Là một nhà sử học Việt Nam hiện đại, Nhà giáo nhân dân-Giáo sư Đinh Xuân Lâm rất buồn với việc hàng ngàn điểm không (0) môn sử trong kỳ thi đại học vừa qua. Dẫu vậy, ông vẫn tin rằng, học sinh Việt Nam sẽ lại yêu thích lịch sử nước nhà nếu các giải pháp được thực hiện đồng bộ.
Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư (GS), trong nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan cùng hội tụ vào thời điểm hiện nay khiến hàng nghìn học sinh được điểm không (0) môn lịch sử trong kỳ thi đại học vừa qua, theo GS đâu là nguyên nhân chính?
GS Đinh Xuân Lâm: Theo cá nhân tôi, nguyên nhân lớn nhất nằm ở việc giảng dạy môn sử học còn quá nhiều bất cập. Lâu nay, chúng ta vẫn sử dụng phương pháp giảng dạy theo lối áp đặt. Sử học không phải là một môn giáo dục, tuyên truyền chính trị thông qua các sự kiện và con số, mà là một môn khoa học với tất cả sự hấp dẫn và khó khăn của nó. Lịch sử cần được nghiên cứu và trình bày một cách khách quan, không thiên kiến thì mới tạo ra sức hấp dẫn được. Tôi dạy sử hơn nửa thế kỷ, tôi biết trẻ em đều yêu thích môn lịch sử.
PV: Như vậy, đầu tiên là phải cải cách về phương pháp dạy lịch sử trong nhà trường?
GS Đinh Xuân Lâm: Chính xác! Giáo viên quá nệ vào sách giáo khoa khiến giờ học sử trở nên khô khan. Những số liệu sử học về cơ bản chỉ mang tính chất minh họa cho một bài học lịch sử được rút ra từ một sự kiện lịch sử. Vấn đề số liệu lịch sử thì học sinh phải tự tìm hiểu lấy trước khi học chính thức giống như tìm hiểu tiểu sử nhà văn và xuất xứ tác phẩm trước lúc vào học văn vậy. Hôm vừa rồi, tôi nghe người ta truyền nhau câu nói đùa mà rất đúng: “Cái gì không biết thì tra Google!”. Ở thời đại công nghệ thông tin, số liệu lịch sử, thậm chí là những câu chuyện bền lề chính sử nhiều vô kể, học sinh cập nhật đôi khi còn nhanh hơn giáo viên; vậy nên, chỉ cần học sinh nắm được tinh thần lịch sử của các sự kiện từ việc nghe giảng trên lớp đã là thành công lắm rồi.
PV: Sự học lại gắn với sự thi. Theo GS, có gì cần thay đổi trong việc thi môn sử không?
GS Đinh Xuân Lâm: Theo tôi, cách ra đề thi môn sử còn có nhiều điều cần thay đổi. Một đề thi đại học bây giờ nhiều câu hỏi quá, đã vậy, ngay trong một câu hỏi có những hai vế không liên hệ trực tiếp sẽ khiến học sinh dễ bị rối trí trong việc lập luận để trả lời. Tôi nhớ, trước những năm 70 của thế kỷ trước, đề thi đại học môn sử cùng lắm chỉ hai câu hỏi và nội dung câu hỏi rất đơn giản như: Bình luận câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một vấn đề trong lịch sử. Cách ra đề này cũng vừa giúp phân loại học lực học sinh vì vừa đòi hỏi học sinh có hiểu biết kiến thức lịch sử vừa đòi hỏi khả năng suy luận với nhiều ý trả lời xoay quanh một câu hỏi. Một khi đã ra đề như trên, giáo viên chấm thi cũng không thể chăm chăm vào mỗi việc xem học sinh có viết đúng các số liệu lịch sử hay không, mà còn phải xem cách lập luận và triển khai bài viết có đầy đủ và chặt chẽ mới là điểm chính. Tôi xin lấy thêm một ví dụ ngoài lề, đề thi môn văn tú tài phần thứ nhất hồi Pháp thuộc mà tôi phải làm bài rất thú vị: Giả sử, hai nhà soạn kịch Pháp là Pierre Corneille và Jean Racine sắp chết đuối khi tàu chở hai ông bị chìm, nếu phải chọn giữa một trong hai ông thì em sẽ chọn cứu ai? Mấy năm qua, tôi thấy đề thi đại học môn văn đã có những câu hỏi rất đơn giản mà buộc học sinh phải có kiến thức về văn chương và khả năng tư duy mới có thể làm được. Theo tôi, cách ra đề thi lịch sử hiện nay tốt nhất nên trở lại theo cách trên.
PV: Phương pháp giảng dạy và cách ra đề thi là một chuyện, nhưng sự thật có nhiều em học sinh, nhiều bậc cha mẹ không coi trọng môn lịch sử, hoặc chỉ học để thi chứ không có ý định gắn bó cuộc đời với khoa học lịch sử, vì sao vậy thưa Giáo sư?
GS Đinh Xuân Lâm: Đúng là để đọc sử như một niềm say mê thì cần phải có cơ duyên. Bản thân tôi yêu lịch sử từ bé là do ảnh hưởng thói quen từ ông cụ thân sinh cũng rất yêu lịch sử. Ngày nay, khó mà trông chờ các bậc phụ huynh khuyến khích con họ theo lịch sử rất khó có tương lai tương sáng, thậm chí có người nói: “Tôi rất xấu hổ khi con tôi đỗ chuyên sử!”. Tôi nghĩ trong khi chờ vào các phương tiện hiện đại và tốn kém như phim ảnh để tuyên truyền kiến thức lịch sử, có nhiều điều đơn giản mà cực kỳ hiệu quả khác có thể thực hiện ngay; chẳng hạn, những câu chuyện ngoài sách giáo khoa lịch sử mà có thể nói công khai thì giáo viên nên kể cho học sinh nghe để học sinh có hứng thú hơn trong việc tự tìm hiểu lịch sử, giúp học sử không còn là sự áp đặt. Và việc đi ngoại khóa nữa, nhiều trường học dù có điều kiện cũng không tổ chức cho học sinh đi các di tích lịch sử ngay trong địa phương.
PV: Trước thực trạng dạy và học sử như hiện nay, theo GS tình hình sẽ chuyển biến như thế nào?
GS Đinh Xuân Lâm: Tôi tin lớp trẻ sẽ lại yêu thích lịch sử chỉ trong thời gian ngắn nếu các giải pháp đổi mới dạy, học được thực thi khẩn trương. Không phải tôi là người lạc quan mới nói vậy, mà qua tiếp xúc thực tế, tôi thấy không chỉ những người trong ngành sử như tôi mới đau đáu với chuyện sử học bị rẻ rúng, mà gần như động đến vấn đề này ai cũng sôi nổi, tôi tin nhận thức xã hội về môn lịch sử sẽ thay đổi tích cực trong thời gian tới. Hơn nữa, như tôi đã nói, học sinh Việt Nam không chán sử học, chẳng qua là các em chưa được hưởng một phương pháp dạy và học sử ưu việt mà thôi.
PV - Xin cảm ơn GS!
HÀM ĐAN (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét