Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

VĨNH CỬU

Tặng Huyền – một người “thiếu quê hương”

“Hiện tại không bao giờ làm tôi thích thú, tương lai khiến tôi dửng dưng, đối với tôi chỉ có quá khứ là đẹp”. Chắc rằng, với một ý nghĩ như vậy mà Marcel Proust đã viết về nhân vật xưng tôi ăn chiếc bánh madelaine để chợt nhớ lại toàn bộ “thời gian đã mất”.

Có một câu chuyện tương tự như thế nhưng không phải ở Pari mà ngay ở Hà Nội. Đó là ngày 23 Tết, chàng ra ga về nhà. Quê nhà của chàng ở một thành phố biển miền Trung đầy nắng gió và khá buồn tẻ. Nếu cần so sánh, cuộc đời chàng chẳng có gì đặc biệt như thể được lập trình sẵn. Sinh trong một gia đình trung lưu, đi học phổ thông ở quê nhà, thi đỗ đại học, rồi ở lại Hà Nội làm việc. Tương lai ư? Lấy một cô vợ, sinh những đứa con rồi chàng sẽ trở thành ông cụ về lại quê hương để dưỡng già và nằm cạnh những họ hàng của chàng ở trên một ngọn đồi đất pha cát.

Vào những lúc buồn bã, những ý nghĩ của chủ nghĩa hư vô bao bọc lấy chàng khiến chàng âm thầm thừa nhận: cuộc sống quá vô thường. Và vô nghĩa. Mọi việc chỉ kết thúc khi chàng bước vào toa xe lửa sẽ đưa mình về quê. Nhưng đừng vội nghĩ đến một tai nạn đến với chàng trên toa xe lửa ấy. Cuộc sống chàng vẫn chưa thể kết bằng một dấu chấm hết. Mà bằng một dấu chấm để xuống dòng.

Toa số 5. Đây rồi. Chàng bước vào toa. Mục đích đầu tiên chàng hướng đến là tìm số ghế chàng đã đặt mua. Nhưng đôi mắt chàng đã vô tình quan sát không phải chỉ mỗi một con số trên ghế tàu. Chàng đã nhìn thấy một cô gái rất xinh đẹp. Một giây hoặc ít hơn. Đó là thời gian đủ để chàng nhớ lại tất cả những gì mà cô gái đã có với chàng trước đó. Mãi sau này chàng mới biết đó là vĩnh cửu; đó là một thứ khoảnh khắc, khi tất cả những thời gian khác nhau giao nhau một cách huyền diệu.

Mười năm. Phải, mười năm trước, khi còn học lớp năm, chàng và nàng học chung một trường nhưng khác lớp. Chàng là người học giỏi nhất ở một lớp cá biệt cho nên người ta gọi chàng là ‘‘người tử tế nhất trong những đứa vô lại nhất’’. Nàng là một trong những cô bé con nhà giàu, học giỏi, xinh xắn của cái gọi là lớp élite của trường. Chàng và nàng ngồi chung một lớp ôn thi học sinh giỏi. Chung lớp nhưng tâm trạng học tập khác nhau nếu không muốn nói là kì cục. Chàng không tài nào phân biệt nổi các công thức toán học lẫn ngữ pháp tiếng Việt đầy phong ba bão táp; về phần nàng có lẽ kiến thức toán vào bên tai phải, còn cách thức đặt câu vào bên tai trái. Sao lại dùng từ ‘‘có lẽ’’ ? Vì nàng và chàng hoàn toàn là những người xa lạ, không biết tên nhau, không có tình cờ nhìn nhau một lần trong lớp. Chàng chỉ nhìn nàng trong một giây hoặc ít hơn khi buổi ôn thi cuối cùng. Nàng đi trước, bất ngờ quay lại nói một anh chàng khác lớp được chọn vào ôn thi như chàng một câu ngắn. Chàng không nghe rõ nhưng chắc là câu an ủi anh chàng đó vì vào buổi học cuối cùng anh ta đã nói chuyện riêng và bị cô giáo tuyên bố loại khỏi đội tuyển đi thi cho dù điểm thi anh ta cao đến đâu. Người đi cuối cùng là chàng và chính chàng là người cuối cùng nhìn nàng. Bạn nghĩ rằng sẽ có cái gọi là rung động sét đánh ở chàng ư ? Không, chẳng có gì ngoài một sự dửng dưng ở chàng. Hãy nhớ, chàng chỉ là một cậu bé mười tuổi.

Mười năm tiếp đó, chàng và nàng không gặp lại nhau cho dù chàng tin chắc nàng vẫn sống trong thành phố. Cái lộ trình đường đời của nàng có lẽ cũng giống chàng để rồi họ lại gặp nhau ở thành phố của sự hội tụ. Nhưng lần này, chẳng có gì khác so với lần trước. Nàng không hề để ý ánh mắt chàng nhìn nàng suốt cả chuyến đi. Không phải vì ngoại hình của chàng đã thay đổi, chàng hiểu một điều: trong trí nhớ của nàng không có một khuôn mặt nào của chàng. Nói về khuôn mặt, sau mười năm nàng vẫn vậy, kể cả mái tóc, nàng chỉ ‘‘lớn’’ lên mà thôi. Nhưng sở dĩ chàng nhận ra nàng là nhớ có kí ức, có những phút giây vĩnh cửu để lưu giữ lâu dài.

Suốt cả cuộc hành trình chàng chỉ nhìn nàng. Nhìn thôi là đủ. Chàng nghĩ vậy. Làm quen ư ? Bắt đầu từ đâu và để làm gì ? Chàng bỗng nhớ lại hai câu thơ của một người quen : ‘‘Xa lắm rồi, cầu mong đừng gặp lại/ Anh về bụi đỏ tìm em’’.

Những ngày sau, từ sự gặp gỡ tình cờ trên chuyến tàu, chàng cứ nghĩ mãi về những điều siêu hình : thời gian, kí ức, sự lãng quên… Chàng đã tìm ra một phương cách để thoát khỏi nỗi ảm ánh hư vô. Chàng sẽ làm vĩnh cửu hóa những hình ảnh, giọng nói, câu chuyện mà chàng nhận ra trong quá khứ bằng con đường nghệ thuật. Chàng sẽ sống một thế giới khác, ở đó chàng là thượng đế.

Cảm ơn kí ức.

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2010

CHẠM VÀO TRỪU TƯỢNG


Solo là màn độc diễn thể hiện khát vọng của họa sĩ Lê Anh Quân về một cái tôi sáng tạo riêng trong một mảng riêng – một khát vọng mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng riết róng tìm tòi. Solo như một chữ ký của Lê Anh Quân với dòng tranh theo chủ nghĩa trừu tượng (abstractionism) ở VN.

“Người cả tin vào nghệ thuật”

Lê Anh Quân không phải là họa sĩ đầu tiên ở Việt Nam theo đuổi dòng tranh trừu tượng. Các họa sĩ như Lục Quốc Nhượng, Lê Quảng Hà, Mai Hiên, Bùi Hữu Hùng, Lê Hồng Thái, Đỗ Sơn... và đặc biệt là họa sĩ Trần Nhật Thăng mới là “đàn anh” của Lê Anh Quân. Tuy không ít người vẽ tranh trừu tượng song dòng tranh này vẫn không được nhiều người thưởng thức, lí do nằm ở chính đặc trưng nghệ thuật của chủ nghĩa trừu tượng.

Các định nghĩa về chủ nghĩa trừu tượng trong các bộ từ điển bách khoa có khác nhau song có mấy điểm giống nhau, đó là: nghệ thuật trừu tượng không thể hiện thế giới hiện thực nằm trong tầm bao quát của lí trí (tức là không vẽ những gì có thể nhìn thấy được). Theo các nghệ sĩ trừu tượng, thì bức tranh chỉ là biểu hiện cảm thụ bằng ý thức của bản năng người nghệ sĩ, với sự vận động của các yếu tố hình học hoặc phi hình học, trong đó hiện thực đạt đến mức cao nhất có thể bị bóc trần hết các thành tố tình cảm và chủ quan. Muốn hiểu được hội họa trừu tượng có lẽ như Michel Seufort từng viết, đó là: “Một nghệ thuật mà người ta chỉ phán xét một cách hợp pháp, thuần túy trên quan điểm của sự hài hòa của bố cục và trật tự, hay ngược lại sự mất hài hòa, sự phản bố cục hoặc sự mất trật tự được giải thoát, chính là trừu tượng”. Hội họa trừu tượng muốn dựa vào chính nó để chinh phục cái đẹp và cái “gu” thẩm mỹ của người xem, vì cho rằng cái chức năng chính của nó, là chức năng thẩm mỹ.

Sở dĩ phải dài dòng về chủ nghĩa trừu tượng để bật lên một điều: dù nghệ thuật trừu tượng nổi lên từ thập niên 20 của thế kỷ XX nhưng ở Việt Nam nó vẫn là mới mẻ. Truyền thống tả thực trong hội họa Việt Nam rất mạnh khiến cho dòng tranh trừu tượng ở Việt Nam kén người vẽ, kén người xem và nhất là ít… người mua. Họa sĩ nào đi theo dòng tranh trừu tượng cầm chắc phần thiệt về kinh tế lẫn danh tiếng so với các đồng nghiệp chuyên dòng tranh phản ánh hiện thực thuần túy.

Nếu không phải là một sự dũng cảm hiến mình cho nghệ thuật với tinh thần tiền phong thì không bao giờ hơn chục bức tranh có thể ra mắt tại Vietart Centre (42 Yết Kiêu - HN) vào cuối tháng 1/ 2010. Sự thờ ơ của báo chí lẫn người xem đã được dự đoán từ trước nhưng triển lãm Solo lại bất ngờ nhận được nhiều người trong giới. Họa sĩ Đặng Xuân Hòa cho rằng các bức tranh của Lê Anh Quân thể hiện: “…ngờ vực đời sống mà cả tin vào nghệ thuật, phải chăng đấy là khát vọng”.

Khát vọng của Lê Anh Quân cũng như những họa sĩ trẻ khác đó là quyết tâm đổi mới quan niệm thẩm mỹ và ngôn ngữ nghệ thuật để hội họa Việt Nam không bị mất đi vị trí là ngành nghệ thuật cập nhật với thế giới một cách mạnh mẽ và sớm sủa nhất.

Trùng lặp

Chỉ cần chú ý nhan đề của các bức tranh như Thân phận, Hình và bóng 1 & 2, Tự họa… cũng có thể hiểu được về đề tài triển lãm Solo. Không trực tiếp mô tả hiện thực đô thị nhưng Lê Anh Quân bằng dòng tranh trừu tượng đã ngầm nói về tâm trạng con người ở đô thị. Nhà điêu khắc Đào Châu Hải cho rằng: “…họa sĩ đã sớm bộc lộ thế giới quan hội họa với nhiều suy tư về đời sống thị thành đang trên đường xô bồ phát triển. Những thân phận mà chỉ có ở nơi đô thị mới bộc lộ hết sức nghiệt ngã của một xã hội đang ở thời kì quá độ. Phải chăng, đây cũng là một “miền đất hứa” cho những khám phá, những tư tưởng mới thay vì sự nhàm chán của những hình ảnh trong một làng quê đã quá nhàm chán”.

Không cần nói nhiều, ai cũng biết sự đảo lộn tâm trạng của người Việt đối mặt với văn hóa phương Tây hiện nay. Đó là một cú sốc về tâm lý với bất cứ ai khi mà nhịp sống quá nhanh. Với người họa sĩ, nó còn đi kèm với sự khủng hoảng của hình thức biểu đạt. Để diễn tả tâm trạng khi đô thị hóa - một thứ vô hình, Lê Anh Quân đã chọn dòng tranh trừu tượng; có thể xem đó là một hướng đi thích hợp – một con đường hoàng đạo bởi theo họa sĩ trừu tượng Piet Mondrian (1872-1944): “Những sự vật thiên nhiên (bên ngoài) càng lúc càng trở thành máy móc, thì chúng ta nhận thấy sự lưu tâm chính yếu càng ngày càng hướng vào những sự vật bên trong”.

Về mặt kỹ thuật, tranh của Lê Anh Quân không đi theo khuôn mẫu của chủ nghĩa trừu tượng thời kỳ đầu của danh họa Nga Wassily Kandinsky (1866 – 1944), anh không tìm tòi các kí hiệu từ điểm, tuyến, diện để thay mặt cho cái hiện thực được quan sát, và làm tan biến đi các hình tượng cụ thể. Điều làm Lê Anh Quân bận lòng là muốn làm biến mất mọi yếu tố hiện thực, chỉ còn nhìn thấy những mảng màu tạo ra “nhịp điệu” bức tranh hơn là xu hướng thiên về ký hiệu và lối tạo hình mới. Các bức tranh trong triển lãm đi theo hướng chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng (Abstract expressionism). Chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng cho phép mỗi người nghệ sĩ trong đó một bút pháp riêng biệt, nhưng đều biểu hiện với một tinh thần tự do phi thường, như cách nói của Jackson Pollock (1912 – 1956): “Họa phẩm tự nó có sức sống riêng của nó. Tôi để nó tự phóng, tự sinh, tự tồn”. Nhìn tranh Lê Anh Quân dễ nghĩ ngay tới các bức tranh của họa sĩ người Mỹ Jackson Pollock – người nổi tiếng với cách vẽ tự động, bộc phát từ tiềm thức khi ông đặt tấm bạt dưới sàn nhà và cho sơn nhỏ giọt xuống tạo nên bức tranh.

Tuy nhiên, sự nhấn mạnh ở các đề tài làm cho phương cách thể hiện của Lê Anh Quân còn nhiều trùng lặp, chưa tạo ra sự đột phá mới về tạo hình. Lê Anh Quân dùng các gam màu nóng và tối thể hiện sự u uất, ngột ngạt trên một khuôn khổ tranh rộng (có bức hơn 2m chiều ngang) tạo sự sự đối lập hợp lí và có chủ ý của họa sĩ.

Các vật liệu của hội họa tự thân không mang nghĩa, chúng chỉ có thể mamg nghĩa khi ở thế tương quan lẫn nhau trong bức tranh. Tranh trừu tượng hoàn toàn có thể hiểu được, nhưng muốn hiểu được một bức tranh trừu tượng thì phải quan sát kĩ bức tranh đó trên góc độ nghệ thuật để hiểu được một ý nghĩa nào đó đã được tác giả của bức tranh khéo léo dấu đi, khiến cho người xem không thể đoán ra nó ngay được mà phải suy ngẫm, tìm tòi mà tìm ra được nó. Lấy ví dụ bức tranh Cây, Lê Anh Quân không vẽ một cái cây đang rụng lá vàng kiểu bức Mùa thu vàng của Levitan mà anh vẽ một mảng màu vàng xanh lẫn lộn mà trong đó màu vàng chiếm chủ đạo như một kí hiệu về cái cây ở mùa thu. Ở đây, điều họa sĩ cố gắng nhấn mạnh là cái hiệu quả của sự tri giác thực tại mà người xem cần chú ý nghiền ngẫm.

Như vậy, Lê Anh Quân thực sự cho người xem một cơ hội thưởng lãm để cùng với anh chạm vào sự trừu tượng trong hội họa.

Box:

Lê Anh Quân sinh năm 1977 tại Hà Nội. Anh đã tốt nghiệp ĐH mỹ thuật HN năm 2001. Anh là thành viên xây dựng phòng triển lãm Young Gallery (28 Đào Duy Từ - HN). Từ năm 1997 đến nay, anh đã tham gia hơn một chục triển lãm nhóm và cá nhân ở HN.