Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

THẾ HỆ BEAT – HUYỀN THOẠI VĂN HÓA MỸ


Thế hệ Beat (Beat generation) là một thuật ngữ vừa chỉ một nhóm nhà văn đồng thời cũng để nhắc đến một trào lưu văn hóa xã hội của nước Mỹ nổi lên từ cuối thập niên 50 đến những 60 của thế kỷ trước. Báo chí thường dùng thuật ngữ “thế hệ Beat” giới thiệu một nhóm nhỏ các nhà văn và cũng là những người bạn gồm: Allen Ginsberg [1], Jack Kerouac [2] và William S. Burroughs [3]. Các thành viên của thế hệ Beat nhanh chóng phát triển danh tiếng như những người theo chủ nghĩa khoái lạc mới. Họ trứ danh bởi không tuân theo một nguyên tắc nào và óc sáng tạo tự phát tức thời. Ngày nay, khi nhìn lại không ai có thể phủ nhận được “Beat” là một trào lưu văn học quan trọng của nước Mỹ: các tác phẩm thơ đã hình thành nên một trường phái thơ thể nghiệm phản truyền thống lớn nhất sau chiến tranh thế giới thứ 2 còn các tác phẩm văn xuôi của các thành viên Beat chứa trong mình nhiều mầm mống nghệ thuật của chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism). Vượt ra ngoài phạm vi văn học, “Beat” dần phát triển trở thành một trào lưu xã hội phản kháng lại những ước lệ của xã hội công nghiệp - kỹ thuật với hoài bão sống trần trụi.

“Beat” xuất phát từ tiếng lóng từ tầng lớp dưới đáy của xã hội, nghiện hút và trộm vặt ở New York và được J. Kerouac sử dụng vào năm 1948. J. Kerouac đã liên tưởng đến “thế hệ mất mát” (Lost generation)
[4] ở Mỹ sau đại chiến thế giới lần thứ nhất. Thuật từ đến từ cuộc nói chuyện với tiểu thuyết gia John Clellon Holmes cùng với bản tuyên ngôn trên tạp chí New York Time: “Đây là thế hệ Beat”. “Beat” nghĩa rộng chỉ sự mệt mỏi, nhưng theo cách sử dụng của Kerouac nó bao gồm ý nghĩa rộng của nghịch lý của “upbeat” (yêu đời, lạc quan) và “beatific” (ban phúc) và sự liên kết trong âm nhạc bắt đầu từ “on the beat” (nhịp đập dồn dập). Sau này họ còn được gọi là “beatniks” do Herbert Eugene Caen (1916 - 1997) đặt ra trên tờ San Francisco Chronicle ngày 2/ 4/ 1958 có vẻ giống cách chơi chữ như cách gọi vệ tinh Sputnik của Liên Xô.

Câu hỏi đầu tiên và cũng khá rắc rối là những ai được coi là thành viên của thế hệ Beat? “Thủ lĩnh” A. Ginsberg khẳng định tất cả chỉ có ba người bao gồm Allen Ginsberg, Jack Kerouac và William S. Burroughs
song Gregory Corso lại cho rằng: “Ba người bạn không thể làm nên một thế hệ”.

Ở đây có thể hiểu hai cách: thứ nhất là nhóm nhỏ những nhà văn là những người bạn lẫn người tình (A. Ginsberg là người đồng tính còn Peter Orlovsky,
J. Kerouac, Neal Cassady là người lưỡng tính) - những những nhà văn đầu tiên thuộc thế hệ các nhà văn Beat là: J. Kerouac, William S. Burroughs, A. Ginsberg, Neal Cassady, Gregory Corso, John Clellon Holmes, Alan Ansen, và Herbert Huncke. Nếu theo cách hiểu trên, sự chuyển động như Phục Hưng Sanfrancico và trường phái thơ Black Moutain được coi là những sự chuyển động riêng rẽ.

Cách hiểu thứ hai rộng lớn bao gồm các nhà văn đã nắm bắt được tình trạng nổi bật cuối những năm 1950 đầu những năm 1960, họ đã đưa ra nhiều đề tài, tư tưởng, khái niệm giống nhau (chẳng hạn sự hiến dâng tự nguyện, kết cấu mở, tính chủ quan…) đều được bao gồm trong đó. Các nhà văn đủ tiêu chí thuộc thế hệ Beat có thể phủ nhận rằng họ đã từng là các nhà văn Beat, căn cứ vào giới hạn của định nghĩa này mà báo chí đã cho rằng như vậy. Chẳng hạn họ có thể nói rằng họ đã là bạn của A. Ginsberg và J.Kerouac, không phải là môn đồ. Tình bạn hay ít nhất là một sự liên kết nào đó với Ginsberg hoặc Kerouac có thể là một dấu hiệu để một nhà văn thuộc vào cái định nghĩa đại khái về thế hệ các nhà văn Beat. Danh sách này có thể bao gồm:

Những nhân vật chính và những nhà văn đầu tiên thuộc thế hệ các nhà văn Beat là:
J. Kerouac, William S. Burroughs, A. Ginsberg, Neal Cassady, Gregory Corso, John Clellon Holmes, Alan Ansen, và Herbert Huncke;
Bao gồm cả những nhà thơ nòng cốt của thế hệ Beat đã bắt gặp ở trào lưu phục hưng San Francisco như là:
Gary Snyder, Philip Whalen, Lew Welch, Lawrence Ferlinghetti, Harold Norse, Kirby Doyle, Michael McClure;
Các nhà thơ được liên kết trong nhóm
Black Mountain College như là: Robert Creeley, Denise Levertov, Robert Duncan (mặc dù R. Duncan là một trong những người lên tiếng sớm nhất chỉ trích “nhãn hiệu” Beat Generation)
Nhóm các nhà thơ “Trường New York” như là
Frank O'Hara, Kenneth Koch;
Các nhà thơ đôi khi được gọi là “làn sóng thứ hai” của thế hệ Beat như
LeRoi Jones/Amiri Baraka, Diane DiPrima, Anne Waldman
Nhiều nhà văn nữ không được đánh giá đúng mức trước đó cũng đang được chú ý:
Joanne Kyger, Kaye McDonough, Harriet Sohmers Zwerling, Janine Pommy Vega, Elise Cowen;

Một vài nhà văn nhiều tuổi hơn đã liên kết khá chặt chẽ với thế hệ Beat mặc dù tiếng tăm của họ đã vững chắc từ rất sớm, điều đó rất khó có thể gọi họ là cùng một thế hệ với thế hệ Beat. Họ bao gồm
Kenneth Rexroth, nhân vật chính đã thu hút trào lưu phục hưng San Francisco, và Charles Olson – người cố vấn giàu kinh nghiệm của nhóm thơ Black Moutain và là tác giả của bài luận có sức thuyết phục cao “Thơ dự phóng” (Projective Verse) (1950) và nhiều nhà văn khác đã đích thân nghiên cứu cùng với William Carlos Williams [5] hoặc tìm kiếm thông tin coi William như một thần tượng. Điều đó cho thấy thế hệ các nhà văn Beat thường được xem là con đẻ của Williams.

Donald Allen, tác giả của cuốn The New American Poetry (Thơ mới ở Mỹ) cho rằng: “Trường phái San Francisco hòa nhập thành một nhóm mới - các nhà thơ “Beat”, xuất hiện vào những năm 50. Hầu hết những nhà thơ quan trọng của nhóm Beat (Beatniks) từ Bờ Đông chuyển đến San Francisco. Chính ở California này họ đạt được thành công ban đầu trên cả nước ở California.” Quả thật, các tác phẩm của các nhà văn Beat chỉ gây được tiếng vang sau khi đã chuyển đến San Francisco. Tiêu biểu là tác phẩm Howl (Hú) của A. Ginsberg. Bài thơ dài này lần đầu tiên được đọc do chính tác giả đã tạo nên cơn sốt cuồng nhiệt trong đêm thơ ở Gallery Six (San Francisco). Sau đó, nhà thơ Lawrence Ferlinghetti, chủ nhà xuất bản City Lights Book đã in tập thơ dưới dạng bỏ túi Hú và những bài thơ khác. Cảnh sát San Fransisco tịch thu cuốn sách, và người xuất bản phải hầu toà vì tội công bố một "quyển sách dâm ô". Kết quả L. Ferlinghetti trắng án, bản thân A. Ginsberg và Howl trở nên lừng lẫy. Cho nên, cách hiểu về các thành viên nòng cốt của thế hệ Beat bao gồm các nhà văn chuyển đến từ bờ Đông cộng với các nhà văn của trường phái San Francisco. Còn các nhà thơ trong trường phái thơ Black Mountain và Trường phái New York không phải là những thành viên nòng cốt song cũng góp phần tạo nên “văn hóa Beat” vào thập niên 50.

Thế hệ người Mỹ sống vào thập kỷ 50 thường được mệnh danh là “thế hệ im lìm” (The silent generation) vì thế hệ này thoát thai từ đại chiến thế giới thứ 2 bị coi là chỉ tìm một cuộc sống vật chất đầy đủ tiện nghi và sinh hoạt tinh thần công thức. Họ bị thanh niên chê là “vừa mù vừa câm”. Cũng trong quãng thời gian này, nước Mỹ đang đối đầu với phe cộng sản trong cuộc Chiến tranh Lạnh, đặc biệt Chủ nghĩa McCarthy, hay phong trào tố cộng mang tên Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy, đã khuấy động nước Mỹ với cái mũ chụp những ai liên quan đến cộng sản một cách vô tội vạ, nhất là với văn nghệ sĩ. Chẳng thế mà H. E. Caen đặt ra thuật ngữ “beatniks” còn chua thêm “có lẽ thân Cộng Sản” (possibly pro-
Communist) trùm lên nhóm Beat.

Tuy nhiên, thập niên 50 không chỉ có mỗi kìm kẹp, kiểm soát, ngột ngạt mà còn thời đại phát triển của của thứ văn hóa của bình dân. Đáng chú ý nhất sự ứng tác các yếu tố trong nhạc jazz. Dòng nhạc “Bebop”
[6] vào cuối những năm 1940 với tên tuổi của Charlie Parker và những nghệ sĩ khác cùng dòng nhạc là một trong những tác nhân quan trọng ghi lại dấu ấn trong nhiều thành viên của thế hệ Beat, nhất là trong trường ca Hú của A. Ginsberg. Về ngoại hình của thế hệ Beat gồm kính gọng sừng, chòm râu dê và mũ nồi theo một khuôn có sẵn xuất phát từ thời trang của tay kèn trumpeter Dizzy Gillespie.

