Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

HÀNH TRÌNH QUỐC CA VIỆT NAM

(Sau khi kiểm duyệt, kết luận: Bài quá nhạy cảm nên không được lên báo!:))

Nhiều bạn trẻ sinh trong thời bình, hẳn sẽ lấy làm ngạc nhiên nếu biết tác giả quốc ca Tiếng gọi công dân của Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975) lại là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước-một nhạc sĩ trọn đời đi theo lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Sự trớ trêu này không lỗi của riêng ai mà chẳng qua là hệ quả những nối tiếp các biến động chính trị ở Việt Nam trong suốt thế kỷ XX dẫn đến sự ra đời của nhiều chính quyền dẫn đến tình trạng trong một vùng lãnh thổ có nhiều bản quốc ca.

Nước Việt tiền hiện đại dưới sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cũng sử dụng âm nhạc là một phần thiết yếu của lễ giáo nhà nước. Buổi lễ quan trọng nhất được của các vương triều phong kiến cử hành là lễ tế Nam Giao. Ở đó, vua làm chủ tế làm lễ tế trời-biểu trưng chúa tể vạn vật. Thời Nguyễn, bản nhạc Đăng đàn cung được dùng cho lễ tế Nam Giao. Ngoài ra, bản nhạc cũng được dùng cho các đám rước trang trọng khác. Đăng đàn cung mang tính biểu trưng trong nghệ thuật thanh sắc Việt Nam thể hiện trước hết ở nghuyên lý đối xứng, hài hòa: không có nhịp lẻ mà chỉ có nhịp chẵn (2, 4 phách); từng câu nhạc cũng chia thành các ô chẵn một cách cân đối. Điều này tạo cho bản nhạc đều đặn, trang nghiêm khó được người hiện đại quen nghe nhạc phi cung thể tiếp nhận. Đăng đàn cung vốn không lời, thường được phường bát âm cử tấu với chủ âm từ tiếng kèn và sáo trúc theo đúng mô hình âm nhạc thời Đại Việt. Sau này, bản nhạc được đặt lời với ca từ tính hài hòa nói về sự cân bằng theo thuyết thiên mệnh: “Kìa là núi vàng bể bạc. Có sách trời, sách trời định phận…”. Đăng đàn cung được một số người Việt xem như nhạc mang tính quốc gia. Tuy nhiên, bài hát vốn mang đậm văn hóa Trung Hoa rút cục bị lãng quên như bao nhiêu nét văn hóa truyền thống phong kiến Việt Nam để nhường chỗ một thể loại nhạc phương Tây, đó là hành khúc.

Nếu nói thể loại nhạc phương Tây ảnh hưởng tới âm nhạc Việt Nam hiện đại nhiều nhất chắc chắn phải là hành khúc. Hành khúc là đoạn nhạc có nhịp đều mạnh vốn được sử dụng nhiều nhất ở các ban nhạc quân đội lúc diễu binh. Hành khúc có thể viết trên nhiều loại nhịp khác nhau nhưng phổ biến nhất là nhịp 4/4 và 2/2.

Tiếp xúc với âm nhạc của thế giới phương Tây, thế hệ “ông Tây An Nam” lẽ dĩ nhiên cảm thấy ấn tượng với các ca khúc với nhịp quân hành mạnh mẽ như La Marseillaise (Bài ca những người Marseille), La chanson du départ (Bài hát lên đường)... Những nhà cách mạng cảm thấy khí thế hào hùng sực sôi toát ra từ những bản hành khúc thúc giục họ nổi dậy chống ngoại bang. Vào năm 1930, những bài hát cách mạng như bài Rot Front (Mặt trận đỏ) của Đức, bài Bandiera rossa (Bài ca cờ đỏ) của Ý và kể cả bài La Marseillaise đã được đặt lời Việt.

Sự sáng tạo hành khúc Việt chỉ ra đời từ nhóm sinh viên miền Nam ra học ở Viện đại học Đông Dương gồm: người viết nhạc Lưu Hữu Phước và hai bạn soạn lời là Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên. Nghe những tin tức về Khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ khởi nghĩa đều trong năm 1940, “bộ ba” liền sáng tác chung bài Quốc dân hành khúc (La Marche des Étudiants) với lời tiếng Pháp của Mai Văn Bộ. Quốc dân hành khúc chịu ảnh hưởng từ các đặc điểm phong cách và giai điệu với La Marseillaise-hình mẫu của hành khúc châu Âu. Dương Đức Hiền-Chủ tịch Tổng hội sinh viên gợi ý “bộ ba” viết lời ca mới để thành bài hát chính thức cho sinh viên. Năm 1942, lời mới chính là bài hát Tiếng gọi sinh viên trở thành bài hát chính thức của Viện đại học Đông Dương và phổ biến khắp Việt Nam như một tiếng gọi yêu nước đối với lớp thanh niên.

2 năm sau, Văn Cao-nhạc sĩ mới 21 tuổi đã nổi danh với các ca khúc lãng mạn như: Trương Chi, Bến xuân, Buồn tàn thu, Thiên thai… đã âm thầm sáng tác bài hát cho Việt Minh trên căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) trong bối cảnh đồng bào của ông đang chết đói đầy đường. Khi ấy, Văn Cao không biết rõ lực lượng Việt Minh. Văn Cao chỉ chủ ý viết một bài hát giản dị sao cho những người lính Việt Minh có thể hát được. Văn Cao viết trên sự tưởng tượng cho cả đoàn quân và cho cả đất nước tương lai. Tiến quân ca của Văn Cao không khác La Marseillaise với những khung cảnh, hình ảnh của lá cờ pha máu, trở thành tiếng gọi cho nhân dân tập hợp thành quân đội với tinh thần yêu nước. Tiến quân ca nhanh chóng trở thành bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Ngày 18-8-1945, tại Hội nghị ở Tân Trào, Việt Minh là tuyên bố Tiến quân ca là quốc ca.

Trước đó một ngày, tại cuộc mít tinh trước Nhà hát Lớn Hà Nội, lễ kéo cờ triều đình và trình bày bài Đăng đàn cung diễn ra. Vài phút sau, những đội viên Việt Minh đã đã phất cờ đỏ sao vàng từ ban công nhà hát và kéo hạ cờ triều đình và chiếm lấy diễn đàn cùng micro. Những người Việt Minh khác đứng trong đám đông khán giả tổ chức hát hai bài Tiến quân ca và Diệt Phát xít.

9 ngày sau, một đoàn người Việt Nam gồm ban nhạc lính tập hợp trước doanh trại nơi đoàn đại biểu của quân đồng minh. Ban nhạc cử lần lượt quốc ca các nước đồng minh và cuối cùng là quốc ca của chính quyền mới. Theo lời kể của nhân viên OSS (tiền thân của CIA) là đại tá Archimedes Patti, chỉ huy quân đội Việt Minh là Võ Nguyên Giáp có mặt nói với ông rằng: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam lá cờ của chúng tôi được trưng trong một buổi lễ quốc tế và quốc ca của chúng tôi được chơi vì sự kính trọng đối với một vị khách nước ngoài. Tôi sẽ nhớ mãi giây phút này”.

Cùng thời gian này, Đảng Đại Việt và Quốc Dân đảng hợp nhất với nhau và vào tháng Mười Một 1945 đã quyết định lấy bài hát Việt Nam minh châu trời đông của Hùng Lân là bài đảng ca. Nhưng sự thắng thế của Việt Minh đã đưa Tiến quân ca trở thành Quốc ca vào ngày 8-11-1946. Trước đó vài tháng, một nhóm địa chủ và doanh nhân người Việt ở miền Nam thân Pháp thành lập Nam Kỳ Cộng Hoà Quốc. Một đoạn lời dịch trong tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn từ thế kỷ 18 làm quốc ca.

Ngày 6-6-1948, với sự trợ giúp của Pháp, Nguyễn Văn Xuân và Bảo Đại thành lập một chính phủ lâm thời. Cố vấn Nguyễn Tôn Hoàn-bạn đồng môn y khoa với Lưu Hữu Phước đề xuất dùng Thanh niên hành khúc với việc thay từ “công dân” cho từ “thanh niên”. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phản đối trên tờ Văn nghệ số 3 (6&7-1948) việc “chính phủ bù nhìn” dùng nhạc phẩm của ông để “buôn dân bán nước”. Năm 1956, Quốc hội Việt Nam cộng hòa đã tổ chức một cuộc thi nhằm tuyển chọn một quốc ca mới bởi vì tác giả bản quốc ca hiện tại đứng về phe Cộng sản. 30 bài hát đã được gửi đến cuộc thi nhưng bài ca của Lưu Hữu Phước vẫn là quốc ca của miền Nam Việt Nam cho đến năm 1975.

Sự phức tạp chưa dùng ở đây. Trước khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã được đề nghị viết một bài hát về một cuộc cách mạng miền Nam. Bài hát Giải phóng miền Nam được diễn lần đầu trong một buổi phát thanh trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam tháng 12-1960. Việc giữ bí mật được tuân thủ tuyệt đối đến nỗi Lưu Hữu Phước phải lấy bút danh ghi là Huỳnh Minh Siêng. Bài hát đã được gửi vào Nam ngày 19-12-1960 và nhanh chóng được công nhận đây là bài hát chính thức của Mặt trận. 9 năm sau, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam lấy bài Giải phóng miền Nam làm quốc ca của chính phủ mới.

Hai bản quốc ca tồn tại lâu nhất ở trong thế kỷ XX đã bị sửa ca từ nhiều lần. Riêng bài Tiếng gọi công dân gần 10 lần sửa, có lần không rõ người sửa là ai! Bài Tiến quân ca sửa căn bản vào tháng 9-1955. Như câu thứ bảy “Thề phanh thây uống máu quân thù” (bản năm 1944) được đổi thành “Vì nhân dân chiến đấu không sờn” để tránh hiểu lầm không đáng có về bản chất quân đội cách mạng.

Sau khi thống nhất đất nước, trên trang nhất báo Nhân dân (3-7-1976) in bài Tiến quân ca không đề tên tác giả đi cùng Nghị quyết số 5 công bố quốc ca của nước có tên mới Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bài Tiến quân ca. Nhưng vào năm 1980, điều 144 của Hiến pháp ghi: “Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Quốc hội thông qua”. Thế nên, số báo Nhân dân (28-4-1981) thông báo cuộc thi chọn quốc ca mới. Từ 19-5 đến 19-12-1981, ban tổ chức đã nhận được 1420 tác phẩm của 1181 tác giả. 74 tác phẩm được chọn qua vòng một. Sau vòng hai, chỉ còn 17 bài hát và được hoà âm, dàn dựng, thu âm ở ba dạng: đơn ca, tác phẩm nhạc không lời và đồng ca.

Sau khi 17 bài hát được chọn vào chung khảo được truyền đi khắp Việt Nam, một vòng tuyển chọn thu hẹp lại lấy 5 bài để Quốc hội bầu chọn. Từ lúc này, không có thêm đề cập nào về cuộc thi chọn quốc ca mới trên báo chí. Và cuối cùng vào năm 1992, điều 143 Hiến pháp đã phê chuẩn: “Quốc ca của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét