Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (VII): NỖ LỰC ĐA DẠNG HÓA SẢN PHẨM DU LỊCH


Dù chưa phải mùa cao điểm du lịch nhưng mỗi ngày TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) vẫn đón hàng nghìn khách ghé thăm, chủ yếu là khách nước ngoài. Du khách du lịch Hội An không chỉ du ngoạn phố cổ, thưởng thức ẩm thực, ngắm đèn lồng hoa đăng rực rỡ trong mỗi đêm rằm, mà còn được trải nghiệm trong một hình thức du lịch hoàn toàn mới: “Một ngày làm nông dân phố cổ”. Bỏ ra khoản phí từ 3 đến 5 triệu đồng, các du khách phương xa sẽ đội nón lá, mặc áo nhà nông trực tiếp xắn quần lội ruộng cày cấy, trồng rau và tham gia các hoạt động xay lúa, giã gạo, làm bánh… như một người nông dân Việt Nam đích thực. Hiệu quả bước đầu của hình thức du lịch trên là tích cực khi những du khách nước ngoài đều tỏ ra thích thú được tập làm nông dân Việt Nam chỉ trong vài giờ ngắn ngủi.

Lợi ích tour du lịch này là tăng thời gian lưu trú của khách du lịch, trực tiếp làm gia tăng giá trị nguồn thu. Tour du lịch này còn có điểm độc đáo khi bản thân toàn bộ cộng đồng người dân bản địa được tham gia làm du lịch; giúp cư dân vừa bảo lưu truyền thống văn hóa, vừa chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt hơn, thông qua tour du lịch bản thân Hội An nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung có thể giới thiệu rộng rãi nền văn minh lúa nước đã có lịch sử hàng ngàn năm.

Hình thức du lịch mang tính cộng đồng, giúp du khách dễ dàng hòa mình vào các hoạt động như người bản địa đã có từ lâu trên thế giới. Ngay ở một số nước Đông Nam Á như In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, vài năm trước, đã hình thành những khu du lịch sinh thái mà thực chất là những làng xóm chuyên canh lúa nước. Câu hỏi được đặt ra là vì sao nước ta có truyền thống trồng lúa nước lại đi sau ở hình thức du lịch này? Câu trả lời là các địa phương ở nước ta chưa nhận thức được tầm quan trọng của các loại hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để nỗ lực đưa các hình thức du lịch mới vào khai thác. Tình trạng chung trong hoạt động du lịch của đa số các địa phương ở nước ta vẫn dừng lại ở việc “ăn sẵn” vào các di sản vật thể hoặc cảnh quan tự nhiên-xem đây là thứ “vốn” duy nhất để phát triển du lịch.

Được biết, tour du lịch “Một ngày làm nông dân phố cổ” ở TP Hội An là do chàng thanh niên Trần Văn Khoa (Giám đốc Công ty TNHH lữ hành Khoa Trần Hội An Eco-Tour) thực hiện. Tour du lịch tưởng chừng có vẻ đơn giản này để đi vào thực tế không hề dễ dàng. Dự án của Khoa sẽ không thực hiện được nếu chính quyền Hội An không có tầm nhìn xa, quyết giữ lại các khoảng xanh và đồng ruộng để phục vụ du lịch bền vững. Có thể xem, việc đưa hình thức du lịch “Một ngày làm nông dân phố cổ” đã chứng minh TP Hội An là một trong những địa phương đi đầu trong việc đa dạng sản phẩm du lịch, biết kết hợp hài hòa giữa lợi thế sở hữu di sản thiên nhiên thế giới phố cổ Hội An với nét văn hóa bản địa độc đáo.

Kinh nghiệm từ tour du lịch “Một ngày làm nông dân phố cổ” ở TP Hội An có thể áp dụng ở bất cứ nơi đâu trên đất nước ta vì mỗi địa phương đều có nét văn hóa và cách thức sinh hoạt riêng. Vấn đề là những người làm du lịch ở từng địa phương có thực sự thay đổi nhận thức, quyết tâm đa dạng hóa sản phẩm du lịch để hướng tới một nền du lịch bền vững hay không?

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét