Giáo sư Phạm Đức Dương sinh năm 1930 tại Hà Tĩnh. Lĩnh vực chuyên môn: ngôn ngữ dân tộc và ngôn ngữ thực nghiệm; Đông Nam Á học. Ông là người xây dựng và là chuyên gia đầu ngành về Đông Nam Á học ở Việt Nam. Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á từ 1975 đến 1995. Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (1990 - 1995) và tạp chí Việt Nam – Đông Nam Á ngày nay (1995 - 2000).
Phóng viên (PV): Thưa GS, lãng phí ở nước ta nên nhìn từ góc độ nào?
GS Phạm Đức Dương: Đặc trưng của người Việt Nam là cư dân lúa nước sống ở đồng bằng. Người Việt là những tiểu nông. Từ đó, đẻ ra những ứng xử khác nhau. Bên cạnh mặt tích cực có nhiều mặt tiêu cực mà lãng phí là một trong những điểm tiêu cực nổi bật. Từ khi Đổi mới bước vào xã hội công nghiệp sự lãng phí lại bộc lộ nhiều hơn. Muốn tìm hiểu người Việt Nam và tính cách của họ trong đó có sự lãng phí theo tôi phải đi theo hướng này. Đồng thời cũng phải đứng trên tầm thời đại để thấy được lãng phí của người Việt.
PV: Thưa GS, ông có thể so sánh về sự lãng phí của người Việt hiện nay so với ngày xưa, giữa Việt Nam và các nước khác?
GS Phạm Đức Dương: Sự lãng phí đúng là đã có từ thời các cụ. Ngày xưa chỉ làm lúa một vụ nên phải khẩn trương “nhất thì, nhì thục” là vậy. Nhưng sau khi thu hoạch là xả hơi, vui chơi hội hè. Cho nên người Việt vừa chăm chỉ cần cù lao động hiếm có nhưng khoản ăn chơi, hội hè thì cũng không ai bằng.
Người Việt ngày thường ăn mặc rất tiết kiệm nhưng đến lễ hội, giỗ chạp là phung phí vô lối. Người Việt có bệnh sĩ, bốc đồng “con gà tức nhau tiếng gáy”, nhất quyết không được thua bè thua bạn. Giờ vật chất đã khá sự phung phí càng tăng nhất là chuyện thiết đãi ở đám cưới, hội nghị vì người Việt có tư duy “trọng khách”. Thức ăn thừa quá phí phạm. Người Đức ăn không hết mang về vì họ coi là sức lao động của họ. Ta chưa có thói quen đó.
Người Việt cũng không biết quý trọng thời gian. Thời gian nhàn rỗi không biết làm gì. Người Nga khi xếp hàng hay lên tàu điện đều mang theo sách. Họ đọc để thêm kiến thức vừa quên thời gian chờ đợi.
Sự lãng phí lớn nhất theo tôi đó là sự lãng phí trong xây dựng. Bước vào công nghiệp hóa xây dựng càng lớn. Dưới con mắt anh tiểu nông, tầm nhìn không xa, thiếu cơ bản sự lãng phí càng lớn hơn. Người Nhật học cho đến kiệt rồi từ đó mới sáng tạo. Người Việt học không đến đầu đến đũa, chỉ học cái gì cần thiết trước mắt. Đi vào đời sống hiện đại mà thiếu căn bản là rất nguy hiểm.
Thêm nữa nước ta chiến tranh, bao cấp kéo dài, cái không bình thường trở thành cái bình thường. Cái không bình thường chỉ có phá hoại.
PV: Thưa GS, vậy đâu là nguyên nhân căn bản dẫn đến sự lãng phí của người Việt?
GS Phạm Đức Dương:
Theo tôi đấy là trình độ văn minh trong con người Việt thấp kém chưa đáp ứng được cho một xã hội phát triển. Giáo dục chưa đào tạo được những con người văn minh biết tiết kiệm. Con người hiện đại cần phải được giáo dục cẩn thận. Theo tôi cần phải dạy cho lớp trẻ học làm một công dân văn minh hiểu được thế nào là lãng phí.
Quan trọng hơn cần tạo ra một thiết chế để mô hình “”Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lí, nhân dân làm chủ” vận hành có hiệu quả chứ không phải là khẩu hiệu suông. Có làm như vậy mới giải quyết được nhiều vướng mắc trong đó có sự lãng phí.
Xin cảm ơn GS Phạm Đức Dương!
HÀM ĐAN (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét