Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

RYUNOSUKE AKUTAGAWA, NGƯỜI CHA CỦA TRUYỆN NGẮN NHẬT BẢN

 (Tuyển tập truyện R. Akutagawa, Vũ Minh Thiều dịch, NXB Gió Bốn Phương, Sài Gòn, 1967)
Trong thời trị vì của Thiên hoàng Minh Trị (1867-1912), Nhật Bản đã tiến hành công cuộc hiện đại hóa một cách mạnh mẽ để trở thành một đế quốc. Với tư tưởng “thoát Á nhập Âu”, đời sống văn hóa tinh thần nói chung và văn học nói riêng ở xứ sở mặt trời mọc bước sang thời hiện đại một cách mau lẹ. Sau thời gian đầu làm quen, mô phỏng văn học phương Tây, bước sang những năm đầu thế kỷ XX, văn học Nhật Bản bắt đầu có những sáng tạo kết tinh. Một trong những cái tên nổi bật, đặt nền móng cho văn học hiện đại Nhật Bản là nhà văn Ryunosuke Akutagawa (1892-1927). Tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng R.Akutagawa đã để lại những truyện ngắn được liệt vào hàng kiệt tác, đưa ông đến danh xưng "Người cha của truyện ngắn Nhật Bản".       
    Ở đất nước có truyền thống văn chương duy mỹ và duy cảm như Nhật Bản, hoàn cảnh cuộc sống thường xuyên có tác động hữu hình tới con người sáng tạo của nhà văn. Thế giới nghệ thuật u buồn và bi quan của R.Akutagawa có lẽ xuất phát việc sớm nếm trải những bi kịch cuộc đời. Khi ông 1 tuổi, bà mẹ phát bệnh điên và ông về làm con nuôi ông cậu là nhà văn Michiaki Akutagawa. Thời niên thiếu của R.Akutagawa khá êm ấm, ông được học hành đàng hoàng và học rất giỏi. Ông tỏ ra có khiếu văn chương từ nhỏ, 7 tuổi đã biết làm thơ Haiku. Tới những năm tuổi 20, ông học văn chương Anh tại Đại học Đế quốc Tokyo và bắt đầu nghiền ngẫm các tác phẩm của các nhà văn phương Tây như: Anatole France, Henri Bergson, August Strindberg… Đây cũng là giai đoạn ông viết những truyện ngắn đầu tay trong sáng, giàu chất thơ như truyện ngắn “Nước dòng sông Cái”. 
Khoảng thời gian từ năm 1916 đến 1925, bút lực của R.Akutagawa tỏ ra sung mãn và chín muồi với hàng loạt truyện ngắn xuất sắc. Song, sức khỏe của ông suy giảm rõ rệt với đủ thứ bệnh về thần kinh, tim và tiêu hóa. Năm 1927, người anh vợ của R.Akutagawa tự sát sau khi đốt nhà để lại món nợ lớn khiến ông phải gắng sức thanh toán. Bế tắc trong đời sống cộng với cạn cảm hứng sáng tạo, đêm 24-7-1927, ông uống thuốc ngủ tự tử. 
Sau khi qua đời, tên tuổi của R.Akutagawa mới trở nên nổi tiếng thông qua bộ phim “Rashomon” (Cổng Rasho) của “Hoàng đế điện ảnh Nhật Bản” Akira Kurosawa (1910-1998). Năm 1951, bộ phim “Rashomon” chuyển thể từ truyện ngắn “Trong rừng trúc” (tên gọi khác là “Bốn bề bờ bụi”) của R.Akutagawa đã giành được Giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice (I-ta-li-a) và giải Oscar đặc biệt (tương đương giải Oscar “Phim nước ngoài xuất sắc nhất” hiện nay). Giới phê bình phương Tây mới phát hiện ra bậc thầy truyện ngắn Nhật Bản ngang tầm với những cây bút truyện ngắn cự phách xuất thân từ châu Âu.
    Người Việt Nam biết đến R.Akutagawa cũng thông qua phim “Rashomon” chiếu ở Hà Nội ngay sau khi giải phóng Thủ đô (1954). Từ thập niên 1960 đến nay, các truyện ngắn của R.Akutagawa được dịch rải rác. Mới nhất là tuyển tập truyện ngắn của R.Akutagawa có nhan đề “Trinh tiết” (Nhiều người dịch, NXB Văn học&Alphabooks, 2006); tuyển tập này đáng đọc hơn cả vì được dịch từ nguyên bản tiếng Nhật, và nhiều truyện ngắn chưa từng dịch ra tiếng Việt trước đó.
    Di sản văn chương độc đáo của R.Akutagawa thể hiện qua hai chặng đường sáng tạo riêng biệt. Trong giai đoạn đầu, R.Akutagawa mượn nội dung của các truyện cổ trong nước và nước ngoài làm nền tảng cho các truyện ngắn. Như trong truyện ngắn “Sợi tơ nhện”, R.Akutagawa đã mượn cốt truyện từ một truyện cổ Ấn Độ, nhưng ông đã sáng tạo rất nhiều khi miêu tả đối lập cảnh giữa Địa Ngục và cõi Niết Bàn vô cùng sinh động. Mặt khác, ông sắp xếp diễn biến câu chuyện một cách tinh tế khiến truyện ngắn giàu kịch tính, tạo căng thẳng cho người đọc suốt cả truyện ngắn. Sáng tác thời kỳ đầu của R.Akutagawa mang tính chất hiện thực mà sự đa dạng về nội dung của các truyện ngắn lớn hơn bất cứ tác phẩm của nhà văn nào cùng thời với ông, phản ánh sự nhạy cảm nội tâm và chiều sâu tri thức của một người am hiểu sâu sắc văn chương Nhật Bản truyền thống và văn học Trung Hoa cổ điển. Những sáng tác của R.Akutagawa trải rộng đề tài trên rất nhiều bình diện xã hội mang tính dụ ngôn sâu sắc.
    Thời kỳ sáng tác thứ hai của R.Akutagawa có sự đổi mới về hình thức kể chuyện triệt để. Tuy cốt truyện không có gì mới lạ nhưng cách kể chuyện của ông ảnh hưởng từ cách kể chuyện đa dạng của văn học phương Tây khiến sự cách tân đi rất xa so với các truyện ngắn Nhật Bản đương thời. Truyện ngắn tiêu biểu nhất cho thời kỳ sáng tác thứ hai của R.Akutagawa là truyện ngắn “Trong rừng trúc”. Truyện ngắn xoay quanh cái chết của một người đàn ông. Những lời khai của các nhân vật liên quan gồm: Người tiều phu, nhà sư, tên cướp, người vợ và người đàn ông-người chồng đã chết thông qua người hầu đồng...; không hề giống nhau khiến quan tòa đang xét xử vụ án-hay đúng ra là chính người đọc hoang mang không hiểu đâu là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người chồng. Tư tưởng của truyện ngắn là sự hoài nghi tuyệt đối của R.Akutagawa về cái gọi là sự thật. Sự thật có lẽ không tồn tại mà chỉ hiện hữu qua khúc xạ tâm lý mỗi nhân vật. Chính cấu trúc phân mảnh và lắp ghép của truyện “Trong rừng trúc” đã ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật tự sự hiện đại thông qua một loạt các tác phẩm lớn là tiểu thuyết “Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa” của Đới Tư Kiệt hay bộ phim “Anh hùng” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu...
   Ngày nay, những thành tựu nghệ thuật của R.Akutagawa không còn quá xa lạ; nhưng tinh thần tiền phong trong sáng tạo của R.Akutagawa vẫn mãi là niềm tự hào của văn chương Nhật Bản thời hiện đại.

      HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét