Mới
đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ quảng bá
văn học Việt-Nga (gọi tắt là Qũy). Báo Quân
đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn dịch giả Thúy Toàn-Giám đốc Quỹ về quá
trình hình thành và những phương hướng hoạt động trong thời gian tới của tổ
chức non trẻ này.
Phóng
viên (PV): Xin ông cho biết, ý tưởng về Quỹ hỗ trợ
quảng bá văn học Việt-Nga bắt nguồn từ đâu?
Dịch
giả Thúy Toàn: Ý
tưởng thành lập một tổ chức dịch thuật chuyên nghiệp của Việt Nam tương tự như ở một số nước đã có từ lâu. Tôi và dịch giả tiếng
Hàn Quốc Lê Đăng Hoan đã từng đề xuất với Hội Nhà văn Việt Nam về việc cần có
một trung tâm dịch thuật chính thống đứng ra kết nối, tổ chức, thực hiện thay
cho nỗ lực riêng lẻ của cá nhân hay đơn vị tư nhân. Trong khi chờ một trung tâm
dịch thuật đa ngữ hình thành, việc ra đời
Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt-Nga được xem là bước thử. Bắt nguồn truyền thống
giao lưu văn học giữa Việt Nam và Nga, gần đây, phía các bạn Nga có một đề án
cấp nhà nước, đề nghị chúng ta giới thiệu một số tác phẩm văn học trong giai
đoạn gần đây để dịch sang tiếng Nga. Trong chuyến công tác của đoàn nhà văn
Việt Nam tại Nga gần đây, đề xuất này được cả hai bên nhất trí triển khai.
Theo quyết định của Ban chấp hành Hội nhà
văn Việt Nam, tôi sẽ đảm nhiệm vai trò Giám đốc Quỹ, còn hai Phó Giám đốc là
dịch giả Lê Đức Mẫn và TS Thụy Anh. Hội đồng cố vấn về chuyên môn của Quỹ có sự
tham gia của PGS, TS Phạm Vĩnh Cư, nhà thơ-dịch giả Bằng Việt, các dịch giả
Đoàn Tử Huyến, Vũ Thế Khôi, Từ Thị Loan. Hiện tại, Quỹ trực thuộc BCH Hội Nhà
văn Việt Nam; sau này trung tâm dịch thuật ra đời, Quỹ có thể sẽ sát nhập để
phục vụ mục đích chung.
PV: Về lâu
về dài, những dự án nào để giới thiệu văn học hai nước sẽ được Quỹ quan tâm hỗ
trợ?
Dịch
giả Thúy Toàn: Chúng
tôi đang lên chương trình giới thiệu cho phía bạn dịch các tiểu thuyết “Hồn
bướm mơ tiên” của Khái Hưng, “Mưa mùa hạ” của Ma Văn Kháng, “Mẫu thượng ngàn”
của Nguyễn Xuân Khánh cùng hai tuyển truyện ngắn, thơ đương đại khác. Phía bạn
cũng sẽ giới thiệu với ta một số tác phẩm tiêu biểu của văn học Nga. Nhiều
người lầm tưởng văn học Nga đã được giới thiệu quá đầy đủ ở Việt Nam nhưng sự
thật văn học Nga còn nhiều đỉnh cao chưa được giới thiệu. Ví dụ như các tác
phẩm của Na-bô-cốp, Rút-xốp, Xta-nhiu-cô-vích... Phương châm của chúng tôi là
hễ tác phẩm nào hay của văn học hai nước mà chưa được người đọc biết đến thì sẽ
dịch và giới thiệu chứ không tập trung vào một giai đoạn văn học cụ thể nào.
Trước mắt, dự kiến vào ngày 24-7 tới, tại
Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga (501 Kim Mã, Hà Nội), Quỹ sẽ giới thiệu bản
dịch tiếng Nga đầu tiên cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” do TS Lê Nhân và PGS-TS
Anatoly Sô-cô-lốp dịch.
PV: Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của Quỹ đến từ đâu, thưa ông?
Dịch
giả Thúy Toàn: Kinh
phí của Quỹ bắt đầu từ số không. Chúng tôi hiểu rằng, trông chờ vào ngân sách
Nhà nước hiện nay là khá
khó khăn nên chủ yếu phải
tự thân vận động. Nhờ sự đóng góp của bạn bè và sức lực anh chị em tham gia xây
dựng mà ngay trong ngày ra mắt Quỹ đã có được cuốn sách đầu tiên: “Marian
Tkachev, người bạn tài hoa và chí tình” (NXB Hội Nhà văn) gồm tuyển các bài
viết của nhà văn-dịch giả Nga suốt đời gắn bó với văn học, văn hóa Việt Nam M.Tkachev…
Đến nay, triển vọng tài chính của Quỹ là từ Quỹ Tổng thống Nga để bắt tay vào
thực hiện chương trình dịch sách do Hội Nhà văn Việt Nam đề xuất và phía Nga đã
có trả lời chấp thuận.
PV: Ông có lo ngại sự xuất hiện của một loạt các tác phẩm văn học Nga tại
Việt Nam hiện nay sẽ không được chào đón như trong quá khứ?
Dịch
giả Thúy Toàn: Trước
đây, việc dịch các tác phẩm văn học Nga khá tốt do có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các nhà xuất bản và
quan trọng nhất là được sự trợ giúp của Nhà nước. Kinh tế thị trường đã khiến
cho văn học Nga phải chịu sự cạnh tranh với các các tác phẩm dịch từ các nền
văn học khác bởi giá trị văn chương lẫn các thức quảng bá chuyên nghiệp. Tuy
nhiên, tôi lạc quan về sự tái xuất của văn học Nga lần này vì từ chính nhu cầu
thực tế là độc giả Việt Nam bị mất “liên lạc” với tình hình văn học Nga hơn 20
năm qua. Mặt khác, nền văn học Nga là một nền văn học có nhiều tác phẩm có giá
trị đích thực. Thêm vào đó, đất nước, con người và văn học Nga với Việt Nam
thật hấp dẫn, gần gũi và có nhiều điểm tương đồng nên người đọc Việt Nam sẽ
thấy “hình bóng tâm hồn” ở trong văn học Nga.
PV: Quỹ có kế hoạch nào để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ dịch giả tiếng Nga không?
Dịch
giả Thúy Toàn: Quỹ
mong tìm được những người biết tiếng Nga có nguyện vọng tham gia lĩnh vực dịch
văn học. Nếu có khả năng, có đam mê họ sẽ được hỗ trợ kinh phí sang Nga học tập
hoặc tham gia các khóa học ngắn hạn về dịch thuật. Nhưng trước mắt, Quỹ sẽ
trình BCH Hội Nhà văn Việt Nam thông qua và đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo
để xin học bổng. Hiện nay, có rất nhiều dịch giả đang sinh sống ở các địa
phương trong cả nước cũng đã liên hệ và bày tỏ sự quan tâm đến sự ra đời của
Quỹ. Đây cũng là một đội ngũ người dịch văn học Nga tiềm năng không thể bỏ qua.
PV: Xin cảm ơn dịch giả!
HÀM ĐAN (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét