Từ vật nuôi làm giàu, tu hài (hay
còn gọi là ốc vòi voi) đang là nguồn cơn nguy khốn của bà con nông dân huyện
Vân Đồn (Quảng Ninh). Hơn 6 tháng đầu năm 2012 có đến 200 triệu con tu hài
giống chết, gây thiệt hại ước chừng 300 tỷ đồng.
Theo kết quả xét nghiệm ban đầu,
tu hài chết là do mắc nội ký sinh trùng Perkinsus Spp. Dịch bệnh là
chuyện thường trong nghề nông, nhưng điều đáng nói là từ đầu năm nay, khi phát
hiện ra bệnh trên tu hài nhưng chính quyền địa phương và các ngành chức
năng đã không có biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh hiệu quả khiến dịch
bệnh bùng phát trên diện rộng, gây thiệt hại lớn. Dịch bệnh trên tu hài ở huyện
Vân Đồn lại một lần nữa cảnh báo cho cách thức nuôi trồng thiếu quy hoạch, phi
khoa học của nông nghiệp nước ta. Chỉ trong vài năm, từ vài ba hộ nuôi thử
nghiệm, đến nay cả huyện Vân Đồn đã có 700 doanh nghiệp và hộ dân nuôi tu hài. Điều
này gợi nhớ những đợt dịch bệnh trên tôm hùm, tôm sú, cây tiêu... nhà nông
thiệt hại bạc tỷ mà chỉ biết đứng nhìn!
Nông dân ta có ý chí và khát vọng làm giàu, nhiều hộ gia đình
biết làm ăn và thành công lớn. Nhưng có một điểm yếu chí tử là nhiều
hộ làm kinh tế gia đình một cách tự phát, thấy bà con chòm xóm làm được
thì mình cũng làm theo. Tâm lý làm ăn theo phong trào, đôi khi bất chấp khoa
học kỹ thuật, không tính toán lo xa là nguyên nhân không ít thất bại
và đổ vỡ, khiến nhiều nông dân trở thành những "con nợ" khó có khả
năng thanh toán.
Vân Đồn là vùng nuôi trồng thủy hải sản lớn của Quảng Ninh. Lẽ đương nhiên,
những thành công hay thất bại của người dân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải
sản đều liên quan đến chính quyền cơ sở và đặc biệt là các nhà khoa học. Trong
số 700 cơ sở, hộ dân nuôi tu hài đã có bao nhiêu phần trăm được khuyến cáo tạm dừng
đầu tư hay phổ biến phương pháp phòng, trị bệnh? Khi tu hài giống được nhập về
từ nhiều nguồn, mạnh ai nấy làm, đã có sự khuyến cáo nào của các cơ quan chức
năng? Việc mải mê làm giàu nhưng thiếu tính toán của người dân dẫn đến đổ vỡ là
bài học cay đắng, thật đáng thông cảm và xót xa, nhưng trong thất bại ấy
có trách nhiệm của chính quyền cơ sở và các nhà khoa học thủy sản trong
việc dự báo, cảnh báo, hướng dẫn và hỗ trợ khoa học, quy hoạch vùng nguyên liệu
và các giải pháp đối phó với bệnh dịch.
Đối với Vân Đồn, việc trước mắt
là tìm ra nguyên nhân gây bệnh dịch để nhanh chóng dập dịch và tiếp tục
nuôi trồng thủy hải sản. Kế đó là có biện pháp giúp bà con về mặt tài chính để
ổn định cuộc sống và ổn định vùng hàng hóa. Bài học không mới nhưng nóng bỏng
đặt ra cho Vân Đồn và bà con nông dân trên mọi miền đất nước đó
là khi có ý định đầu tư làm ăn lớn thì phải có kiến thức khoa học,
hoặc phải được hỗ trợ về khoa học, đồng thời phải nghiên cứu thị trường để
nâng cao hiệu quả kinh tế. Vậy nên, cùng với vốn đầu tư và ý chí làm giàu của
bà con nông dân, chính quyền và các hiệp hội ngành nghề cần xây dựng quy hoạch
vùng nguyên liệu, trù liệu đầu vào, đầu ra cho sản phẩm; nhà khoa học
phải đồng hành với bà con trong sản xuất thì mới có thắng lợi
trong nuôi trồng.
HÀM ĐAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét