Đằng sau vẻ buồn hiu như cảnh chợ chiều, đời sống thơ ca đang phát triển dưới bề sâu mà đa phần độc giả lại không hề biết đến. Thơ Việt đã chia ra hai “phe”rõ rệt: cũ và mới.
Thời sự thơ mấy năm gần đây cứ xoay quanh câu chuyện thơ bị xa lánh và bản thân thơ ca cũng chưa có tác phẩm nào tạo được tiếng vang trên văn đàn...
NÀNG THƠ ĐI Ở ẨN
Người ngoại đạo cũng có thể lí giải vì sao độc giả không còn yêu thơ; bởi đơn giản thơ đã bị các phương tiện truyền thông, giải trí bóp đến mức “sống mòn”. Tệ hơn, thơ cũng không thể cạnh trạnh nổi với các thể loại văn chương khác như truyện ngắn và tiểu thuyết. Người ta có thể bỏ hàng giờ ngồi đọc một cuốn tiểu thuyết hơn là dành năm phút để chỉ đọc một bài thơ. Đọc một tiểu thuyết, họ sẽ lượm được những tình huống bịa mà thú vị, những nhân vật hư cấu y như thật được nằm gọn trong một cốt truyện kịch tính và bất ngờ. Thơ ca chỉ quanh quẩn những đề tài lặp lại nhẵn mặt mang tính công thức đến nỗi đọc nhan đề bài thơ đã đoán biết nội dung là gì. Chẳng hạn viết về tuổi học trò thể nào cũng có phượng, tà áo trắng, nắng sân trường…; viết về nông thôn là hình ảnh bờ đê, cây đa, hội hè đàn ca sáo nhị…được gói ghém trong những thể thơ lục bát, năm chữ, bảy chữ vần vè “du dương” ru ngủ. Hàng trăm nghìn bài thơ xuất hiện trên báo, truyền hình, phát thanh và cả sách giáo khoa cứ na ná nhau về nội dung và hình thức. Lắm khi, đài truyền hình không chọn được bài thơ mới nổi trội về chất lượng đành phải sử dụng những bài thơ từ thời kháng chiến chống Mỹ.
Một nguyên nhân nữa để thơ bị mất giá là do có quá nhiều… thơ. Chưa có một thống kê cụ thể số tập thơ xuất bản hàng năm nhưng số lượng không hề lép vé so với những người chuyên trị văn xuôi bởi giờ đây in một tập thơ riêng quá dễ và quá rẻ. Trong số những nhà thơ tự bỏ tiền túi có người còn nói ngọng và viết sai chính tả. Một số khác in thơ để được gọi là nhà thơ – một danh hiệu sang trọng bậc nhất ở xứ mình. Tóm lại, bất cứ thứ gì nhiều đến mức lạm phát và dậm chân tại chỗ về chất lượng thì chẳng ai có thể mê được. Thơ cũng không phải ngoại lệ. Đến đây, nhiều người có thể buông một lời kết: “Thế là hết đời thơ!”.
Đúng là thơ đang chết nhưng là thơ cũ. Nói là thơ cũ vì các bài thơ này mang đặc trưng của thời kỳ 1932 – 1945 kéo dài là lãng mạn nói thẳng ý nghĩa vì thế nó dễ hiểu, nó sử dụng vần điệu nên dễ đọc. Không ai cho rằng chúng không có giá trị chỉ có điều nó đã thành mẫu mực đóng khung trong viện bảo tàng văn học. Sứ mệnh làm mới thơ Việt đã trao tay sang những nhà thơ trẻ chịu ảnh hưởng của các trào lưu nghệ thuật hậu hiện đại. Vì thế, thơ không chết, thậm chí đang rất sung sức. Chỉ có điều, nàng thơ thế kỷ 21 trên đất Việt đã đi ở ẩn vì lẽ thơ ngày hôm nay đã không còn dành cho số đông. Đại bộ phận độc giả chưa có “duyên kì ngộ” gặp được thơ cách tân táo bạo. Hầu hết họ luôn nhầm tưởng toàn bộ nền thi ca Việt đang tồn tại ở dạng sách do các NXB in ấn hoặc trên phát thanh truyền hình mà không biết rằng có một bộ phận khác tồn tại chủ yếu ở internet và… photocopy chuyền tay. Tiếc thay phần phi chính thống này lại chứa đựng nhiều giá trị mới mẻ hơn.
