rùa” lẽo đẽo theo sau không kịp để thiết lập các giá trị mới hoặc chí ít cũng điều chỉnh hành vi ứng xử lệch lạc. Sự kém hiệu quả trong việc định hướng và kiểm soát hành vi của giáo dục và luật pháp càng khiến cá nhân ứng xử với các cá nhân khác theo cách thức nguyên thủy-tức hành động theo bản năng. Ai cũng biết trong mỗi con người đều có phần bản năng-phần vô thức nhưng nhờ văn hóa và các thiết chế xã hội-tức cái ý thức nên hành vi con người được điều chỉnh để hành động không theo bản năng thú tính thuần túy. Một khi cơ chế kiểm soát suy yếu, con người chẳng hề e ngại thực hiện hành động tội ác.

Với các trẻ vị thành niên-độ tuổi đang trong quá trình tiếp nhận các cơ chế kiểm soát nhằm kìm hãm bản năng nhưng lại tồn tại trong một môi trường “mở” cho bản năng trỗi dậy như hiện nay sẽ khiến cho trẻ vị thành niên dẫn đến nhận định sai các giá trị. Chẳng hạn, giá trị của một học sinh là sức khỏe và học giỏi thì nhiều học sinh lại cho rằng có nhiều tiền, được ăn ngon mặc đẹp, đến các chốn ăn chơi phồn hoa mới là giá trị đích thực. Lâu ngày, một loạt các nhận thức sai lầm sẽ dẫn trẻ vị thành niên đến sự vô cảm mà nói theo ngôn ngữ vỉa hè là hội chứng “bất cần đời” với câu cửa miệng: “Muốn đến đâu thì đến!”.

Giải quyết vấn nạn bạo lực học đường cần có thời gian và cần sự chung sức của các bên liên quan. Nhưng trước khi có các hành động cụ thể, nhất thiết phải nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa trong việc tái cấu trúc các giá trị ứng xử, góp phần điều chỉnh nhân cách và hành vi con người đi theo chiều hướng văn minh.

HÀM ĐAN