Các nhà văn thế hệ Beat đầu tiên gồm
Jack Kerouac, Allen Ginsberg, William S. Burroughs gặp nhau ở New York vào năm 1948 và năm 1950 có thêm cả Gregory Corso (thỉnh thoảng họ gọi nhau là "New York Beats" cho dù chỉ có Corso là người New York). Trường Đại học Columbia là nơi lưu nhiều dấu ấn của thế hệ Beat. Đó là nơi mà Kerouac, Ginsberg, Lucien Carr, Hal Chase gặp nhau. Nhiều ý định của họ đã nảy ra trong thời gian này với các giáo sư như Lionel TrillingMark Van Doren. Đó giống như điều kiện để một vào người bạn cùng lớp như là Louis SimpsonDonald Hall bắt đầu bảo vệ cho chủ nghĩa hình thức. Đây là nơi mà Carr và Ginsberg đã thảo luận những điều cần thiết cho một “nhãn quan mới” (new vision) một thuật ngữ có nguồn gốc từ nhà thơ Pháp Arthur Rimbaud nhằm thoát khỏi những người có tư tưởng bảo thủ trong văn học. Những Beatnik tôn sùng Rimbaud (chỉ làm thơ từ 15 đến 19 tuổi đi 3 châu Á, Phi, Âu, thoát ly mọi truyền thống để thực hiện tính cách). Rimbaud tự ví mình là “con tàu say” (Le bateau ivre) tự do theo dòng nước. Những người Beatnik cũng chịu ảnh hưởng của nhà thơ lãng mạn Anh W. Blake, tiểu thuyết gia Mỹ Henry Miller và nhà thơ siêu thực Pháp Tristan Tzara (có thể thấp phương pháp cắt vụn (cup-up) câu văn trong các tác phẩm của W. Burroughs) [7].

Các nhà thơ Beat nhanh chóng vượt xa các nhà thơ siêu thực. Họ tự giải phóng mọi ràng buộc, thoát khỏi sự gò bó bởi lí trí, logic, đạo đức, tôn giáo… Sáng tác bột phát ghi chép lại tất cả những hiện tượng và trạng thái tâm lý luôn luôn biến chuyển trong tiềm thức. A. Ginsberg từng nói: “ý nghĩ đầu tiên là nghĩ tốt nhất”. Dù sau này người ta tìm thấy bản thảo Hú với những gạch xóa chi chít, sự “biên tập” đó chỉ để khiến bài thơ “hoàn thiện” hơn chứ không thể dựa vào đó để không phủ nhận lối viết mới của A. Ginsberg đưa ra: “Tôi có một phương pháp thơ mới. Tất cả những gì bạn phải làm là xem xét kỹ những cuốn sổ tay của bạn… hay nằm xuống trên đi văng, nghĩ về bất cứ điều gì đi vào trong đầu mình, đặc biệt là những nỗi thống khổ. Rồi sau đó, hãy sắp xếp chúng thành dòng, mỗi dòng hai, ba, bốn từ, đừng bận tâm về các câu, cứ hai, ba, bốn dòng hợp thành một đoạn”. Không chỉ có Ginsberg với thơ mà ngay cả J. Kerouac cũng sáng tác bột phát với tiểu thuyết Trên đường được viết trên một cuộn giấy teletype (điện báo đánh chữ). Cuốn tiểu thuyết được viết trong vòng không đến ba tuần lễ trong năm 1951 thể hiện một phong cách tươi mới câu văn lan man dựa trên kết cấu rời rạc của nhạc jazz bởi: “Không có “sự chọn lọc” trong diễn đạt mà cứ đi theo sự liên tưởng của tâm trí, chìm vào những biển suy tư vô bờ bến với chủ đề triền miên”- J. Kerouac nhấn mạnh.

Đi sâu khám phá vô thức, giả điên hay vào bệnh viện tâm thần (năm 1949, A. Ginsberg đến
Bellevue Hospital và gặp Carl Solomon – một bệnh nhân tâm thần người sau này tạo cảm hứng cho Hú), quan tâm đến giấc mơ, sử dụng ma tuý không phải để thoát ly thực tế mà để chinh phục hiện thực của siêu thực. Thi ca quay lưng với văn chương hàn lâm kinh viện để hoà nhập với cuộc sống trần tục. Từ đó tuôn ra đủ các thứ từ ngữ kệch cỡm, tiếng lóng, thô tục, huyền bí… Dòng thơ Beat cũng như nhạc Jazz da đen vào những năm 20 tìm cách quay về “tiềm thức tập thể” mà xã hội công nghiệp tìm cách bóp nghẹt. Họ tìm đốn ngộ qua đạo Phật giáo Tây Tạng.

Thế hệ Beat đã làm nổi bật tính ưu việt cốt yếu của họ như: tính tự nhiên, kết cấu mở, sự gặp gỡ của các cảm giác bản năng trong sự trải nghiệm đời thường; trong vẻ bề ngoài nghịch lý, các nhà văn Beat thường nhấn mạnh sự khao khát trong tâm hồn, sử dụng những khái niệm và hình ảnh từ đạo Phật, đạo Do Thái, đạo Thiên Chúa… Một trong hầu hết các khía cạnh tiêu biểu đã được công khai của thế hệ Beat là cuộc chiến liên miên để giới hạn sự diễn đạt tự do. Các nhà văn Beat đã đưa ra phần chính yếu của tác phẩm văn chương có thể gây tranh cãi cho cả sự biện hộ không phù hợp và cả phong cách nghệ thuật không tương ứng. Ngôn ngữ và chủ đề (sử dụng ma túy, tình dục, cư xử lập dị) đã thúc đẩy những người tuân giáo đi đến ranh giới phải thừa nhận. Tác phẩm “Beat” đầu tiên đã gây được sự chú ý trên cả quốc gia là Hú của A. Ginsberg, dựa trên một chừng mực nào đó của ngôn ngữ và các biểu tượng tình dục và sự khiêu dâm càng tạo nên tiếng tăm cho tác phẩm. Một trong những tác phẩm nổi tiếng lâu dài là Trên đường(1951) của J. Kerouac, nó đã bị chỉ trích nặng nề và không được công bố cho đến năm 1957, theo chiều hướng dựa trên tiếng tăm từ tính khiêu dâm của Hú, J. Kerouac đã bị kết tội sau đó vì kích động những gì tội lỗi. Tác phẩm chính của W. Burroughs là
Bữa trưa trần truồng sinh động hơn Hú, cũng tương tự như vậy, nó thử nghiệm tính khiêu dâm sau khi xuất bản. Những thử thách đó đã cho thấy rằng, nếu bất kỳ điều gì được cho rằng có giá trị văn chương, sau cùng nó không còn mang tính khiêu dâm nữa.

Nhìn lại các trào lưu văn học, văn hóa mới ra đời bao giờ cũng bị phê phán. Ngay cả với một đất nước có đặc điểm đa văn hóa, dễ thu nhận cái mới như Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Một nhà phê bình nổi tiếng với những chỉ trích với thế hệ Beat là
Norman Podhoretz. Ông từng là một sinh viên tại đại học Columbia có quen biết A. Ginsberg và J. Kerouac.

Năm 1958, ông cho công bố một bài báo trên Partisan Review với cái tên "Những người Bohemians chẳng biết gì". Cũng như
Russell Jacoby (trong cuốn sách của của ông mang tên Những trí thức cuối cùng) diễn tả, trong tiểu luận, Podhoretz đã “bảo vệ văn minh chống lại những người man rợ”: “Ở đó một tiếng khóc bị kìm nén ở những cuốn sách đó [của Kerouac]: Gây tai hại cho những người trí thức ông ấy đã nói một cách mạch lạc, triệt hạ con người có thể ngồi yên trong năm phút ngay lúc này. Những người theo chủ nghĩa Bohemian trong thập kỷ 50” là “thù địch văn minh, nó sùng bái sự nguyên sơ, bản năng, năng lực tiềm tàng, “máu nóng”. Với Podhoretz, “Đây là cuộc nổi dậy tinh thần của những người bị thiệt thòi về quyền lợi”.

Podhoretz có ý niệm mơ hồ về một liên kết giữa những người Beat và những người phạm pháp, một sự căm ghét thường thấy của văn minh và khả năng hiểu biết: “Tôi tình cờ tin rằng đó là sự chuyển tiếp rõ ràng giữa tính mềm yếu của đời sống tầng lớp trung lưu Mỹ và sự phổ biến của thanh niên phạm tội trong những năm 50 nhưng tôi cũng tin rằng thanh thiếu niên tội phạm có thể giảng giải đến chừng mực nào đó trong lời lẽ giống như sự oán hận chống lại cảm giác ở mức bình thường và sự cố gắng đương đầu với thế giới hiểu biết mà Ginsberg và Kerouac đã ngộ nhận”.

Trong một đoạn trích dẫn khác cũng từ bài viết "Những người Bohemians chẳng biết gì": "Sự chống đối hiện thời mà thế hệ Beat phản kháng phải làm để phủ nhận rằng sự rời rạc là cao hơn sự chính xác, sự ngu dốt là cao hơn sự hiểu biết, rằng sự áp dụng của tâm trí và nhận thức đúng đắn là một hình thái của cái chết”.

Podhoretz có lẽ đã không đi sâu để tìm hiểu thực chất cái gọi là thế hệ Beat. Nếu nhìn nhận bối cảnh xã hội Mỹ những năm 50 ở trên thì sự xuất hiện thế hệ Beat không phải là một cây nấm lạ. Thêm vào đó, những người tạo ra văn hóa Beat đều là những người có học vấn nhà trường cao và đặc biệt khả năng tự học rất lớn bất cứ lúc nào và ở đâu; cho nên có thể xếp họ vào tầng lớp élite của xã hội. Họ khác với những nhà văn đi trước bởi con đường sáng tạo lẫn cuộc sống đời thường gắn với đời sống thường nhận thu nhận cả văn hóa của những người dưới đáy. Dễ hiểu vì sao mà A. Ginsberg phản ứng gay gắt cũng vào năm 1958 trong cuộc phỏng vấn với tờ
The Village Voice (sưu tầm trong cuốn Spontaneous Mind): “Tiểu thuyết không phải một trạng thái tưởng tượng của tưởng tượng thực tế - đó là sự diễn đạt của một cảm giác đặc biệt. Podhoretz chẳng hiểu quái gì về viết văn. Anh ta cũng không vô tư trong những vấn đề chuyên môn của văn xuôi và thơ”.

Những lời phê phán không những làm mất uy tín của những người Beat mà trái lại càng làm cho họ nổi tiếng. Những hình ảnh của “beatniks” xuất hiện trên những tránh biếm họa, điện ảnh và các show truyền hình, có lẽ nổi tiếng nhất bắt đầu từ nhân vật
Maynard G. Krebs do Bob Denver thủ vai trong phim sitcom Những mối tình của Dobie Gillis (trình chiếu từ 1958 đến 1963). Nhà báo Glenn O'Brien nhận định: “Maynard là một người luôm thuộm, lười biếng và không hành xử như văn hóa chủ đạo ở trường đại học. Maynard là một kẻ hậu lãng mạn (post-romantic), một người có óc thực tế đang mơ mộng. Tôi không biết về điều gì về một người Bohemian nhưng tôi nhận ra khi tôi nhìn thấy họ. Maynard là một điều mỉa mai chống lại Beatniks nhưng điều đó không mấy quan trọng bởi vì danh tiếng của Beat đã lan tỏa khắp nơi”.

Nhóm nhà văn Beat không phải là những người yêu thích hoạt động chính trị. Họ không chủ trương dùng văn học để phục vụ cho mục đích chính trị như A. Ginsberg phát biểu: “Thơ ca không phải là một cách biểu đạt của một chính đảng. Công việc của nhà thơ là: mỗi khi đêm về, anh nằm trên giường, suy nghĩ về những gì mình thật sự nghĩ, làm cho cái thế giới riêng tư của anh được bộc lộ ra với công chúng”. Bản thân những nhà văn Beat cũng không ngờ rằng các tác phẩm văn học của họ lại có ảnh hưởng mạnh đến thanh niên như vậy.

Tiểu thuyết Trên đường của J. Kerouac kể chuyện một người đàn ông tên là Sal Paradise - nhân vật chính cùng với bạn tên là Dean Moriaty (mượn hình ảnh từ một người bạn Beat có thật của Kerouac là Neal Cassady) quá giang khắp nước Mỹ để hưởng cảm giác lang bạt, được kết bạn mới, những cuộc tình mới, những bữa rượu bất kể giờ giấc, những kinh nghiệm sống phi vật chất với thái độ bất cần. Chuyến đi giang hồ ấy đủ cho hai nhân vật trải qua đủ những giây phút sảng khoái, tuyệt vọng, trống rỗng và bi đát, nỗi buồn đặc thù trên đất Mỹ mênh mông – không những đưa J. Kerouac lên hàng những người viết đổi mới mà còn biến Beat thành một “huyền thoại” hấp dẫn nhiều người đọc của những năm 50. Đã không ít thanh niên thời ấy bắt chước nhân vật trong tiểu thuyết mang một ba lô và vẫy tay xin quá giang. Hình ảnh ấy cho đến tận ngày nay ta vẫn bắt gặp trên phim ảnh không chỉ có Mỹ mà ở phương Tây nói chung.

Hú của A. Ginsberg nổi tiếng với những từ ngữ khiêm dâm đến mức phải ra tòa nhưng được xử trắng án. Từ đó, góp phần nới rộng tự do xuất bản ở Mỹ. Những tác phẩm của thế hệ Beat mở đường cho thời kỳ mới trong văn học Mỹ có dấu ấn cho đến ngày nay. Nhiều xuất hiện trong những năm 60 và 70, có nhiều dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại có mối liên hệ mật thiết với các tác phẩm trước đó của thế hệ Beat, đáng chú ý hơn cả là tiểu thuyết Bay trên tổ chim cúc cu (1962) của Ken Kesey. Một số tiểu thuyết gia hậu hiện đại khác như Thomas Pynchon với tiểu thuyết Cầu vồng của trọng lực (1973).

Đặc tính của thơ của thế hệ Beat là khả năng ngẫu hứng, ứng tác, trình diễn, xuất thần có ảnh hưởng đến Thơ trình diễn (Performance Poetry) đầu những năm 90.

Thế hệ Beat còn tạo nên ảnh hưởng đến nghệ thuật của cộng đồng da đen Mỹ đặc biệt là âm nhạc của giới người da đen (nhạc Blue). Vào thời đó giới Beatniks là những người da trắng duy nhất ở Mỹ thích nghe nhạc của người da đen. Beat còn tạo ra ảnh hưởng đến nghệ thuật của cộng đồng da đen Mỹ trong các tác phẩm của các nhà văn như:
Gwendolyn Brooks, Maya AngelouNikki Giovanni tạo nên sức mạnh văn hoá của người Mỹ gốc Phi thể hiện trong lĩnh vực tâm linh, tinh thần tương trợ, bản sắc chủng tộc, cấu trúc gia đình rộng mở và nhà thờ. Những nhân tố này được xem là nguồn lực hỗ trợ trong ý thức hệ và trong thực tế cuộc sống của họ.

Từ lĩnh vực hẹp văn học dấu ấn của thế hệ Beat còn in đậm trong văn hóa Mỹ đặc biệt là văn hóa vùng viễn Tây. Từ những năm 60, A. Ginsberg đã thực hành tọa thiền. Đến năm 1971, Allen Ginsberg và Gary Snyder dưới sự hướng dẫn của thượng tọa Chogyam Trungpa
[8] đi sâu vào con đường tu tập theo phái mật tông ảnh hưởng về mặt trí tuệ, văn hóa và tư tưởng lên thế hệ Beat là cực kỳ mãnh liệt thể hiện qua các tác phẩm Phật pháp của kẻ lang thang (The Dharma Bums) (1958) của J. Keouac, Kaddish và những bài thơ khác (1961) của A. Ginsberg, những bài thơ của Gary Snyder, chịu ảnh hưởng sâu đậm từ điều ông học được từ Thiền Nhật Bản và các thi sĩ Trung Hoa đời Đường.

Mật tông Tây Tạng là gần như còn giữ nguyên vẹn giá trị đích thực nguyên sơ của tông phái mật tông. Mật tông là con đường ngắn nhất để đạt tới giác ngộ của phật giáo vì vậy có luôn hai mặt của quá trình giác ngộ: Siêu Việt và Nguy Nan. Mật Tông coi trọng chuyển hóa năng lượng. Đặc biệt tình cảm được coi là năng lượng mạnh nhất. Các đam mê (dục) như sắc dục, mê rượu, mê thuốc đều được xếp vào loại năng lượng này. Mật Tông không chủ trương diệt dục theo cách khổ hạnh mà thay vào đó chủ động đón nhận năng lượng và chuyển hóa nó lên bậc cao hơn. Đặc biệt Mật Tông coi trọng năng lượng âm dương. Không gò bó giáo luật và có nét tương đồng với tâm lí người phương Tây nên mật tông lan truyền rất nhanh ở Mỹ. Mật tông là giáo pháp mà sư phụ truyền cho học trò bằng lời (khẩu quyết) nên thượng tọa Chogyam đặt tên học viện phật giáo của mình là Naropa (Boulder, Colorado) - nhị tổ của phái Truyền Khẩu.

Nhưng có lẽ, không ở đâu ảnh hưởng của thế Beat lại sâu đậm qua phong trào hippy phản chiến những năm 60. Bước vào thập kỷ 60, văn hóa Beat phát triển trải qua một biến đổi: thế hệ Beat mở đường cho phong trào phản văn hóa (counterculture) những năm 60; đi cùng bằng một sự thay đổi thuật ngữ từ “beatniks” đến “hippie”. Phong trào phản văn hoá chia làm hai khuynh hướng: hoạt động chính trị (politicos) đứng dưới ngọn cờ phe tả mới (New Left) và khuynh hướng đâm sinh hoạt bừa bãi (drruggies). Những người Beat không đứng hẳn về một khuynh hướng nào nhưng họ nhiệt tâm ủng hộ những người phản kháng khi lên tiếng: đòi hòa bình, bình đẳng, tự do hôn nhân cho người đồng tính…

San Francisco trở thành trung tâm của phong trào phản chiến với sự kiện Mùa hè tình yêu (1967). Cuộc tụ tập đó mang tên "Human Be-in" (Dấn thân làm người). A. Ginsberg thuyết giảng đấu tranh ôn hòa bằng các đóa hoa trên tóc, trên áo... (theo lời hô hào của ca sĩ Scott McKenzie trong bài hát San Francisco: “Nếu bạn đến San Francisco/ Hãy nhớ cài hoa trên tóc”) như một thứ sức mạnh (flower power). Phong trào hippy khởi đầu cho lối sống cộng đồng chia sẻ... tạo ra văn hóa nhóm (subculture).

A.Ginsberg trong chừng mực nào đó sớm gần gũi với thần tượng thập kỷ 60 là nhà văn, nhà tâm lý theo thuyết vị lai
Timothy Leary và giúp ông ta phân phối LSD [9] trong nhóm người sử dụng chất kích thích. Hippy thể nghiệm cuộc sống tình dục chung, ma tuý, tuyên bố quyền lực yêu đương, trở về với đất và thiên nhiên. Họ để tóc dài, ăn mặc quần óc lập dị mê nhạc rock. Khẩu hiệu nổi tiếng: “Make love, not war” (yêu nhau và quên chiến tranh) . A. Ginsberg trở thành “guru” (đạo sư) của những người phản kháng. Ông cùng với H. Marcuse (nhà Triết học Mỹ gốc Đức) và P. Goodman (Nhà văn và triết gia Mỹ) trở thành thầy tư tưởng của những người phản kháng. Những nghệ sĩ của thời đại Hippy như Bob Dylan, The Beatles, The Door, U2… đều là fan của “Beats” và thừa nhận ảnh hưởng tinh thần của thế hệ Beat trong sáng tạo của họ.

Mặc dù không tạo ra một lối sống mới thoát ly xã hội công nghiệp nhưng thế hệ Beat và sau này là thế hệ Hippy đã có ảnh hưởng đến đời sống xã hội Mỹ về sau đó ý thức bình đẳng được nhấn mạnh hơn, nhiều tục lệ phiền toái bị bỏ, cuộc sống bớt gò bó. Nhà văn, nhạc sĩ Michael McClure nhận định: “Nếu thanh niên hồi đó không kiên quyết hy vọng vào một nền văn hóa mới, một kiểu mẫu gia đình mới, một cộng đồng sống mới, nếu họ không thể hiện niềm tin của mình vào hòa bình, thiên nhiên, giới tính... thì giờ này, hẳn chúng ta vẫn đang vùi mình trong tối tăm”.
Vậy là từ một nhóm nhỏ người bạn say mê văn chương, thế hệ Beat đã bất tử trở thành một huyền thoại văn hóa của nước Mỹ.

Chú thích:
[1] Irwin Allen Ginsberg (3/ 6/ 1926 – 5/ 4/ 1997) sinh tại Newark, New Jersey, là con của Naomi Levi Ginsberg, một phụ nữ Nga gốc Do Thái và Louis Ginsberg, một nhà thơ có uy tín ở địa phương. Allen Ginsberg học Đại học Columbia. Bước ngoặt trong đời là khi ông gặp Jack Kerouack và Williams S. Burroughs, những nhà văn về sau sẽ trở thành nòng cốt của phong trào Beat. Tốt nghiệp đại học năm 1948, ông làm rất nhiều nghề: thuỷ thủ, thợ nhà in, rửa bát, nhân viên tiếp thị... Năm 1950, A. Ginsberg đến San Francisco, ở đó ông gặp các nhà thơ trường phái San Francisco. Ông trở nên nổi tiếng với bài thơ Hú được dịch ra 24 thứ tiếng khác nhau. Ông trở thành phát ngôn của thế hệ Beat lừng danh. A. Ginsberg đã được bầu vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Mỹ.



[2] Jack Kerouac (12/ 3/ 1922 – 21 / 10/ 1969) là một gương mặt, là hình ảnh hàng đầu của Thế hệ Beat Mỹ. Ông sinh ở Lowell, Massachusetts, là con thứ ba trong một gia đình lao động di dân từ Canada. Năm 17 tuổi ông vào Đại học Columbia với một học bổng football nhưng không lâu đã bỏ học, rồi vào hải quân một thời gian trước khi được trả về vì lý do “loạn tâm thần”. Sau đó ông vào ngành hàng hải đi các vùng khác nhau ở Mỹ và Canada, bước khởi đầu cuộc sống phiêu bạt sau này sẽ làm chất liệu cho nhiều tác phẩm văn xuôi và tiểu thuyết nổi tiếng, phần lớn là tự thuật, hay bán tự thuật. Từ 1944, ở Columbia, ông bắt đầu giao du với một nhóm nhà văn nhà thơ trong đó có William Burroughs, Allen Ginsberg, tiếp sau đó là Gary Snyder, Gregory Corso, rồi Peter Orlovsky... Cuối đời, Kerouac có một cuộc sống khá liều lĩnh, thường xuyên dùng ma túy. Tiểu sử của ông có lẽ từ ngày ông qua đời, 21 tháng 10 năm 1969 do bị xuất huyết đường ruột, ở St. Petersburg, Florida.

[3] William Seward Burroughs (5/ 2/ 1914 (1914-02-05) – 2/ 8/ 1997) là nhà văn nổi tiếng của thế hệ Beat. Ông sinh ở St. Louis, Missouri. Ông học đại học Harvard (1932 - 1936). Sau thời gian chu du châu Âu ông gia nhập quân đội vào năm 1942. Giải ngũ ông bắt đầu viết văn và quen biết các nhà văn Beat khác. W. Burroughs cùng với J. Kerouac và A. Ginsberg trở thành bộ ba huyền thoại của thế hệ Beat. Thời gian sau, ông sống nhiều nơi chủ yếu Anh, Pháp và Kansas (Mỹ). Ông qua đời tại quê nhà St. Louis, Missouri.[4] Thế hệ mất mát (The Lost Generation) chỉ những thế hệ người - mất gốc , mất lý tưởng, mất niềm tin, lạc loài, lạc lối - họ hoang mang và ủy mị trước sự biến đổi quá nhanh của ngoại cảnh và nghiêng theo tư tưởng bi quan yếm thế. Khái niệm Lost Generation xuất hiện đầu tiên tại Hoa Kỳ sau thế chiến thứ nhất 1914 – 1918, khởi đầu từ tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc của Ernest Hemingway sau đó là tiểu thuyết Gatsby vĩ đại của Francis Scott Fitzgerald.

[5] William Carlos Williams (17/ 9/ 1883 – 4/ 3/ 1963) là một gương mặt quan trọng của thơ ca Mỹ thế kỷ 20. Ông sinh tại Rutherford, New Jersey. Năm 1902, vào học khoa y ở Đại học Pennsylvania và suốt đời hành nghề y khoa tại quê nhà. Williams là nhà thơ đã làm thay đổi diện mạo thơ ca Mỹ hiện đại. Ông là nhà thơ góp phần quan trọng nâng cao ý thức về tính đặc thù của văn chương Mỹ. Một nền văn chương đề cao sự cụ thể, tính địa phương, và sự trực tiếp trong ngôn ngữ. Ông quan niệm ngôn ngữ thơ phải có khả năng truyền đạt trực tiếp, như cái cách mà nó được sử dụng trong đàm thoại hàng ngày. Thơ, theo ông, phải mang tính đặc thù địa phương, cụ thể và chính xác. Khẩu hiệu thơ nổi tiếng của Williams: “không ý tưởng, chỉ bằng vào sự vật”. Ông là nhà thơ ảnh hưởng đến nhiều tên tuổi nổi tiếng như Allen Ginsberg, Charles Olson, Denise Levertov, Robert Creeley
[6] Bebop là một trào lưu hay một phong cách trong nhạc jazz trong giai đoạn 1945-1955. Giữa những năm 40, một số nghệ sỹ nhạc jazz nổi tiếng như Charlie Parker, Dizzy Gillespie, Thelonious Monk cảm thấy cần có một xu hướng mới trong âm nhạc. Họ muốn có nhiều cơ hội cho việc biểu cảm của từng cá nhân mà họ đã không có được khi chơi cho ban nhạc lớn. Âm nhạc lúc đó không có nhiều thức thách về giai điệu, hoà âm hay tiết tấu. Họ muốn âm nhạc được chơi không chỉ đơn giản là dành cho các điệu nhảy mà còn dành cho việc cảm thụ khi nghe. Thuật ngữ "Bebop" được hình thành khi các nghệ sỹ jazz luyện âm hoặc hát các giai điệu dành cho nhạc cụ cùng với các âm tiết vô nghĩa khác hay còn gọi là các bản nhạc jazz không lời với thử nghiệm các hoà âm, giai điệu mới với tiết tấu nhanh hơn cho các sáng tác ngẫu hứng.



[7] Nhận định của Barry Lewis: “Cắt-vụn là phát kiến của Tristan Tzara, người đã dự kiến nó như một hình thức ngôn từ tương đương với hình thức cắt dán của phái lập thể và phái Dada trong nghệ thuật tạo hình. W. Burroughs còn sử dụng kĩ thuật gấp-lại tức là một trang văn bản được gấp theo chiều dọc, rồi sắp song song với một trang khác cho đến chừng nào hai nửa đánh cặp khít khao với nhau. Cũng như cắt-vụn, cố hết sức để tránh những cái khuôn của văn chương hư cấu bình thường. Còn ít văn bản trực tiếp vay mượn những kỹ thuật này, nhưng tinh thần chuộng may rủi của Burroughs dứt khoát là giống với nhà văn hậu hiện đại sau này như Julian Cowley ghi nhận trong một tiểu luận về Ronald Sukenick (1987), trong cả âm nhạc và văn chương: "Thái độ sẵn sàng du hành với ngẫu nhiên có thể được xem là một thái độ hậu hiện đại tiêu biểu". (Nguyên tác: "Postmodernism and Literature, or: Word Salad Days, 1960-90",trong The Icon Critical Dictionary of Postmodern Thought, ed. Stuart Sim (Cambridge: Icon Books, 1998) do Hoàng Ngọc – Tuấn dịch)
[8] Thượng tọa Chogyam Trungpa (2/ 1939 - 4/ 4/ 1987) là nhà sư đầu tiên truyền bá mật tông Tây Tạng sang phương Tây. Cùng với thượng tọa Tarthang Tulku, Chogyam Trungpa cũng là bậc Bảo Quý (tiếng Tây Tạng gọi là Rinpoche, nghĩa là “quý báu”, giáo phẩm cao nhất trong Phật Giáo Tây Tạng tương đương với Thượng Tọa và Hòa Thượng của Việt Nam). Cả hai vị này đều lại được giáo hội Phật Giáo Tây Tạng truy nhận từ lúc còn rất nhỏ bé là Bồ Tát Hóa thân, hiện thân (Tulku). Tarthang Tulku là hóa thân thị hiện của sư trưởng tông Phái Nyingma và nối tiếp dòng tu Tarthang trong truyền thống Mật tông Padmasambhava; còn Chogyam Trungpa là hậu thân thứ mười một của Sư Trưởng Trungpa Tulku thuộc tông phái Kagyu và nối tiếp dòng tu viện Surmang trong truyền thống Mật tông Marpa và Milarepa. Chogyam Trungpa rời bỏ Tây Tạng năm 1959 tỵ nạn ba năm ở Ấn Ðộ. Rồi đến Anh quốc 4 năm học ở đại học trường Oxford, rồi năm 1970 thì Chogyam Trungpa đến định cư ở Mỹ, xây dựng nhiều Phật học viện. Chogyam Trungpa cũng là một thi sĩ với tập thơ tiếng Anh Mudra (1972).
[9] LSD là loại chất ma túy gây ảo giác do nhà hóa học người Thụy Sĩ Albert Hofmann (1906 - 2008) xác định vào năm 1938. Ông Hofmann từng hy vọng là chất LSD có thể đóng góp cho công cuộc nghiên cứu y khoa. Tuy nhiên, chất này đã mau chóng trở thành một loạo ma túy được giới hippie của thập niên 1960 ưa chuộng. Hoa Kỳ cấm dùng LSD vào năm 1966, và sau đó, những nước khác cũng có những lệnh cấm.



Tài liệu tham khảo:
1. Allen Ginsberg: Howl and other poems (in lần 40), City lights book, San Francisco, 1/ 1992.
2. Allen Ginsberg: Collected Poems 1947 – 1980, Harper & Row, New York, 1984.
3. Allen Ginsberg: Spontaneous Mind 1958 – 1996, Harper Collins Publisher, New York, 2001.
4. Jack Kerouac: On the road, Viking Press, New York, 2007.
5. Kathryn Van Spanckeren: Phác thảo văn học Mỹ (Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 11/1998)
6. Nhiều tác giả: Quotationsabout Poetry and Poets (Nguồn:


Linh Đàm, 8/ 2008
Hàm Đan dịch từ nhiều nguồn trên internet
http://www.mollieb.us/poetryquotes.html)
7. Nhiều tác giả: 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ 20, NXB Hội nhà văn, 2005.
8. Nhiều tác giả: Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lí thuyết, NXB Hội nhà văn, 2003.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét