Thế kỷ XX không chỉ có riêng khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc mà văn chương cũng xuất hiện nhiều tài năng xuất chúng. Nhưng nếu phải lựa chọn nhà văn khiến nhiều người đọc ngạc nhiên và mê hoặc thì có lẽ cái tên Jorge Luis Borges (1899-1986) sẽ được nghĩ tới nhiều nhất.
J. L. Borges thuộc trong số không nhiều các nhà văn có duyên với văn chương từ khi còn nhỏ tuổi. Gia đình nhà Borges giàu có ở thủ đô Buenos Aires (Ác-hen-ti-na) đã đón chào sự ra đời của cậu bé Jorge Luis Borges vào ngày 24-8-1899 trong niềm vui và cả hy vọng về một tài năng văn chương tương lai. Thời thơ ấu của J. L. Borges sống trong sự
giáo dục nghiêm cẩn kiểu quý tộc châu Âu. Bà nội ông vốn là người Anh
đã dạy cháu tiếng Anh song song với tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha. Lên 9 tuổi,
thậm chí ông còn dịch truyện “Hoàng tử hạnh phúc” của nhà văn Ai-len
Oscar Wilde (1854-1900) sang tiếng Tây Ban Nha xuất sắc đến mức, người
biên tập cứ tưởng ông bố Jorge Guillermo Borges mới đích thị là người
dịch.
Không
chỉ là thần đồng-thân phận của một người trưởng thành sớm một cách lạ
kỳ, cuộc đời J. L. Borges cũng kỳ lạ không kém những sáng tác của ông vì J.L.
Borges đã phải sáng tác trong cảnh mù lòa suốt 31 năm. Trong quãng thời
gian sống với bóng tối dưới sự giúp đỡ của thư ký, sức viết của ông
không hề giảm, chất lượng các tác phẩm được nâng lên tầm hoàn hảo. Kỳ lạ hơn, nếu gần như tất cả các nhà văn lớn của thế kỷ XX đều là các tiểu thuyết gia thì J. L. Borges lại làm nên tên tuổi chỉ với các tập truyện ngắn.
Truyện ngắn của J. L. Borges có thể mê hoặc bất cứ ai, kể cả trẻ em
vì hình thức truyện thường rất cổ điển, cốt truyện luôn hấp dẫn. Trên
một hình thức cũ, Borges đã làm cuộc cách mạng văn chương và được xem là người cha của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Trong lời kết trong truyện cực ngắn “Ngụ ngôn của Cervantes và cuốn Don Quixote”, ông đã suy ngẫm về tính huyền thoại trong văn học:
“Bởi khởi thủy của văn chương là huyền thoại, và kết thúc
cũng vậy”. Biệt tài của J. L. Borges là xóa nhòa ranh giới thời gian và
không gian thực với thời gian và không gian huyền thoại để cái thực và
ảo đan cài vào nhau không thể tách rời. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là
sản phẩm và sau đó cũng phản ánh gián tiếp sự đa dạng văn hóa của Mỹ
La-tinh - vùng đất Tân Thế giới của người da trắng, da đen nhập cư và cả người da đỏ bản địa. Nhờ J. L. Borges mà chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trở thành một trào lưu sáng tác có những kỹ thuật viết riêng tiếp thêm sức sống cho văn chương thế giới. Ảnh hưởng của J. L. Borges không chỉ với các cây bút Mỹ La-tinh như: Gabriel Garcia Marquez (Nobel Văn học 1982), Octavio Paz (Nobel Văn học 1990), Mario Vargas Llosa (Nobel Văn
học 2010)…, mà còn thấy dấu vết ở những nơi cách biệt về địa lý và văn
hóa như trong tác phẩm của nhà văn số một Trung Quốc hiện nay là Mạc
Ngôn.
Đến tận ngày nay, giới nghiên cứu văn học trên thế giới vẫn đang say mê tìm hiểu về các tác phẩm của J. L. Borges. Càng nghiên cứu, người ta càng phát hiện ra nhiều điểm ông đi trước thời đại từ lâu. Nhiều sáng tác như những lời tiên tri cho văn chương hậu hiện đại, đặc biệt là tính liên văn bản. Hiểu một cách sơ lược nhất về liên văn bản là
không có văn bản nào được viết ra mà hoàn toàn độc lập với các văn bản
được viết trước đó, các văn bản sẽ sử dụng chung các chủ đề và hình thức
mà đôi khi chính người viết không ý thức được. Với J. L. Borges,
ông ngang nhiên sử dụng các trích dẫn, các nhân vật quá khứ, các huyền
thoại trong các loại kinh sách… để làm chất liệu cho các truyện ngắn kỳ
ảo. Mục đích của ông là tạo ra một bộ bách khoa thư hư cấu dựa trên các
bộ bách khoa toàn thư có thật mà ông say mê đọc suốt cuộc đời.
Với tư duy sáng tạo độc
đáo, ông đã tạo ra vô số cấu trúc truyện ngắn vô song, đặc biệt là cấu
trúc mê cung khiến người đọc ngạc nhiên và bối rối khi bị lạc vào vô số
các điển tích, điển phạm mà Borges “tái sử dụng”. Vì thế, những truyện
ngắn kiểu này phải vất vả trong khi đọc nếu không có sẵn những kiến thức nền tảng, đặc biệt là triết học. Xin lấy ví dụ từ truyện ngắn “Argumentum Ornithologicum” (Biện luận điểu cầm học):
“Tôi
khép mắt lại và thấy một bầy chim. Hình ảnh đó thoáng qua trong một
giây, hoặc có lẽ ít hơn; tôi không chắc tôi đã thấy bao nhiêu con chim.
Số lượng chim cố định hay bất định? Vấn đề này liên quan đến sự hiện hữu
của Thượng Đế. Nếu Thượng Đế hiện hữu, con số phải cố định, bởi Thượng
Đế biết tôi thấy đã bao nhiêu con chim. Nếu Thượng Đế không hiện hữu,
con số không thể xác định, bởi đã không có ai đếm. Trong trường hợp này,
tôi đã thấy ít hơn mười con chim (tạm nói như vậy) và nhiều hơn một
con, nhưng tôi đã không thấy chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba hoặc hai
con chim. Tôi đã thấy một số lượng giữa mười và một, mà không phải là
chín, tám, bảy, sáu, năm... Con số đó không thể nhận thức được. Vậy nên,
Thượng Đế hiện hữu”. (Trích tập “Những con hổ trong giấc mơ” của J. L. Borges, bản dịch tiếng Anh của Mildred Boyer).
Trong
truyện ngắn này, J. L. Borges giả vờ sử dụng giọng điệu nghiêm túc, ông
đã lấy một ví dụ đời sống sinh động, như đang tự biện luận mà thực chất
để đối thoại về vấn đề liên quan đến thần học, đó là chứng cứ về sự tồn
tại của Thượng Đế với các nhà thần học kinh viện thời Trung cổ ở châu
Âu là Thánh Anselm (1033-1109) và Thánh Thomas Aquinas (1225-1274).
Nhưng sâu xa, ông đang đặt vấn đề về niềm tin nói chung cho mỗi cá nhân
con người.
Những truyện ngắn hay nhất cùng thơ và tiểu luận của J. L. Borges đã được dịch sang tiếng Việt trong Tạp chí Văn học nước ngoài
số 1-1999 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, sau đó tập “Tuyển tập
J. L. Borges” (Nguyễn Trung Đức dịch) cũng được NXB Đà Nẵng ấn hành năm
2001. Được đọc J. L. Borges, dù ít dù nhiều, chắc chắn người đọc đều
hiểu vì sao văn chương lại có thể quyến rũ con người nhiều đến vậy.
LINH THIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét