Vào 1 giờ 45 giờ ngày 23/ 5 (giờ VN), Inter Milan và Bayern Munich sẽ bước ra sân vận động huyền thoại Santiago Bernabeu để giành cú ăn ba lịch sử. Inter là ”ông chủ” Serie A suốt 5 mùa bóng gần đây nhưng luôn bị xem là “học việc” tại Champions League. Bayern Munich còn tệ hơn khi thỉnh thoảng họ bị Wolfsburg, Stuttgart qua mặt ở Bundesliga. Nên, giành chức vô địch Champions League là cơ hội ngàn năm để thiết lập chu kì thời gian xưng “bá” cho mỗi đội bóng.
Xét về nhân sự, “trình” của Inter rõ ràng nhỉnh hơn; thêm nữa, tiền vệ cánh trái F. Ribery của Bayern Munich không thể thi đấu vì bị treo giò. Hai cầu thủ khả dĩ đóng thế cho “gã mặt sẹo” là Hamit Altintop và B. Schweinsteiger tuy không “xoàng” nhưng không có kĩ thuật siêu hạng để quấy rối hàng phòng ngự Inter và trả ngược bóng cho hai chuyên gia sút xa M. van Bommel, A. Tymoshchuk dứt điểm. Nên, hướng tấn công chủ yếu của Bayern sẽ dồn hết sang “đôi chân pha lê” của A. Robben bởi Bayern sẽ rất khó tấn công trung lộ khi mà Inter đang sở hữu hàng loạt tiền vệ trung tâm như W. Sneijder, S. Muntari, E. Cambiasso đang có phong độ cao với khả năng giữ bóng luôn đạt gần 60% trong mỗi trận.
Đã qua, cái thời người ta đá bóng hết sức “lãng mạn” mang tính bản năng. Phần lớn công lao trong chiến thắng của một trận bóng là nhờ HLV. Ai đưa ra đấu pháp thích hợp, có khả năng “đọc” trận đấu và điều chỉnh chiến thuật mang tính “liệu cơm gắp mắm” thì khả năng giành chiến thắng rất cao. Người trẻ như J. Guardiola vẫn có thể thắng “ông già gân” Sir Alex Ferguson ở Roma năm ngoái là minh chứng rõ nhất.
L. van Gaal và J. Mourinho – một già, một trẻ có tính cách trái ngược nhưng đều là những HLV xuất sắc nhất ở các giải đấu cúp. J. Mourinho từng là trợ lý cho L. van Gaal ở Barcelona nên học được không ít từ lối chơi tấn công tổng lực của HLV người Hà Lan áp dụng thời Barcelona bị “Hà Lan hóa”. Dấu ấn rõ nhất là ở các trận knockout, Inter luôn chơi tấn công phủ đầu một cách nhanh và đẹp mắt như … “cơn lốc màu da cam” khiến người ta suýt quên Inter là một đội bóng Italia. Tất nhiên, khi lâm vào tình thế phải phòng ngự như lượt về bán kết với Barcelona, “người đặc biệt” sẵn sàng sử dụng “đặc sản” là “đặt xe buýt” trước khung thành đội nhà. Ngược lại, Bayern khi gặp các đội bóng “rắn mặt” thì triển khai một lối chơi thực dụng như cách J. Mourinho từng áp dụng thành công ở Chelsea. Chơi chặt chẽ suốt cả trận đấu và chỉ bung sức ở những thời điểm khi đối phương lơ là hoặc đuối sức thì Bayern sẽ tung đòn kết liễu. Có lẽ, không có sự tình cờ nào mà đúng ra là hai HLV này đã “học lỏm” nhau. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện hai HLV thừa nhận đã tiếp thu có sáng tạo “bài” của đối thủ bởi niềm kiêu hãnh của “cái tôi” to đùng ngăn cản; mặt khác, điều đó sẽ tạo tâm lí không tốt cho cầu thủ trước khi bước vào trận chung kết.
Lần gần đây nhất mà hai đội gặp nhau là ở vòng bảng Champions League mùa giải 2006 – 2007. Lượt đi Inter thua 2 – 0, ở lượt về hai đội hòa 1 – 1. Thành tích đối đầu trên không có mấy giá trị khi mà cả hai đội đều “lột xác” so với dưới thời hai HLV cũ R. Mancini và F. Magath. Theo lẽ thường, hai đội chưa gặp nhau nhiều sẽ thi đấu thăm dò ở hiệp 1 bằng một lối chơi chặt chẽ sẽ khiến trận chung kết diễn ra khá tẻ nhạt. Một kịch bản khác được nhiều chuyên gia đưa ra là hai đội sẽ kéo nhau đi… “đấu súng”. Dự đoán chỉ là dự đoán, bởi đã là một trận chung kết đỉnh cao như Champions League thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu đội bóng nào lâm vào tình thế bất lợi như mất người, cầu thủ quan trọng bị chấn thương phải ra sân hay bị dẫn bàn sớm… sẽ không có chuyện đội bóng ấy thi đấu buông xuôi do ảnh hưởng tâm lí. Qua con đường lọt vào đến trận chung kết, cả Inter và Bayern đã thể hiện một tinh thần thép khi đều vượt qua những đối thủ cực kì nặng kí.
Vì vậy, rút cục, ai lên ngôi cũng đều xứng đáng và cùng với đó là sự bá quyền của lối chơi thực dụng. Những người yêu bóng đá đẹp sẽ rất buồn nhưng đó là điều khó tránh khỏi như một diễn trình lịch sử: có khi thịnh, có khi suy.
LINH THIÊN
(Bút danh mới :))
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét