Nếu ai hay xem truyền hình cáp thì sẽ biết thừa một thực tế là các chương trình truyền hình nước ta hầu hết đều được mua bản quyền từ các chương trình nước ngoài như: Chuyện phiếm (Đài PT & TH Hà Nội) mua của Hàn Quốc, Tòa tuyên án (VTV6) mua của Nga, Camera công sở (VTV3) mua của Pháp… cho đến một số phim truyền hình Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ, Ngôi nhà hạnh phúc… cũng được mua bản quyền để “Việt hóa”. Tiếng lóng gọi các sản phẩm truyền hình mua bản quyền nước ngoài này là “nhái”. “Nhái” cũng có nhiều cấp độ, có cấp độ “nhập khẩu 100%”, có cấp độ cho “sửa chữa” để với tâm lí người Việt Nam.
Chuyện mua bản quyền chương trình truyền hình ăn khách ở nước ngoài không có gì đáng phê phán. Ngay cả ở một nước có công nghệ truyền hình hàng đầu thế giới như nước Mỹ vẫn mua bản quyền phim sitcom Cô gái xấu xí của Colombia giống như ở ta. Điều đáng nói là, khả năng “Việt hóa” các chương trình còn thấp, nhất là phim truyền hình khiến “nhà đài” phải ngừng sản xuất. Đã thế, tỉ lệ các chương trình truyền hình “Made in Vietnam” trình chiếu thật khiếm tốn; chương trình hay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người đặt câu hỏi: Số lượng người được đào tạo từ các trường báo chí, ngữ văn, sân khấu – điện ảnh và các ngành xã hội – nhân văn khác rất nhiều nhưng tại sao lại hiếm các kịch bản chương trình hay? Câu trả lời nằm ngay chất lượng giáo dục đại học mà báo chí đã tốn nhiều giấy mực. Mớ lí thuyết trong trường không làm sao để các cử nhân sáng tạo ra chương trình truyền hình vừa sát với thực tế cuộc sống để thu hút nhiều người xem.
Vài vị “của hiếm” (xin giấu tên) chuyên viết kịch bản truyền hình kêu: Đành rằng, chương trình truyền hình “nhái” chiếm đa số là do số người đủ “trình” sáng tạo ra một chương trình truyền hình không nhiều. Nhưng phía các kênh truyền hình có thói quen “nhái” của nước ngoài vừa nhanh, tiết kiệm chi phí sản xuất mà nguy cơ chương trình ế người xem là thấp so thuê đội ngũ “của nhà trồng được” để thực hiện chương trình. Đã thế, không hiểu từ đâu lại nảy ra tâm lí chỉ có… “bọn dốt” mới đi làm văn hóa, viết lách; cho nên, nhiều người có óc sáng tạo cao từ bỏ công việc viết kịch bản chương trình truyền hình chuyển sang làm truyền thông vì đãi ngộ thấp.
Các chương trình hay, bổ ích đến đâu nhưng nếu tồn tại quá lâu thì cũng khiến người ta chán vì yêu cầu mới lạ để giải trí trên truyền hình là khá cao. Các chương trình như “Đường lên đỉnh Olympia” nếu dừng sản xuất thì đòi hỏi từ lứa tuổi học sinh phổ thông sẽ làm đau đầu “nhà đài”. Sáng tạo ra một kịch bản chương trình truyền hình nghiêm túc cho lứa teen Việt là rất khó. Giải pháp “nhái” hẳn lại được ưu tiên. Nói là nói vậy nhưng nếu nhìn vào những con người còn tha thiết với truyền hình đã dựng lên một chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” thì chắc “nhà đài” sẽ có nhiều phương án A, B, C gì đó. Nên, không cần quá bi quan mà nên lạc quan chờ ngày hàng “nhái” chỉ chiếm thiểu số.
Hàm Đan
hi vọng sẽ đến ngày hàng Nhái chiếm thiểu số anh ạ. hồi nào có vào SG hú em cf với.
Trả lờiXóa