Ở một đất nước có truyền thống văn hiến như Việt Nam,
văn chương vẫn là hoạt động tinh thần được ưa chuộng, gần như ai cũng có thể
làm một vài bài thơ, viết dăm tản văn. Có người viết được nhiều, công bố nhiều
tác phẩm hẳn đến lúc tự hỏi: Phải chăng mình đã trở thành một nhà văn? Không thể
tự đi xưng mình là nhà văn được, nhất là ở đất nước mà tinh thần Nho giáo đậm
đà đòi hỏi “chính danh”, đương nhiên phải được công nhận. Nhiều người nghĩ ngay
đến nơi công nhận nhanh nhất, “chính danh” nhất phải là một tổ chức nghề
nghiệp. Hội nhà văn địa phương là hội cấp dưới lẽ thường không danh giá bằng
Hội nhà văn Việt Nam nên đơn xin vào hội toàn quốc cứ chồng lên cao mãi. Thế
mới có chuyện, một ông ở hội đồng chuyên ngành nọ tiết lộ tính ra phải mất 12
năm mới giải quyết xong số đơn xin vào hội!
Đông người xin vào hội không chỉ là vấn đề rắc rối,
mệt cho những người quản lý hội là chuyện xét đơn vào hội. Giá mà văn chương có
công thức đo đếm như bên khoa học tự nhiên, để biết ai tài hơn ai, ai xứng đáng
được công nhận là hội viên sớm hơn thì tiện biết mấy. Vì nhùng nhằng trong đánh
giá, thế nên mới xảy ra nhiều chuyện không được vui về việc kết nạp hội viên mà
báo chí đã nói quá nhiều.
Người vào được hội rồi thì từ đó có thể đi bất cứ đâu,
gặp bất cứ ai và dõng dạc tự giới thiệu: Mình là nhà văn… , Hội viên Hội nhà
văn Việt Nam. Các cây bút khác chậm chân hơn, khối người mất ăn mất ngủ, mơ
chóng đến ngày cũng được tự giới thiệu mình đầy âm vang như những cây bút tốt
số hơn. Khổ nỗi, những người đã và chưa vào hội hình như chưa bao giờ tự đi hỏi
mình một câu: Có chắc vào Hội nhà văn rồi mình đã trở thành nhà văn?
Loanh quanh thế nào rồi lại phải trở về câu hỏi ban
đầu: Thế nào là một nhà văn? Một câu nói quá cũ nhưng chẳng bao giờ lỗi thời
của nhà thơ Xuân Diệu: “Nhà văn tồn tại là nhờ tác phẩm”, suy ra để trở thành
nhà văn, phải có tác phẩm hay. Có nhiều tác phẩm hay thì tốt, nếu chỉ có một
tác phẩm để trọn đời ôm danh hiệu là nhà thơ một bài, tiểu thuyết gia một tác
phẩm cũng chẳng sao. Dĩ nhiên cái hay của một tác phẩm có khi chỉ mang tính
thời điểm. Chuyện viết nhiều hay ít, tác phẩm bán chạy hay xếp xó không quan
trọng lắm. Và tất nhiên, không ai lấy tiêu chí là hội viên của một hội văn
chương nào đó để gọi một người viết là nhà văn theo đúng nghĩa.
Đã là một hội thì phải có tôn chỉ, có điều lệ ràng
buộc hội viên, có những người viết không vào bất cứ hội nào chỉ vì lý do đơn
giản là họ thích được viết tự do. Trong số những người viết trung lập, khá
nhiều người lại viết được tác phẩm hay. Bạn đọc, các nhà khoa học văn học, kể
cả giới sáng tác ai cũng phải công nhận số người người ngoài hội là nhà văn mà
chẳng cần giấy tờ xác nhận. Trường hợp ngược lại, những người là hội viên, cứ
tạm được gọi là nhà văn lại không viết được tác phẩm nào, chí ít ở mức đọc
được. Còn gì buồn hơn khi mình mang danh hội viên mà chẳng được ai biết đến?
Vậy nên cái danh hiệu hội viên chỉ là cái áo không thể làm nên thầy tu!
Giá mà ai cũng
xem hội nhà văn như là ngôi nhà văn chương, nơi tập hợp những người cùng có đam
mê với con chữ như bao nhiêu thứ hội khác trên đời như hội mê đồ cổ, hội thích
“phượt”… thì tốt biết mấy. Mình chưa vào được hội lần này thì để lần khác. Kể cả
không vào hội thì đã sao nào, quan trọng là kết quả, viết hay, có ích cho đời
mới đảm bảo cho danh hiệu nhà văn thực sự “chính danh”. Xem ra, cũng chỉ tại
chính các cây bút bị cái tư tưởng “chính danh” ăn sâu vào nếp nghĩ nên tự dưng
xem Hội nhà văn thành tổ chức kiểm tra văn và đóng dấu chứng nhận văn đạt chất
lượng nên mới nghĩ ra đủ trò để vào hội. Mà những con người hám được người khác
đóng dấu chứng nhận cho văn của mình liệu có đủ tư cách thành một nhà văn đích
thực? Cái sở thích khoác cái áo thầy tu mà không có ham muốn trở thành bậc chân
tu.
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét