Hàng ngàn học trò
của Giáo sư-Tiến sĩ khoa học (GS-TSKH), NGND Phương Lựu ở mái trường Đại học Sư
phạm Hà Nội (ĐHSPHN) hoặc chỉ là một độc giả đọc sách của ông đều phải thừa
nhận: Ông là một nhà khoa học nghiêm túc, một chuyên gia hàng đầu về lý luận
văn học. Nhưng chuyện trò với ông về đời tư, thế sự mới vỡ lẽ, ông không phải
là mẫu nhà nghiên cứu “tháp ngà” mà luôn trăn trở với thời cuộc, luôn tìm cách
giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn.
“Học nhi bất yếm, hối nhân
bất quyện”
Tôi có may mắn quen biết một số nhà
nghiên cứu văn học từng là học trò của GS-TSKH Phương Lựu nên đã biết ông có
thói quen hỏi người tới làm việc với ông đã chuẩn bị được bao nhiêu tư liệu về
ông? Đã đọc bao nhiêu sách của ông? Nhắc lại điều này, ông vui vẻ cho biết:
Chẳng phải tôi khó tính đâu. Hỏi thế là để thuận lợi cho cả hai trong làm việc.
Công trình nào anh đã đọc rồi thì tôi sẽ nói lướt qua, những công trình còn lại
sẽ nói kỹ hơn.
Yêu cầu cao với người khác là vậy, nhưng
chính ông cũng không nhớ rõ mình đã viết bao nhiêu cuốn sách, giành được
bao nhiêu giải thưởng. Tra lại các cuốn kỷ yếu thì chính ông cũng giật mình với
những gì đã làm được. Từ cuốn sách đầu tiên “Lỗ Tấn, nhà lý luận văn học”
(1977), đến nay GS-TSKH Phương Lựu đã có hơn 22 cuốn sách riêng, 40 cuốn giáo
trình và sách chung. Những giải thưởng đi kèm cùng những đầu sách nhiều chẳng kém.
Ngoài một số Giải thưởng hằng năm của Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, NXB
Giáo dục…; ông còn nhận được các Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng
của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Khoa
học-Công nghệ, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và mới nhất là Giải
thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học-Công nghệ.
Xuyên suốt khối lượng tác phẩm đồ sộ là
phương châm nghiên cứu nhất quán, vừa có tính mở đường mà cũng có ý nghĩa lâu
dài đó là xây dựng một nền lý luận văn học dân tộc-hiện đại. Chỉ có thật hiện
đại mới góp phần khám phá sâu hơn những vấn đề của văn học dân tộc. Ngược lại,
cũng chỉ có sát hợp hơn với văn hóa dân tộc thì phương hướng hiện đại mới có
triển vọng đóng góp trở lại làm phong phú cho kho tàng lý luận chung.
Khi mới khởi nghiệp, ông cũng như bao
nhiêu nhà nghiên cứu cùng thời, làm lý luận phải quán triệt đường lối văn nghệ
của Đảng và tư tưởng văn nghệ Mác - Lê-nin. Tuy nhiên, ông đã có những suy nghĩ
đổi mới đó là: Vẫn kiên trì tư tưởng văn nghệ Mác - Lê-nin nhưng dứt khoát phải
mở rộng ra để làm phong phú nền lý luận văn học nước nhà. Điều này khá giống
câu châm ngôn của nhà thơ Đỗ Phủ: “Chuyển ích đa sư thị nhũ sư” (học
cái hay ở nhiều nơi, đó mới là thầy ta). Và ông đã thực hiện bằng những công trình
cơ bản của mình theo hai hướng: Từ đường lối văn nghệ của Đảng mở rộng ra di
sản lý luận văn nghệ của dân tộc từ xưa đến nay với các công trình: “Tìm hiểu
một nguyên lý văn chương” (1983), “Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam” (1985),
“Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam” (1997)… Hướng
nghiên cứu thứ hai là từ tư tưởng văn nghệ Mác - Lê-nin mở rộng ra di sản lý
luận của nhân loại qua các cuốn sách nổi tiếng: “Tinh hoa lý luận văn học cổ
điển Trung Quốc” (1989), “Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại”
(1995)”, “Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây đương đại”
(1999), “Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây” (2007), “Lý
thuyết văn học hậu hiện đại” (2011)…
Sự nghiệp nghiên cứu của GS-TSKH Phương Lựu trải trên nhiều “mặt
trận” nhưng ông không thuộc loại nhà nghiên cứu “quảng canh”, kiểu ham hố góp vài
dòng để “đánh trống ghi tên”; mà đã nghiên cứu ở hướng nào đều ít nhiều để lại
thành tựu. Điều này càng quý nếu đặt trong truyền thống khoa nghiên cứu văn học
ở Việt Nam: Ai cũng thích nói về lý luận nhưng số người thực sự làm lý luận thì
chỉ đếm trên đầu ngón tay!
Với những gì đã làm được cho nền
lý luận văn học Việt Nam, GS-TSKH Phương Lựu nghiễm nhiên được thừa nhận là một
tiếng nói uy tín trong học thuật. Nhưng nếu để ý, hầu như các trận “bút
chiến” nổi lên, rất ít lần ông tham gia. Ông lý giải: Nhiều tranh cãi không
phải vì mục đích khoa học nên có tham gia tranh luận cũng chẳng có ích gì. Nhờ
việc ít tham gia những việc ngoài lề học thuật nên ông mới có thể dành thời gian
nghiên cứu khi đời người thì hữu hạn mà tri thức nhân loại thì mênh mông.
Nhiều người hẳn từng nghĩ,
GS-TSKH Phương Lựu ngay từ hồi bé nung nấu mộng văn chương. Sự thật thì ngược
lại, hồi đi học ông thích toán, rất ghét văn. Đến nỗi, thầy giáo dạy văn hồi ở
Trường Trung học Lê Khiết (Quảng Ngãi) của Phương Lựu là GS, NGND Lê Trí Viễn
cứ nhìn bài văn ghi tên Bùi Văn Ba (tên thật của GS-TSKH Phương Lựu) là cho
ngay điểm “zero”! Ghét văn đến tận khi được cử đi học đại học ở Trung Quốc, cấp
trên bắt Bùi Văn Ba học văn chương thì ông tìm cách xin đổi. Đổi mãi không
được, ngồi buồn đọc tiểu thuyết Trung Quốc “Hồng lâu mộng” lại thấy thích.
Năm 1960, ông tốt nghiệp và về nước dạy tại Trường ĐHSP Hà Nội
liên tục gần nửa thế kỷ. Cái nghiệp anh giáo bắt buộc ông phải nghiên cứu mới
mong giảng hay và sâu cho học trò. Cứ thế, các chuyên đề và chuyên luận ban đầu
dùng để giảng dạy, sau đó xuất bản thành những cuốn sách khác nhau.
Có thể việc đến với nghề là duyên
số vì nghề chọn người chứ ít khi người chọn nghề; nhưng để trở thành một sự
nghiệp cần nỗ lực phi thường. GS-TSKH Phương Lựu thực sự là tấm gương về ý chí
lập nghiệp. Chí tự học của Phương Lựu chẳng nhìn đâu xa, cứ lật danh mục các
tài liệu tham khảo sau mỗi cuốn sách của ông quả đáng ngưỡng mộ. Có cuốn sách
ông viết 600 trang mà phải tham khảo gần 200 cuốn sách bằng ba ngoại ngữ tiếng Trung,
tiếng Nga và tiếng Pháp. Và cũng không nên quên rằng, phần lớn quãng đời nghiên
cứu của ông ở vào thời chiến tranh và bao cấp thiếu thốn về vật chất và sách vở
cũng không đầy đủ như bây giờ.
Ở tuổi 76, ông vẫn đang tiếp tục viết
những cuốn sách mới và hướng dẫn các học trò làm luận văn về lý luận văn học.
Sự miệt mài trong công việc của ông có thể gợi nhớ đến câu nói của Khổng Tử:
“Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (học không biết chán, dạy không biết mỏi).
20 năm làm từ thiện
Nhiều người chưa
trò chuyện với ông có thể cho rằng: Việc dấn thân trở thành một nhà lý luận văn
học là chịu ảnh hưởng tinh thần “hành đạo” của Nho giáo. Kỳ thực, động lực để
ông trở thành nhà khoa học lại bắt nguồn từ những câu chuyện cảm động về quê
hương và gia đình.
GS-TSKH Phương Lựu sinh năm 1936
tại thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Khi mới 2 tuổi,
người cha của ông qua đời. Mẹ ông quyết chí một mình nuôi hai đứa con trai phải
học giỏi nhất họ. Mong muốn ấy mạnh mẽ đến mức, dù xinh đẹp và còn trẻ, bà đã
từ chối 47 người đàn ông (kể cả trai tân) muốn kết hôn nhưng không thể đáp ứng
điều kiện phải nuôi dạy hai đứa con riêng của bà.
Học giỏi và có người anh
trai là liệt sĩ nên cuối thời kháng chiến chống Pháp ông được Đảng bộ Liên khu
V chọn vào đoàn học sinh vượt Trường Sơn 3 tháng để ra Việt Bắc đi du học. Năm
1965, ông nhận được tin dữ là người mẹ của ông hy sinh. Nợ nước nay có thêm thù
nhà, ông xin vào Nam chiến đấu nhưng cấp trên không cho vì gia đình đã có anh
trai là liệt sĩ. Đeo nặng trong mình nỗi niềm “ngày Bắc đêm Nam”, ông chỉ còn
biết phấn đấu tạo dựng sự nghiệp để làm rạng danh quê hương, để làm yên lòng mẹ
hiền nơi suối vàng.
Chiến tranh qua đi, khi đã công thành danh
toại, GS-TSKH Phương Lựu luôn quan tâm đến người khác, đến công việc chung. Ông
quan niệm: Cho đi là hạnh phúc. Mỗi lần dời nhà, sách vở chồng chất như núi,
chỉ mang theo được một phần thiết yếu nên ông lần lượt gọi học trò đến cho bớt.
Đáng kể hơn, gần 20 năm qua, được nhiều giải thưởng, ông đều đem toàn bộ tiền
thưởng biếu lại cho các ngôi trường gắn bó với cuộc đời là: Tiểu học Vạn An, Trung
học Lê Khiết, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, ĐHSPHN. Số tiền tuy không nhiều nhưng
cũng góp phần giúp cho một số học sinh nghèo vượt khó. Ngoài ra, hằng năm, ông
đều dành một khoản tiền (5 đến 10 triệu đồng) hỗ trợ những người có hoàn cảnh
khó khăn. Ông nói nhỏ, có khi tiền làm từ thiện là do bà xã cho thêm!
Cuối đời, ông lại suy nghĩ rằng: Mình được
sống yên lành để có nhiều thành tựu nghiên cứu; trong khi nhiều người, có những
người bạn giỏi chẳng kém gì ông lại hy sinh ở chiến trường hoặc bị tù đày, nên
không thể hoàn thành sự nghiệp. Vì vậy, đầu năm 2012, ông đã quyết định trao
toàn bộ tiền thưởng 200 triệu đồng của Giải thưởng Hồ Chí Minh tặng Hội Nạn
nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Ông tâm sự: Số tiền 200 triệu đồng quả
là rất lớn với một nhà giáo nghỉ hưu như ông. Nhưng, nó rất bé trước sự hy sinh
hoặc phải chịu cảnh tù đày của những bạn bè đã hiến dâng cả tuổi
thanh xuân và ước mơ khoa học cho sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất
đất nước. Nó lại càng nhỏ bé hơn nữa khi đem hiến tặng cho nạn nhân da
cam-những người đau khổ nhất sau khi chiến tranh đã kết thúc.
Việc hiến toàn bộ tiền
thưởng của Giải thưởng Hồ Chí Minh, với ông đó là việc làm bình thường như
những lần làm từ thiện khác trong suốt 20 năm qua. Mong muốn của ông bây giờ là
giữ sức khỏe tốt để hoàn thành công trình ấp ủ bấy lâu: “Thi học cổ điển Trung
Hoa: Hệ thống, phạm trù, mệnh đề”.
Ông tâm sự: "Tiếc là tôi không giàu để làm từ thiện, thôi
thì viết sách cho mọi người đọc vậy". Viết sách để lại chữ nghĩa được xem
là “lập ngôn” để đi vào cõi của những người bất tử. Nhưng với ông, viết sách lý
luận đơn giản là công việc ông có thể làm tốt nhất, mà làm tốt công việc của mình
sẽ là một cách giúp ích cho nhiều người. Cốt lõi cũng là một cách cho mà thôi!
THH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét