Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

OSCAR 2010: SẼ KHÔNG CÓ BẤT NGỜ!

Tối ngày 7/ 3 này, lễ trao giải Oscar 2010 mới chính thức diễn ra. Nhưng từ bây giờ, ngay cả người không sành sỏi điện ảnh cũng có thể dễ dàng nhận ra ứng cử viên nào sẽ chiến thắng ở các hạng mục đề cử. Có thể nói, Oscar 2010 là lần trao giải dễ dự đoán nhất kể từ chiến thắng được dự đoán trước của bộ phim Sự im lặng của bầy cừu (1991) ở cả năm hạng mục quan trọng nhất.

Thế thân và phần còn lại

Mọi sự chú ý năm nay hiển nhiên đổ dồn vào bộ phim “bom tấn” Thế thân (Avatar) của đạo diễn James Cameron. Với 9 đề cử và gần như chắc chắn sẽ chiến thắng trong tất cả các hạng mục như Hóa trang, Dựng phim, Hòa âm, Kỹ xảo… nhưng James Cameron vẫn không hài lòng vì Thế thân không lọt vào vòng chung khảo cuối cùng ở ba trên năm hạng mục chính gồm: Diễn viên nam và nữ chính xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Điều này khá giống với việc trong một giải bóng đá khi một đội bóng giành hết các giải cá nhân xuất sắc nhưng chỉ về nhì.

Nhìn sâu hơn, rõ ràng các bộ phim khác tỏ ra xuất sắc hơn Thế thân ở ba hạng mục nói trên. Thế thân cũng giống như các phim dựa nhiều vào kĩ xảo điện ảnh chủ yếu nhằm “phô” công nghệ làm phim. Vì thế các yếu tố khác như kịch bản không phải là điểm mạnh, thông thường kịch bản những bộ phim này phải thực sự dễ hiểu; diễn xuất của diễn viên cũng không thể “xuất thần” bởi sự quy định kịch bản đã khá chặt, chứ không phải các nhà phê bình phim lẫn hội đồng bình chọn giải Oscar không hiểu rõ công nghệ làm phim hình ảnh tạo từ máy tính như lời nói “dỗi” của đạo diễn James Cameron.

Song, ông sẽ được an ủi phần nào hai hạng mục danh giá nhất cho Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim hay nhất đã được ông “chạm được một tay” vào tượng vàng Oscar. Cho dù, nguy cơ “đảo chính” ở cả hai hạng mục từ phim Nơi chứa di vật liệt sĩ (The Hurt Locker) của bà vợ cũ Kathryn Bigelow là đáng lưu tâm, nhất là khi tại lễ trao giải BAFTA (giải của Viện Hàn lâm Nghệ thuật điện ảnh và Truyền hình Anh quốc), Hiện thân đã thua “lấm lưng trắng bụng”. Tài năng của nữ đạo diễn này khiến nhiều người nói đùa: cuộc hôn nhân của họ tan vỡ có lẽ do bà giỏi hơn ông!

Ở các hạng mục khác, có nhà phê bình còn nói toạc ra ông chủ của tượng vàng sẽ là ai; như Phim nước ngoài hay nhất và Quay phim xuất sắc nhất sẽ thuộc về phim Dải băng trắng hay ca khúc Chán chường trong phim Trái tim cuồng dại chỉ còn đợi ngày trao giải là ẵm giải Ca khúc trong phim hay nhất… Rõ ràng, Oscar 2010 là một mùa làm ăn thất bát của các công ty cá cược!

Đề cao tính nhân văn và “thời sự” tiêu điểm

Các bộ phim muốn giành giải Oscar phải làm nổi lên tính nhân văn bởi đó là “gu” phim của người Mỹ. Người Mỹ ưa thích kết thúc phim khi mà các đức tính tốt đẹp nói chung của con người được đề cao.

Vì thế, các phim đề cử năm nay đều đã khiến nhiều người “rơi lệ”. Như phim hoạt hình Vút bay (Up) kể về một ông già vô tình gặp một cậu bé cùng du lịch đến thác Thiên đường – nơi mà ông hứa sẽ đến với vợ đã khuất. Một cốt truyện nhẹ nhàng, sâu lắng tình người chắc chắn giúp Vút bay dành giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất.

Bộ phim được giới phê bình đánh giá cao về tính nhân văn là Nơi chứa di vật liệt sĩ (The Hurt Locker). Câu chuyện ba người lính Mỹ chuyên đi gỡ mìn tại chiến trường Iraq. Bộ phim cho ta thấy nỗi buồn chiến tranh khi mà sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc và mối quan hệ oái ăm của con người (đồng đội, lính Mỹ và người Iraq) khác nhau về tính cách, chủng tộc… khiến bộ phim nhận được sự đồng cảm lớn. Ngoài tính nhân văn, Nơi chứa di vật liệt sĩ còn đề cập thẳng tới cuộc chiến Iraq – vốn là câu chuyện thời sự ở nước Mỹ hiện nay nên nó trực tiếp tạo dư luận buộc hội đồng trao giải phải “đau đầu” cân nhắc với Thế thân.

Các nhà làm phim luôn khôn ngoan lựa chọn những đề tài gắn với thời sự nước Mỹ và thế giới nhằm tạo lợi thế cho cuộc đua giành tượng vàng. Ngoài tính nhân văn, người Mỹ cũng rất chuộng những bộ phim có tính “thời sự” cao vì tính thực dụng luôn xem nghệ thuật gắn với đời sống đương đại. Như năm ngoái, tài tử Sean Penn dành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim Milk – một bộ phim về đề tài đồng tính, khi mà những người đồng tính đang đòi quyền được kết hôn. Tương tự, năm nay, giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất khó vượt khỏi tầm tay của Jeff Bridges trong phim Trái tim cuồng dại. Câu chuyện về một nhạc sĩ đồng quê thất bại trong sự nghiệp, ly hôn bốn lần nhưng ông không tuyệt vọng mà vẫn tiếp tục sống và hát. Giữ vững niềm tin để vượt qua khó khăn là điều các nhà làm phim muốn nhấn mạnh trong khung cảnh cả thế giới vẫn đang tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đó là thông điệp mà Oscar 2010 muốn gửi ra thế giới thông qua điện ảnh.

Hàm Đan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét