Thư tuyệt mệnh của Trương Quốc Vinh:
"Depression! 多謝各位朋友,多謝麥列菲菲教授,這一年很辛苦,不能再忍受, 多謝唐先生,多謝家人,多謝肥姐. 我一生沒做壞事 為何這樣?"
("Tuyệt vọng! Cảm ơn tất cả bạn bè tôi. Cảm ơn giáo sư Felice Lieh-Mak (Bác sĩ tâm lý cuối cùng của Trương Quốc Vinh). Năm nay quá khó khăn. Tôi không thể chịu đựng thêm nữa. Cảm ơn anh Tong. Cảm ơn gia đình tôi. Cảm ơn chị Fat (Lydia Shum Din-ha). Cả cuộc đời tôi chưa làm gì sai. Tại sao mọi thứ lại trở nên thế này?")
Chắc là Ca Ca đã tuyệt vọng trong nỗi cô đơn thường trực của người nghệ sĩ để dẫn đến quyết định chấm dứt cuộc đời thăng trầm như một nhân vật điện ảnh vào ngày 1/ 4/ 2003. Nhưng có lẽ anh không ngờ sau cái chết anh không còn cô đơn nữa. Hàng ngàn fan và cả những người qua đường không quen biết bất chấp dịch cúm gà lan rộng đã tới trước chân tường khách sạn Mandarin để đặt những vòng hoa trắng (chỉ dành cho người đàn ông chết khi chưa có vợ) và cả những tấm thiệp nói hộ lời chia tay đầy chân thành trong một ngày chỉ dành để nói dối.
Đó hẳn là điều làm Ca Ca hạnh phúc hơn việc tượng sáp của anh được đặt trong phòng dành cho "Các nhân vật lịch sử và anh hùng dân tộc" thay vì ở trong phòng ”Biểu tượng âm nhạc" hoặc "Sự quyến rũ của Hồng Kông”. Bức tượng lấy theo nguyễn mẫu nhân vật nhân vật Trình Điệp Y trong bộ phim Bá Biệt Vương Cơ (Farewell my concubine).
Ca khúc Goodbye Leslie
Trong sự nghiệp diễn viên của mình, Ca Ca đã tham gia gần 60 bộ phim nhưng không có vai diễn nào lại mang đến sức ám ảnh lớn như vai Trình Điệp Y – một diễm viên kinh kịch luôn nuôi trong lòng một tình yêu đồng tính với người bạn diễn Đoàn Tiểu Lâu.
Cái chết của Ca Ca khiến người ta giật mình. Nếu sắp xếp những sự kiện chính trong cuộc đời con người thật – Ca Ca Trương Quốc Vinh và nhân vật điện ảnh Trình Điệp Y sẽ có những điểm trùng khớp kì lạ. Nếu những lời Ca Ca nói với đạo diễn Trần Khải Ca trước khi nhận vai Trình Điệp Y là thật thì Trình Điệp Y và Ca Ca luôn nhầm lẫn “không thể phân biệt được đâu là sân khấu, đâu là đời thật, cũng như lẫn lộn giữa nam và nữ”. Đoạn phim Trình Điệp Y ngồi trong kiệu với khuôn mặt say rượu và một vệt máu ở miệng. Khuôn mặt thất thần ấy là của Trình Điệp Y hay của Trương Quốc Vinh? Không thể nào phân đinh rạch ròi được. Ca Ca sinh ra như chỉ thủ vai nhân vật đầy phức tạp Trình Điệp Y.
Cuộc đời Ca Ca vẫn còn nhiều bí mật chưa được tiết lộ. Nhưng có lẽ sẽ chẳng có ai trên đời chịu nhiều đau khổ hơn nhân vật hư cấu Trình Điệp Y. Anh đã đi suốt cái thế kỷ điên khùng của nước Trung Hoa và cả thế giới. Những tiếng vỗ tay hoan hô trong nhà hát phút chốc biến thành những tiếng đả đảo đấu tố trong Cách mạng văn hóa. Những tiếng chửi bới của người đời so với sự khổ công rèn luyện từ bé không thể khiến người nghệ sĩ có một ngón tay thừa ấy suy sụp. Sự suy sụp đến từ trong tâm hồn quá nhạy cảm của Trình Điệp Y khi bị Đoàn Tiểu Lâu “phản bội”. Sự phản bội của Đoàn Tiểu Lâu với Trình Điệp Y thực ra không đáng trách bởi chỉ có Trình Điệp Y có tình cảm đồng giới. Điều anh ta đã phản bội là tình vợ chồng với Diệu Linh và tình đồng nghiệp bao năm với Trình Điệp Y.
Lớp nghĩa bề ngoài và kết cấu bộ phim ai cũng hiểu được. Nó rõ đến mức khiến cho người máu lạnh cũng phải xúc động. Nhưng còn cấu trúc ngầm ở dưới câu chuyện chứa nhiều ý nghĩa đến nỗi khó liệt kê ra được. Thực ra, một tác phẩm nghệ thuật lớn không bao giờ cạn kiệt ý nghĩa. Thời đại mới đến, những đôi mắt mới sẽ tìm thấy những giá trị thẩm mỹ mới còn nằm khuất. Độ mở vô hạn của tác phẩm nằm ở đây.
Tượng sáp Ca ca tại bảo tàng Madame Tussauds (Hong Kong)
Giới sành phim sẽ còn bàn luận mãi những cảnh quay, âm thanh, ánh sáng cho đến diễn xuất. Sẽ chẳng ai ngượng ngùng khi gọi Bá Biệt Vương Cơ là kiệt tác điện ảnh. Chất Trung Hoa thể hiện rất rõ trong cách biểu đạt. Cảnh quay cuối khi Trình Điệp Y tự sát khán giả không được xem rõ cảnh chết như thế nào? Chỉ cần nghe tiếng thân hình anh đổ xuống và tiếng thét của Đoàn Tiểu Lâu cũng đủ hiểu được cuộc đời đau khổ của Trình Điệp Y đã kết thúc. Đây là thủ pháp chấm phá quen thuộc của nghệ thuật Trung Hoa. Lâm Ngữ Đường trong cuốn My country and my people đã có ví dụ rằng: Không thể vẽ tiếng chuông nhưng người họa sĩ chỉ cần vẽ đỉnh núi mây phủ, có mấy nhà sư ngước lên cười là đã miêu tả tiếng chuông rồi. Người họa sĩ phương tay không thể nào vẽ được.
"Một nụ cười đem đến cả mùa xuân, một giọt lệ làm tối cả đất trời. Chỉ có nàng, chỉ có nàng mới có vẻ đẹp nhường ấy..."
Nếu chỉ có chất Trung Hoa thôi bộ phim sẽ không bao giờ trở thành bộ phim Hoa Ngữ xuất sắc nhất và một trong những bộ phim kinh điển nhất của điện ảnh thế giới, điều nâng Bá Vương Biệt Cơ lên tầm vóc kiệt tác là đã tiếp cận những đặc điểm thuộc về bản chất con người xoay xung quanh những motif khác nhau: sự phản bội, lòng vị tha, tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật, sự tự do… Bản chất người rõ rệt nhất ở những thước phim cuối cùng khi Trình Điệp Y nhận ra động lực thôi thúc anh phải sống bao năm qua chính là nghệ thuật. Chính vì những phút giây thăng hoa trên sân khấu mà anh đã chấp nhận “sống là nguy hiểm” (F. Nietzsche). Một định mệnh của Trình Điệp Y khi quay lại nhà hát dù đã có cơ hội chạy trốn. Hầu hết con người hiện đại chúng ta sẽ khó hiểu vì sao Trình Điệp Y lại nhầm lẫn và cố chấp đến vậy? Không chỉ bản chất người Trung Hoa là cực đoan, vấn đề nằm ở chỗ Trình Điệp Y đã sống thật từng giai đoạn cuộc đời: yêu và ghét phân minh. Sẽ là bi kịch nếu câu nói cuối cùng Trình Điệp Y vẫn nói rằng: “Tôi là nữ không phải là nam”. Chỉ khi sắp chết Trình Điệp Y mới trở lại bản chất giới tính, bản chất người tự nhiên của mình.
Khi chúng ta nhớ anh thì anh sẽ còn tồn tại và nhìn chúng ta bằng đôi mắt u buồn
Cái chết của Ca Ca cũng gây bàng hoàng cho nhiều người y như cái chết của Trình Điệp Y. Một chặng đường sự nghiệp mới đang đón đợi Ca Ca phía trước. Nhiều người thấy tiếc cho anh. Nhưng không, nghệ thuật là một cuộc chơi vì vậy phải làm sao chơi cho đẹp. Khi mệt mỏi thì nghỉ ngơi. Ca Ca đã chọn cái chết để kết thúc những rắc rối. Anh đã hiến mình thật đẹp cho nghệ thuật và anh xứng đáng được tôn trọng vì đã cho chúng ta những giây phút được sống thật trong một thời giới thứ hai.
Thanks Ca Ca!
We miss you!
Forever!
Hàm Đan
hi
Trả lờiXóa