Nếu vô tình gặp được một bài thơ kiểu mới chắc chắn đa số người đọc là phản ứng “sốc” và chối bỏ vì cho rằng đoạn văn bản vừa đọc không phải là thơ. Muốn đọc được thơ ngày nay chứ chưa nói là cảm và hiểu được thơ để đánh giá một bài thơ hay/ dở cần phải có trình độ văn hoá, thái độ tiếp nhận tương ứng với nghệ thuật thơ. Nó cũng tương tự như việc chỉ mất vài giờ “xoá mù” vi tính nhưng đừng nghĩ bạn đã biết tất cả; sẽ mất mấy tháng để tự thiết kế một website hay viết một phần mềm. Thơ cần sự chuyên tinh ở nhà thơ và cả ở độc giả. Tình trạng “không cùng tiếng nói chung” đẻ ra một cảnh ngộ hài hước là có nhiều bài thơ, thậm chí là cả tập thơ rất giá trị trong khi đó đại bộ phận người đọc lại gào lên không có một tập thơ nào hay.
ĐÍCH ĐẾN LÀ SÁNG TẠO CÁI MỚI
Ở trong môi trường ngoài lề ngỡ thơ mới sẽ tồn tại lay lắt trái lại nó lại phát triển nhanh chóng, phong phú các xu hướng khác nhau đôi khi còn “cãi” nhau. Nhưng chúng có những đặc điểm khác hẳn với thơ chính thống.
Trước hết, thơ ngày nay chấp nhận mọi nội dung lẫn hình thức biểu đạt. Nói nôm na là thích viết gì thì viết và thích dùng “thể thơ” gì thì tuỳ. Có thể trong một dòng thơ cách một khoảng trắng như thơ Nguyễn Thuý Hằng:
căn phòng 36m2 cửa luôn mở tủ lạnh chất đầy không khí + thuốc ho cơn buồn nôn thi nhau tuôn thành vòi bồn rửa mặt đuối
(Thời hôm nay, khoái cảm, điên rồ hợp lí)
Thậm chí còn cực đoan hơn như bài Mặc em xanh áo của Trần Nguyễn Anh:
2 3 4 5 6 7 8 9 10 2 4 6 8 10 10 10 10 10 10 10 10 10 10 10 10 1,001 1,002 1,003 1,004 1,005 1,006 1,007 1,008 1,009 2 2 (bằng) 4 (khoảng) 7 8 (mồm) 5 (miệng) 10 3 5 7 cn 2 4 6 8 10a (số 2 cũ) 10b 10c 10d (còng số) 8 (cửa số) 9a 13 1 2 3 4 1 2 3 4 1 2 3 4 1...2 1...2 1...2 1...2 1...2 1...2 1...2 1...2 1...2 1...2 (trên) 6 (dưới) 8 2...3 2...3 2...3 2...3 2...3 9,5 9,5 9,5 9,5 9,7 9,5 9,5 1 2 3 4 5 6 7 8 2 2 3 4 5 6 7 8 3 2 3 4 5 6 7 8 4 2 3 4 5 6 7 8 (hít thở)
Câu hỏi của nhiều người sẽ là ông nhà thơ này đang định nói cái gì? Chẳng ai biết! May ra chỉ có mỗi nhà thơ. Mục đích của nhà thơ là không để người đọc hiểu được bài thơ mà chỉ cần gây sự kích thích các giác quan khi tiếp nhận đoạn văn bản trên bởi ngày nay do sự tiếp nhận bằng hình ảnh truyền thông mà con người càng ngày càng lười suy nghĩ. Sự lạ hoá này là cách phản ứng lại thứ thơ “Trăm năm trong cõi Mê-kông/ Thi pháp truyền thống vắt dòng ngây ngô” (Nguyễn Quốc Chánh). Câu hỏi thắc mắc chính là sự biểu hiện cho bài thơ đã-được-chú-ý dù bị phê phán.
Hình thức thơ ngày nay khiến độc giả “ngứa mắt” còn nội dung hẳn gây ra nhiều cơn sốt “nóng mặt” như đoạn “thơ” của Đặng Thân viết về nhà văn nổi tiếng G. Marquez:
“Bố già Colombia sinh năm Mậu Thìn này có cái đầu của 1 con rồng [tồng ngồng]. Nghĩa là nó [cái đầu] cũng đầy chất hoang dã [dại dâm đường hoác hổng mang phế phí tàn thai toàng tưởng vu] và sặc mùi ma túy. Đời bố già lang bạt kỳ hồ trong đám bần cùng khố dây, trộm cướp, đĩ điếm, hút chích, buôn người, lái súng... Không tin thì quý vị chỉ cần nghe tên mấy siêu phẩm của bố già là đủ khiếp rồi: Cien años de soledad (Trăm năm cô đơn) [thế thì chết chứ sống làm sao], La mala hora (Một giờ ma quỷ) [người thì ai dây với lão làm gì], Crónica de una muerte anunciada (Cái chết được báo trước) [thì chỉ có quân giết người mới biết điều đó], chưa kể những El amor en los tiempos de cólera (Tình yêu thời thổ tả) [nhiễm phải thì chỉ ba/bảy hôm là đi], Memoria de mis putas tristes (Hồi ức về các em phò phạch chán đời của tôi) [gái nhà lành ai thèm dây với lão, thảo nào bố già sành lối văn "cưỡng đoạt" (appropriation)]... Thôi, không kể nữa!”
(TỪ ĐIỂN THI X/X LOẠI [chúng sinh] - Vần G (1))
Nhiều người sẽ phủ nhận đây không phải là thơ. Trong tâm trí người đọc, thơ là phải có vần điệu, dùng mỹ từ, chủ đề cao cả (tình yêu, tình bạn, tình cảm hàng xóm…). Nếu tất cả yếu tố trên là thơ thì vì sao những bài thơ không vần, dùng từ thô ráp (thậm chí từ vỉa hè), chủ đề tầm thường (viết về tiểu sử một ông nhà văn) lại không phải là thơ. Thơ cũ quá chú ý đến “tải đạo”, thỉnh thoảng lại dạy dỗ độc giả hoặc là sự buồn bã uỷ mị mà quên đi sự phong phú, vẻ đẹp tự nhiên của cuộc sống thường nhật: Thi ca ta đầy tóc, môi và mắt/ Nhưng hiếm ai có vú (Thơ song nghĩa – Đinh Linh). Vấn đề nằm ở nhận thức bất cứ cái gì cũng có thể thành thơ. Chính vì chấp nhận điều này cho nên thơ mới không phân biệt lối thơ này hay hơn lối thơ khác, nghiêm trang hay cười cợt hoặc cái thiêng/ cái tục như: Đại đường t. Như tiểu đường, nhưng trầm trọng hơn (Những từ điển mới – Đinh Linh). Sự giải thiêng không phải là lai căng, hãy nhớ Hồ Xuân Hương đã từng làm cách đấy hơn 200 năm với câu thơ: “Kìa cái diều ai nó lộn lèo”.
Không phải cứ làm phá cách theo kiểu phá phách là đúng đắn. Sự tự do, đa nguyên trong sáng tác là tinh thần của thơ mới. Thơ hậu hiện đại dung chứa những câu thơ giản dị, đời thường của Phan Thị Vàng Anh: Mặc nhiều áo tới nỗi xa lạ với da thịt của chính mình (Ngày lạnh nhất Hà Nội) và cũng nhận về mình những câu thơ chứa chất suy tư từ những câu phức của Như Huy: “Với một bộ ngữ pháp lạ lùng, em cướp đi trọn vẹn nguồn từ vựng của anh — bắt đầu từ đó, các động tác của lưỡi, miệng cùng những ngón tay gõ gõ vào bàn phím chỉ còn là những nỗ-lực-không-thành-miên-viễn-của-anh-thôi, nhằm tái thiết lại thế giới và hiện thực” (Hai câu phức)
Có người thuộc về phong trào thơ mới tuyên bố: “Chúng tôi không làm thơ”. Thái độ đó là ý thức quyết liệt làm mới thơ ca như gần 80 năm trước Lưu Trọng Lư có câu thơ ngông để giã từ sự thanh cao của thơ Đường luật: “Chẳng thơ thì cũng cóc cần thơ”. Với những người cách tân thơ ca họ có điểm chung: cái đích đến là sáng tạo cái mới bởi cái mới đồng nghĩa cái khác và cái khác là một giá trị.
Hàm Đan
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét