Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

ĐƯỜNG TÌNH HAI LỐI...

Cùng với thành công trong diễn hài, Nhà hát Tuổi trẻ đang tự khẳng định là nhà hát trình diễn xuất sắc các vở chính kịch kinh điển trong và ngoài nước. Gần đây, vở kịch Cô gái đội mũ nồi xám của kịch tác gia Lưu Quang Vũ được dư luận chú ý bởi hai lí do: Thứ nhất, đây là lần công diễn trở lại sau hơn 20 năm nhân kỷ niệm 22 năm ngày mất của tác giả; thứ hai, vở kịch sẽ được dàn dựng mới với sự diễn xuất của Đoàn kịch I Nhà hát Tuổi trẻ.

Sự kì vọng của khán giả thủ đô đã được đền đáp xứng đáng bởi giá trị nhân văn của vở kịch và trình độ cao của diễn viên nhập vai. Cảm tưởng đầu tiên về Cô gái đội mũ nội xám là một vở kịch cổ điển với các đầy đủ các bước phát triển của hành động kịch. Nội dung vở kịch có thể tóm tắt trong một câu: Câu chuyện về những mối tình của Trâm, trải qua bao bi kịch tình yêu cuối cùng cô cũng tìm được hạnh phúc đích thực.

Tất nhiên, nếu chỉ đơn giản như vậy vở kịch sẽ chẳng nhận được nhiều lời khen ngợi. Về bản chất đây là vở kịch luận đề sâu sắc. Sự tự vấn mang tính triết học trong vở kịch không khó để giải mã, đó là: cá nhân giữ gìn bản sắc của mình như thế nào trước những định chế xã hội, những mối quan hệ với các cá nhân khác? Điều này thể hiện rõ trong hai nhân vật Trâm và Nhật. Trâm-cô gái đội mũ nồi xám 22 tuổi chỉ mong có một gia đình bình dị. Nhưng cô đã gặp những người đàn ông yêu cô ít hơn yêu tiền bạc và quyền lực. Sự thất bại trong tình yêu khiến Trâm trở thành “người đàn bà thép” từ chối tình yêu nhưng cuối cùng cô trở về với ước mơ sâu kín của mình nhờ Thành-mẫu người đàn ông của gia đình. Về nhân vật Nhật, nghề nghiệp của anh là một kiến trúc sư vẽ ra những ngôi nhà cao hơn… 100 tầng không hợp với thực tế sử dụng của thời bao cấp. Sau những vấp ngã, anh cũng thay đổi, anh trở thành người giàu có nhưng lại từ bỏ ước mơ sáng tạo-bản sắc con người duy mĩ. Điều này khiến cho Trâm không thể yêu lại Nhật bởi anh không chỉ đánh mất bản sắc mà cũng đánh mất hình mẫu mà Trâm từng tôn thờ.

Có người phàn nàn khi vở kịch có nhiều đoạn tấu hài. Những yếu tố hài được đưa vào chỉ là phần nhỏ đặt trong những lời đối thoại của nhân vật phụ nên không ảnh hưởng tới tinh thần vở kịch. Nếu đặt trong môi cảnh thời nay, việc sử dụng những đoạn tấu hài xem ra lại hợp lí, khán giả hiện nay nhất là giới trẻ thích đùa vui, những điều giáo huấn quá nhiều đôi khi lại phản tác dụng. Cho nên, những đoạn tấu hài là “gia vị” thích hợp góp phần làm mới vở kịch. Một “gia vị” khác làm tăng tính nghệ thuật của vở kịch là việc sử dụng âm nhạc. Suốt vở kịch chỉ có hai bản nhạc được sử dụng: Một bản guitar rộn ràng cho những tình tiết vui vẻ, phần còn lại bài hát Im lặng của nhạc sĩ Dương Thụ qua tiếng hát Hồng Nhung được dùng cho những cảnh chia ly buồn đau. Dụng ý trong việc bài hát Im lặng không phải vì bài hát đề cập đến tình yêu không thành mà trong lời ca nói sự trôi chảy của thời gian tương ứng với sự biến đổi bản sắc cá nhân của nhân vật trong kịch. Sự tối giản và nhất quán trong dàn dựng vở kịch còn thể hiện ở thiết kế sân khấu. Họa sĩ thiết kế đã có lí khi chỉ sử dụng bục và dây để không chỉ thể hiện địa điểm hành động kịch diễn ra mà còn biểu đạt cảm xúc nhân vật. Ví dụ: Rèm dây được kéo lên cao tuột khỏi tầm tay Nhật ẩn dụ việc anh đánh mất tình yêu với Trâm.

Điều đáng tiếc duy nhất trong vở kịch là nữ diễn viên Hoài Thu không còn trẻ để hợp với Trâm ở tuổi 22. Nhưng bù lại chị đã nhập vai Trâm 10 năm sau một cách xuất sắc khi thể hiện tâm lí bên ngoài lạnh lùng nhưng bên trong là một trái tim nhạy cảm khao khát yêu thương. Một điều chưa hoàn hảo trong lần tái xuất của vở kịch phải chăng để lại một chút tiếc nuối về mối tình thời ngây thơ của Trâm và Nhật như người từng trải hay nói: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”!

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét