Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

CỪU ĐEN - ITALO CALVINO


Ở một miền đất nọ, mọi người đều là kẻ trộm.

Về đêm mọi người đều rời khỏi nhà với chùm chìa khóa cùng chiếc đèn lồng được che chắn và đi ăn trộm nhà hàng xóm. Họ trở về lúc bình minh, mang theo nhiều tài sản, và thấy chính nhà họ cũng bị mất trộm.

Cho nên, mọi người sống rất hạnh phúc, không ai thấy thua thiệt gì, vì lẽ rằng từng người ăn trộm người khác và người khác lại ăn trộm người khác nữa, và cứ tiếp tục như thế đến khi kẻ trộm cuối cùng ăn trộm của kẻ đầu tiên. Chuyện buôn bán ở xứ đó chắc chắn là trò bịp bợm của kẻ mua và kẻ bán. Chính phủ là một tổ chức tội phạm ăn trộm của dân và dân chúng chỉ chăm chăm ăn trộm của chính phủ. Vì vậy, cuộc sống thật dễ chịu, chẳng ai giàu và chẳng ai nghèo.

Một ngày, không hiểu sao lại có một người đàn ông lương thiện đến chốn này. Đêm tới, thay cho việc ra đi vác theo bao bố và đèn lồng, anh ta ngồi ở nhà hút thuốc lá và đọc tiểu thuyết.

Những tên trộm đến, chúng thấy đèn sáng và không vào nhà.

Tình trạng này diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn: sau đó họ đành phải giải thích cho anh ta rằng ngay cả nếu anh muốn sống không làm việc thì cũng có lý do gì ngăn cản công việc người khác. Mỗi đêm, anh ở nhà thì y rằng hôm sau một gia đình nào đó chẳng có gì để ăn.
Người đàn ông lương thiện khó có thể phản đối lý lẽ trên. Anh ra đi vào đêm tối và sáng hôm sau quay về giống như họ, nhưng anh ta không ăn trộm. Anh ta vẫn lương thiện và bạn không thể làm gì để thay đổi căn tính đó. Anh ta đi cho đến tận cây cầu và nhìn làn nước trôi phía dưới. Khi anh ta trở về nhà anh thấy mình ta bị mất trộm.

Chưa đến một tuần lễ người đàn ông lương thiện chẳng còn một xu dính túi, anh ta chẳng có gì để ăn và nhà anh ta thì trống không. Nhưng đó không phải là vấn đề, vì lẽ rằng đó là lỗi của chính anh ta; không, vấn đề là lỗi của anh ta làm mọi sự đảo lộn. Bởi anh để cho những kẻ khác ăn trộm tất cả tài sản anh ta, mà anh ta lại không ăn trộm của bất cứ ai, nên luôn luôn có kẻ trở về lúc bình mình và thấy nhà mình còn nguyên vẹn: anh ta lẽ ra phải ăn trộm nhà ấy. Một thời gian sau, những kẻ không bị trộm thấy mình giàu có hơn kẻ khác và không muốn đi ăn trộm nữa. Tệ hơn, những kẻ đến nhà người đàn ông lương thiện để ăn trộm thấy nhà luôn luôn trống không, do đó họ nghèo đi.

Trong lúc đó, những kẻ giàu có lại có thói quen của người đàn ông lương thiện là đi đến cây cầu về đêm để ngắm dòng nước trôi bên dưới. Điều này càng làm tăng thêm sự rối loạn bởi nó khiến cho nhiều kẻ khác trở nên giàu có và nhiều kẻ khác trở nên nghèo đói.

Đến lúc này, người giàu thấy rằng nếu họ đi đến cầu vào mỗi đêm họ cũng dần trở thành nghèo đói. Và họ có ý muốn: “Hãy trả lương cho những người nghèo để họ đi ăn trộm cho mình”. Họ lập hợp đồng, tính mức lương cố định, tính phần trăm ăn chia: dĩ nhiên họ vẫn là những kẻ trộm, và họ vẫn muốn lừa gạt kẻ khác. Điều phải đến là người giàu càng giàu thêm và kẻ nghèo càng nghèo đi.

Một vài người giàu nứt đố đổ vách cho rằng họ không cần phải đi ăn trộm hoặc thuê kẻ khác ăn trộm để mình giàu hơn. Nhưng nếu họ dừng ăn trộm thì họ sẽ nghèo đi bởi những kẻ nghèo ăn trộm của họ. Vì vậy, họ trả lương cho những người nghèo nhất trong đám người nghèo giữ tài sản tránh bị bọn nghèo lấy trộm và từ đó tạo ra lực lượng công an và xây dựng nhà tù.

Chỉ trong vòng vài năm người đàn ông lương thiện xuất hiện, chẳng ai còn nhắc đến chuyện ăn trộm và mất trộm, mà nói đến người giàu và kẻ nghèo, nhưng họ vẫn còn là những kẻ trộm.

Chỉ một người lương thiện chính là đàn ông lúc đầu ấy, nhưng anh ta đã chết từ trước đó, vì đói.

Hàm Đan dịch từ tiếng Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét