Sau bao ngày chờ đợi, sự kiện thể thao lớn
nhất trong năm là Olympic London 2012 cũng chính thức khai cuộc hôm nay. Với đoàn
thể thao Việt Nam,
đây là kỳ Olympic có số lượng vận động viên tham dự nhiều nhất từ trước đến nay.
Đáng mừng hơn, 18 vận động viên đều tranh tài ở các môn thể thao cơ bản của
Olympic. Điều này chứng tỏ thể thao Việt Nam đã có bước đi phù hợp; biết đầu
tư đúng trọng tâm, trọng điểm.
Dẫu nhiều điểm tích cực nhưng nhiều người
đã tiên liệu kịch bản xấu nhất là đoàn thể thao Việt Nam sẽ ra về tay trắng. Nếu điều đó
xảy ra, sẽ chẳng mấy ai trách móc gì nhiều, vì Olympic là đấu trường thể thao
khốc liệt nhất, mà thực lực của chúng ta còn yếu, tấm huy chương đồng với ta cũng
là quý giá lắm! Vận động viên chúng ta tiến bộ, nhưng các anh tài nước bạn đâu
có thiếu và cũng không ngừng nâng cao thành tích. Vì vậy, không nên quá kỳ vọng
vận động viên nước ta sẽ làm nên chuyện đình đám ở Olympic kỳ này.
Ai đó từng nói đại ý rằng: Trong thể
thao, kết quả mới là điều quan trọng nhất; kẻ thắng có quyền lớn tiếng và người
thất bại nên im lặng! Điều này về cơ bản là đúng nhưng có những người thua lại
xứng đáng được vinh danh. Nhiều người hẳn còn nhớ tại SEA
Games 26 ở In-đô-nê-xi-a năm 2011, người hâm mộ đã phải cảm động trước ý chí
thi đấu tuyệt vời của vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Phương. Ở nội dung
3000m vượt rào nữ, khi cách đích 2m, cô đã kiệt sức và để vuột mất tấm huy chương
vàng. Nhưng rồi cô lết, nhoài, vươn tới và tay chạm vào vạch đích để vừa đủ về
nhì và sau đó là đi... cấp cứu. Cái đích chỉ cách có 2m, nhưng trong trường hợp
của Phương khoảng cách đó dường như là bất tận. Chỉ là người về nhì nhưng
Phương đã thể hiện được phẩm chất ngoan cường, vươn lên khó khăn trong mọi hoàn
cảnh. Những biểu hiện làm rung động lòng người thì sẽ còn mãi và không chiến thắng
nào có thể so sánh được. Ở trong trường hợp này, kẻ thua vẫn đáng được nhớ!
Có một điều kỳ lạ, vận động viên Việt Nam
thường có thành tích tốt, thậm chí phá kỷ lục của chính họ tại đấu trường SEA
Games, ấy thế mà bước vào các giải đấu lớn thế giới, các vận động viên không
còn là chính mình. Ở kỳ Olympic 4 năm về trước, Nguyễn Tiến Minh đang nằm trong
top 10 thế giới đã thất bại trước một tay vợt kém anh hơn 50 bậc. Cũng ở kỳ
Olympic đó, kình ngư Nguyễn Hữu Việt đã thi đấu bết bát, kém xa những gì anh từng
làm được tại đấu trường SEA Games. Sau khi thất bại, cả hai vận động viên đều
không lý giải nổi thất bại của chính mình. Các chuyên gia chỉ kết luận đơn giản,
đổ hết lỗi cho tâm lý thi đấu bất ổn. Vận động viên của chúng ta đã bị ngợp khi
phải thi đấu ở một không khí, một môi trường hoành tráng với những đối thủ rất
mạnh mới chỉ được nghe tên! Và thế là các vận động viên bỗng run tay, chùn
chân...
Với một thứ trừu tượng là tâm lý thi đấu
sợ sệt, ngôn ngữ vỉa hè có từ thật trừu tượng để miêu tả là “xoắn”! Lẽ ra ở một
đấu trường không bị bệnh thành tích chi phối, đáng lẽ các vận động viên phải
thi đấu với một tinh thần thoải mái, như là... không có gì để mất. Đã rất khó
khăn để giành vé tới Olympic và không biết Olympic lần tới có được góp mặt hay
không, vậy tại sao các vận động viên không thi đấu hết mình? Sao phải “xoắn”? Tại
sao không tái hiện lại những hành động mạnh thể chất và đẹp tâm hồn như ở
SEA Games hay ASIAD? Sao không mạnh mẽ nghĩ rằng mình có thể làm được nhiều hơn
thế, mình có thể tự thay đổi số phận? Biết người biết ta là cần, biết người mà
khinh người là dại, nhưng biết người mà sợ người đến mức co cúm lại là bản lĩnh
thi đấu yếu kém.
Ở thì tương lai, vận động viên Việt Nam dư sức hoàn
tất “giấc mơ vàng” Olympic. Nhưng điều quan trọng trong thể thao không hẳn là
thành tích, vì vậy cần gạt bỏ sự tự ti và những áp lực vô hình để thi đấu sòng
phẳng, chớ để mang tiếng “chưa đánh đã hàng”. Mỗi vận động viên cần phải thể hiện
tinh thần thi đấu trên 100% phong độ vì danh dự bản thân và vì màu cờ sắc áo.
Chắc chắn, ý chí sắt đá, tinh thần quả cảm trong thi đấu của các vận động viên
sẽ lan tỏa đến quần chúng, nhất là lớp trẻ để cùng hướng vào những mục tiêu cao
đẹp của đất nước trong giai đoạn mới. Đó mới là lợi ích sâu xa mà thể thao mang
lại cho xã hội!
HOÀNG
BÌNH PHƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét