Thứ Năm, 11 tháng 6, 2009

THỊ DÂN CÓ ĐÁNG BỊ GHÉT?


Trong buổi ra mắt bộ sưu tập gần 4000 bản vẽ về đời sống người dân Bắc Bộ (chủ yếu ở HN và ngoại thành) của Henri Oger (1885 – 1936?) tại Trung tâm văn hoá Pháp (L’Espace), ban tổ chức hình như muốn làm nổi bật lên chủ đề triền lãm: Sự việc và hành động – Thị dân và nông dân đầu thế kỷ XX nên đã cố tình phóng to đặt ngay tiền sảnh bức tranh vẽ “nổi tiếng” được in đi in lại nhiều lần trong các sách văn hoá khác nhau. Đó là bức tranh vẽ một đoạn phố; ở giữa đường là những người nông dân đang buôn thúng bán mẹt bên cạnh hai cửa hàng của hai tiểu thương bán tạp hoá. Bức tường ngoài của một cửa hàng có vẽ “cái ấy” của chị em kèm với hàng chữ Nôm to tướng: “Đ. mẹ cha đứa nào ở trong cái nhà này”.
Bức tranh ấy đã vô tình cho ta thấy mối bất hoà giữa nông dân và thị dân ở nước ta. Mối quan hệ không mấy thân thiện không phải bắt đầu từ khi xã hội VN đang chuyển biến mạnh mẽ từ văn minh nông nghiệp sang công nghiệp thời Pháp thuộc mà nó đã lịch sử ngót nghét mấy trăm năm.

TRĂM NĂM CÔ ĐƠN

Ai cũng biết VN là một dân tộc mà nông dân chiếm đa số. Nông dân ở đâu trên thế giới cũng thích gắn bó với làng quê, ngại đi xa, ngại mạo hiểm nhưng chỉ ở VN (đúng hơn là vùng Bắc Bộ cho tới đèo Hải Vân) mới có người tiểu nông. Đó là những nông dân canh tác trên những mảnh ruộng nhỏ như bàn tay ếch, chết cũng không rời mảnh ruộng được chia. Những người nông dân thà làm anh bần nông trong một làng xã nào đó còn hơn làm dân ngụ cư, tha phương cầu thực không ruộng đất, không gia đình, dòng họ; nghĩa là không phải thành viên của một cộng đồng. Họ sống khép kín trong luỹ tre làng duy trì một nền kinh tế tự cung tự cấp.
Đến thời Lê Thánh Tông (1442 - 1497), Nho giáo trở thành quốc giáo. Người Việt không tiếp thu phần triết học của Nho giáo mà chỉ tiếp thu những quy tắc đạo đức (tam cương, ngũ thường) và khuôn mẫu ứng xử. Những luận điểm này vốn đã hẹp hòi, đã khô cứng lại còn bị tâm thức tiểu nông làm cho hẹp hòi hơn và khô cứng hơn. Nho giáo vốn ghét cay ghét đắng thương mại bởi vì buôn bán là yếu tố dễ làm mất ổn định cái xã hội theo học thuyết trị bình. Bởi vậy, ở đâu và bao giờ chính quyền Nho giáo cũng thực thi chính sách “trọng nông ức thương”, nhưng ở VN thì chính sách này càng tệ hại hơn, làm cho thương nghiệp không ngóc đầu lên được, đặc biệt là chưa bao giờ có ngoại thương như Trung Hoa, Chà Và (Indonesia), Chăm-pa... Đã không có buôn bán thì dễ hiểu vì sao VN thời phong kiến không có đô thị thương mại mà đô thị chỉ có tính chất hành chính. Thăng Long chẳng qua cũng chỉ là một cái làng lớn nhất nước với mấy người buôn bán vặt bằng cách trao đổi sản phẩm thừa qua mạng lưới chợ quê. Tuyệt nhiên không hề có tầng lớp thị dân và nền văn hoá đô thị đi kèm.
Tầng lớp thị dân thực sự ra đời từ thế kỷ XVII và phát triển èo uột cho đến khi đặt dưới sự cai trị của người Pháp. Cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều và Đàng Trong – Đàng Ngoài khiến các tập đoàn cần tiền để mua vũ khí. Các có tiền nhanh nhất bấy giờ là thu thuế các tàu buôn nước ngoài. Cá cửa biển, cửa song được mở ra kích thích sản xuất hàng hoá. Trên lãnh thổ VN xuất hiện hàng loạt các đô thị, thị trấn, thị tứ như Thăng Long, Hội An, Phố Hiến… Người dân ở các đô thị này khác hẳn với người nông dân ở làng xã ở quan niệm về cuộc sống, lẫn lối cảm, lỗi nghĩ. Họ không cam phận ăn chắc mặc bền, sống nhà chết làng như người nông dân hoặc làm quan. Cuộc sống với họ là làm giàu để hưởng thụ. Từ đây, tư tưởng thị dân và văn hoá đô thị mới phát triển.
Với người thị dân, phẩm chất tài năng được coi trọng vô hình đối lập với quan niệm Nho giáo “trọng đức khinh tài”. Tính chất thứ hai là tình tức là những tình cảm, cảm xúc thuộc về con người tự nhiên. Nho giáo ghét luôn phẩm chất thứ hai này bởi có tình dễ xúc động dễ vi phạm các phép tắc, đến chữ lễ. Phẩm chất cuối của thị dân là thích hưởng thụ nghệ thuật. Nghệ thuật đã bước đầu thôi làm công cụ giáo huấn mà còn chuyên chở cái đẹp. Muốn hưởng thụ cần có tiền, thị dân đã nhận thức được giá trị đồng tiền; từ đó, cũng bớt kì thị với thương mại.
Thị dân chỉ sống ở một không gian nhỏ hẹp ở những con phố buôn bán. Xung quanh họ là những người tiểu nông đông đảo. Lúc này nền kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo, nông dân vẫn là lực luợng sản xuất chính, giúp xã hội phát triển chầm chậm. Cho nên, những thị dân và đô thị thương mại không khác gì những hòn đảo cô đơn nằm lọt giữa “biển tiểu nông” (chữ dùng của GS Từ Chi). Trong mắt người tiểu nông, họ biết rằng không có thương mại thì không thể giàu có được (phi thương bất phú) nhưng lại đánh giá buôn bán là lừa gạt, thương gia là con buôn. Tâm lí cào bằng, xấu đều còn hơn tốt lỏi khiến trong tâm thức họ nảy sinh hai cảm xúc trái ngược: vừa mong có tiền như thị dân, đồng thời cũng ghen ghét với cuộc sống sung túc và lối sinh hoạt “quý tộc” của họ.
Thái độ ghen ghét với thị dân trong bức tranh kia mang tính lịch sử và đã đi vào tiềm thức cho đến tận ngày nay.

THỊ DÂN LÀ TINH HOA

Những năm chiến tranh chống Pháp và Mỹ, những thị dân tản cư về nông thôn đều được đùm bọc. Người tiểu nông khi có ngoại xâm tinh thần đoàn kết cộng đồng rất cao. Họ không để tâm phân biệt nông thôn và thành thị nữa mà đều là đồng bào VN. Nhưng hoà bình lập lại, xung đột giữa người tiểu nông và thị dân lại tiếp diễn trên những mảnh đất, trong lối sống hàng ngày.
Không ai phủ nhận tầm quan trọng của nông thôn và người nông dân. Họ giúp đất nước đảm bảo an ninh lương thực, bảo tồn văn hoá dân gian… Nhưng để tạo ra của cải vật chất, tạo ra những giá trị tinh thần mới thì phải trông cậy ở người thị dân. Số liệu năm 2007 đã chứng minh điều này khi dân số nông thôn chiếm 73% dân số nhưng giá trị sản xuất của nông nghiệp chỉ chiếm hơn 21% trong cơ cấu GDP.
Đô thị là nơi một con người học tập và mở ra nhiều cơ hội việc làm. Nhưng cơ hội chỉ mở ra cho những người có tri thức hay nói đúng hơn có điều kiện để tiếp cận tri thức. Bằng chứng là làn sóng người nông dân bỏ ruộng lên thành phố ngày một kéo dài nhưng họ mãi không thể trở thành thị dân mà chỉ là những nông dân bán trụ kiếm kế sinh nhai ở đô thị. Bởi số lượng lao động nông thôn (từ năm 2000 đến nay) có trình độ trung cấp dạy nghề trở lên chỉ có 16,88 % trong khi số lượng chưa tốt nghiệp tiểu học lại là 20%. Với trình độ tri thức thấp như vậy họ chỉ có thể làm nghề lao động chân tay, buôn bán nhỏ. Nếu không chuyển đổi nghề hoặc sản xuất theo mô hình công – nông nghiệp thì vòng luẩn quẩn đói nghèo của người nông dân không thể tháo gỡ.
Kinh tế, học vấn của người nông dân có thể thống kê được nhưng khó ai có thể thăm dò tâm lí của người nông dân thời buổi này. Trong tâm lí của họ, những ánh mắt thiếu thiện cảm dành cho thị dân có còn nữa không? Họ có coi những thị dân những kẻ cũng lao động mệt mài trên bàn phím, cao ốc ngân hàng, khu thương mại… là những kẻ bóc lột hoặc lừa đảo? Họ có nhận ra, ở thế kỷ 21, trong thời buổi toàn cầu hoá, thời của kinh tế công nghiệp và tri thức thì vị trí và vai trò của thị dân phải là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Dù muốn hay không, những thị dân ngày nay đang trở thành tầng lớp tinh hoa (élite) của xã hội.
Trong lĩnh vực tinh thần, đô thị và thị dân là nơi mà tinh thần dân chủ và ý thức cá nhân phát triển. Các xã hội hiện đại đều dựa trên sự phát triển của cá nhân. Nền dân chủ hiện đại là nền dân chủ cá nhân, tức không phảiỉ dân chủ đại diện, mà là dân chủ tham gia. Còn bản chất cộng đồng thì thu hẹp lại (chứ không biến mất). Sáng tạo văn hoá, tinh thần là công việc của cá nhân chứ không phải cộng đồng. Ở VN, với đa số là nông dân tính cộng đồng còn cao nên ý thức cá nhân vẫn kém phát triển do đó phần nào kìm hãm sự hội nhập và sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Với tầng lớp thị dân ngày càng tăng về số lượng và trình độ thưởng thức nghệ thuật, dễ hiểu vì sao càng ngày càng có nhiều nghệ sĩ và loại hình nghệ thuật đương đại du nhập vào VN. Những loại hình nghệ thuật mới kén người thưởng thức và tốn kém tiền bạc. Chỉ có thị dân mới tiêu thụ nổi những nghệ thuật mới mẻ, giống như ngày xưa những thị dân đô thị trung đại đã tiếp nhận loại hình nghệ thuật mới ra đời lúc ấy là ca trù.

Ghi chú: - Số liệu của Tổng cục thống kê
- Tranh khắc gỗ của Henri Oger XB năm 1909

1 nhận xét: