Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

NHÌN LẠI MÙA PHIM HÈ 2010: THIẾU ƯU ĐÃI TRẺ EM

Sướng như trẻ phố!

Trừ những gia đình lao động nghèo ở khu “ổ chuột”, bất cứ gia đình nào ở đô thị Việt Nam ngày nay đều dư sức sắm một đầu “đọc” đĩa, chí ít dán nhãn “made in China” nửa triệu đồng để thỏa mãn việc xem phim tại nhà. Giá thuê đĩa rẻ như mua kẹo với giá 3 ngàn đồng/2 ngày; đã thế, đĩa phim còn xuất hiện sớm hơn phim chiếu rạp như phim Up (Vút bay) vào năm ngoái. Xông xênh hơn, chỉ cần bỏ ra 50 ngàn đồng/tháng là có thể sử dụng dịch vụ truyền hình cáp công nghệ Analog với 5 kênh chuyên chiếu phim hoạt hình kèm thêm một số kênh phim truyện như HBO, Star Movies… thỉnh thoảng có chiếu một số phim thiếu nhi đặc sắc như The Simpsons (Gia đình Simpson), Kungfu Panda (Kungfu gấu trúc), Home Alone (Ở nhà một mình)… Thành phố cũng là nơi các tổ chức văn hóa trong và ngoài nước đứng chân, nên không chỉ vào dịp hè mà mỗi khi có sự kiện quan trọng nào đó đều có những buổi chiếu phim miễn phí hay ưu đãi đặc biệt với giá vé chỉ khoảng 5 đến 10 ngàn đồng. Vì thế, chẳng ở đâu sướng như ở phố, khi vấn đề với trẻ em không phải có được xem phim hay không mà là sắp xếp thời gian để thưởng thức môn nghệ thuật thứ 7.

Việc xem phim ở nhà tuy đáp ứng nhu cầu về số lượng phim nhưng khoái cảm từ âm thanh và hình ảnh từ phim chiếu trên màn ảnh rộng ở rạp vẫn hơn hẳn những màn hình ti-vi. Cho nên, con số ấn tượng 155.608 lượt trẻ em đi xem phim với giá ưu đãi của Trung tâm chiếu phim quốc gia (nơi duy nhất ở Hà Nội giảm giá cho trẻ em) từ 25-5 đến 31-8 là điều dễ hiểu. Nhưng không phải ở rạp nào cũng lưu ý tới nhu cầu thưởng thức phim chiếu rạp của trẻ em. Bằng chứng, sau khi liên hệ với 36 rạp phim ở các thành phố từ Bắc vào Nam, kết quả số rạp chiếu phim có ưu đãi cho học sinh suốt mùa hè 2010 không quá 5 rạp. Mức giá ưu đãi thấp nhất là 5 ngàn đồng không có… chỗ ngồi, còn trung bình là 15 đến 20 ngàn đồng. Giá vé tuy chưa thể giúp tất cả trẻ em vào rạp nhưng đã giảm đến 1/3 thậm chí là một nửa giá vé đồng hạng. Đa số các rạp còn lại có chiếu phim miễn phí 1 đến 2 buổi cho các học sinh có giấy chứng nhận học sinh giỏi và học sinh tiên tiến.

Có hai lí do chính dẫn đến việc xem nhẹ chiếu phim ưu đãi cho trẻ em. Đầu tiên, là việc xem phim đã thông qua đa phương tiện như đã nói ở phần trên. Một lí do khác để các rạp (nhất là các rạp ở thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh) bào chữa cho việc hạn chế chiếu phim ưu đãi cho trẻ em là khó khăn về tài chính. Phim được nhập phải ưu tiên những phim dành cho người lớn có thu nhập ổn định mới mong có lãi để trụ lại với xu hướng nhiều người thích xem phim ở nhà. Những phim mà trẻ em có thể xem được đều là những phim ngoại giá nhập cao có muốn cũng khó có thể giảm giá vé. Các rạp ở tỉnh chỉ có thể chiếu phim miễn phí cho học sinh khi làm nhiệm vụ tuyên truyền vào các dịp kỷ niệm các sự kiện cách mạng bằng các phim như: Hồ Chí Minh-chân dung một con người (1990), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (2003)… Những bộ phim này đều là những phim khá nhưng ít khi chiếu vào dịp hè khi học sinh được nghỉ học và không hợp với tâm lí độ tuổi chỉ “biết ăn, biết ngủ, biết học hành”; hơn nữa, các bộ phim này không phải là phim mới nên không được nhiều học sinh thích thú.

Về phía các cơ quan có thể tổ chức cho học sinh xem phim vào dịp hè là trường học và nhất là Đoàn thanh niên cũng không có hành động tích cực. Đơn cử, chỉ có 41 buổi chiếu do nhà trường kí hợp đồng với Trung tâm chiếu phim quốc gia cho học trên tổng số hơn 600 trường ở cả ba cấp trong các quận nội thành của Hà Nội.

Trẻ quê nhờ cậy… ti-vi

Việc xem phim trên màn ảnh rộng với các vùng quê từ lâu nay chỉ trông chờ các đội chiếu phim lưu động, trong đó có các đội chiếu phim của quân đội. Các đội chiếu phim đương nhiên phải chú trọng cho bà con ở miền núi, hải đảo-những nơi quá khó khăn trong việc có thể tự mua sắm thiết bị điện tử gia dụng để xem phim. Cho nên, sẽ chẳng lạ nếu có vùng quê Hưng Yên ở chỉ cách Hà Nội 50 cây số 10 năm qua chưa tổ chức chiếu phim bao giờ. Theo anh Hồng Thiện-người dân ở huyện Mỹ Hào cho biết: Trước năm 2000, cũng có chiếu đủ loại phim tại nhà văn hóa các xã với giá vé 2 đến 5 ngàn đồng do công ty chiếu bóng của tỉnh với tần suất 2-3 lần/tháng, nhưng sau đó không còn tổ chức chiếu phim nữa.

Một vùng quê huyện Đông Anh thuộc về Hà Nội cũng không hơn gì miền quê xa xôi khác. Bạn Nguyễn Nết-người làng Lỗ Khê cho hay: Từ lúc sinh ra đến giờ, chị chỉ một lần duy nhất xem phim vào dịp hè ở quê. Đó là vào năm 2007, làng Lỗ Khê đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động thanh niên nên được “chiêu đãi” bằng phim Ký ức Điện Biên (2004). Để xem phim qua màn ảnh rộng, những bạn trẻ như bạn Nết chỉ còn cách đi vào nội thành xem ở các rạp như người ở phố. Để không phải đi xa và quá tốn kém, những trẻ em miền quê cũng chỉ biết nhờ cậy vào phim chiếu trên ti-vi để xem phim. Số phim và chất lượng các phim lại tùy thuộc vào gia cảnh của gia đình các em. Như vậy, sẽ có nhiều trẻ em ở nông thôn thiệt thòi không được xem phim để giải trí lành mạnh; và nếu không có hoạt động hè thường xuyên ở địa phương thì nguy cơ các em sa vào các hoạt động kém lành mạnh khác như chơi game, cờ bạc, đua xe… là điều khó tránh khỏi.

Thiết nghĩ, khi mà kinh tế ngày càng phát triển thì các cơ quan có trách nhiệm nên quan tâm tới việc duy trì tới nhu cầu chính đáng của các em vào dịp hè. Không chỉ giúp các em thư giãn vào kì nghỉ mà còn giúp các em hình thành nhân sinh quan lành mạnh, trong sáng thông qua các bộ phim giàu tính nhân văn. Và biết đâu, trong số những đứa trẻ được xem phim miễn phí ngày hôm nay sẽ có người trở thành một đạo diễn điện ảnh lừng danh trong tương lai như Vương Gia Vệ (Hồng Kông)-người mà trước khi đi học đã ngồi xem phim ở những rạp chiếu giá rẻ những năm 1960.

HÀM ĐAN

1 nhận xét:

  1. Bài viết chí lý, chí tình, suy nghĩ của em rất thoáng. Đúng là xem trên màn ảnh rộng khác 1 trời 1 vực khi xem trên TV, trẻ con rất đáng được quan tâm đến nhu cầu chính đáng này.

    Trả lờiXóa