Thời gian gần đây, dư luận đã lên tiếng về việc chất lượng phim truyền hình Việt Nam nhất là phim chiếu vào “giờ vàng” đi xuống. Có thể xem, quy trình sản xuất chưa chuyên nghiệp và việc quản lý chất lượng phim truyền hình còn nhiều bất cập, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nói trên.
“Xây nhà từ nóc”
Ngay cả những đơn vị nhà nước được đầu tư làm phim truyền hình chuyên nghiệp như Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) hay Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) dù muốn sản xuất ắt cũng phải “đầu hàng” trước đề tài lịch sử thời trung đại; bởi thiếu những cơ sở trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho việc sản xuất. Đầu tiên, trường quay không có nên dễ nhận thấy các phim lịch sử trung đại ở ta không có đại cảnh để phô diễn cung điện, đền đài hoành tráng, cùng lắm chỉ lấy bối cảnh không gian một căn phòng. Thứ nữa, trang phục thời trung đại không được thiết kế chuyên nghiệp mà có cảm tưởng đoàn làm phim đi mượn từ đoàn chèo nào đó.
Thiếu thốn là vậy song vẫn có nhà sản xuất vẫn “liều mình” bỏ tiền để sản xuất những phim cổ trang như bộ phim Anh chàng vượt thời gian. Bộ phim phát sóng vào 21 giờ vào thứ 2,3 và 4 hàng tuần trên kênh VTV3, song do chất lượng kém đã dừng phát sóng sau khi phần 1 kết thúc. Chưa bàn đến các nguyên nhân xa xôi dẫn đến danh hiệu “thảm họa phim Việt” của bộ phim, ngay đến yếu tố đầu tiên quyết định một phần chất lượng của bộ phim là kịch bản đã không được đầu tư chu đáo dẫn đến nội dung nhạt nhẽo. Đặc biệt là tập 7-tập phim bị khán giả chê hết lời, sơ sài đến khó tin. Theo lời của diễn viên tham gia trong phim là Hứa Vĩ Văn tiết lộ trên báo chí, kịch bản tập phim dài 45 phút này chỉ có... 7 trang giấy!
Một bộ phim khác cũng bị khán giả chê nhiều hơn khen là bộ phim Xin thề anh nói thật (phát sóng trên VTV1). Bộ phim này khá “dễ” thực hiện bởi bối cảnh cuộc sống đương đại, nhưng bộ phim vấp phải những khiếm điểm sơ đẳng. Kịch bản kém chất lượng với những tình huống giả tạo và lời thoại ngô nghê. Các nhà sản xuất phim đã lựa chọn các “sao” có ngoại hình đẹp hòng “câu” khán giả nhưng diễn xuất của những diễn viên không chuyên quá gượng gạo. Nhà phê bình điện ảnh Lệ Bình đánh giá: “Đáng lẽ bộ phim phải đổi tên thành Xin thề anh nói… nhảm. Việc bộ phim lấy bối cảnh một ngân hàng nổi tiếng (như một kí kết) đã biến nó thành thứ quảng cáo dài tập”.
Có thể thấy xem ngành sản xuất phim truyền hình Việt Nam đang “xây nhà từ nóc” do chú trọng sản xuất mà không đi liền với đầu tư cho nhân lực và trang thiết bị khiến chất lượng phim truyền hình không thể đi lên.
Lỗi quản lý!
Luật Điện ảnh và sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh (có hiệu lực từ ngày 1-10-2009) cho phép xã hội hóa sản xuất phim truyền hình. Gần một năm sau, khoản 4 điều 2 của Nghị định 54/2010/NĐ-CP ban hành ngày 21-5-2010 do Thủ tướng Chính phủ ký quy định: “… phim Việt Nam đạt ít nhất 30% trong tổng số phim chiếu tại rạp và đạt ít nhất 40% trong tổng số phim phát sóng trên hệ thống truyền hình”.
Các điều luật nói trên thực sự tạo một “cú hích” cho một nền điện ảnh chuyên nghiệp dẫn đến sự xuát hiện của hơn 30 hãng phim tư nhân như: Lasta, M&T Pictures, BHD, HK Films, Kiết Tường, Đông A, Chánh Phương, Phước Sang... chen nhau chia phần “miếng bánh” quảng cáo. Theo như bảng báo giá trong năm 2011 của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình (TVAD) thì một đoạn quảng cáo dài 30 giây phát trước khi bộ phim được trình chiếu trên kênh VTV3 vào 21 giờ có giá 90 triệu đồng, cũng đoạn quảng cáo đó nếu phát xen giữa bộ phim vào ngày thứ 5 và 6 trên VTV3 thì giá là 105 triệu đồng. Làm phim truyền hình có thể xem là lĩnh vực hốt bạc. Đồng thời, các bộ phim muốn lên sóng thì phải cam kết bằng đoạn quảng cáo. Đạo diễn Phước Sang từng than thở: “Khán giả la ó là chuyện của khán giả. Khán giả la ó nhưng nếu nhà đài thấy phim của anh có được 21 spot (đoạn) quảng cáo mỗi tập là ông ấy cho làm tiếp. Còn khán giả có khen phim anh tốt đến thế nào mà mỗi tập chỉ có 10 spot quảng cáo thì nhà đài cũng chịu. Bi kịch!”
Theo đạo diễn, PGS-TS Trần Duy Hinh: “Các đơn vị xã hội hóa chỉ chạy theo lợi nhuận nên sản xuất phim nhanh để phát sóng chứ không quan tâm đến tính nghệ thuật của phim nên việc nhiều phim chất lượng thấp ra đời ra điều đương nhiên. Song, phim dở vẫn có thể ngăn chặn nếu những nhà quản lý kiên quyết loại bỏ những bộ phim kém chất lượng ngay từ khâu kịch bản nhưng đáng tiếc họ thiếu cái “tâm” cần có”.
Nhận xét của đạo diễn, PGS-TS Trần Duy Hinh có thể được chứng thực qua lời “tự thú” trên báo chí của đạo diễn Đỗ Thanh Hải-thành viên hội đồng duyệt kịch bản phim Anh chàng vượt thời gian: “Về đề cương kịch bản và kịch bản chi tiết 5 tập đầu của phim này tôi thấy ổn...”. Vậy, suy ra, ông Hải đã không xem trọn kịch bản của bộ phim, nhất là là tập 7 (chỉ có 7 trang giấy) để rồi vẫn “OTK” một kịch bản nhạt nhẽo. Ở đây, không bàn đến trình độ thẩm định mà là tinh thần trách nhiệm của những người quản lý đang đi xuống tỉ lệ thuận với chất lượng bộ phim được lên sóng.
Nói đi cũng cần nói lại, làm phim truyền hình không thể “đều hàng”, nghĩa là trong hàng chục bộ phim sẽ có phim hay, phim dở; thậm chí, ngay trong một bộ phim hay cũng sẽ có tập phim chất lượng xoàng. Nhưng sự tồn tại của những bộ phim “thảm họa” thời gian qua do nguyên nhân chủ quan, hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Và một khi, chưa khắc phục được hai nhược điểm nói trên, các bộ phim “thảm họa” vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện “hành hạ” người xem y như một căn “bệnh” thể nào rồi cũng sẽ tái phát!
HÀM ĐAN