Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

PHIM REMAKE: HƯỚNG ĐI CỦA THỜI ĐẠI

Năm châu cùng “remake”

Ngày nay, ở Hollywood, số lượng phim remake (phim làm lại) trong danh sách phim mới ngày càng nhiều (75 phim trong năm 2010). Phim remake hiểu theo nghĩa hẹp là làm lại phim kinh điển như The Wolfman (Người sói) (2010) làm lại bộ phim cùng tên sản xuất năm 1941. Nhưng remake hiểu theo nghĩa rộng là những phim mới sử dụng lại gần như toàn bộ chất liệu, phong cách, cấu trúc của các phim đình đám năm xưa. Đơn cử gần đây như: Public enemies (Tạm dịch: Kẻ thù quốc gia) (2009) làm lại phim Dillinger (1945), phim King Kong có những 3 phim làm năm 1933, 1976 và 2005.

Hiểu theo nghĩa rộng, có nhiều cấp độ remake khác nhau. Thông thường, người ta xem “điểm nhấn” mà bộ phim mới đã đạt được để so sánh với các phim trước. Chẳng hạn, nội dung phim Hero (Anh hùng) (2002) của đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu không làm lại một bộ phim nào song “điểm nhấn” đáng chú ý của bộ phim là kĩ thuật tự sự lại gần như copy của phim Rashomon (Cổng thành Rashomon) (1950) của Akira Kurosawa; khi sự thật của câu chuyện hoàn toàn không thể xác định do sự sai khác qua lời tự thuật của các nhân vật; nên Hero thực chất là phim remake của Rashomon. Ngược lại, câu chuyện tình lãng mạn giữa anh chàng hạ lưu Jack với quý bà Rose trong Titanic (1997) của James Cameron y chang mối tình “chị em” Isabella và Wynn trong loạt phim truyền hình Titanic (1996); nhưng Titanic của James Cameron trở nên vĩ đại làm lu mờ những phim Titanic trước đó bởi hiệu quả của kĩ xảo điện ảnh đạt đến đẳng cấp bậc thầy.

Không mấy người cho rằng phim làm tiếp (sequel) là remake cho dù diễn viên chính phim sau hoàn toàn từ phim trước nhưng mỗi tập phim có cốt truyện, kĩ thuật tự sự riêng. Các nhà sản xuất không cố định số phần cho mỗi bộ phim, nên có loạt phim về điệp viên 007 đã lên tới hàng chục bộ phim. Thường các bộ phim sequel có 3 phần (trilogy), đỉnh cao nhất có lẽ là bộ ba của đạo diễn Hong Kong Vương Gia Vệ gồm Days of being wild (Những ngày hoang dại) (1991), In the mood for love (Tâm trạng khi yêu) (2000) và 2046 (2004). Cái hay của bộ ba này là tuy nội dung và hình thức mỗi phim trái ngược nhau nhưng xét tổng thể thì thông điệp nghệ thuật, tinh thần lãng mạn bao trùm trilogy tạo nên phong cách không thể bắt chước; đến nỗi nhắc đến phim nghệ thuật của Hong Kong là nhắc đến phim của Vương Gia Vệ.

Không chỉ có những nền điện ảnh đi sau như Hàn Quốc, Hong Kong, Ấn Độ remake thường xuyên và liên tục phim Âu-Mĩ mà ngay cả “anh cả” Hollywood cũng chẳng ngại remake phim của đám “hậu sinh” như trường hợp phim The departed (Kẻ quá cố) (2006) đoạt giải phim hay nhất Oscar 2006 remake Infernal Affairs (Vô gian đạo) (2002) của Hong Kong.

Trào lưu tất yếu

Nhiều khán giả ngây thơ xem phim thỉnh thoảng thốt lên: Đạo diễn “đạo phim”! Điều này là hoàn toàn sai lầm. Khi chuẩn bị remake một bộ phim nào đó nhà sản xuất tuyên bố một cách công khai: Phim này là phim remake! Và chuyện bản quyền ở nước ngoài rất nghiêm nên chẳng bao giờ có trường hợp bị kiện vì remake.

Việc “chôm” ý tưởng thì chẳng ai cấm, phim của đạo diễn hàng đầu hiện nay có thể “gom” từ 100 phim khác nhau. Điều này xuất phát từ thực tế: mọi chất liệu, đề tài đã đã được khai thác. Kể từ kịch bản phim The hour (Những giờ khắc) (2002) làm tất cả kinh ngạc với kịch bản sử dụng kĩ thuật dòng ý thức làm đồng hiện các khoảng khắc thời gian một cách nhuần nhuyễn thì hầu như các bộ phim khác đều lặp lại các motif hay kết cấu có sẵn. Bí kịch bản nên remake là điều nghiễm nhiên. Nhưng, mặt khác, văn hóa hậu hiện đại khuyến khích sự sáng tạo lại trên chất liệu là các tác phẩm cũ như bên văn chương có khuynh hướng rewrite (viết lại). Dĩ nhiên, sáng tạo lại không có nghĩa là copy 100% mà phải có sự sáng tạo mới ở điểm nào đó. Trong điện ảnh là kĩ xảo, kĩ thuật tự sự… để một bộ phim là một chỉnh thể nghệ thuật.

Yếu tố thương mại góp phần khiến trào lưu remake là điều tất yếu. Việc thưởng thức nghệ thuật (trong đó có phim ảnh) của khán giả thường đi bị “tự động hóa” nên vài chục năm họ vẫn thích một kiểu anh hùng làm việc gì cũng giỏi và không bao giờ chết khi đọ súng để lập chiến tích như cứu người đẹp. Hễ phim về anh hùng còn hút khán giả là sẽ remake hay sequel để thu lời cho các nhà sản xuất. Ai thích làm “nhà cách mạng” sẽ phải chấp nhận “được ăn cả, ngã về không” bởi cái mới mấy ai chấp nhận ngay. Như phim Rashomon trước khi ẵm giải Sư tử vàng LHP Venice (1951) và Oscar phim nước ngoài hay nhất (1952) đã từng bị khán giả Nhật xếp là phim dở nhất trong năm do họ không hiểu nội dung phim.

Remake, sequel hay phim gốc thực ra không quan trọng. Người xem phim đòi hỏi một bộ phim phải có cái gì đó khác. Nếu không bộ phim đó coi như xem để giết thời gian chứ không thể ám ảnh người xem được. Muốn để người xem “mất ngủ” thì những người sản xuất phải là những tài năng.

Chuyện ở Việt Nam: Remake “vô thức”

Ở Việt Nam giờ cũng có phim remake. Xuất hiện ồ ạt bằng các phim sitcom như Ngôi nhà hạnh phúc, Cô gái xấu xí… dưới cái mác “phiên bản Việt Nam”, “Việt hóa”. Nguyên nhân của việc phim Việt remake có thể mất cả tháng để bàn luận từ thiếu tiền, thiếu tài, cơ chế… Nhưng, sâu xa nhất là tư duy của người làm phim “đang giậm chân tại chỗ” một cách “vô thức”. Chẳng hạn phim hài tình cảm Lấy vợ Sài Gòn (2005) là câu chuyện của anh nhà quê vụng về sống ở đô thị nhưng vô tình vớ được tiểu thư chân dài. Motif này thực ra là sự lặp lại phim Tứ quái Sài Gòn có minh tinh Thẩm Thúy Hằng đóng ở miền Nam trước năm 1975.

Hơn 30 năm, thêm hai thế hệ khán giả mới đồng nghĩa “gu” thưởng thức đã khác xa, vậy mà vẫn vô tư đem cái tư duy làm phim “xưa như Trái đất” để hòng “lấy tiền thiên hạ”. Chả trách, khán giả Việt không muốn quay lưng lại với phim Việt nhưng không thể vừa xem vừa nhặt “sạn” nên đành ùn ùn đến rạp tạo kỉ lục 1 triệu USD doanh thu bán vé cho phim Avatar.

Có người đặt ra vấn đề remake một vài phim Việt Nam trụ được theo thời. Điều này có thể làm nhưng cần thận trọng. Lấy ví dụ phim Biệt động Sài Gòn. Nếu làm lại riêng về tiết tấu phim chắc chắn chất hình sự của Biệt động Sài Gòn sẽ hay hơn hẳn nhưng ai dám chắc lớp diễn viên mới sẽ đóng thành công những nhân vật không cùng tâm thế.

Trước mắt không nên remake vì có những đề tài và cách thức biểu đạt nhiều tiềm năng chưa chạm tới. Chỉ cần trông sang khu vực châu Á, những phim của Iran, Thái Lan, Hàn Quốc… đạt giải thưởng lớn trên thế giới gần chục năm lại đây có chất liệu lấy từ đời thường và kinh phí sản xuất ngang bằng một bộ phim Việt được bao cấp không ai xem.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét