Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

THỜI ĐÀM (XXIII): PHÊ BÌNH NGHỆ SĨ


Trong cuốn “Sinh lý học phê bình” (1930) của nhà phê bình văn học Pháp Albert Thibaudet (1874-1936) đã có sự phân chia kinh điển về phê bình văn học thành ba loại: Phê bình nói, phê bình chuyên nghiệp và phê bình nghệ sĩ. Sau gần một thế kỷ, cách phân chia trên đã lỗi thời vì chỉ chú trọng đến nhân thân và nghề nghiệp của nhà phê bình hơn là bản chất của phê bình. Ở nước ta, khi phê bình văn học vẫn đang ở tình trạng tiền lý thuyết, dựa vào cảm tính là chính thì cái gọi là phê bình nghệ sĩ vẫn còn khá nhiều và được người đọc rộng rãi thích thú.

Hiểu một cách ngắn gọn, phê bình nghệ sĩ là một dạng phê bình mà người viết phê bình không làm công tác nghiên cứu văn học thường xuyên mà thay vào đó họ viết văn. Lý do để những nhà văn đi viết phê bình văn học rất đa dạng: Nào là do thích nhận xét; hoặc tự rút kinh nghiệm cho việc sáng tạo; thậm chí, có người ác khẩu còn bảo do nhà văn sáng tác thất bại nên quay ra viết phê bình để cứu vãn danh tiếng…

Điểm mạnh của phê bình nghệ sĩ nằm ở “trực giác nghệ thuật” sẵn có của người sáng tạo. Cái gọi là “trực giác nghệ thuật” khá… huyền bí! Ở nhà văn, “trực giác nghệ thuật” là năng khiếu sáng tác cho họ sự nhạy cảm đến mức chỉ cần nhìn lá rơi là đã có một bài thơ bất hủ. Trong lĩnh vực phê bình văn học, "trực giác nghệ thuật" thể hiện ở khả năng cảm thụ văn chương. Một người chỉ cần đọc qua một bài thơ hay một truyện ngắn thì anh ta sẽ biết tác phẩm hay hoặc dở, dù anh ta chưa thể lý giải được tác phẩm đó hay/dở ở điểm nào! “Trực giác nghệ thuật” không phải ai cũng có và nếu có thì mức độ không giống nhau. Điều này giải thích vì sao có nhà phê bình văn học chuyên nghiệp rất giỏi các lý thuyết văn chương nhưng do không có “trực giác nghệ thuật” nên không thể “ngửi” ra văn hay/dở!

Vì biết rõ “bếp núc” nghề nghiệp, nhà phê bình nghệ sĩ sẽ thuyết phục người đọc khi trình bày quá trình tạo sinh ra tác phẩm như: tứ thơ, hình tượng nhân vật... Thêm vào đó, cách viết của người sáng tạo chủ yếu là bình tán nên linh hoạt, sinh động và dễ hiểu; do đó được đại đa số người đọc ưu chuộng.

Nhiều điểm mạnh là vậy, nhưng có một sự thật hiển nhiên là chỉ một số ít nhà phê bình nghệ sĩ là có “thương hiệu”. Đến đây, vai trò của “trực giác nghệ thuật”-tức phát hiện cái hay, cái đẹp không còn quan trọng bằng việc lý giải vì sao lại hay và đẹp? Muốn lý giải đương nhiên cần có nền tảng về lý thuyết văn học nói riêng và rộng ra là “phông” văn hóa. Ai đọc nhiều, hiểu biết nhiều sẽ lý giải tác phẩm sâu sắc hơn, thuyết phục hơn. Đơn cử như trường hợp nhà thơ-dịch giả Dương Tường. Ngoài làm thơ, tên tuổi của ông được dựng lên là nhờ các tác phẩm dịch, song ông nổi tiếng là nhà phê bình có uy tín. Biết ngoại ngữ nên Dương Tường có thể tự đào tạo và trở thành người uyên bác ở nhiều ngành nghệ thuật. Ông không chỉ có tài phê bình văn học mà còn đưa ra “ánh sáng” nhiều tài năng hội họa đang còn trong “bóng tối”.

Đáng tiếc số người phê bình nghệ sĩ có tầm như Dương Tường không có nhiều. Đa số các nhà phê bình nghệ sĩ thường viết bình giảng mà nếu dùng khái niệm gọi là phê bình ấn tượng. Phê bình ấn tượng lấy cái tôi chủ quan của nhà phê bình để đánh giá tác phẩm. Khi cái tôi phê bình của nghệ sĩ tương thích với tác phẩm sẽ có thể tạo ra một bài phê bình văn học giá trị. Nhưng khi cái tôi nghệ sĩ không thể hiểu hoặc không thích một tác phẩm mới lạ thì chỉ dẫn đến những bài viết chê bai! Đây chính là điểm dở của phê bình nghệ sĩ khi gặp phải tác phẩm cách tân vượt ra tầm hiểu biết; khi đó phê bình nghệ sĩ trở nên bảo thủ, ủng hộ những giá trị thẩm mỹ cũ. Và đây là lúc phê bình học thuật phát huy “tác dụng” bởi sử dụng lý thuyết để “giải mã” những những điểm mới. Xin mở ngoặc: Đa số cái mới là mới ở Việt Nam chứ không mới trên thế giới!

Nhận ra điểm mạnh/yếu của phê bình nghệ sĩ để có ý thức rằng: Không có một cách thức phê bình nào ở ngôi vị “vua”, có thể bao trùm hết mọi chức năng của phê bình văn học. Việc mới đây một nhà thơ ra mắt một tuyển tập các bài bình thơ được các bạn văn văn khen ngợi hết lời là đáng suy nghĩ. Đa số những lời khen ngợi tập bình thơ nói trên đều rất cảm tính. Trong bối cảnh, phê bình văn học Việt Nam cần trở nên lý tính và thu nạp nhanh chóng các lý thuyết văn học trên thế giới để lý giải sâu sắc các đỉnh cao văn học dân tộc thì việc khen một tập bình thơ chỉ làm tụt hậu phê bình văn học nước nhà.

Khen nhau thế chẳng hóa bằng mười phụ nhau!

          HOÀNG BÌNH PHƯƠNG   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét