Danh họa Trần Văn Cẩn sinh ngày 13 tháng 10 năm 1910 tại thị xã Kiến An, tỉnh Kiến An (cũ) nay là Quận Kiến An thuộc thành phố Hải Phòng. Chính vùng biển quê hương đã cho ông một tâm hồn nhạy cảm mà vẫn phong phú trong tưởng tượng làm nền tảng bẩm sinh cho một họa sĩ tài năng sau này.
Năm 1925, Trần Văn Cẩn thi đỗ vào trường Bách nghệ Hà Nội học khoa Vẽ mẫu - đăng ten và thiết kế đồ gỗ. Năm 1930, sau khi tốt nghiệp, ông làm ở Sở cá Nha Trang với công việc vẽ lại những con cá lạ để lưu làm hồ sơ tư liệu. Tại đây, ông được tiếp xúc với cuộc sống của những người đi biển đồng thời được gặp một số hoạ sĩ người Pháp. Được tiếp xúc với hội họa phương Tây trong ông như bùng lên mơ ước trở thành hoạ sĩ. Ông bắt đầu vẽ biển và cảng cá. Trở ra Hà Nội, Trần Văn Cẩn học lớp dự bị do hoạ sĩ Nam Sơn hướng dẫn rồi thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 7 (1931 - 1936). Cả khóa chỉ có 6 sinh viên do họa sĩ Victor Tardieu làm hiệu trưởng và là ngưòi dạy chính.
Tuy học sơn dầu nhưng Trần Văn Cẩn cũng nghiên cứu về sơn mài. Ông mày mò thể nghiệm, pha chế nguyên liệu từ “sơn ta”. Sau nhiều lần thất bại, ông mới dần tìm ra được một bảng mầu rực rỡ chưa từng có trong sơn mài mỹ nghệ truyền thống và góp phần đưa sơn mài thành một chất liệu quý giá không thể thiếu trong sáng tạo mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Thời gian này “sơn ta” cũng giống sơn Trung Quốc và Nhật Bản chỉ được sử dụng cho các vật dụng hàng ngày như khay, tráp, đồ thờ... Bảng màu "sơn ta" chỉ có: cánh gián, then, son, vàng, bạc; thêm xà cừ, vỏ trứng để khảm, gắn. Các chất liệu khác pha chế vào không mấy khi đạt hiệu quả. Một số hoạ sĩ Pháp khi đó còn tuyên bố: “Sơn An Nam không nên và không thể đi vào con đường hội hoạ”. Năm 1932, hoạ sĩ Trần Quang Trân là người đầu tiên đã dùng bột vàng rắc lên màu sơn cánh dán để chuyển màu và chất. Sự kiện này đã đưa sơn ta từ lĩnh vực trang trí sang nghệ thuật hội hoạ.
Các họa sĩ lúc đó bắt đầu nghiên cứu cải tiến nghệ thuật biểu hiện của tranh sơn dầu. Có đầu óc tân tiến, tự do, phóng khoáng, Nguyễn Gia Trí đã một mình đứng riêng thành một trường phái sơn mài có quan niệm tạo hình mới, kết hợp Ðông – Tây, thể hiện tác phẩm hoàn toàn bằng chất liệu và kỹ thuật cổ truyền. Trong khi đó, Trần Văn Cẩn đi vào một kỹ thuật thoáng hơn. Năm 1936, ông sáng tác tranh sơn mài: Tiễn anh khóa đi thi hương bố cục theo hình thức bình phong - hình người to - dàn hàng ngang - những dân làng của một thời xưa theo chân anh khóa với ngựa trắng dắt theo chờ người cưỡi, cách điệu theo lối dân gian, thể hiện bằng mấy màu son, then, cánh gián, vàng lóng lánh, rực rỡ làm hiện lên cảnh tiễn đưa vui vẻ, tưng bừng và tràn đầy hi vọng...Tranh này được ông hiệu trưởng Tardieu đánh giá cao, chấm cho Trần Văn Cẩn đỗ thủ khoa khóa VII, trên cả thứ hạng của họa sĩ Nguyễn Gia Trí học cùng lớp, bài thi tốt nghiệp của họa sĩ Nguyễn Gia Trí là một tác phẩm lụa.
Trần Văn Cẩn cũng quan tâm đến tranh lụa. Nhiều lần ông đến Đông Hồ (Bắc Ninh) và Hàng Trống (Hà Nội) để tìm hiểu nghệ thuật tranh khắc gỗ cổ truyền. Ông thích lối in chồng nhiều bản màu khác nhau của các nghệ nhân Đông Hồ và lối in nét sau đó bôi màu của tranh Hàng Trống, học lấy những tinh tuý, để sáng tạo nên những bức tranh đặc sắc.
Trước cách mạng tháng Tám thành công, có thể nói họa sĩ Trần Văn Cẩn là một trong những người đoạt nhiều giải thuởng hội họa nhất. Năm 1934, đang học năm thứ ba,ông đã vẽ bức tranh lụa có nhan đề Mẹ tôi diễn tả gần như bình đồ (teinte plate) của mỹ thuật Đông Dương. Bức này được trưng bày ở Pháp và được các nhà phê bình nghệ thuật Pháp khen ngợi trên nhiều mặt báo. Tiếp thu phương pháp nghệ thuật Âu Tây nhưng Trần Văn Cẩn, cũng như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung,... vẫn tìm cho mình một bản sắc nghệ thuật Việt Nam. Năm 1935, Triển lãm mỹ thuật lần thứ nhất ở Hà Nội, Trần Văn Cẩn trình bày bốn tác phẩm : Em gái tôi (sơn dầu), Cha và con (lụa), Bờ sông Hồng (khắc màu) được tạp chí Ý chí Đông Dương (La Voloté Indochinoise) rất khen ngợi. Năm 1936, triển lãm lần hai ông lại cho ra mắt ba bức lụa Cô đơn, Chăn ngựa, Chân dung. Năm 1939, Trần Văn Cẩn sáng tác hai bức tranh lụa Gánh lúa và Ngư dân gửi đi triển lãm ở Tôkiô (Nhật Bản) được đánh giá cao. Năm 1943 Triển lãm mỹ thuật ở Hội Khai trí tiến đức, họa sĩ Trần Văn Cẩn được tặng giải nhất với hai bức Em Thúy (sơn dầu) và Gội đầu (khắc màu).
Riêng với bức tranh Em Thúy, đã hơn nửa thế kỷ qua, bức tranh này đã gợi bao ấn tượng đẹp trong công chúng nghệ thuật Việt Nam và cả ở nước ngoài. Mỹ thuật Việt Nam rất ít có tranh chân dung, nhưng từ khi có trào lưu mỹ thuật hiện đại tranh chân dung trở thành một thể loại mà các hoạ sĩ Việt Nam chú ý vẽ nhiều nhưng thành công thì rất ít. Trong những tranh chân thì tranh Em Thuý là một trong những tranh được nhiều cảm tình hơn cả. Nhân vật trong tranh là một cô bé ngồi trên ghế mây, hai tay đặt vào nhau ở đùi, đôi vai gầy nhỏ bé, cánh tay còn thanh mảnh, nét mặt thơ ngây với cái mũi nhỏ và đôi môi còn trẻ thơ. Riêng hai con mắt mở to nhìn cuộc đời rất trong sáng và tin tưởng. Nhưng dự cảm phải chăng là một nỗi buồn sắp lìa bỏ tuổi thơ? Nét ghế mây ôm lấy thân hình như che chở, một vài hoạ tiết nhỏ ở sau lưng. Màu áo trắng nhấn mạnh ý nghĩa trong sáng của tuổi thơ. Nền vàng nhẹ như quyện vào thân thể, với da thịt, quần áo. Toàn bộ sự trong sáng toát lên từ nét bút của tác giả, nhẹ nhàng vờn ở khuôn mặt, nét tóc, đôi tay cho đến cả nền nhẹ ở phía sau.
Năm 1944, Trần Văn Cẩn gặp hai nhà hoạt động văn hóa đi theo cách mạng là Như Phong và Nguyễn Đình Thi trong nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Từ đó, ông dần ý thức được nghệ thuật phục vụ nhân sinh, phải đánh Pháp đuổi Nhật giành độc lập cho đất nước.
Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Văn Cẩn cùng nhiều hoạ sĩ khác đã hồ hởi dựng hàng chục tranh cổ động quanh hồ Hoàn Kiếm, bức tranh Nước Việt Nam của người Việt Nam có dòng chữ tiếng Anh của Trần Văn Cẩn đã được căng trên toà nhà Địa ốc ngân hàng (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Năm 1946, triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần đầu tiên dưới chế độ mới được mở tại Hà Nội. Bức Xuống đồng của Trần Văn Cẩn đã được trao giải nhất và được Hội Văn hoá cứu quốc mua, cùng với bức Bác Hồ làm việc ở Bắc bộ phủ của Tô Ngọc Vân và Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của Nguyễn Đỗ Cung. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Trần Văn Cẩn về Sở Thông tin tuyên truyền khu I (Băc Ninh), ông cùng hoạ sĩ Tạ Thúc Bình và một nghệ nhân làng Hồ tổ chức xưởng tranh tuyên truyền, hàng trăm bức tranh đã từ đây đưa đi khắp nơi.
Tháng 7/1948, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc, Trần Văn Cẩn được bầu vào Ban thường vụ Hội văn nghệ Việt Nam. Năm 1951, tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn quốc với hai bức tranh cổ động đã được giải thưởng. Năm 1953 ông cùng học sinh trường Mỹ thuật tham gia cải cách ruộng đất và đi các chiến dịch. Tháng 6/1954 Tô Ngọc Vân hy sinh, Trần Văn Cẩn thay thế đảm nhiệm Hiệu trưởng truờng Mỹ thuật và giữ cương vị này trong 15 năm (1954 -1969).
Tác phẩm Tát nước đồng chiêm (Sơn mài) vẽ năm 1958, tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ 7 được dư luận đánh giá cao đem lại cho Trần Văn Cẩn những hào hứng mới cho sáng tác. Tát nước đồng chiêm là tác phẩm son mài có giá trị nghệ thuật bậc nhất trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Bố cục tranh thật chặt chẽ khó tìm ra một sơ hở nào, các mảng đầy vơi (plein, vide) đan xen nhịp nhàng, nhân vật là những cô gái quê uyển chuyển đang tát nước gàu giai, những dáng cúi, ngửa vô cùng tự nhiên, gió thổi, cò bay, các khóm tre lay động, những gàu nước đổ nghe như có tiếng ràn rạt, bức sơn mài như phát ra cả âm thanh. Cùng năm ông cùng đoàn Việt Nam tham gia Triển lãm Mỹ thuật quốc tế tại Matxcơva, bạn bè quốc tế hết sức thích thú với tranh sơn mài Việt Nam và coi đó là sự đóng góp cho mỹ thuật thế giới. Sau chuyến đi đó, Trần Văn Cẩn nhận thấy mỹ thuật Việt Nam cần gắn bó với cuộc sống hơn nữa. Từ đó, ông đã cho ra đời một loạt tác phẩm xuất sắc: Nữ dân quân vùng biển, Mùa đông sắp đến, Chân dung bác thợ lò, Thiếu nữ áo trắng... Ông được bầu là đại biểu Quốc hội khoá II vào năm 1960.
Uy tín của Trần Văn Cẩn không chỉ ở trong nước mà còn ảnh hưởng rộng ra ở nhiều nước Á, Âu, Mỹ la tinh. Ông tham dự triển lãm Mỹ thuật quốc tế các nước xã hội chủ nghĩa ở Matxcơva, sang Cuba dự hội nghị Văn hóa thế giới lần III, tham gia Hội đồng chấm thưởng Triển lãm quốc tế hội họa hiện thực ở Xôphia (Bungari), trình bày ký họa ở Angiêri, là ủy viên Hội đồng Triển lãm quốc tế lần thứ IV ở Ấn Độ (Quadriennale India), ủy viên Hội đồng chấm giải đồ họa quốc tế ở Béclin (Đức). Ông còn được bầu là Viện sĩ của Viện Hàn lâm CHDC Ðức (cũ).
Ông ra đi thanh thản vào sáng sớm ngày 31 tháng 7 năm 1994 tại bệnh viện Việt – Xô, Hà Nội. Trong ký ức của đồng nghiệp, họ trò và người yêu tranh hiện lên trong ký ức không chỉ là một họa sĩ lớn của đất nước bên cạnh đó còn là một con người sống nhiệt tình và đôn hậu trong ngày thường.
Với cương vị Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam ông có công lớn trong việc xây dựng phong trào và xây dựng phương hướng của mỹ thuật Việt Nam. Với những đóng góp to lớn, Trần Văn Cẩn đã vinh dự được bầu là đại biểu Quốc hội khoá II vào năm 1960 và được nhận nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng nhất và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).
HÀM ĐAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét