Ở nhiều nơi, các di tích lịch sử và tâm linh bị biến tướng do thương mại hóa một câu chuyện dài kì. Song, có một điều đáng quan ngại khác là tình trạng cảnh quan thiên nhiên xung quanh di tích cũng thường bị con người xâm phạm vì những lợi ích kinh tế trước mắt. Làm sao để dung hòa? Bài toán quả là khó nhưng không phải là không có lời giải. Mô phát triển du lịch du lịch gắn chặt với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) là phương án tham khảo có giá trị thực tiễn lâu dài.
Ninh Bình có Cố đô Hoa Lư – kinh đô của ba triều đại vẫn còn nhiều di tích quý giá như đền vua Đinh Tiên Hoàng, đền vua Lê Đại Hành… Bao quanh cố đô là một quần thể núi đá vôi tạo ra cảnh quan thiên nhiên được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn”, đẹp hoang sơ khiến người thưởng lãm ngỡ ngàng. Nhưng, quần thể núi đá vôi này cũng lại là nguyên liệu cho nền công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, xung quanh khu vực không hề có một cơ sở khai thác đá nào tồn tại. Những ngọn núi xung quanh đền vua Đinh và vua Lê chưa hề bị xâm phạm mà vẫn y nguyên như hơn một nghìn năm trước. Cách xa hai đền khoảng 5 ki – lô – mét, những ngọn núi ở đằng ngoài mới bị xí nghiệp khai thác đá “gặm” nhưng theo lời anh Hoán – cán bộ Sở văn hóa cho biết thì xí nghiệp này đã phải chấm dứt hoạt động. Xung quanh con đường mới mở từ thành phố Ninh Bình lên cố đô Hoa Lư công tác giải phóng mặt bằng đã làm rất tốt không chỉ khiến cho tốc độ thi công nhanh mà góp phần làm cảnh quan hai bên đường trở nên đẹp hơn tránh tình trạng nhà ngay mặt đường gây ảnh hưởng đến mỹ quan mà tự nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.
Rõ ràng, nếu chỉ có sự kêu gọi bảo tồn cảnh quan di tích một cách chung chung của những người làm văn hóa – du lịch mà thiếu sự phối hợp chặt chẽ, các biện pháp thực thi đồng bộ của các cơ quan có trách nhiệm như kế hoạch đầu tư, xây dựng, thậm chí là cả… công an thì khó mà bảo tồn tốt cảnh quan thiên nhiên góp phần nâng giá trị di tích văn hóa lịch sử và tâm linh như ở cố đô Hoa Lư. Ở thời buổi hậu công nghiệp, người ta tìm về cội nguồn lịch sử và chốn linh thiêng để tâm hồn thanh tịnh; với cảnh quan còn nguyên sơ đặc thù của cố đô Hoa Lư chính là một lợi thế “cạnh tranh” với các di tích khác. Quan trọng hơn là bảo tồn nguyên bản giá trị văn hóa và tâm linh cho các thế hệ người Việt mai sau. Đó quả là “tầm nhìn xa” cần có cho những người làm văn hóa – du lịch cần có ý thức thường trực.
Hàm Đan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét