Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

ĐỌC "TRẦN HUY LIỆU VỚI SỬ HỌC"



Ở chiều kích là một nhà Cách mạng, nhiều người đã nắm tường tận công lao to lớn của Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu đối với đất nước. Nhưng ở chiều kích còn lại là một nhà văn hóa, đặc biệt là một nhà sử học không phải ai cũng rõ. Chính vì vậy, nhân kỉ niệm 110 ngày sinh GS, VS Trần Huy Liệu (1901-2011), Viện Sử học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và NXB Khoa học xã hội đã xuất bản cuốn sách “Trần Huy Liệu với Sử học”, nhằm làm sáng tỏ hơn phương pháp luận sử học của Trần Huy Liệu, cùng với những trăn trở suy tư của ông với sử học nói riêng và các vấn đề đời sống xã hội nói chung.

“Trần Huy Liệu với Sử học” dày hơn 700 trang gồm 66 bài viết được chia thành 8 mảng nội dung khác nhau. Giá trị cuốn sách nằm ở điểm: Hầu hết các bài viết, thư từ và một số trang nhật ký trong cuốn sách chưa từng được công bố trong các công trình trước đây. Cuốn sách này là bước đầu tiên để hình thành Tuyển tập Trần Huy Liệu trong tương lai.

Đọc cuốn sách, dễ dàng hình dung con đường dẫn GS, VS Trần Huy Liệu đến với sử học là một điều tất yếu. Ông từng gặp các nhà yêu nước như Phan Văn Trường, Phan Bội Châu…, từng nằm xà lim thực dân cùng với những người yêu nước tham gia khởi nghĩa Yên Bái, Thiên Địa hội… nên ông chép sử từ tư liệu sống. Có thể xem Trần Huy Liệu là người làm nên lịch sử đồng thời là nhân chứng lịch sử đấu tranh chống Pháp vẻ vang của dân tộc, để ông trở thành “chuyên gia hàng đầu về lịch sử Cận đại, Hiện đại và lịch sử Cách mạng Việt Nam” (GS, VS Phan Huy Lê).

Nhưng điều làm nên nhà sử học Trần Huy Liệu chính là tính trung thực, khách quan của người nghiên cứu lịch sử. Ông từng nói với với các đồng nghiệp “đừng vì tình cảm thiên lệch nhất thời mà bôi nhọ người xưa” (trang 26), khi đánh giá về những nhân vật lịch sử còn nhiều tranh cãi thời bấy giờ như: Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ…

Trong cuốn sách còn có Bản đề nghị thành lập Ban nghiên cứu Sử-Địa-Văn (tiền thân của Viện Khoa học xã hội Việt Nam), Đề án lập Viện Sử học Việt Nam minh chứng cho công lao đặt nền móng cho nghiên cứu sử học Việt Nam mang tính chiến lược. Ngoài ra, ông vẫn đề xuất những phương hướng, nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản cho ngành sử học nhằm phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và khoa học đương thời như: Vấn đề ruộng đất và nông dân trong lịch sử, vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, vấn đề giai cấp công nhân và sự lãnh đạo của Đảng… Nhiều góp ý tuy ngắn nhưng thể hiện sự suy tư liên tục và sâu sắc mang tính khoa học cao, chẳng hạn khi góp ý về phân kỳ lịch sử: “Hết sức tránh những lối phân kỳ lịch sử của các sử gia trước kia…, mà phải căn cứ vào sức trưởng thành nội tại của dân tộc, sản xuất và chiến đấu để xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước” (trang 149).

Một phần khác quan trọng là thư từ của GS, VS Trần Huy Liệu. Qua đó, có thể thấy ông là không phải là mẫu nhà nghiên cứu ngồi trong tháp ngà, bàng quan với đời sống; ngược lại là nhà nghiên cứu đồng hành cùng nỗi sướng khổ với nhân dân, tận tâm và tỉ mỉ đến những việc thế sự. Đơn cử ông bức xúc với chuyện hội họp quá nhiều, ảnh hưởng đến công việc của cán bộ nhà nước. Trong thư ngày 24-12-1960 gửi đồng chí Tô (tức cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), ông lấy chính Viện Sử học để làm dẫn chứng cho nạn hội họp triền miên: “Tháng 10 (1960), tổ làm việc nhiều nhất chỉ có 18 ngày” và từ đó ông đề xuất: “Theo ý tôi, Thủ tướng phủ sau khi điều tra nghiên cứu cần có quy định rõ ràng, dứt khoát để bảo vệ cho thì giờ làm việc sản xuất, nghiên cứu không bị xâm phạm bất kỳ từ ngả nào đến” (trang 724).

Hẳn là, với cuốn “Trần Huy Liệu với Sử học”, người đọc chắc chắn sẽ biết thêm nhiều điều nhiều điều ngoài sử học, đặc biệt là một nhân cách trong sáng của GS, VS Trần Huy Liệu.      

HÀM ĐAN