Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

THỜI ĐÀM (XV): THAY LUẬT THƯỢNG ĐẾ


Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều học sinh Việt Nam từng vò đầu bứt tai tự vấn: “Sao trong sách giáo khoa, chẳng có phát minh nào gắn tên người Việt Nam?” Càng thêm chữ vào đầu, các học sinh mới vỡ lẽ một sự thật chẳng mấy vui vẻ: Ở nước ta, chưa có một vị nào có đóng góp lớn về khoa học cho nhân loại đến mức trẻ em nơi đâu cũng biết.

Thế rồi, như một ánh chớp sáng chói, mới năm ngoái, kì tích GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields đã làm chấn động cả nước, khẳng định người Việt có thể sáng tạo và đóng góp cho nhân loại những điều lớn lao.

Những gì mà GS Ngô Bảo Châu làm được bị một vài người cho là điều gì đó quá bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng. Bất ngờ thì quá rõ vì lâu nay lắm người bị bản sắc sáng tạo của người Việt phủ lên suy nghĩ. Như là một định mệnh, hình như mỗi dân tộc được trời phú cho bản sắc sáng tạo riêng. Người Do Thái được trời phú để tạo những phát kiến độc sáng chưa từng có, ba phát minh vĩ đại nhất ảnh hưởng đến thế kỷ XX đều thuộc về người gốc Do Thái: Thuyết phân tâm của S. Freud, Thuyết tương đối của A. Einstein và Chủ nghĩa duy vật lịch sử của K. Marx. Người Nhật lại là chuyên gia học của người khác đến tận cùng, rồi sau đó sáng tạo ra cái mới dựa trên cái đã học, ví dụ rõ nhất là nền công nghiệp điện tử của Nhật Bản. Riêng về người Việt, các nhà nghiên cứu văn hóa chứng minh, người Việt Nam thích ứng và dung hoà các yếu tố lẻ tẻ rồi tổng hợp lại thì rất tài, PGS Phan Ngọc gọi cách sáng tạo đó bằng chữ “bricolage” (lắp ghép).           

         Bản sắc sáng tạo lắp ghép bị một số người cho như là luật Thượng Đế nên người ta cho rằng có một giới hạn trong sự sáng tạo. Xin lấy ví dụ ở bên văn chương. Rất nhiều lần trong các buổi nói chuyện văn chương, những nhà văn lão thành thường xuyên thở dài: Nhà văn Việt Nam chỉ sáng tạo cái nho nhỏ kiểu như truyện ngắn, gần như không có tác phẩm lớn tranh tài sáng tạo với Thượng đế. Và họ khuyên các nhà văn trẻ: Đừng bao giờ đặt mục đích viết để đoạt giải Nobel, chỉ cần tác phẩm có nhiều người đọc đã là thành công lắm rồi.

Lời khuyên kia thoạt đầu có vẻ hợp lý dựa trên lối nghĩ “biết người, biết ta”; nhưng ngẫm kĩ thì còn chưa chính xác, thậm chí phản động lực. Dĩ nhiên giải thưởng Nobel không phải là tất cả nhưng vẫn là một trong những thước đo tương đối “chuẩn” để thẩm định tài năng văn chương đích thực. Vì vậy, một nhà văn Việt nào đó trong tương lai được xướng tên chắc chắn sẽ là niềm tự hào dài lâu cho cả dân tộc. Vậy sao lại thiếu tự tin đến mức hạ “chỉ tiêu” trở thành một nhà văn best-seller? Trở thành một tác giả ăn khách là một thành công không nhỏ nhưng rõ ràng điều này không thích hợp trong hoàn cảnh văn chương Việt Nam hiện đại-một nền văn học thiếu vắng những tác gia và những tác phẩm có sức sáng tạo lớn.

Có thể, những nhà văn lão thành đã từng trải đời, sự mơ mộng chẳng còn bao nhiêu nên các cụ rất thực tế. Nhưng nhiều nhà văn trẻ vẫn tiếp tục mơ mộng... Sự mơ mộng của những nhà văn trẻ không phải là điều viển vông. Về cơ bản, con người là sinh vật hữu hạn lúc nào cũng muốn đạt đến cái vô hạn. Và nghệ thuật, đặc biệt alf văn chương là cách là nhiều người chọn để trở nên bất tử. Một thiên tài văn chương ra đời thì yếu tố quyết định là tài năng của cá nhân anh ta. Nền tảng giáo dục và văn hóa ở đất nước anh ta có thể còn nhiều bất cập, nhưng nếu anh ta ý thức tự học, từ nghiền ngẫm và đặc biệt tự đi theo một lối viết riêng thì hoàn toàn có thể vượt lên trên mặt bằng chung, tạo ra tác phẩm ngang tầm thế giới.   

Nhưng con người đó bao giờ xuất hiện? Có lẽ không thể dự đoán mà hãy tin con người đó sẽ sớm xuất hiện trong sự bàng hoàng và cảm động, như đúc kết của Nguyễn Trãi: “...Hào kiệt đời nào cũng có”. Tôi vẫn hi vọng và trông đợi, và khát khao một ánh sao, một tia chớp. Cái giới hạn "luật Thượng đế" vớ vẩn kia cũng do bấy lâu ta tự nghĩ ra, tự quàng vào cổ mình thôi.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét