Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

LỐI SỐNG Ở CHUNG CƯ MỚI: ĐAN XEN NẾP CŨ

Khi những tòa nhà chung cư mọc lên như nấm, dư luận thường chú ý đến những vấn đề về chất lượng xây dựng, phòng chống cháy nổ, phí dịch vụ… mà dường như ít quan tâm đến những biến chuyển nếp sống một cách căn bản bên trong loại hình kiến trúc này.

Riêng một “góc trời”…

Chẳng cần sống ở nông thôn cũng dễ dàng nhận ra “tình làng nghĩa xóm” (nói theo khoa văn hóa học là tính cộng đồng) của người Việt quá bền chặt. Có được tính cộng đồng cao như vậy là nhờ tổ chức nông thôn theo hai hình thức chính là địa bàn cư trú (xóm và làng) và theo nghề nghiệp (gọi là phường). Đô thị ở Việt Nam luôn bị “nông thôn hóa” cho nên tính cộng đồng ít bị mai một. Đến ngay những khu tập thể kiểu cũ vẫn còn tồn tại đến ngày nay thì y như một làng: Bếp ăn tập thể, bể nước công cộng, thùng rác chung… Mọi nhà, chí ít trong cùng một hành lang hay một tầng đều quen biết nhau, sống cộng đồng (trông nhà, cho quà…).

Nhưng tính cộng đồng gần như biến mất ở chung cư mới nằm trong các khu đô thị mới đang xuất hiện ngày càng nhiều. Nguyên nhân trước tiên là do đặc trưng về thiết kế của các nhà chung cư mới. Trong một căn hộ có đầy đủ tiện nghi khép kín khiến người ta không có việc gì phải ra ngoài, thậm chí những thứ như sách báo và thức ăn vặt… nếu cần chỉ gọi điện là có người mang đến. Những công việc điều hành, quản lý chung cư như sửa chữa thiết bị hư hỏng, an ninh đến việc chứng thực chất lượng nước đã có tổ hoặc xí nghiệp quản lý (thường là nhân viên của các chủ đầu tư) đứng ra nhận trách nhiệm nên người dân không phải nhờ vả lẫn nhau.

Song, quan trọng hơn, tính cộng đồng phai dần trong các chung cư mới là do không còn được tổ chức theo hai hình thức của tổ chức nông thôn truyền thống. Những người sống trong chung cư nhiều khi có thể hợp lại thành một “Liên hiệp quốc” thu nhỏ. Người mua nhà chung cư mà toàn là dân nhập cư đến nên giữa những người dân không có mối liên hệ nào như ở làng. Đồng thời, mỗi người có nghề nghiệp khác nhau phi nông nghiệp, lịch sinh hoạt đa dạng khiến họ không mấy có sự giao tiếp. Vậy nên mới có chuyện một ông ở nhà 702 thấy một gia đình đang chuyển đồ đạc xuống sân chung cư để đi ở nơi khác thì hỏi bảo vệ: “Nhà nào đang chuyển đi?” Bảo vệ trả lời: “Nhà 704”. Ông ở nhà 702 mới biết rõ mặt mũi hàng xóm sát vách mấy năm qua và biết sắp sửa có hàng xóm mới!    

Phải chờ đến những sự kiện liên quan đến cộng đồng như Ngày Quốc tế Thiếu nhi… mới quy tụ được đông dân cư vào cùng một địa điểm. Nhưng nếu hoạt động của các tổ chức đoàn thể và các câu lạc bộ trong chung cư ít duy trì, cộng với việc thiếu các không gian công cộng như sân chơi, nhà văn hóa... thì cơ hội kết nối các cư dân gần như bằng không.

Vậy là, trong các chung cư mới lối sống bám chặt vào tính cộng đồng truyền thống đã nhạt đi thay cho tính cá nhân của thời hiện đại. Khó có thể đánh giá lối sống thiên về cá nhân trong chung cư mới là tốt hay xấu, vì lẽ nó hợp với từng người. Người quen sống bao bọc trong tình cảm bà con hàng xóm, không chịu được cô đơn thì sẽ không thích hợp. Nhưng, lối sống thiên về cá nhân lại hợp với người có nhịp sống công nghiệp, thích tự do trong “góc trời” của mình.

Chưa hình thành lối sống mới

Về bề sâu, lối sống và cách nghĩ của mẫu hình con người làng xã tồn tại ngàn năm ngấm sâu trong tiềm thức vẫn chưa mất hẳn ở cách sống cư dân chung cư hiện đại.

Lối sống chung cư mới là lối sống chuộng tự do cá nhân. Nhưng không mấy người hiểu sự tự do của mình chỉ có được khi biết tôn trọng tự do của người khác. Những thói quen tùy tiện, nhiều khi ích kỷ không theo những cách ứng xử văn minh vẫn đầy rẫy ở ngay những chung cư được công nhận là “kiểu mẫu”. Có nhiều chị em sống trong chung cư mà đi guốc bằng… gỗ, những âm thanh chát chúa vào giữa đêm khuya khiến không chỉ người sống ở nhà dưới lỡ làm việc khuya đành nhét tai nghe vào tai. Văn hóa sống tập thể quá kém của con người làng xã vẫn là phổ biến khi rác, nước thải… vẫn cứ “phi” xuống những tầng dưới. Để hình thành lối sống văn minh, nhiều chung cư đã ban hành quy chế quản lý, song sống theo quy chế hay không lại là chuyện khác.

Bản thân bên trong mỗi căn hộ, những nếp nghĩ truyền thống vẫn còn hiện hữu, như cách bài trí. Nhà ở truyền thống trong nếp nghĩ của người Việt phải là “nhà cao cửa rộng”, cùng với đó là các đồ nội thất càng to (và càng đắt tiền) mới chứng tỏ đẳng cấp của chủ nhân. Sống trong chung cư với diện tích hạn hẹp nhưng cách bài trí vẫn theo lối kiến trúc nhà biệt thự hoặc nhà liền kề với “sập gụ, tủ chè” hoành tráng chiếm hết diện tích nên nhiều căn hộ không khác gì… nhà kho. Ở nước ngoài, chủ nhân thường phải thuê những người chuyên thiết kế nội thất bài trí đồ đạc trong căn hộ. Lối thiết kế thịnh hành nhất của các căn hộ chung cư vẫn theo phong cách tối giản với những đồ nội thất sản xuất theo lối công nghiệp khá rẻ. Ví dụ, giường ngủ không mua sẵn mà phải đóng bằng các loại gỗ tổng hợp và gầm giường biến thành các ngăn kéo đựng quần áo, chăn màn; cho nên, một căn hộ chung cư đôi khi sẽ không cần đến tủ quần áo kềnh càng. Ngay cả việc đơn giản như đèn trang trí cũng thường chọn loại đèn áp trần bởi trần căn hộ chung cư không cao. Các đồ đạc khác cần nhẹ và dễ tháo lắp để dễ di chuyển trong một không gian chật hẹp.

Những ví dụ trên cho thấy các cư dân sống ở chung cư hiện đại cần phải thay đổi tư duy, hình thành nếp sống văn minh hơn để thích nghi với không gian sống hiện đại như chung cư mới.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét