Trong trí nhớ hậu thế, Phan Khôi (1887 - 1959) là một người yêu nước thuộc thế hệ nho sĩ cuối mùa. Ông từng hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tham gia biểu tình đòi giảm thuế, ông bị bắt giam. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được Bác Hồ mời từ Quảng Nam ra Hà Nội với cương vị một nhà văn hóa. Hòa bình lập lại (1954), Phan Khôi về Hà Nội tiếp tục hoạt động văn hóa cho đến khi qua đời.
Về sự nghiệp, hầu như, Phan Khôi (1887 - 1959) chỉ được xem như là người chính thức mở đường cho phong trào Thơ mới (1932 - 1945) bằng bài thơ Tình già đăng trên báo Phụ nữ tân văn (số 122 ra ngày 10-3-1932). Thế nhưng, từ năm 2003 đến nay, 5 cuốn sách “Tác phẩm báo chí” của Phan Khôi (từ năm 1928 đến 1932) do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tâm và biên soạn đã tái phát hiện sự nghiệp của một nhà báo lớn, một học giả khoa học xã hội và nhân văn uyên bác.
Đỗ tú tài năm 18 tuổi song ông bỏ bút lông sang cầm bút sắt học chữ Quốc ngữ và Pháp ngữ. Kiến thức Đông Tây kim cổ hình thành dần nhờ tinh thần hiếu học, ý chí vươn lên của một ông đồ Quảng. Số “vốn” dày dặn đã giúp Phan Khôi “động” bút, thậm chí là chủ bút “ngầm” các tờ báo quan trọng nhất Đông Dương như Đông Pháp thời báo, Nam Phong, Sông Hương, Tràng An, Thần chung, Lục tỉnh tân văn… Lịch sử báo chí chắc chắn không thể bỏ qua Phan Khôi như một trong những nhà báo lớn nhất.
Vế sau con người Phan Khôi như một nhà trí thức dần lộ diện qua buổi seminar “Về Phan Khôi như một trí thức qua hoạt động báo chí”, trong khuôn khổ chương trình tọa đàm “Góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức” của Nhà xuất bản Tri thức và Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh tổ chức ngày 9-7 vừa qua.
Trí thức trước là một người chuyên môn giỏi. Song, để là một trí thức đích thực, cần phải có tiếng nói vào phản biện các vấn đề xã hội một cách khách quan và trung thực. Phan Khôi là cháu ngoại Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, lại thừa thông minh để để thi đỗ làm quan nhưng suốt đời, Phan Khôi chỉ là một học giả “ngoài lề” góp tiếng nói phản biện; ngay cả làm báo, ông chỉ sống bằng nhuận bút chứ không hề dùng báo chí để làm chính trị hay “kinh doanh”. Cho nên, Phan Khôi rất thẳng thắn trong tranh biện cho dù “đối thủ” tranh biện có là quan Thượng thư Phạm Quỳnh, nhà cách mạng Hải Triều hay người có quan hệ họ hàng như Lê Dư…
Sự tranh biện của Phan Khôi không chỉ xuất phát từ tính cách con người “Quảng Nam hay cãi”; sâu xa hơn, những vấn đề tranh luận mà Phan Khôi khơi ra hoặc tham gia tranh luận trên báo chí là những vấn đề phát sinh trong đời sống văn hóa-xã hội đòi hỏi phải đặt lại cách nhìn nhận mới trong bối cảnh Việt Nam đầu thế kỷ XX mới bước đầu bước ra thế giới. Chẳng hạn, Phan Khôi lên tiếng về vai trò người phụ nữ có quyền tham gia các hoạt động xã hội, có quyền được học hành và nuôi chí tiến thủ, chủ trương phải tạo nên một môi trường sống bình đẳng cho người phụ nữ qua hàng loạt các bài viết: Văn học với nữ tánh, Chữ trinh, cái tiết và cái nết, Vấn đề giải phóng phụ nữ với nhân sinh…
Sự tranh biện của Phan Khôi không phải để triệt hạ người khác, để chứng tỏ mình giỏi hơn mà để góp phần tiệm cận, làm sáng rõ chân lí giúp cho nhận thức dư luận xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ. Đó đích thực là những việc làm của một trí thức, một người yêu nước bằng ngôn luận.
HÀM ĐAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét