Cho đến tận bây giờ ở một Khoa văn học người ta vẫn truyền nhau một “kì tích” gần 10 năm trước, đó là một nam sinh viên chỉ mất hai năm đã đọc xong toàn bộ sách trong thư viện của Khoa. Giờ, đi tìm một sinh viên chăm lên thư viện là điều khó khăn. Thậm chí, ngày nay, có không ít sinh viên còn chểnh mảng việc lên giảng đường. Câu hỏi là: Nếu không học thì sinh viên sẽ làm những gì?
101 lí do bỏ bê học hành
Trước khi “điều tra thực tế” sau khi bỏ bê học hành sinh viên làm gì thì có lẽ cũng cần rẽ đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao sinh viên lại chểnh mảng học hành đến vậy. Lí do thì vô vàn và được khổ chủ bảo vệ đến cùng.
Thanh - sinh viên học về quản lí văn hóa than thở: “Anh hỏi rõ hay! Học làm gì? Ngành em học, ra trường xin việc ở đâu? Chỗ nào cũng đầy người cả rồi. Nếu có xin được với đồng lương 1 triệu đồng thì sống ở nông thôn cũng chẳng đủ. Cho nên, các môn em chỉ học “phất phơ” để trả bài thôi. Đi xin việc cũng chẳng ai ngó đến cái bằng “cờ kèn đèn trống” của em làm gì. Ra trường đi bán quần áo thôi anh ạ”. Hỏi dò thêm: “Vậy thì còn học đại học làm gì? Sao không học nghề?” Trả lời rất “hồn nhiên”: “Ôi dào, có cái bằng đại học để có tiếng là trí thức anh ạ. Không có bằng đại học thì nhà em bị đánh đồng với nhà bán rau à”.
Xuân – sinh viên ngành ngữ văn buồn rầu tâm sự: “Hồi cấp ba em đã là giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhưng lên đại học em không theo kịp vì những kiến thức rồi cách học ở đại học khác quá. Các thầy cứ nói chuyện triết, lí thuyết đâu đâu bên Tây, bên Tàu ai mà biết được. Với lại các thầy cô chẳng chịu đọc cho bạn em chép nữa. Em đâm ra nản, chẳng muốn học”.
Bảo Anh – sinh viên ngành báo: “Em quê Hà Tĩnh. Tới năm 18 tuổi nhập học đại học. Cuộc sống ở thành phố có nhiều thứ hoạt động khiến em không thể tập trung học tập như trước nữa”.
Một vài sinh viên gặp chuyện đỗ vỡ về tình yêu, về gia tình như bố mẹ chia tay… đều cảm thấy mệt mỏi, sức học xuống rõ.
Vân và vân…
Những lí do kể trên vẫn còn có thể xem là “bình thường”. Nhưng còn một số lí do mà nhiều bậc phụ huynh nếu đọc được sẽ không tin con mình – những sinh viên đang ngồi trên giảng đường chính là người trong cuộc.
11 giờ trưa là bình minh…
Trở lại với sinh viên tên Thanh nghe anh chàng kể về một lịch sinh hoạt một ngày bình thường: “Trường em một giờ chiều mới vào học nên 11 giờ em mới dậy. Thông thường em vào trường điểm danh sau đó “chuồn”. Em đi ngồi café ngồi “chém gió” với mấy thằng bạn. Đợi 5 giờ chiều đón con “bồ” tan trường rồi hai đứa đi ăn, đi chơi tận 11 giờ đêm thì về. Nếu là cuối tuần thể nào em cũng thức xem bóng đá còn không thì “chat chít”. Chẳng bao giờ em đi ngủ trước 2 giờ sáng cả”. Hỏi Thanh: “Thế lịch sinh hoạt thế bố mẹ không kêu ca gì à”. Vẫn giọng tỉnh bơ, Thanh trả lời: “Lớn rồi, ai quản được nữa”.
Dưới cái nhìn “khoan dung” thì Thanh vẫn thuộc diện “ngoan” bởi những việc làm ngoài giờ của anh chàng vẫn “vô hại”. Trường hợp xem 11 giờ trưa là bình minh như Thanh không phải là cá biệt. Huy – sinh viên trường Y suốt ngày la ca với các trò chơi điện tử khiến kết quả học tập của cậu chỉ thuộc dạng trung bình cho dù ngày cấp 3, cậu học thuộc diện đứng đầu tỉnh.
Huy cũng thuộc “câu lạc bộ” “đệ tử Lưu Linh” của trường Y. Một tuần 7 ngày thì cậu và đám bạn làm 5 cuộc nhậu. Đồ mồi trong cuộc nhậu sinh viên thì không có gì cao sang tốn tiền cả, chỉ có điều sau cuộc nhậu ấy không nói ai cũng biết đám sinh viên chỉ còn nước lên giường “kéo gỗ” chứ khi ấy mắt đã hoa làm sao còn học được. Và sau những những cuộc “nghiên cứu giấc mơ” ấy thì bài giảng không lưu lại chút gì để ghi nhớ.
Xét về độ chơi đêm, các kiều nữ sinh viên mới đứng đầu. V.H là một sinh viên mĩ thuật quê ở miền núi phía Bắc. Nhà cô thuộc diện nghèo, khi học đại học cô thường xuyên “over night” (qua đêm) với một “cậu ấm” sinh viên. Sau đó, cô cặp với một doanh nhân và bỏ học giữa năm thứ hai để kinh doanh.
Trường hợp V.H còn may mắn, nhiều kiều nữ sinh viên chấp nhận làm vợ bé của các đại gia. Như L vốn là sinh viên báo chí được một “đại gia” kinh doanh gỗ “bao” khi còn là sinh viên khi ra trường. Hiển nhiên, đổi lại cô có tiền, mọi vật chất mà bất cứ nào phụ nữ cũng mơ ước. Nhưng cô cũng để lại tai tiếng dù có kiếm được việc trong ngành báo.
Trường hợp M còn bi đát hơn. Chưa đến tuổi trăng răm, M đã khăn gói lên thủ đô học múa. Sau bao nhiêu năm rèn luyện, cô được đánh giá là nghệ sĩ múa trẻ triển vọng nhất so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng cuộc đời cô rẽ sang hướng khác khi cô quen với T – một thiếu gia nhà phố cổ. Không hiểu, T đã “dụ dỗ” hay tự M sa ngã, mà một năm sau quen T thì M đã trở thành con nghiện như người yêu.
Hết thuốc chữa!
Câu chuyện của M điển hình cho hoàn cảnh bất hạnh những sinh viên từ nông thôn ra thành thị sa ngã do nhẹ dạ cả tin. Những cô gái sinh ra ở đô thị như trường hợp sau thì “hết thuốc chữa”. H. sẵn sàng… “lên giường” với bất cứ ai mà trả tiền shopping chừng vài triệu cho cô. Cô thường xuyên quan hệ kiểu “quần hôn” với nhiều bạn trai. Một vài thói quen thời thượng khác, H đều thuộc dạng “dân chơi”: rượu, thuốc lá, thậm chí “chơi đá” ( tức là chất methamphetamin – một loại ma túy tổng hợp). Với chuyện học hành, cô xem không quan trọng.
Năm trước, dư luận từng ngạc nhiên về vụ việc sinh viên sư phạm Kim Anh giết người tình. Nhưng với tình trạng xem thường việc học hành, sa đà vào những cuộc chơi thời thượng thì rõ ràng những hiện tượng tương tự xảy ra trong tương lai sẽ không còn là hiếm.
Hàm Đan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét