Báo chí phương Tây hay dùng chữ “Fireman” (lính cứu hỏa) với nghĩa bóng chỉ những người phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn trong hoàn cảnh cấp bách. Nếu cần phải tìm ra “lính cứu hỏa” trong lĩnh vực thể thao thời gian qua, không nhân vật nào thích hợp hơn ông Mai Đức Chung-Huấn luyện viên tạm quyền của đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Hoàn cảnh xô đẩy ông Chung đến vị thế “tạm quyền” lại đến câu chuyện dài khác. Do thời hạn nộp danh sách cầu thủ và ban huấn luyện các đội tuyển quốc gia lên FIFA chuẩn bị cho vòng sơ loại World Cup 2014 đã cận kề mà VFF vẫn chưa kí kết hợp đồng được với huấn luyện viên ngoại nên ông Chung được chỉ định làm người “đóng thế”. Khổ cho ông Chung, cái ghế ông ngồi oách nhất trong làng huấn luyện viên Việt Nam nhưng cũng nóng nhất. Từ ngày “ông Tô” ra đi, đội tuyển Việt Nam nảy sinh vô số vấn đề cần giải quyết, nào là tìm một lối chơi mới, lắp ghép một đội hình mới trong hoàn cảnh nhiều cầu thủ trụ cột sa sút phong độ vì chấn thương và tuổi tác…
VFF đã chứng tỏ sự khôn ngoan khi chọn một người thích hợp như ông Chung để ngồi lên “ghế nóng” ở đội tuyển. Thứ nhất, câu lạc bộ ông Chung đang dẫn dắt là Navibank Sài Gòn đang xếp thứ 7/14 tại V-League, một vị trí an toàn khiến ông không quá tải khi cầm quân ở hai mặt trận. Thêm vào đó, bảng thành tích của ông Chung cũng khá ấn tượng với hai lần đưa các cầu thủ nữ lên ngôi hậu tại Seagames và vô địch cúp Merdeka với đội tuyển U22 ngay tại sân Malaysia. Quan trọng hơn, ông Chung đã từng “đóng thế” thành công. Năm 2007, khi còn làm trợ lý cho “chuyên gia về nhì” A. Riedl, ông từng dẫn dắt Olympic Việt Nam vượt qua các đối thủ Tây Á là Liban và Oman để lọt tới vòng loại cuối cùng của Olympic Bác Kinh 2008 trong tình thế bất đắc dĩ khi “Mr Bạc” bận… ghép thận. Mặt khác, ông Chung là người có tính cách hiền lành, hy vọng sẽ khiến “ba quân” dễ chịu. Trong bối cảnh nhạy cảm này, chẳn ai dại mời những huấn luyện viên có trình độ nhưng quá cá tính kiểu như huấn luyện viên Lê Thụy Hải. Ông Hải “lơ” được cho là huấn luyện viên kì tài vì ở câu lạc bộ nào ông cầm quân đều lột xác, đá lên chân. Lẽ thường, ông Hải có thể được chọn để làm mới một đội bóng cần nhiều thay đổi. Song, có lẽ, ông Hải không được chọn chỉ vì những chuyên hậu trường không mấy tốt đẹp. Ông từng quát “quân” như tát nước (thầy mà, dĩ nhiên!), hơn nữa, ông chỉ trích trọng tài kịch liệt và bực lên thì những người vô can như người hâm mộ và báo chí, ông Hải cũng không “tha”. Giả dụ, vào một ngày xấu trời nào đó, ông Hải lại có hành động thái quá thì VFF chỉ có nước ê mặt vì bất cứ hành động không tốt đẹp từ đội tuyển quốc gia sẽ là ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước Việt Nam.
Lần làm “lính cứu hỏa” này, ông Chung sẽ không chịu nhiều áp lực như lần trước. Dẫu sao hai trận đấu đầu tiên với đối thủ Macau (Trung Quốc) vào ngày 29-6 và 3-7 sẽ không phải là bài kiểm tra khó vì trình độ đội bóng này còn dưới tầm đội tuyển Việt Nam. Và, thời gian VFF tìm được ông thầy ngoại sẽ không kéo dài, vì thế nhiệm kỳ “lính cứu hỏa” của ông Chung sẽ không quá lâu.
Ông Chung là một huấn luyện viên chuyên nghiệp nên ông ý thức được dù chỉ là người “đóng thế” song ông tuyên bố sẽ làm hết sức mình. Lời đảm bảo “vàng” bằng lương tâm nghề nghiệp của ông Chung khiến bất cứ ai quan tâm đến đội tuyển quốc gia cũng có thể yên tâm đôi chút. Và biết đâu, người “lính cứu hỏa” Mai Đức Chung lại hoàn thành nhiệm vụ trên mức yêu cầu như ông đã từng làm được ở những đội tuyển khác. Hẳn là khi đó, một câu hỏi mới lại nảy sinh cho VFF: Có nhất thiết phải tìm bằng được một ông thầy ngoại nhiều rủi ro hay là nên trao cơ hội để những huấn luyện viên nội khẳng định mình?
MỘC LAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét