Với chủ
đề “Sách-chìa khóa của thành công” và thông điệp “Đọc sách cho cuộc sống tốt
đẹp hơn”, “Ngày hội sách và văn hóa đọc 2012” (gọi tắt là Ngày hội sách) đã trở
thành hoạt động văn hóa mang tầm Quốc gia với sự tham gia hưởng ứng của nhiều
địa phương. Nhưng dư âm Ngày hội sách năm nay vẫn còn đó nhiều băn khoăn về
chất lượng chưa đuổi kịp quy mô.
Mở
rộng quy mô
Hưởng ứng “Ngày sách và bản quyền thế giới” (World
Book and Copyright Day) 23-4, năm nay, với tên gọi “Ngày hội sách và văn hóa
đọc 2012”, Ban tổ chức (BTC) đã quyết định mở rộng quy mô Ngày hội sách ở tầm
Quốc gia để trở thành hoạt động thiết thực chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội
khóa XIII sẽ thông qua Luật Thư viện; song, mục tiêu quan trọng nhất là Ngày
hội sách sẽ nâng cao nhận thức của người dân đặc biệt là lớp trẻ về tầm quan trọng
của việc đọc sách, khuyến khích đọc sách, đưa văn hóa đọc lan tỏa rộng rãi tới
người dân.
Địa điểm chính của Ngày hội sách 2012 vẫn được tổ chức
ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Rút kinh nghiệm từ lần trước, do lượng người
tham dự đông và có nhiều hoạt động nhưng chỉ diễn ra trong một ngày nên xảy ra tình
trạng “quá tải”; BTC đã quyết định ngày hội sẽ diễn ra trong hai ngày 21 và
22-4. Các hoạt động của Ngày hội sách năm nay cũng nhiều hơn năm ngoái với tổng
cộng 14 hoạt động.
Có thể kể ra hoạt động đáng chú ý như: Chương trình
giao lưu, tọa đàm giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học là GS-TS Chu
Hảo-Giám đốc NXB Tri thức; bà Lê Thị Bích Hồng-Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn
nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà văn Nguyễn Quang Thiều-Phó chủ tịch Hội Nhà
văn Việt Nam... với công chúng xung quanh các vấn đề nâng cao văn hóa đọc. TS
Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Công ty sách Thái Hà) - một diễn giả lâu năm về văn
hóa đọc đã thuyết trình về vấn đề “Sách-chìa khóa của thành công” khi ví von tri
thức có được nhờ đọc sách là thứ “của cải” vô giá không thể bị phá hủy. Với những
độc giả nhí, Ngày hội sách năm nay trở nên sôi động khi có “sân chơi” là thi vẽ
tranh theo sách, tô màu theo tranh, chơi trò chơi trí tuệ... Các hoạt động hoàn
toàn mới của Ngày hội sách năm nay thu hút sự chú ý của người dân tham dự nhất
là trình diễn thơ và văn xuôi của các cây bút trẻ như: Thụy Anh, Mai Anh Tuấn,
Vũ Anh Vũ, Vũ Thiên Kiều...; và một điều đặc biệt của năm nay là mỗi người đến
tham dự Ngày hội sách đóng góp sách để BTC chuyển đến các vùng nông thôn nhằm
góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới.
Ngoài địa điểm Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Thư viện Quốc
gia (31 Tràng Thi, Hà Nội) cũng đã tổ chức triển lãm “Sách hay, sách đẹp, sách
quý” giới thiệu các sách hay đoạt Giải thưởng sách Việt Nam từ năm 2005 đến năm
2011; các sách quý, sách cổ, sách trên những chất liệu đặc biệt, sách có kích
thước to nhất, nhỏ nhất...
Không chỉ sôi động ở Hà Nội, Ngày hội sách năm nay còn
diễn ra tại hơn 30 địa phương trong cả nước bởi sự chủ động hưởng ứng của các
thư viện tỉnh. Điển hình như tỉnh Bắc Kạn - một địa phương còn gặp nhiều khó khăn,
vẫn tổ chức Ngày hội sách với chủ đề “Tuổi trẻ đọc sách cho ngày mai” khá sôi
động với các chương trình: Tặng sách giờ vàng, tặng quà cho độc giả làm thẻ thư
viện…
Mới qua hai lần tổ chức mà đã có tới hơn 50% số địa
phương trên cả nước hưởng ứng Ngày hội sách thì có thể lạc quan tiên đoán Ngày
hội sách sẽ có sức sống bền bỉ, trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu
với người dân.
Vẫn
còn những băn khoăn
Một hoạt động vì cộng đồng như Ngày hội sách nhưng
công tác quảng bá chưa được tốt, dẫn đến chưa kêu gọi sự hưởng ứng hết mình của
người dân. Điển hình như: Chỉ còn 4 ngày diễn ra khai mạc nhưng BTC mới loan
tin việc kêu gọi người dân đóng góp sách xây dựng nông thôn mới, nên không có
nhiều người mang sách khi đến với Ngày hội sách.
Hoạt động quảng bá thương hiệu và bán sản phẩm ở các
quầy sách của các NXB và nhà sách không sôi động như năm ngoái. Mặc dù các công
ty sách, các NXB tích cực níu chân khán giả như tạo hình nhân vật hoạt hình,
lưu lại nét bút của khán giả làm kỷ niệm hay xếp sách nghệ thuật... nhưng không
ít bạn đọc đến với Ngày hội sách tỏ ra thất vọng bởi các gian hàng sách vẫn còn
nhỏ lẻ, sách nhiều nhưng không có nhiều sách hay và mới. Các NXB và công ty
sách uy tín cũng không tham dự đầy đủ… Vì vậy, người đến với Ngày hội sách cũng
chỉ đến một ngày cho biết.
Nhiều người trong giới xuất bản cũng chưa thực sự hài
lòng vì BTC chưa có hoạt động cụ thể nào đề cập tới vấn đề bản quyền. Cần nhắc
lại, ngày 23-4 hằng năm không chỉ có việc tôn vinh văn hóa đọc mà còn có vấn đề
bản quyền. Hiện nay, câu chuyện vi phạm trắng trợn bản quyền sách đang là vấn
đề “nóng” ở nước ta. Rất khó để có dịp tập hợp người yêu sách đông đảo như Ngày
hội sách, lẽ ra BTC cần tận dụng sự kiện này để tuyên truyền người dân “nói
không” với sách lậu.
Một vấn đề khác mà BTC cần rút kinh nghiệm là mỗi Ngày
hội sách nên tập trung vào một hoạt động trọng tâm, tránh tình trạng đưa ra một
chủ đề chi phối chung chung. Nỗi băn khoăn nói trên không phải không có cơ sở vì
đã qua hai lần tổ chức, các hoạt động dù hay đến đâu thì lâu ngày cũng sẽ mang
đến cảm giác nhàm chán cho người dự. Thiết nghĩ, không chỉ đổi mới từng hoạt
động tại địa điểm chính là Hà Nội mà mỗi địa phường, tùy theo hoàn cảnh cũng
cần tích cực sáng tạo các hoạt động để thu hút người dân tham dự Ngày hội
sách trong những năm tới.
HÀM ĐAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét