Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

THỜI ĐÀM (XI): "THOÁT XÁC"!


 
- Tôi đã đọc nhiều sách, báo nói về “bếp núc” của nhà văn, và thấy rằng làm nhà văn thật khó, lắm gian nan. Chỉ sướng các ông phê bình như anh, chỉ đợi tác phẩm ra đời là phán!

- Sướng cái nỗi gì! Khổ lắm, vất vả lắm.

- Thế thì anh kể khổ đi.

- Nói cho rõ công việc mà tôi đang làm thì dài lắm!

- Nếu dài quá thì anh cứ nói về điểm khởi đầu xem nào?

- Đành mượn lời nhân vật Táo quân mà anh Hiệp “gà” thủ vai trong cuộc thi Táo Idol Tết vừa rồi để nói về việc đầu tiên của nhà phê bình vậy, đó là phải “thoát xác”!

- ?

- Người đọc ngây thơ thích theo dõi kết thúc câu chuyện. Họ bị cuốn vào câu chuyện nên ngộ nhận về giá trị của tác phẩm chỉ được gói gọn ở ý nghĩa câu chuyện được nhà văn “giăng” sẵn. Riêng với nhà phê bình, dù nội dung câu chuyện có xúc động đến mấy, họ cũng phải tỉnh táo, cần phải “thoát xác”, tạm quên đi nội dung câu chuyện, để “đọc sâu” tìm ra các nghĩa khác của tác phẩm.  

- Thật ấn tượng nhưng cũng thật... trừu tượng. Đề nghị anh cho ví dụ minh họa!

- Lấy tác phẩm nổi tiếng mà nhiều người đã đọc là truyện ngắn Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Có hai luồng ý kiến, kẻ khen hết mức, người chê cũng không tiếc lời. Tôi không ở bên nào trong cuộc tranh luận vô bổ đó. Cánh đồng bất tận là truyện ngắn có giá trị nhưng không phải là tuyệt tác như nhiều người tung hô vì kĩ thuật truyện ngắn đó đã rất cũ, ít nhất cách đây một thế kỷ và triết lý nhân-quả trong truyện không có gì đặc sắc. Về phía những người chê, một là họ cắt nghĩa nội dung thông qua lăng kính đạo đức (ở đây là đạo đức Nho giáo) và thích đối sánh hiện thực trong truyện ngắn với đời thực. Cho nên, họ mới phê phán yếu tố sex trong truyện và cho rằng tác giả đã cố tình bôi đen hiện thực. Riêng tôi, tôi phân tích nghĩa truyện ngắn theo phương pháp phân tâm học: Một khi con người thiếu các cơ chế kiểm soát cái vô thức thì những hành động bản năng thiếu nhân văn sẽ trỗi dậy hủy hoại chính cuộc sống con người. Tôi không nói cách phân tích của tôi là duy nhất đúng vì còn nhiều phương pháp khác và mỗi phương pháp phê bình có “đường đi” riêng; song chí ít hướng phê bình của tôi gợi ra một lớp nghĩa ngầm ẩn của tác phẩm mà nếu đọc theo cách “tiêu dùng” sẽ không phát hiện ra. Anh đã thấy chưa, nếu không tỉnh táo “thoát xác”, thể nào tôi cũng ngả về một trong hai phe nói trên. 

- Tôi theo dõi dư luận quanh Cánh đồng bất tận và nhận ra đâu chỉ có người đọc bình thường, ngay cả các nhà phê bình cũng chia là hai phe đó thôi?

- Không chỉ có mỗi vụ Cánh đồng bất tận, nhiều vụ tranh cãi trên văn đàn cũng có hiện tượng như anh đề cập. Nhiều người mang tiếng là nhà phê bình văn học nhưng thực ra chẳng thể “thoát xác”, họ vẫn say sưa bình tán về cái nghĩa bề mặt của tác phẩm, cái nghĩa chìm để nhà phê bình diễn giải thì các ông ấy lại bỏ qua. Đấy là những thầy bói phán bừa. Nhưng có nhóm khác kinh hơn, họ thừa biết giá trị thực của tác phẩm, nhưng vì một động cơ nào đó khiến nó nghĩ một đằng nhưng viết ra lại một nẻo.

- Tức là các nhà phê bình nọ không trung thực, thiếu đạo đức nghề nghiệp?

- Chứ còn gì nữa! Tôi thấy thật lạ, cái lĩnh vực phê bình văn học nó chỉ quan tâm đến tác phẩm, chứ nó có “nhạy cảm” như các thể loại khác đâu mà người ta không dám viết như những gì mình nghĩ. Còn nhiều trò khác thiếu lương thiện khác như: xuất hiện thật nhiều trên các phương tiện truyền thông để nổi tiếng, viết một đống sách về các đề tài cũ với phương pháp cũ để nhanh có công trình khoa học... Trong khi, công việc của nhà phê bình là ngồi làm việc, viết bài viết sáng tạo trên những cơ sở lý thuyết vững chắc. Tiếc là số người đó quá ít.

- Vậy, anh làm việc thế nào giữa cái đám phê bình bất tài và cơ hội như anh mới nêu ra, thỉnh thoảng họ có “chọc” anh không?

Việc của tôi, tôi cứ làm thôi. Thỉnh thoảng mấy nhà phê bình “đao búa” có gây sự thì giữ im lặng, coi như họ không tồn tại. Quan trọng nhất vẫn là ngồi làm việc, để đạt được sự tập trung và đỡ mất thời giờ thì không dây dưa gì với mấy vị đó, phải “thoát xác”!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét