Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

MÃI LÀ MIỀN THƯƠNG NHỚ

Mấy năm trước, chương trình “Con đường âm nhạc” dành riêng cho nhạc sĩ Phú Quang được mở đầu bằng thước phim đen trắng ghi hình những bậc cầu thang trong một ngôi nhà cũ. Người xem chắc chỉ nghĩ đó cách dẫn nhập thông minh của những người làm truyền hình, để gợi nhớ lại ký ức tuổi thơ của người nhạc sĩ đã viết nhiều bài hát tài hoa về Hà Nội. Nhưng, đằng sau những hình ảnh hoài cổ, lãng mạn đó, là một ký ức đau buồn của 40 năm về trước mà suốt đời nhạc sĩ Phú Quang chẳng thể nào quên...

Vào cái đêm định mệnh 26-12-1972, phố Khâm Thiên bị bom B-52 san phẳng, cướp đi sinh mệnh của 287 người. Sau này khi phố Khâm Thiên tái thiết, đã dành mảnh đất là nền cũ của ba nhà số lẻ 47-49-51 để xây dựng Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Ngôi nhà số 51 để lại một hình tượng bất tử. Người mẹ khi đó đang chui vào gầm cầu thang để cứu con và hai mẹ con đã chết trong tư thế ôm nhau che chở. Đó là nguyên mẫu để nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự sáng tạo bức tượng nổi tiếng người mẹ hai tay bế đứa con đã chết hiện đặt trong khuôn viên Đài tưởng niệm.

Ngôi nhà số 49 là của gia đình nhạc sĩ Phú Quang, rất may mắn không có thiệt hại về người. Nhưng qua cái đêm nghiệt ngã đó, người nhạc sĩ tương lai mới 23 tuổi vĩnh viễn mất đi sự hồn nhiên trong tâm hồn mình. 40 năm sau, ông vẫn nhớ như in hình ảnh bà cụ duy nhất sống sót ở ngôi nhà số 47, trên tay vẫn cầm nửa viên gạch vỡ và nhìn vô hồn khi người ta lần lượt đưa 26 xác con cháu của bà ra khỏi đống đổ nát. Và còn đó, câu chuyện về người bạn thân của nhạc sĩ Phú Quang, trong đêm tối đi tìm ông và chẳng may trúng bom... Gần 2 tuần sau, ông mới tìm thấy xác người bạn trong tình trạng y hệt đã được người bạn báo mộng.

Những câu chuyện từ đêm 26 đầy đau thương, liêu trai ở Khâm Thiên chẳng bao giờ được Phú Quang đề cập trực tiếp trong các bài hát của mình. Nhưng, kỷ niệm đã là vết thương sẽ lặn vào trong tiềm thức chỉ chờ có giây phút thăng hoa.... 13 năm sau mùa đông tang thương 1972, nhạc sĩ Phú Quang sau khi nghe bài bài thơ “Hà Nội phố” của nhà thơ Phan Vũ, đã lựa chọn những câu thơ hay nhất làm lời ca cho bài hát bất hủ “Em ơi, Hà Nội phố!”

“Em ơi, Hà Nội phố!” đã được rất nhiều ca sĩ đã thể hiện thành công. Song, có lẽ giống như nghe Trịnh Công Sơn hát nhạc Trịnh, phải nghe chính Phú Quang hát “Em ơi, Hà Nội phố!” mới ngấm được tất cả chất trữ tình, u buồn và hoài nhớ. Và, cũng chẳng có khoảnh khắc nào đặc biệt hơn khi nghe Phú Quang hát trên nền nhà cũ như đêm 16-12 trong chương trình cầu truyền hình “Bản hùng ca Hà Nội”. Không có một ca sĩ nào có thể bắt chước phong thái tự nhiên của Phú Quang khi trở về mái nhà xưa và cất tiếng hát: Khuôn mặt ông đầy xa vắng, như thoát ly thực tại sân khấu sáng đèn để sống lại cùng những những kỷ niệm xót xa...

“Em ơi, Hà Nội phố!” mở đầu cho nhịp điệu “rất Phú Quang” ở các bài hát sau này. Tất cả đều là “Andantino” (hơi chậm)! Nhưng “Em ơi, Hà Nội phố!” đáng nhớ bởi lời ca đẹp và buồn. Đại từ “em” trong thơ Phan Vũ được giới nghệ sĩ đồn đại là một nàng thơ-một nữ nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng. Với Phú Quang, “em” không phải là một con người cụ thể mà là vô hình của “mùi hoàng lan”, là “mái ngói xô nghiêng” đẹp cổ kính và hơn cả linh hồn văn hóa Hà Nội hào hoa, giúp người Hà Nội đứng vững và đứng dậy trước sự hủy diệt của bom đạn.

Bức tượng ở Đài tượng niệm Khâm Thiên sẽ mãi đứng đó để nhắc nhở thế hệ hậu chiến về một thời Thủ đô anh hùng ở tuyến đấu chống giặc ngoại xâm. Với Phú Quang, ông cũng đã để lại một tượng đài âm nhạc “Em ơi, hà Nội phố!” có sức lay động triệu con tim nhắc nhở một thời máu và hoa. Thời gian dẫu có trôi qua, vết thương tinh thần có thể bớt nhức nhối, nhưng với Phú Quang sẽ chẳng bao giờ quên một đêm đông đã mãi là miền thương nhớ trong trái tim nghệ sĩ đa cảm như trong lời bài hát “Hà Nội ngày trở về” đầy khắc khoải: “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về. Lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen, dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ”...

HÀM ĐAN